ĐỂ TÂN-PHÚC-ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ
Gm. Giuse Trần Xuân Tiếu
WHĐ (23.6.2020) – Để hưởng ứng công cuộc Tân-Phúc-âm hóa đời sống giáo xứ, có rất nhiều việc phải làm, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Tất cả đều cần thiết. Nhưng việc trực tiếp canh tân gia đình, giáo xứ sao cho công cuộc loan báo Tin mừng, với cung cách mới mẻ, khả thi và hiệu quả nhất, phải được coi là việc làm hết sức thiết yếu.
Xin phép được trích lại nơi đây lời dạy về Tân-Phúc-âm hóa trong Thư chung gửi Cộng đồng Dân Chúa của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Hội thánh Công giáo tại Việt Nam và công cuộc Tân Phúc-âm-hóa” (năm 2013), số 4. Trong đó, theo tinh thần của Thư chung, chúng ta có thể thích ứng để lập luận thật rõ ràng rằng: công cuộc Tân-Phúc-âm hóa được nói đến nơi đây, không phải là một hoạch định gì quá mới mẻ như thể chúng ta có một Đức Giêsu Kitô khác để loan báo; cũng không phải là một hoạch định gì quá mới mẻ như thể chúng ta có một Phúc âm mới để rao giảng. Bởi lẽ, “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).
Tuy nhiên, Thư chung rất muốn công cuộc Tân-Phúc-âm hóa phải có cái mới. Đó là: “… mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”[1].
“mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc âm”[2].
GIỚI THIỆU MÔ HÌNH THAM GIA ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
Để có thể “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả” đối với công cuộc canh tân gia đình, giáo xứ trong định hướng loan báo Tin mừng, từ những hướng dẫn của Giáo hội, tôi có thể khẳng định rằng một cơ cấu lãnh đạo nào trong Giáo hội, nếu muốn thích đáng, thì đều phải có tính cách tham gia và san sẻ trách nhiệm chung (đồng trách nhiệm) với vị mục tử.[3]
Mô hình tham gia đồng trách nhiệm là mô hình gồm những thành viên sống tích cực trong gia đình của Chúa: gia đình giáo xứ, gia đình giáo phận…
Rảo qua các hướng dẫn
Xét như là những môn học đích thực, khoa học xã hội hay tự nhiên thì các môn học nhà đạo – trong đó môn quản trị giáo xứ, gia đình giáo xứ, chiếm một vị trí thực sự quan trọng trong việc xây dựng giáo hội địa phương – quả đã là những bộ môn được không ít người yêu thích, say sưa nghiên cứu. Tuy nhiên, các môn học nhà đạo nói chung, môn quản trị giáo xứ nói riêng…
“… không chỉ là một khoa học, mà còn là một nghệ thuật. Khoa học quản trị về mục vụ cung cấp những nguyên tắc vàng trong ứng xử (đối nhân) và trong công việc (theo sự). Nghệ thuật khéo léo, uyển chuyển “nhiều hay ít” trong lãnh vực mục vụ sẽ giúp đưa những nguyên tắc vàng đến thành công trong hiện thực nhiều hay ít. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở điểm này thôi thì những hành vi đó vẫn chưa thể gọi là hành vi quản trị mục vụ – dù rằng tác nhân vẫn đang quanh quẩn trong lãnh vực mục vụ. Mục vụ quản trị và quản trị mục vụ, trước hết và trên hết, phải được nhìn trong chiều kích ân huệ, ân sủng, đặc sủng… mà Thiên Chúa tình yêu phú ban cho loài người”[4].
Thế nên, với ơn của Chúa, không chỉ có giáo sĩ mà cả tu sĩ và giáo dân đều có thể và phải tham gia vào sự lãnh đạo duy nhất trong Giáo hội, sự lãnh đạo của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành.
Công đồng Vatican II đã tận lực kêu mời tất cả các giáo dân hãy quảng đại, mau mắn đáp lại tiếng Chúa Kitô mời gọi, cũng như hưởng ứng đà thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.[5] Công đồng nhắc đi nhắc lại lời kêu mời này trong nhiều văn kiện.[6]
Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam actuositatem) viết: “… các Kitô hữu giáo dân giữ một phận vụ cá biệt và thiết yếu trong sứ mệnh của Giáo hội”.[7] Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes) lên tiếng khẳng định:
“Giữa những phận vụ sinh động cần được thi hành trong đời sống Giáo hội toàn thể, không những người giáo dân có sứ mạng đưa tinh thần Kitô giáo thấm đượm vào trong thế giới, mà còn được kêu gọi để làm chứng cho Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh, ngay giữa lòng cộng đoàn nhân loại”[8].
