LỜI CHÚA TRONG KINH MÂN CÔI
Giê-ru-sa-lem ngày 23 tháng 9 năm 2020
Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.
WHĐ (24.9.2020) – Tháng 10, tháng Mân Côi lại về. Tôi muốn viết một chút về Kinh Mân Côi dưới góc độ Lời Chúa trong Kinh Mân Côi.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở miền Bắc, công giáo “đạo gốc” [không phải theo nghĩa của một số người trẻ ngày nay ở Sàigòn, ngồi trên xe gắn máy dưới “gốc cây” ngoài sân nhà thờ để dự lễ…]. Ở quê tôi, trẻ bắt đầu tập nói thì đã học chắp tay “ạ!” trước tượng Chúa, tượng Đức Mẹ, rồi học làm dấu Thánh Giá, học kinh Kính Mừng… Tối nào gia đình cũng tụ họp trước bàn thờ lần chuỗi “năm chục”. Còn bé thì làm dấu thánh giá rồi đi ngủ. Thước đo độ lớn là kinh Kính Mừng, một, rồi ba, rồi một chục kinh chung với cả gia đình… tới tuổi lãnh phép Thêm Sức thì ngồi đọc năm chục kinh chung với cả nhà.
Tôi 6, 7 tuổi thì bà nội tôi mắt đã lòa, trời mưa thì bà ngồi ở nhà lần chuỗi đủ 15 ngắm, trời nắng thì bà bảo dắt bà qua nhà một người bà con ở gần nhà, bị liệt hai chân, hai bà lần chuỗi với nhau, như một niềm vui, niềm an ủi. Tôi ngồi với bà một chục kinh, rồi bà cho tôi đi chơi. Bà lần chuỗi xong thì gọi dắt bà về. Nhà tôi ở cách nhà thờ giáo xứ cũng khá xa. Ngày Chúa nhật đi lễ thì bọn trẻ rủ nhau vừa vui đùa vừa đi lễ, người lớn thì vừa đi vừa lần chuỗi, khoảng năm chục kinh thì tới nhà thờ. Tôi lớn lên dưới bầu trời ven sông Hồng, mỗi buổi tối, trên thì sao lấp lánh gọi nhau, dưới là lời Kinh Mân Côi vọng từ nhà này qua nhà khác.
Nay tôi là ông lão 80, từng sống 9 năm “hơn hẳn thầy tu một dấu huyền”, chẳng được phép mang đồ đạo nào trên mình. Hết 6 tháng “làm việc” đến những tháng nhàn rỗi: “Một mình một cỗ thảnh thơi ngồi”, cơm bưng nước rót, một mình một cõi, chẳng có gì để làm, chẳng có gì để đọc, chỉ có bốn bức tường để ngắm và thiên thần bổn mạng làm bạn… thì mười đốt ngón tay là xâu chuỗi, ngày ngày đếm thời giờ bằng chuỗi Mân Côi.
Hai chục năm sau đó thì ngược lại, sáu năm trời được Bề Trên Dòng sai đi khắp năm châu bốn bể vì nhiệm vụ trong Dòng, trước khi “định cư định canh” từ mười hai năm nay tại miền đất mà Chúa đã chọn làm quê hương khi từ trời xuống thế, chờ ngày song ca với ông già Si-mê-ôn.
Tại miền đất này, Tổng Lãnh Thiên Thần Gáp-ri-en đã xướng phần đầu kinh Kính Mừng và lời xin vâng của Trinh Nữ làng Na-da-rét mở ra Tin Mừng do các Tông Đồ rao giảng, nay được tóm tắt trong 20 mầu nhiệm Kinh Mân Côi. Rồi bà Y-sa-ve được đầy Thánh Thần, tiếp lời Thiên Sứ Gáp-ri-en cho trọn kinh Kính Mừng, các thiên thần đồng ca lời “Sáng Danh” và sau đó Con Thiên Chúa đích thân dạy kinh Lạy Cha. Tất cả nội dung Kinh Mân Côi xảy ra ở miền đất này.
