Thư Mục vụ của Đức Cha Giuse Võ Đức Minh: Giáo phận Nha Trang hướng tới kỷ niệm 350 năm…
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (Luca 1, 50)
Kính gửi: Đức Ông Tổng đại diện,
Cha Giám đốc Đại chủng viện, Quý cha Đại diện Giám mục,
Quý cha Quản Hạt, Quý Cha, quý Phó tế,
Quý Bề trên Tổng phụ trách các Hội Dòng, Quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh
Và toàn thể Anh Chị Em trong đại gia đình Giáo phận Nha Trang thân mến,
Năm nay, Giáo phận Nha Trang chúng ta hiệp ý dâng lời tạ ơn Thiên Chúa một cách đặc biệt hướng tới kỷ niệm 350 năm Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Giám mục Đại diện Tông Tòa ở Đàng Trong và Giám quản Tông Tòa ở Đàng Ngoài đặt chân đến phần đất Nha Trang. Ngài là vị Giám mục đầu tiên, Đấng kế vị các Thánh Tông đồ, đến Nha Trang, nơi chúng ta đang sinh sống. Chính ngài đã xây dựng nền móng cho Giáo hội của Chúa tại Việt Nam: Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong. Và cũng chính ngài đã thiết lập Hội Dòng Mến Thánh Giá, một Hội Dòng đồng hành với sứ vụ tông đồ của Giáo hội Việt Nam xuyên suốt dòng lịch sử 350 năm.
Nhớ lại hồng ân nầy, cách đây đúng 50 năm, Đấng Đáng kính Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khi còn là Giám mục Giáo phận Nha Trang, trong thư luân lưu năm 1971, nhân kỷ niệm 300 năm dấu ấn lịch sử nầy, đã viết:
“…lúc trời tối, giáo dân đã đến rước Đức cha đi võng; các Cha đi bộ lặng lẽ, từ bờ biển về Chợ Mới bằng an, đêm mồng 1 tháng 9 năm 1671… Chúa Quan phòng đã khấng chọn 1 chỗ khó nghèo trong Miền Nam: đất Nha Trang, Địa phận nhà chúng ta để đón tiếp Đức Giám Mục đầu tiên, nơi một Giáo xứ khiêm tốn, thời ấy còn gần biển, đó là Giáo xứ Chợ Mới… Thật là giây phút cảm động, giây phút hạnh phúc, giây phút lịch sử, giáo dân kéo nhau đến viếng thăm Đức cha và xin người chúc lành. Các cha ngồi tòa giải tội, Đức cha thêm sức cho 200 trẻ em và ít người lớn. Mọi người sốt sắng một ý một lòng như đời các Thánh Tông đồ vậy “.
Đức cha Lambert lưu trú một thời gian ngắn tại Chợ Mới (Nha Trang), đã đi thăm Hà Dừa, Ninh Hòa (Gò Muồng), rồi ra Hội An họp Công đồng Đàng Trong lần thứ nhất vào năm 1672. Thời bấy giờ, ở Khánh Hòa đã có những Giáo xứ: Lâm Tuyền (Chợ Mới), Hà Dừa (Cây Vông), Võ Cang (Bình Cang), Ninh Hòa (Gò Muồng).
Chính Đức Phanxicô Xaviê kết luận lá thư luân lưu “kỷ niệm Ba trăm năm” như sau:
“Hãy nhìn quá khứ với tất cả lòng khâm phục tạ ơn,
Hãy nhìn hiện tại với tất cả ý chí tìm kiếm không ngừng,
Hãy nhìn tương lai với tâm hồn hăng say tin tưởng “.
Riêng phần tôi, bước vào năm thứ 50 của đời Linh mục (24.4.1971) và gần 15 năm là Giám mục (2005) được Đức Thánh cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm và sai đến Giáo phận Nha Trang thân yêu nầy để đồng hành, phục vụ và yêu thương anh chị em.