Tông huấn Kitô hữu giáo dân còn đưa ra nhận định rất hay là: việc giáo dân được tham gia vào các hội đồng cố vấn sẽ thực sự giúp cho tiến trình phục vụ, tham khảo…
“… cũng như nguyên tắc hợp tác mà trong một số trường hợp có thể bao gồm cả những thể thức để lấy quyết định được áp dụng cách rộng rãi và kiên định hơn”[9].
Việc giáo dân tham gia như thế còn giúp chính giáo dân ý thức rõ ràng Giáo hội là tất cả dân Chúa chứ không phải là của riêng các giáo sĩ, và cũng giúp một số giáo sĩ biết tránh thái độ cư xử kiểu “chủ nhân ông”. Bởi thật ra, các ngài cũng chỉ là những người phục vụ trong cương vị quản lý.
Mọi Kitô hữu – giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân – cần ý thức rằng, nếu biết trân trọng đủ những thiện chí và tài năng của giáo dân thì những bổn phận, tác vụ chăm lo cho các linh hồn và quản lý tài sản của Giáo hội sẽ trở nên dễ dàng và hữu hiệu hơn rất nhiều.
Chính vì vậy mà Tông huấn Kitô hữu giáo dân, thành quả của Thượng Hội đồng Giám mục năm 1987, đã được coi là hiến chương của giáo dân. Bởi lẽ, một cách lý tưởng, những người đã lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo và sống tinh thần của các bí tích này – một cách cơ bản hoặc tối thiểu: những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy – là những người đứng ở mặt trận tiền phong trong đời sống của Giáo hội. Nhờ các vị này,
“Giáo hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người. Vì thế, chính họ phải ý thức ngày càng rõ rệt là họ không những thuộc về Giáo hội mà là Giáo hội, nghĩa là cộng đồng các tín hữu trên mặt đất, dưới sự hướng dẫn của vị thủ lãnh chung là đức giáo hoàng và các giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo hội”[10].
Để chu toàn sứ mệnh “những người đứng ở mặt trận tiền phong”, trước hết giáo dân phải thực sự nên thánh theo ơn gọi và thể cách riêng của mình, phải biết sống hiệp thông với Giáo hội và áp dụng những ân huệ của Thánh Thần để phụng sự Giáo hội Chúa và phục vụ mọi người. Trong việc xây dựng sự hiệp thông trong Giáo hội, điều hiển nhiên cần quan tâm xây dựng là tích cực củng cố, bồi đắp vào sự hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo hội, trong dân Chúa theo mọi chiều kích khả dĩ. Thật vậy, Giáo hội là của mọi người tín hữu…
“… nên mọi thành phần trong Giáo Hội đều phải liên kết với nhau và cùng chia sẻ trách nhiệm. Vẫn biết không dễ gì hiện thực ngay được ý thức đó trong đời sống, thế nhưng, đây lại chính là điều cần làm ngay”[11].
Trong một môi trường như thế, các Kitô hữu sẽ dễ cảm nhận cách sống động hơn: mình thực sự là phần tử của Giáo hội. Nhờ thế, ai nấy đều có thể coi công việc của Giáo hội nói chung, giáo phận và giáo xứ của mình nói riêng, là công việc của chính bản thân mình. Và vì vậy, trên cơ sở giáo luật, Kitô hữu giáo dân cần tham gia vào việc điều hành giáo xứ cách thích đáng nhất có thể.
Mà thật thế, vì một giáo xứ luôn có địa bàn mục vụ và cộng đoàn mục vụ với các đơn vị cơ bản là giáo họ, giáo khu,[12] liên gia,[13] gia đình… nên chính người giáo dân thuộc các địa bàn này phải tự ý thức tham gia cách tích cực hoặc được mời gọi tham gia trước nhất vào việc điều hành giáo xứ của mình. Để thống nhất, động viên, hướng dẫn đời sống đức tin của cộng đoàn giáo xứ, việc tổ chức và điều hành mục vụ tại giáo xứ cần dựa trên những định hướng rõ rệt qua các hội đồng, hội đoàn, các ban chuyên trách mà tuyệt đại đa số các thành viên chính là những giáo dân.
Trong khi đó, giáo luật cũng nói rất rõ về vai trò của vị linh mục chánh xứ, chủ chăn riêng của giáo xứ. Linh mục chánh xứ là:
“Chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của giám mục giáo phận, vì được gọi thông phần với giám mục vào tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục khác hoặc với các phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo quy tắc luật định”[14].