Các nhà thờ chánh tòa lớn và cổ kính bên Tây thì dùng tượng đá, bên trong bên ngoài, không phải chỉ để trang trí, nhưng là “sách giáo lý” và Kinh Thánh cho mọi người. Bên Đông thì dùng nghệ thuật “tranh thánh”, tiếng Hy-lạp gọi là “i-kôn”, dùng nhiều biểu tượng và có thể gom nhiều chi tiết trên cùng một mặt phẳng để giúp người xem đi sâu vào từng mầu nhiệm. Người ta không nói là “vẽ i-kôn”, nhưng là “viết i-kôn”, vì mỗi “i-kôn” giống như cả một chương sách thần học kinh thánh, tín lý và thiêng liêng, giải nghĩa một mầu nhiệm. Người “viết i-kôn” xuất phát từ một kinh nghiệm chiêm niệm mầu nhiệm và “viết” ra để giúp cho người nhìn ngắm i-kôn đi vào cảm nghiệm thiêng liêng mà chính mình đã được trong chiêm niệm. Vì thế từ màu sắc tới các đường nét, cách bố cục đều có những “qui ước”, giống như viết văn vậy. Bức “i-kôn” nhiều người biết là bức của Rublev, diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, gợi hứng từ câu chuyện “Ba Vị Khách tới viếng ông Áp-ra-ham” (St 18)
Có lẽ Kinh Mân Côi khởi sự từ cách cầu nguyện bên phương Đông với những lời vắn tắt được lặp đi lặp lại, dấu vết rõ nhất là câu “Kyrie eleison”, “xin Chúa thương xót”, và lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su dạy. Chúa Giê-su căn dặn: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 26, 41). Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu “cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,17). Sau này trong các tu viện, các tu sĩ cầu nguyện theo sát lời chỉ dẫn của thánh Phao-lô: với các thánh vịnh (của Cựu Ước), thánh ca được Thánh Thần linh hứng mà chúng ta còn gặp thấy trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca và các thư của thánh Phao-lô:
Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. 20Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha. (Ep 5,19-20; x. Cl 3,16-17).
Rồi đến thời phần đông giáo dân và cả những tu sĩ không biết đọc, họ đọc 150 lần kinh Lạy Cha thay cho 150 thánh vịnh. Dần dần lời Thiên Sứ truyền tin cho Đức Ma-ri-a và lời bà chào của bà Y-sa-ve được dùng, sau này thêm phần thứ hai của kinh Kính Mừng… Cứ như thế mà Kinh Mân Côi thành hình như chúng ta đọc ngày nay vào thế kỷ 15.
Hai mươi mầu nhiệm trong Kinh Mân Côi giống như tựa đề của hai mươi bức “tranh thánh” diễn tả từng mầu nhiệm trong các sách Tin Mừng và tín lý của Hội Thánh, xướng lên để chúng ta tự hình dung theo Tin Mừng, chiêm ngắm trong khi nhẩm đi nhẩm lại những lời kinh rút ra từ sách Tin Mừng và phụng vụ, cũng là những lời gợi lên khởi đầu (Sứ Thần truyền tin) và kết quả của ơn cứu độ trong Đức Giê-su, là chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, và được trực tiếp thân thưa với Cha chúng ta ở trên trời, ngợi khen và giãi bày những tâm tình và những nhu cầu của chúng ta trong đời sống làm người và làm con Thiên Chúa, được hiệp với thần thánh trên trời và Hội Thánh trên trần gian tung hô Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ (kinh Sáng Danh), cầu xin với Đức Ma-ri-a, Đấng vừa là Mẹ của Đấng Cứu Chuộc vừa là Mẹ chúng ta, những kẻ được hưởng ơn cứu chuộc.
Trẻ thơ nào cũng cần nghe và cảm nghiệm những lời, những cử chỉ âu yếm. Có gì ngọt ngào âu yếm cho trẻ thơ hơn là hai tiếng “Ba”, “Má”. Vui, buồn, khổ, đau, hay sung sướng thì “Ba”, “Má”, cũng là lời diễn tả đầu tiên ở sẵn ngay đầu môi. Có bàn tay nào êm ái bằng bàn tay của mẹ; bàn tay nào chở che mạnh mẽ hơn bàn tay của cha… Kinh Mân Côi cho chúng lặp đi lặp lại tiếng kêu “Cha”, và “Mẹ”…
Những lời kinh và các mầu nhiệm trong Kinh Mân Côi giúp chúng ta cảm nghiệm Tình Thương của Thiên Chúa là Cha. Chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, thân thưa với Cha. Nhớ đến, ôn lại những gì Cha đã làm cho chúng ta trong mầu nhiệm cứu độ, như thánh Gio-an diễn tả:
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3,16-17).
Và Thánh Phao-lô cảm nghiệm: “Người đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20).