Khi trở về nguồn, nhìn về quá khứ của Giáo phận, dựa trên cuốn Kỷ yếu năm 1971, tôi gặp được “viên ngọc quý “ mà Đức Phanxicô Xaviê đã viết “Nha Trang là phần đất Chúa chọn…..”; rồi nhìn vào cuốn Kỷ yếu 2007 mang dấu ấn của Đức cha Phaolô, cùng với sự trợ lực của Đức cha phó Phêrô và Đức cha phó Giuse, chúng ta nhận ra: “Từ dòng máu tử đạo, Giáo phận Nha Trang đã ra đời “; với cuốn Kỷ yếu 2017, hướng về tương lai, chúng ta càng thêm xác tín lời của Mẹ Maria trong bài ca Magnificat “ Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người “ (Luca 1, 50), để sống lý tưởng yêu thương phục vụ của Tin mừng cứu độ theo tinh thần “Đổi mới trong sự liên tục “.
1. Nha Trang là phần đất Chúa chọn để Tin Mừng cứu rỗi của Chúa được loan báo tại địa phương nầy.
Thật vậy, trong dịp này, nhìn lại nguồn gốc, những bước hình thành và phát triển của đạo thánh Chúa tại địa phương, được nguồn ân sủng bao la của Thiên Chúa từ cuộc viếng thăm, cử hành các Bí tích và phép lành của Đức cha Pierre Lambert de la Motte, chúng ta vô cùng xúc động và hãnh diện khi được biết “trên muôn nẻo đường ta đi, đã được in các dấu chân các vị Thừa sai, các Linh mục bản xứ, đem Tin Mừng đến cho chúng ta, giữa bao nhiêu hiểm nguy. Cảm động vì thấy những cửa biển Nha Trang, Phan Rang, là những nơi đón tiếp các vị truyền giáo cặp bến, đầy lo sợ giữa đêm khuya hoang vắng. Cảm động khi thấy những núi xanh, rừng rậm, nơi mà giáo dân ẩn lánh trong cơn bắt bớ ……”’. Đẹp thay, những bước chân gieo mầm cứu rỗi! Như vậy, đối với Giáo phận Nha Trang, đó là những bước chân của biết bao vị Chủ chăn tiền bối, của các nhà thừa sai thuộc nhiều dòng tu và nhiều quốc tịch khác nhau; của nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân, từ nhiều thế kỷ qua, kẻ trước, người sau, đã dấn bước đem ánh sáng đức tin đến cho chúng ta. Trong số các vị Mục tử, phải tạ ơn Chúa về Đấng Tổ phụ của chúng ta là Đức cha Marcelô Piquet Lợi, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Nha Trang. Chính ngài, với đời sống của người mục tử thánh thiện và sáng suốt, hiền lành và khiêm nhượng, đã hiện diện, đồng hành, yêu thương và phục vụ Dân Chúa theo lý tưởng của người môn đệ, người tông đồ của Chúa suốt 54 năm tại mảnh đất Giáo phận Nha Trang của chúng ta, kể từ năm 1912 khi ngài là một vị Linh mục trẻ mới 24 tuổi cho đến khi ngài giã từ chúng ta, trong tư cách là Giám mục Giáo phận, để được yên nghỉ dưới chân Nhà thờ núi Nha Trang, ngày 11 tháng 7 năm 1966, hưởng thọ 78 tuổi. Chính ngài xây nền móng của Giáo phận tại Nhà thờ Chánh tòa, là Nhà thờ Núi, kính Chúa Kitô Vua, định hướng mục vụ cho mọi thành phần Dân Chúa “Để trong mọi sự Thiên Chúa được hết lòng yêu mến “, đào tạo và xây dựng nhân sự hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân dưới mái trường của “Mẹ Maria Vô nhiễm nguyên tội “. Các thế hệ tông đồ của Chúa đã đi theo các dòng sông, bôn ba trên các nẻo đường đồng ruộng và núi rừng cheo leo hiểm trở, bất chấp gian khổ do khí hậu khắc nghiệt, và nhất là xuyên qua những cuộc bách hại ác liệt, để gieo vãi hạt giống Phúc Âm. Các ngài gieo vãi trong nước mắt, với niềm hy vọng là Chúa sẽ cho gặt hái trong vui mừng. Và lịch sử đã minh chứng rằng: nước mắt và máu đào của các chứng nhân đức tin đổ ra thấm vào lòng đất của Giáo phận; nhờ đó, ngày hôm nay mùa gặt đức tin thật phong phú. Số Kitô hữu gia tăng, sự phong phú của các ơn gọi linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân, các giáo xứ, các hội dòng và đông đảo các cộng đoàn tu sĩ nam nữ, đại chủng viện Sao Biển, chủng viện Lâm Bích… là hoa quả hiển nhiên trổ sinh từ những hạt giống Phúc Âm đã được các thế hệ tông đồ gieo vãi. Chúng ta dâng lời cảm tạ và nguyện làm lan tỏa hồng ân đức tin cao quý tại Giáo phận chúng ta.