Thật vậy, Huấn thị về một số vấn đề liên quan đến sự hợp tác của các tín hữu không có chức thánh vào tác vụ của các linh mục cũng đã được ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1997, nhằm giúp thăng tiến sự hợp tác lãnh đạo trong hội đồng, hội đoàn giáo xứ.[15]
Huấn thị này là một bước tiến trong quá trình thực hiện lời Công đồng Vatican II mời gọi canh tân Giáo hội bằng sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn của giáo dân vào những công tác mục vụ phong phú, đặc biệt là lãnh đạo mục vụ.[16]
Thế nên, khi luận bàn về vai trò quản trị (hay đúng hơn là hoạt động lãnh đạo mục vụ) của vị mục tử, tiến sĩ Manickavasagam[17] đã ví vị mục tử giống như “… người điều khiển một dàn nhạc giao hưởng. Ngài không cần phải biết chơi từng nhạc cụ. Tuy nhiên, ngài phải biết khi nào có những thanh âm chỏi ra…”[18].
Vậy các nhạc công là ai, nếu không phải là những tín hữu, cách riêng những Kitô hữu giáo dân, những người đã, đang và sẽ sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau để tham gia hòa tấu bài ca đức ái Kitô giáo. Giáo dân là những thành viên không thể thiếu; họ cần tích cực tham gia vào dàn nhạc quản trị giáo xứ.
Tham gia vào việc quản trị giáo xứ
Trong chiều kích Giáo hội là thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô, mọi Kitô hữu, giáo dân hay giáo sĩ, đều có thể tham gia vào sự lãnh đạo duy nhất của Chúa Kitô, Đấng là Đầu của thân mình mầu nhiệm đó. Chính Ngài là Đường, là Sự thật, và là Sự sống cho những ai muốn đến cùng Thiên Chúa Cha. Thật vậy, thánh Tôma đã từng thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”,[19] và chính Chúa Giêsu đã trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy…” (Ga 14,6-7).
Với ý thức rằng giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong giáo hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho một linh mục làm chủ chăn riêng, dưới quyền của giám mục giáo phận,[20] người giáo dân càng có bổn phận phải cùng với vị chủ chăn riêng của mình mà tham gia tích cực vào việc quản trị giáo xứ. Do bí tích Thánh tẩy và bí tích Thêm sức, các Kitô hữu giáo dân cũng được Thiên Chúa sai đi làm việc tông đồ. Thật vậy, tín hữu giáo dân…
“… hoặc đứng riêng rẽ từng người hoặc tập họp trong các đoàn thể, có nghĩa vụ chung và quyền lợi phải ra sức làm cho mọi người trên khắp hoàn cầu hiểu biết và đón nhận Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa; nghĩa vụ này còn cấp bách hơn trong những trường hợp mà chỉ nhờ họ người ta mới có thể nghe Tin mừng và nhận biết Đức Kitô”[21].
Nghĩa là, theo địa vị riêng trong môi trường sống của mình, các Kitô hữu giáo dân còn có nhiệm vụ đặc biệt là làm cho trật tự các thực tại trần thế thấm nhuần tinh thần Phúc âm. Thật vậy, tín hữu giáo dân có bổn phận và cũng là ưu thế để “… làm chứng cho Đức Kitô cách đặc biệt trong việc điều hành những thực tại trên và trong việc thi hành những nghĩa vụ trần thế”[22].
Tại những nơi thiếu linh mục, chính người giáo dân điều khiển việc cử hành phụng vụ lời Chúa, làm thừa tác viên Thánh Thể, thừa tác viên bí tích Thánh tẩy, bí tích Hôn phối, tuyên úy bệnh viện, nhà tù.[23]
Trong các hội đồng, hội đoàn thuộc giáo xứ, người giáo dân tích cực sống ơn gọi làm người Kitô hữu giáo dân của mình, góp phần điều hành giáo xứ, đồng cảm, chia sẻ, nâng đỡ nhau… nâng cao trình độ phục vụ, giúp nhau thực hiện những công tác mục vụ như: thăm bệnh nhân, tiếp xúc với anh chị em tôn giáo bạn, ủy lạo người nghèo, nâng đỡ người khô khan yếu đuối, bảo trì, tu dưỡng, làm vệ sinh những nơi thờ phượng, giữ xe cho người tham dự thánh lễ…[24] Những việc làm đầy ý thức như thế, trong cái nhìn của thần học về giáo hội địa phương, đã thực sự đưa người giáo dân vào vai trò lãnh đạo hợp tác.
“Những hiện thân hay những thể hiện địa phương này xây dựng nên Giáo hội từ phía hạ tầng. Họ được liên kết với Giáo hội rộng lớn hơn qua sự hiện diện phẩm trật và việc bổ nhiệm các mục tử, nhưng tự thân họ chính là dân thánh của Thiên Chúa (plebs sancta), một cộng đoàn bao gồm cả linh mục và giáo dân”[25].