Tình Thương ấy là nguồn sức mạnh và cậy trông của chúng ta trong mọi hoàn cảnh:
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? 36Như có lời chép: chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. 37Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. 38Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
Và khi chúng ta cảm nghiệm được hạnh phúc ấy thì chúng ta cũng được thôi thúc yêu mến đồng loại và có gương mẫu để biết yêu mến như Chúa Giê-su dạy:
Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau. (Ga 13,34-35)
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (Ga 15, 9-13)
Chúng ta được gọi Thân Mẫu của Chúa, Nữ Vương Thiên Đàng là Mẹ của mình, được cảm nghiệm Tình Thương của Mẹ suốt từ khi Mẹ nhận sứ mạng làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc cho đến khi Mẹ đứng gần thập giá như Người Đàn Bà Mới, nghe Chúa Giê-su từ trên thập giá trao chúng ta – qua đại diện là người môn đệ Chúa yêu mến – cho Thân Mẫu của Người, để chúng ta thành con của Bà, và Bà làm Mẹ của chúng ta, “Mẹ của kẻ sống”, thay cho người Đàn Bà đầu tiên đã đem cái chết vào trước khi thành mẹ của chúng ta. Rồi để kết thúc, chúng ta chiêm ngắm cuộc khải hoàn của Mẹ, Mẹ được tham dự hoàn toàn vào cuộc khải hoàn của Đấng Cứu Chuộc do Mẹ sinh ra.
Mẹ trở thành nguồn cậy trông, bảo chứng cho chúng ta về quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta được tin tưởng thân thưa với Mẹ mọi nhu cầu của chúng “khi nay và trong giờ lâm tử”.
Kinh Mân Côi đưa chúng ta vào trong đại dương của Tình Yêu Thiên Chúa qua các mầu nhiệm chúng ta chiêm ngắm và lời kinh chúng ta lặp đi lặp lại. Kinh Mân Côi là nguồn an ủi, nguồn sức mạnh trong mọi hoàn cảnh của đời người tín hữu.
Tôi xin kết thúc bằng kinh nghiệm của “người tù xuyên thế kỷ” 38 năm, với hai năm ngồi trong khám tử hình bị vợ bỏ, con trai con gái còn nhỏ, lớn lên thì nghèo nên chẳng ai có điều kiện đi thăm cha.
Là sĩ quan đi cải tạo, bị bắt lại một lần, với tội danh tuyên truyền phản cách mạng, bị bắt lại lần nữa và lãnh án tử hình. Hai lần trước anh đã được bạn tù người công giáo dạy giáo lý, thuộc Kinh Mân Côi và ngắm Đàng Thánh Giá, nhưng chưa chịu phép rửa. Trong khám tử hình, hai chân cột vào một dây xích sắt dài. Anh nảy ra sáng kiến tự chế xâu chuỗi để đọc Kinh Mân Côi: đếm mười mắt xích, xé áo lấy vải đánh dấu, làm chuỗi Mân Côi. Ngày ngày lần chuỗi năm vòng 15 mầu nhiệm, rồi “ngồi Đàng Thánh Giá” ba vòng nữa. Ngày nào anh cũng chờ trong hy vọng, không phải hy vọng được tha, nhưng “nếu hôm nay người ta tháo xiềng đem ra bắn thì con sẽ được ở với Chúa trên thiên đàng”. Hai năm sau, một ngày người ta mở cửa, tháo “xâu chuỗi”, nhưng chưa cho anh lên thiên đàng với Chúa, chỉ đưa anh qua phòng án chung thân. Ít lâu sau, anh được đưa lên trại lao động. Ở đây anh đã gặp cha Đaminh Ngô Quang Tuyên và tôi, Cha Tuyên chuẩn bị và tôi làm phép rửa cho anh trong âm thầm. Nhiều người đã nghe biết tên anh, vì ngày đầu tiên đi lễ, gặp lễ cầu cho hòa bình và công lý, anh được mời lên chia sẻ. Lời đầu tiên của anh: “Tôi tha thứ tất cả, cho mọi người đã làm tôi đau khổ 38 năm qua”. Anh xóa từ hận thù, oán hận trong các bài thơ, bài hát anh đã viết hồi trước.
Khi anh được ra về thì tuổi đã cao, mắt đã gần lòa, sức khỏe suy yếu, con trai anh đã 45 tuổi, vẫn nghèo. Nhưng anh vẫn giữ được sự lạc quan và óc hài hước. Chuỗi Mân Côi và đàng thánh giá đã giữ tâm hồn anh bình an, lạc quan, vui vẻ sau ba mươi tám năm tù…