Từ những cộng đoàn giáo dân buổi ban đầu, như Chợ Mới, Hà Dừa, Cây Vông, Bình Cang, Gò Muồng, Dinh Thủy (Tấn tài), Láng Mun (Tân Hội), Xóm Gò Phan Rang, … qua dòng thời gian, mảnh đất Nha Trang – Phan Rang của Giáo phận chúng ta vươn lên thành 9 Giáo Hạt : Nha Trang, Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn và Phan Rang với trên 240.000 giáo dân thuộc 115 Giáo xứ. Từ số Linh mục rất ít đếm được trên đầu ngón tay, chúng ta đang có đội ngũ Linh mục gần 300 vị gồm Linh mục Giáo phận và một số Linh mục thuộc các Hội Dòng khác nhau. Qua dòng thời gian, số các Nam Nữ Tu sĩ, những người tự nguyện dâng hiến cuộc đời của mình, để sống đời thánh hiến, sẵn sàng và nhiệt thành sống ơn gọi yêu thương và phục vụ trong lòng xã hội Việt Nam, theo linh đạo thánh thiện của các Hội Dòng, tăng thêm không ngừng.
2. Từ dòng máu tử đạo, Giáo phận Nha Trang đã ra đời.
Trải dài bề dày lịch sử trên 350 năm, Tin mừng của Chúa đã được loan báo trên Quê hương Việt Nam yêu quý, trong đó có phần đất Khánh Hòa, Ninh Thuận của Giáo phận chúng ta. Theo sử liệu, trên 130.000 tín hữu của Chúa là các Bậc Tổ tiên, Cha Ông của chúng ta đã hy sinh vì chính đạo. Trong số đó, 117 vị đã được Hội thánh tuyên phong là Hiển thánh và 1 vị là Á thánh. Làm sao chúng ta quên được ngày diễm phúc của Giáo hội Việt Nam, ngày 19 tháng 6 năm 1988, ba mươi hai năm về trước, khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, đã tôn vinh các Ngài lên đài vinh quang trong hàng ngũ các Thánh. Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng cũng đã ban lời nhắn nhủ: ‘’Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu các Thánh Tử đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của Cha Ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới. Đức tin nầy là nền tảng giúp cho anh chị em, vừa trung thành với Quê hương Việt Nam, vừa tiếp tục là những môn đệ đích thực của Đức Kitô ‘’.