Tương quan trong việc lãnh đạo giáo xứ
Một trong những tương quan rất tế nhị giữa giáo dân và giáo sĩ thường bị hiểu sai: mối tương quan giữa ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và vị linh mục chính xứ của họ. Hay nói sát hơn, mối tương quan giữa cha xứ và ông hoặc bà chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ thường không được hiểu cho đến nơi đến chốn.
Thật ra, nhiệm vụ của linh mục chính xứ là: “… chủ chăn riêng của giáo xứ”, chịu trách nhiệm hướng dẫn tinh thần và sinh hoạt mục vụ của giáo xứ. Theo đó, linh mục chính xứ:[26]
● nên mời linh mục phụ tá và đại diện các tu sĩ tham gia vào sinh hoạt của hội đồng mục vụ giáo xứ;[27]
● phải là người chủ trì và chịu trách nhiệm về các phiên họp, các cuộc sinh hoạt của hội đồng mục vụ giáo xứ (khi vắng mặt, có thể ủy nhiệm cho linh mục phụ tá hoặc cho vị chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ);[28]
● cần tạo bầu khí đối thoại, trợ lực, hiệp thông và hợp tác lành mạnh: “thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ, bác ái trong mọi sự”;[29] tiếp nhận, duyệt xét và phê chuẩn những kiến nghị được đa số các thành viên tán thành (tôn trọng đúng mức tính tư vấn của hội đồng mục vụ giáo xứ);[30]
● hãy lo liệu việc huấn luyện và bồi dưỡng cho các thành viên hội đồng, hội đoàn trong giáo xứ về phương diện thiêng liêng, nhân bản, chuyên môn nhằm nâng cao năng lực phục vụ và làm việc tập thể; nhờ đó, góp phần hoàn thành sứ mệnh yêu thương và phục vụ;
● nên chuyển dần sự lãnh đạo và điều hành của mình trong tư cách là chủ chăn riêng của giáo xứ được giám mục giáo phận trao phó:[31] từ truyền lệnh sang chỉ dẫn, kế tiếp là trợ lực, sau cùng là ủy thác nhằm tạo nhiều thuận lợi cho các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ, để các vị ngày càng có thể chủ động và tích cực hơn trong việc góp phần xây dựng giáo xứ.[32]
Trong khi đó, ngoài nhiệm vụ chung của ban thường vụ,[33] vị chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ là người cùng với linh mục chính xứ và dưới sự hướng dẫn của ngài mà:
● chịu trách nhiệm chung về hội đồng mục vụ giáo xứ trong việc lãnh đạo và điều hành, hoạch định chương trình mục vụ… để giáo xứ được thăng tiến trong chính sứ vụ của giáo xứ;
● quán xuyến cách tổng quát mọi sinh hoạt mục vụ, động viên cộng đoàn giáo xứ, cách riêng các thành viên hội đồng mục vụ, nhất là các thành viên ban thường vụ, nhằm tạo bầu khí đối thoại, hiệp thông, hợp tác lành mạnh…;
● khi được uỷ nhiệm của linh mục chính xứ, chủ trì các phiên họp của hội đồng mục vụ giáo xứ, các buổi sinh hoạt của ban thường vụ;
● thay mặt cho cộng đoàn giáo xứ trong những trường hợp được ủy nhiệm, nhưng không có quyền đồng thuận những gì trái nghịch quyền lợi của giáo xứ.[34]
Và vì hiểu không đúng, chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” vẫn hay xảy ra, thay vì cùng nhau hòa tấu, thay vì cùng nhau hợp tác lãnh đạo, thay vì cùng nhau làm thể hiện giáo xứ… để giáo xứ làm hiện hữu Giáo hội toàn cầu. Các giáo xứ… “thể hiện”, làm hiện hữu Giáo hội toàn cầu. Các giáo xứ hiện thực hoá Giáo hội, đặc biệt khi tín hữu đoàn cùng với vị mục tử của mình cử hành bí tích Thánh Thể vào ngày Chúa nhật.[35]
Từ một góc nhìn căn bản mà nói, vị chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ có thể được phép điều hành các buổi họp của hội đồng mục vụ giáo xứ; trong khi đó, vị linh mục chính xứ mới là người chủ tọa các buổi họp của hội đồng, và chính ngài mới có quyền triệu tập các buổi họp.[36]
Thế nhưng, tại một số giáo xứ, nơi các vị mục tử thường được đặt lên đài cao và “nền văn hóa nể trọng” tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến dân chúng, đôi khi tổ chức giáo xứ vẫn được coi như một “chế độ độc tài thiện tâm”.[37] Điều này hàm ý rằng cách tổ chức ấy có thể phục vụ tốt về mặt truyền thống, nhưng lại có vẻ không thích hợp dưới con mắt của giáo dân ngày nay.
