5 BƯỚC CHIẾN THẮNG NHỮNG SUY NGHĨ TIÊU CỰC

1. Tạo sự xao lãng

Để có thể thoát ra khỏi suy nghĩ tiêu cực, việc đầu tiên bạn cần làm chính là tạo ra sự xao lãng để bắt bản thân ngừng suy nghĩ. Ví dụ khi trong đầu bắt đầu xuất hiện các luồng suy nghĩ như: “Tại sao mình lại nhận ít thoại trong vở kịch biểu diễn trước mọi người như vậy ?” hoặc ”Mình sẽ không bao giờ được thăng chức nếu sếp không cho mình nhiều công việc hơn” hoặc “Cô ấy có nhiều thời gian rảnh hơn mình”. Hãy ngay lập tức chuyển sự chú ý của mình sang một điều khác như đọc hoặc xem một cái gì đó buồn cười hay hồi hộp, nghe một bài hát gây cảm xúc mạnh mẽ, gặp một người bạn uống trà, tập thể dục làm nhịp tim tăng lên. Hãy làm bất cứ việc gì miễn nó vô hại và có khả năng thu hút bạn. Đôi khi bạn cũng có thể ngăn việc suy nghĩ quá nhiều bằng cách đứng lên và rời khỏi chỗ ngồi.

Mặc dù sự xao lãng là giải pháp đơn giản mang tính tạm thời nhưng những cảm xúc tích cực mà nó sinh ra có thể khai sáng suy nghĩ của bạn, cụ thể là nó sẽ mở ra một quan điểm mới tích cực và khách quan hơn về những rắc rối mà bạn đang đối mặt cũng như trau dồi kỹ năng, năng lực của bạn từ tính sáng tạo, sự hòa đồng đến các kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp ích cho bạn trong tương lai. Ngay cả cảm xúc vui dâng lên thoáng qua trong bạn cũng đủ khiến cho bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực, thúc đẩy bạn tương tác với mọi người và trở nên sáng tạo hơn trong cách tiếp cận các vấn đề.

2. Tự bảo bạn thân dừng suy nghĩ tiêu cực quá nhiều

Chiến lược thứ hai là dùng kỹ thuật “dừng lại”. Bạn sẽ nghĩ, nói hoặc thậm chí hét lên với chính mình: “Dừng lại!” hay “Không!” khi bạn thấy mình lại suy nghĩ quá nhiều. Một người chia sẻ rằng cô ấy hay nghĩ về bảng “STOP” nền đỏ với dòng chữ trắng nổi bật mỗi khi các luồng suy nghĩ không hay có dấu hiện xâm lấn tâm trí. Hãy suy nghĩ về một điều gì khác như danh sách các thứ cần mua sắm hoặc địa điểm du lịch sắp tới bạn muốn đến rồi vạch ra từng bước chi tiết để có thể đến đấy. Cách này đòi hỏi bạn sử dụng sức mạnh tinh thần của mình, và nó thực sự rất hữu dụng trong nhiều tình huống.

3. Dành thời gian suy ngẫm

Suy ngẫm là một trong những cách để bạn có thể phân luồng suy nghĩ và điều chỉnh tâm trạng của mình. Mỗi ngày, hãy dành ba mươi phút vào những khoảng thời gian bạn cảm thấy tâm trí đang hoàn toàn thoải mái để trò chuyện với bản thân về những việc đã làm hoặc cần phải làm. Theo đó, khi bạn cảm thấy những suy nghĩ tiêu cực quá áp lực và giằng xé tâm trạng, bạn có thể thành thật nói với chính mình: “Tôi có thể dừng lại bây giờ, bởi vì tôi sẽ có cơ hội để suy nghĩ về điều này sau.” Có thể khi mới bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy hơi khó khăn trong việc ép mình phải ngẫm nghĩ về một chuyện nào đó. Nhưng khi làm được, bạn sẽ dần quen và nhận ra những việc làm của mình sau khi được suy nghĩ kĩ càng đã phát triển theo chiều hướng tốt hơn và ít để lại hậu quả hơn trước rất nhiều.

4. Giãi bày tâm trạng

Hãy tìm đến một người có khả năng lắng nghe, cảm thông và đáng tin cậy để chia sẻ những suy nghĩ và rắc rói của bạn. Các cuộc trò chuyện riêng tư đơn giản giữa hai người ngay lập tức sẽ giúp bạn thông suốt phần nào và xóa bớt những cảm xúc tiêu cực. Những người bạn chọn để trò chuyện cùng sẽ giúp bạn nhận thấy vấn đề của bạn hóa ra cũng không quá mức nặng nề như bạn tưởng, hoặc bạn có thể nhận ra sự vô ích của việc ghen tị khi bạn của mình có một người mẹ rất tốt tính hay thật ra cô bạn hoa khôi vốn không hề hoàn thiện như bạn lầm tưởng.

Tuy nhiên, bạn sẽ gặp phải một số khó khăn khi thực hiện chiến lược này:

-Một là bạn phải lựa chọn người bạn tâm tình thật cẩn thận. Người đó phải có khả năng suy nghĩ khách quan, không làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn hoặc kết thúc cuộc trò chuyện bằng việc trầm ngâm suy nghĩ cùng bạn.

-Hai là không nên lạm dụng cơ hội tâm tình của bạn. Nếu bạn nêu ra quá nhiều những suy nghĩ tiêu cực, bạn có thể khiến cho mọi người dễ cảm thấy chông chênh theo hoặc kiệt sức đến nỗi họ sẽ tránh xa bạn.

5. Viết lách

Viết ra những suy nghĩ của mình vốn được xem là phương pháp điều trị tinh thần rất hiệu quả. Bạn có thể viết ở bất cứ đâu từ sổ tay, đến tạp chí hay thảo văn bản trên máy tính đều được. Việc viết ra suy ngẫm của bạn có thể giúp bạn sắp xếp lại suy nghĩ, hiểu lòng hơn khi đọc lại những thứ mình vừa viết ra và quan sát những điều mà bạn trước đây bạn vẫn chưa nhận thức được. Hãy để những suy nghĩ tiêu cực được viết tràn ra trên giấy để bạn có thể bình tĩnh đọc lại và tìm ra giải pháp vượt qua khó khăn.