Và kể từ ngày lịch sử đó, tại các Nhà thờ, Nhà nguyện và trong tâm hồn của mọi tín hữu Công giáo Việt Nam, đã vang lên lời kinh thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với các Bậc Tổ tiên Tử đạo, đồng thời hàm chứa ý nguyện cầu cho Tổ quốc Dân tộc của mình được ‘’Quốc thái Dân an ‘’; vì máu các Thánh Tử đạo đổ ra không phải chỉ để trổ sinh các tín hữu của Chúa, mà còn liên lỉ khẩn cầu cùng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót khấng ban muôn phúc lộc trên Quê hương Dân tộc yêu quý của mình. Riêng tại phần đất Giáo phận Nha Trang chúng ta, trong lá Thư mục vụ lịch sử vào năm 1971, Đức Phanxicô Xaviê đã viết: “…. Suốt 300 năm, giáo dân sống trong hồi hộp lo sợ, nhưng đã nêu gương can đảm phi thường. Sau mỗi lần đổ nát, lưu đày, chết chóc, cha con lại cùng nhau xây dựng, sống đạo cho mình và truyền đạo cho người khác. Chính vì thế mà số người đi đạo ngày càng thêm đông, mặc dầu biết đi đạo sẽ bị thiệt thòi về tài sản cũng như tính mạng…….“.
Xin đan cử một vài trường hợp:
Năm 1700 tại Nha Trang: ông Hoành, ông An, bà Anê Bùi bị giam đói trong một cái chòi đến chết; tại Ninh Hòa (Gò Muồng): ông Inhaxio Lư, bà Agatha Cư, ông Phêrô Tam chịu chết vì Chúa; tại Ninh Thuận: một thầy giảng và 4 giáo dân bị giam đói trong 5 ngày.
Năm 1750, có các sắc chỉ cấm đạo khắp Đàng Trong: Ninh Hòa (Gò Muồng) và Chợ Mới bị phá bình địa…. Nhiều giáo dân bị giam cầm khổ sở và chết rũ tù, mãi đến năm 1768 vẫn còn 30 giáo dân bị cầm tù vì Chúa.
Năm 1851 đến 1856: Vua Tự Đức lại ra sắc chỉ cấm đạo dữ tợn hơn. Trong khi trên toàn quốc có 3.500 bị lên án tử hình, 400.000 người đi phân sáp, 115 linh mục Việt Nam, 10 linh mục thừa sai và 100 nữ tu Mến thánh giá chết vì Chúa; thì tại Phan Rang, cha sở Ninh Thuận chịu chém tại Phan Rí; tại Khánh Hòa, bà nhất Mến thánh giá Chợ Mới, chủng sinh Giuse Hữu, cô Anna Dần ( Chợ Mới ) đã chịu chết vì Chúa.
Năm 1861 : nữ tu Anna Tri ở Xóm Gò Phan Rang, nữ tu Anê Soạn đã bị bắt tại Láng Mun ( Tân Hội ) cùng với 13 giáo dân bị xử giảo tại Phan Rí.
Năm 1885 : Giáo dân ở Khánh Hòa từ 2.843 chỉ còn 800 sống sót; giáo dân ở Ninh Thuận từ 1.892 chỉ sống sót 400. Thời gian nầy, Địa phận Nha Trang phải trải qua muôn vàn đau khổ thiệt hại về nhân mạng cũng như tài sản.
3. Đổi mới trong sự liên tục: Tri ân – Sám hối – Phát triển – Tạ ơn – Vui mừng – Hy vọng.
Trong dòng lịch sử của Giáo phận, chúng ta đã khám phá mối giây kỳ diệu liên kết những con người cũng như những biến cố thăng trầm; đó chính là sự hiện diện và vai trò của Mẹ Maria trên mọi nẻo đường và mọi khoảnh khắc trong cuộc hành trình đức tin của Giáo phận; xuyên qua dòng thời gian, các thế hệ chúng ta cũng đã mặc lấy tâm tình của Mẹ để làm vang vọng lại lời tuyên xưng của Dân Chúa thuộc mọi thời đại: ‘’Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người‘’’. Chính lời tuyên xưng nầy trở nên như một điệp khúc được lập đi lập lại trong suốt dòng lịch sử đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với Dân Người, từ những thế hệ tín hữu của thuở ban đầu cách đây trên 350 năm, và cách riêng kể từ ngày Nha Trang trở thành Giáo phận Đại diện Tông Tòa (5/7/1957), rồi Giáo phận Chánh Tòa (24/11/1960), với vị Chủ chăn tiên khởi là Đức cha Marcêlô: chính vì tình yêu thương mà Thiên Chúa đã biến những thăng trầm trong đời sống của Giáo phận Nha Trang chúng ta trở thành lịch sử cứu độ.