Do đó, theo giáo huấn của Giáo hội, việc đề xuất mô hình tham gia đồng trách nhiệm là rất thích hợp đối với việc lãnh đạo giáo xứ, là hữu dụng một cách cần thiết. Tin tưởng vào sự hiện diện của Thiên Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, đề xuất này sẽ nêu ra những quan điểm về mô hình lý tưởng của một giáo xứ.[38]
Mô hình tham gia đồng trách nhiệm muốn: (1) chứng tỏ sự cần thiết phải giao các trách nhiệm giáo luật và mục vụ vào tay vị mục tử, trong khi chia sẻ (tối đa có thể) quyền hạn cho các hội đồng và các hội đoàn trong giáo xứ; (2) tập trung giáo xứ vào công tác mục vụ với những chủ điểm Thánh kinh đặc biệt liên quan đến trách vụ của vị mục tử; (3) đưa ra một cách hiểu tốt hơn về các cơ hội phục vụ nhằm cổ võ giáo dân tham gia thích đáng vào các hoạt động giáo xứ; và (4) củng cố hội đồng mục vụ giáo xứ bằng sự tham dự của đại diện mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là sự tích cực tham gia của mọi hội đồng, hội đoàn trong giáo xứ với tinh thần đồng trách nhiệm.
Trách nhiệm giáo luật và mục vụ
Trong một tổ chức có phẩm trật như Giáo hội Công giáo, ta có thể nhận ra một số yếu tố của sự tham gia dân chủ. Mô hình tham gia đồng trách nhiệm (cơ cấu dân chủ theo Giáo hội) sau đây có những ưu điểm so với ba cơ cấu: cơ cấu chuyên quyền, tức “mô hình kim tự tháp”;[39] cơ cấu quy hợp, tức “mô hình quá dân chủ”;[40] và cơ cấu cộng đồng, tức “mô hình dân chủ thế tục”.[41]
Mối tương giao căn bản giữa vị mục tử với mọi thành viên trong giáo xứ, chủ yếu được kiến tạo qua các hội đồng, hội đoàn giáo xứ, sẽ được hiện thực hóa trong mô hình tham gia đồng trách nhiệm.
Cơ cấu chuyên quyền
Cơ cấu chuyên quyền, cơ cấu mang tính cách truyền thống nhất trong ba cơ cấu nói trên, không phải lúc nào cũng hàm chỉ sự độc đoán mặc dù người ta dễ dàng nhận thấy cơ cấu chuyên quyền hợp với việc quản trị hơn là việc lãnh đạo.
“Quản trị là thực hiện những hoạt động và nắm vững các thông lệ, trong khi lãnh đạo là gây ảnh hưởng lên người khác và tạo ra những lối nhìn hướng đến sự thay đổi”[42].
Cơ cấu này không phải lúc nào cũng tạo ra tình trạng lãnh đạm và não trạng “độc đoán-chuyên quyền” kiểu “tôi-nó” trong một giáo xứ. Hội đồng Giáo xứ và lãnh đạo các hội đoàn, đặc biệt là vị mục tử, duyệt xét các vấn đề hay các vụ việc được trình bày và đưa ra quyết định riêng.[43] Các thành viên trong các hội đồng, hội đoàn giáo xứ sẽ phải thực hiện những nhiệm vụ cần thiết như đã được các vị lãnh đạo của họ ấn định.
Thật ra, cơ cấu chuyên quyền rất hiệu quả trong những cộng đồng sống theo truyền thống; kính trọng và vâng nghe vị lãnh đạo xét vì địa vị của ngài và vì truyền thống. Đó là một nét đặc trưng của “nền văn hóa nể trọng”.[44] Tức là những luật lệ của cộng đồng được truyền lại và được chấp nhận như tập tục. Các vai trò được định sẵn từ trước. Loại hình lãnh đạo này vẫn có thể có chiều kích thiết yếu trong công tác mục vụ và không nên bị coi thường.