Như vậy, đại gia đình Giáo phận giữ vững đức tin khi thường xuyên nhắc nhở nhau: lắng nghe Lời Chúa và trung thành với Bí tích Thánh thể, chuyên cần cầu nguyện, hiệp nhất và cộng tác với nhau, hòa thuận và vui tươi, nhẫn nại và kiên trì đi theo con đường mà Mẹ đã đi: lắng nghe lời Mẹ dạy, học với Mẹ, noi gương Mẹ, cầu nguyện với Mẹ, nhất là siêng năng lần chuỗi Mân côi, để luôn có Mẹ hiện diện và đồng hành trong cuộc sống:
* Mẹ Vô nhiễm (Mẹ là Đấng Thánh bổn mạng của Giáo phận);
* Mẹ Sao Biển (Mẹ soi sáng mái trường đào tạo và đời sống của hàng giáo sĩ);
* Mẹ Khiết Tâm (Mẹ là mẫu gương cho người sống đời thánh hiến);
* Mẹ Sầu bi (Mẹ đứng vững bên thập giá Chúa, vì thập giá mở ra đường hy vọng);
* Mẹ là Nữ vương Hiệp nhất (Mẹ là Thầy dạy chiêm niệm của những đan tu);
* Mẹ Hy vọng (Mẹ đồng hành trên ‘’ Con đường Hy vọng‘’);
* Mẹ Xin vâng (Tiếng ‘’Xin vâng‘’ của Mẹ vượt thời gian và không gian);
* Mẹ Từ bi (Mẹ an ủi con cái Mẹ giữa những gian truân thử thách);
* Mẹ Dâng mình (Mẹ mở đường cho các thế hệ vui sống trong Nhà Chúa);
* Mẹ Nhân lành (Mẹ chiếu tỏa tình yêu và lòng thương xót của Chúa cho mọi người)
Để kết thúc những tâm tình và chia sẻ trong Thư mục vụ nầy, tôi muốn mời gọi mọi người hướng lòng về cùng Đức Maria, Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Nhân lành của chúng ta; để cùng với Mẹ, cùng với các Bậc Tổ tiên Tiền bối, chúng ta tiếp nối cuộc hành trình đức tin trong sáng trong lòng Dân tộc Việt Nam thân yêu, luôn sẵn sàng thưa với Chúa: ‘’Này con đây ‘’ (Ecce); đáp lại tiếng Chúa mỗi ngày bằng lời: ‘’Xin vâng‘’ (Fiat), để cùng với Mẹ xướng lên ‘’lời ca tôn vinh cảm tạ hồng ân Chúa ‘’ (Magnificat); và bởi vì Mẹ cũng như Tổ tiên chúng ta đã chọn Chúa, nên đỉnh cao trong cuộc đời đức tin của Mẹ và của các ngài là ‘’đứng vững bên thập giá của Chúa ‘’ (Stabat Mater juxta crucem). Một khi vững vàng trên cuộc hành trình đức tin: Đường thánh giá mở ra đường hy vọng, chắc chắn chúng ta sẽ phát huy gia sản cao quý của Tổ tiên, làm rạng danh dòng máu anh hùng Tử đạo Việt Nam.
Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Nhân lành, chúc phúc cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Nha Trang thân yêu của chúng con.
Thân ái kính chào quý cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh và toàn thể anh chị em.
Tòa Giám Mục Nha Trang, ngày 6 tháng 8 năm 2020
Lễ Chúa Hiển Dung.
+ Giuse Võ Đức Minh
Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Nguồn: giaophannhatrang.org