Tuy nhiên, trong một cộng đồng như thế, thành công phần nhiều tùy thuộc vào trách nhiệm của người lãnh đạo. Ngài chỉ thành công nếu như may mắn có được một tầm nhìn tinh tường và vạch ra được một sứ mệnh rõ ràng cho giáo xứ. Châm ngôn “Ở đâu không thấy, ở đấy người ta chết” xem ra rất đúng cho cơ cấu này, tức là cơ cấu kim tự tháp.[45]
Cơ cấu quy hợp
Cơ cấu quy hợp có sự khác biệt rất lớn so với cơ cấu kim tự tháp ở trên. Trong mọi hình thức của cơ cấu này luôn có yếu tố hợp tác lãnh đạo. Dường như cơ cấu này dành cho các phần tử một tiếng nói lớn hơn tiếng nói của vị mục tử; đề xuất của vị mục tử và của các người lãnh đạo các hội đồng, hội đoàn thường có trọng lượng tương đương như nhau. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp này, nếu như vị mục tử có tài năng xứng hợp cũng như nhiều kinh nghiệm, sự lãnh đạo của ngài sẽ ít gặp nguy cơ bị thách thức.
Như thế, trong một cộng đồng giáo xứ có cơ cấu quy hợp, khả năng cùng với kinh nghiệm sống của vị mục tử là điều rất quan trọng, không những vì vị trí lãnh đạo của ngài mà còn vì tính hiệu quả của các hoạt động của giáo xứ nữa.
Do đó, cơ cấu này cũng có những thuận lợi và bất lợi. Chẳng hạn, một trong những thuận lợi là các quyết định được thông qua bằng sự đồng thuận nhờ đối thoại và dung hòa cho đến khi đạt được một giải pháp khả thi.[46] Vị mục tử của một giáo xứ có thể nhận thấy cơ cấu quy hợp thực ra là một hình thức cùng hoạt động “cách dân chủ”.
Còn điểm bất lợi là ý kiến của tất cả các thành viên liên quan đến mọi vấn đề thông thường sẽ không được cứu xét kịp thời cách hiệu quả và thực tế. Phải mất quá nhiều thời giờ và sức lực cho các buổi họp, chẳng còn lại bao nhiêu để thể nghiệm các công việc thực sự.
Ngoài ra, việc phối hợp các tác vụ khác nhau sẽ rất khó khăn vì ai nấy hoạt động “độc lập”. Hơn nữa, chỉ vị mục tử nào có tài lãnh đạo và có thể hướng dẫn thành công vấn đề tinh thần bằng gương sáng mới có thể hoạt động trong một giáo xứ có cơ cấu quy hợp. Mô hình này có thể được gọi là một mô hình quá dân chủ.
Cơ cấu cộng đồng
Một giáo xứ với cơ cấu cộng đồng, ban đầu, có thể được nhìn nhận như một đoàn dân được Thiên Chúa tuyển chọn cách “nhưng không”, như một cộng đồng đức tin đích thực trong một Thánh Thần, một đức tin, một phép rửa.[47] Những người đề xướng cơ cấu này tin rằng không thể nào điều hành một giáo xứ như một công ty hoặc như một thể chế dân chủ.
Cơ cấu cộng đồng sẽ sinh hiệu quả trong điều kiện vị mục tử được tôn kính như người đại diện đích thực của Chúa Kitô. Mục tử và giáo dân phải tôn trọng vị trí của mỗi người trong cộng đồng đã được Thiên Chúa ban. Mục đích của họ là hoạt động cho Thiên Chúa và nước của Ngài nhờ mọi người trong cộng đồng. Là Đức Kitô khác (Alter Christus), vị mục tử phải tỏ ra tinh tế trước những nhu cầu của dân chúng.
Cơ cấu cộng đồng đòi phải có sự lãnh đạo mục vụ và liên hệ hỗ tương giữa các thành phần dân Chúa, các hội đồng, hội đoàn giáo xứ. Giáo xứ cần sự hỗ trợ của nhiều khả năng, tài lực và phục vụ khác nhau của giáo dân trong giáo xứ, nam cũng như nữ, để hoạt động theo một kế hoạch chung. Như thế hoạt động của nhiều người phải được điều phối bởi sự liên lạc cởi mở giữa vị mục tử với các thành viên của các hội đồng, hội đoàn giáo xứ. Trong quá trình phân định tại các cuộc họp của hội đồng, hội đoàn… vị mục tử tham gia các cuộc thảo luận không những như một thành viên, mà hơn thế, còn như một người có quyền phê chuẩn, “đồng thuận” với các quyết định được đưa ra trong những phiên họp ấy.[48]
Trong cơ cấu này, vị mục tử cần thấu hiểu các nhu cầu của giáo xứ để có thể giữ gìn sự hiệp thông đúng mức với giáo phận, sao cho giáo xứ tự nhận thức là một cộng đồng nhỏ bé và tùy thuộc trong giáo hội lớn hơn và độc lập hơn (giáo phận), và cả với Giáo hội phổ quát.[49] Vị mục tử cần có sự khôn ngoan và ân sủng nhiều hơn các người lãnh đạo khác. Ngài phải biết cách làm việc với những người có tâm tánh dị biệt và không có cùng hoàn cảnh như nhau.
Cả ba cơ cấu đều không hoàn hảo
Trên lý thuyết lẫn thực hành, những kết quả thuộc lãnh vực mục vụ trong ba cơ cấu trên đều không thể hoàn hảo, không thể hoàn toàn chắc chắn như lẽ thường giáo huấn Giáo hội trông đợi.
Cơ cấu chuyên quyền hình kim tự tháp không bao giờ có thể là mô hình tốt nhất đối với một giáo xứ, xét như một cộng đồng, nơi mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
Về tính hiệu quả cho các hoạt động giáo xứ, cơ cấu quy hợp cũng chẳng phải là một mô hình phù hợp lắm đối với cộng đồng. Để có thể đưa ra một quyết định cần có sự đồng thuận, cơ cấu này sẽ đòi hỏi quá nhiều thời gian cho hội họp.
Cơ cấu cộng đồng cũng không thể là mô hình hoàn toàn lý tưởng đối với một giáo xứ, trừ phi mọi người không những tích cực tham gia xây dựng giáo xứ mà còn biết rõ tầm quan trọng về địa vị của vị mục tử và vì sao lại cần đến ngài. Hơn nữa, cơ cấu này cũng đòi vị mục tử phải có sự khôn ngoan và ân sủng nhiều hơn các người lãnh đạo khác để có thể sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ của nhiều tài năng khác.
Vì thế, cần thiết phải tìm kiếm một cơ cấu phù hợp hơn cho tổ chức giáo xứ như một cộng đoàn đức tin đích thực. Cơ cấu này phải: (1) “dân chủ”, (2) hợp tác, và (3) lấy vị mục tử làm tâm điểm.
Tìm một mô hình từ ba cơ cấu nêu trên
Từ việc nghiên cứu ba cơ cấu trên: cơ cấu chuyên quyền (mô hình kim tự tháp), cơ cấu quy hợp (mô hình quá dân chủ), và cơ cấu cộng đồng (mô hình dân chủ trần thế), ta có thể thấy nhiệm vụ quan trọng của vị mục tử lẫn giáo dân là phải làm thăng tiến giáo xứ của mình như một tổ chức sao cho giáo xứ có thể được hưởng bầu khí “dân chủ” nhiều nhất trong khi vẫn hiệu quả và mang tính hợp tác trong bản tính phẩm trật của Giáo hội.
Sau đây là đề nghị về một mô hình, được gọi là “mô hình tham gia đồng trách nhiệm”, cho tổ chức giáo xứ. Mô hình này có đặc điểm độc đáo là giữ lại những trách vụ giáo luật và mục vụ trong tay vị mục tử, trong khi chia sẻ quyền hạn tối đa cho các đại diện thuộc các hội đồng, hội đoàn giáo xứ, tức là vào tay giáo dân.
Như thế, sự căng thẳng có thể có giữa vị mục tử với những vị chủ tịch, những vị trưởng hoặc những thành viên thuộc các hội đồng, hội đoàn có thể giảm xuống đến mức tối thiểu. Mặc dù đặc ân “tác vụ bí tích” không miễn trừ cho vị mục tử khỏi phải ân cần luyện tập các kỹ năng lãnh đạo (điều hành), nhưng mô hình tham gia đồng trách nhiệm thể hiện một hình thức dân chủ của Giáo hội và nhìn nhận trách nhiệm đặc biệt của vị mục tử trong mọi hoạt động mục vụ.
Thật vậy, các điều khoản 515 §1 và 519 của giáo luật đã giải thích những trách nhiệm của vị mục tử như người lãnh đạo tinh thần của một giáo xứ. Giám mục giáo phận ủy thác giáo xứ ấy cho ngài như vị mục tử riêng. Với những trách nhiệm được giáo luật và quy chế của giáo phận ban cho, vị mục tử phải là người chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc lãnh đạo mục vụ trong giáo xứ của ngài. Ngài là người:
● cử hành bí tích Thánh tẩy;
● cử hành bí tích Thêm sức cho những người đang nguy tử, theo quy tắc của điều 883, số 3;
● ban Của Ăn Đàng và cử hành bí tích xức dầu, tuy vẫn tôn trọng quy tắc của điều 1003, triệt 2 và 3; và ban phép lành Tòa thánh cho các bệnh nhân;
● chứng giám Hôn phối và làm phép cưới;
● cử hành lễ nghi an táng;
● làm phép giếng rửa tội trong mùa Phục Sinh, chủ sự các cuộc rước ngoài thánh đường, ban phép lành trọng thể ngoài thánh đường;
● cử hành thánh lễ cách trọng thể hơn trong các Chúa nhật và các ngày lễ buộc.[50]
Có thể nói chắc chắn rằng mô hình tham gia đồng trách nhiệm là một cơ cấu thích hợp cho các giáo xứ khi giáo huấn của Giáo hội về “giáo xứ là gia đình của Chúa” được hiểu đúng, và dĩ nhiên, cả khi các vị mục tử biết sống theo mẫu gương Mục Tử tuyệt vời của chính Chúa Kitô:
“Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách là những thầy dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo hội; làm như thế, giáo dân đã theo gương Chúa Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người”[51].
Với mô hình tham gia đồng trách nhiệm, giáo dân được mời gọi cầu nguyện cho các vị lãnh đạo của mình, phó dâng các ngài cho Thiên Chúa để các ngài hoan hỉ thi hành nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ.[52] Giáo dân cũng rất cần phải thường xuyên cầu nguyện cho nhau, để mọi người có thể thực sự sẵn sàng tham gia cách tích cực vào công việc chung. Đó phải là một sự tham gia tích cực, chân thành… và luôn gắn bó chặt chẽ với vị mục tử là chủ chăn riêng của mình.
“Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm theo sáng kiến của họ. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Kitô, những kế hoạch, thỉnh cầu, và khát vọng của họ (x. 1Tx 5,19 và 1Ga 4,1).
Đàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế”[53].
Để hướng giáo xứ tập trung vào công tác mục vụ, vào sứ mệnh của giáo xứ, thành viên các hội đồng, hội đoàn giáo xứ của mô hình tham gia đồng trách nhiệm sẽ phải nhận định xem hình thức phục vụ nào hay sự thay đổi nào là thực sự cần thiết. Hiểu rõ những bổn phận và trách vụ của mình, với sự đặc biệt coi trọng việc tham gia đầy đủ vào các hoạt động của giáo xứ, họ cần quán xuyến những gì được giao phó, dưới quyền của vị mục tử – người sẵn sàng chia sẻ quyền hạn cho họ.
Vị mục tử trong mô hình này nên cố gắng làm các việc đúng hơn là làm đúng cách.[54] Thật ra, là mục tử riêng, ngài được mong đợi không chỉ làm các việc đúng mà còn làm các việc cho đúng cách nữa. Ngài thi hành tác vụ của mình theo gương Chúa Giêsu:
“Chủ chăn tốt chính là Ta! Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta biết Ta, như Cha biết Ta, và Ta biết Cha và Ta thí mạng sống Ta vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác nữa, không thuộc ràn này; các con chiên ấy, Ta cũng phải chăn dắt, và chúng sẽ nghe tiếng Ta; và sẽ thành một đàn chiên, một chủ chiên” (Ga 10,14-16).
THAY LỜI KẾT
Chính trong sự chung sức chung lòng “chăm lo cho các linh hồn và quản lý tài sản của Giáo hội mà bất cứ mô hình quản trị nào – cách riêng mô hình tham gia đồng trách nhiệm – với tính chất tham gia và đồng trách nhiệm của mô hình, mới có sự hài hòa cần thiết để hưởng ứng công cuộc “… Tân-Phúc-âm hóa đời sống giáo xứ. Tuy nhiên, bởi ta không thể quên rằng: … mọi ơn cứu độ chỉ có thể xuất phát từ Chúa Kitô là Đầu và qua Thân Thể Người là Giáo hội”.[55] Theo đó, để thực sự gọi là tham gia cách mạnh mẽ và góp phần hiệu quả to lớn hơn trong việc xây dựng Giáo hội, với ước muốn mưu cầu ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô là Đầu đã thiết lập cho toàn thân, thì tính chất “đồng trách nhiệm” là cụm từ hết sức cần thiết, để nhắc ta quy hướng mọi sự vào Vị Mục Tử Tối Cao là Đức Giêsu Kitô. Với tinh thần đó, mô hình tham gia đồng trách nhiệm trong các hội đồng, hội đoàn mời gọi sự tham gia cách thiết thực và góp phần cách hiệu quả trong việc xây dựng sự hiệp thông, hiệp nhất trong các hội đồng, hội đoàn của “giáo xứ là gia đình của Chúa”. Vậy để:
“… thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình (giáo xứ) mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng”[56].
Với bài chia sẻ này về mô hình tham gia đồng trách nhiệm, ta hãy thêm hai từ “giáo xứ” vào ngay sau hai từ “gia đình” để có công cuộc Tân-Phúc-âm hóa đời sống giáo xứ một cách mới mẻ: “… xây dựng gia đình (giáo xứ) mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng”.[57]
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 90 (tháng 9 & 10 năm 2015)