THÊM LÒNG BIỆT KÍNH MẸ MA-RI-A NHÂN DỊP KỶ NIỆM MẸ HIỆN RA Ở FA-TI-MA
Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng
WHĐ (3.10.2020)
1. Trong niềm tin…
Với cái nhìn đức tin vững vàng trong thời đại của lòng Chúa xót thương – ứng dụng cách uyển chuyển vào kiểu nói “tên gọi đúng với nội dung”[1] – chúng ta có thể nhận ra một ý nghĩa rất tích cực: các tước hiệu dành cho Đức Mẹ Ma-ri-a như Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Đấng Bị Đóng Đinh, Đấng Phục Sinh…, sẽ tuyệt vời hơn khi thêm vào một sự thật Mẹ là Đức bà Lòng Xót Thương, Đức Mẹ Lòng Chúa Thương Xót (vì Đức Ki-tô Giê-su, Con của Mẹ, là mặc khải đầy đủ và tuyệt vời nhất về Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót).[2] Chẳng vậy mà, Đức Mẹ Ma-ri-a còn được gọi là Đức bà Lòng Xót Thương, Đức Mẹ Lòng Chúa Thương Xót.[3]
Trong bối cảnh của thời đại lòng Chúa thương xót – chúng ta cùng suy gẫm đôi chút về kỳ tích hiện ra của Mẹ Ma-ri-a vì hòa bình cho nhân loại, vì lòng xót thương: Mẹ là “Mẹ Fa-ti-ma… cầu cho chúng con”.[4] Xin Mẹ Fa-ti-ma chuyển cầu bình an của Chúa Ki-tô Giê-su cho chúng con.
Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.(Ga 14,27)
Vâng, với mục đích mang sứ điệp hòa bình chân chính đến cho nhân loại – là bình an của Thầy Giê-su, (x. Ga 14,27-31) Con của Mẹ, từ đó làm xuất phát sự bình an đích thực cho tâm hồn, cho nhân loại không còn phải “xao xuyến, sợ hãi”, cho thế giới được cảm nếm hòa bình đích thực – Mẹ Fa-ti-ma đã hiện ra với ba trẻ Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta để trao sứ điệp: “Ăn năn đền tội và cầu nguyện là điều kiện để bảo đảm cho nền hòa bình thế giới và sự bình an của mỗi tâm hồn”.
Vậy để mưu cầu bình an cho tâm hồn, là nền tảng để kiến tạo hòa bình thế giới, việc thực hành sứ điệp Fa-ti-ma chắc chắn không thể không hệ tại việc sống triệt để tinh thần của Thánh kinh: (1) “Các ngươi hãy ăn năn sám hối, để được sống”; (Ed 18,32) (2) “Nếu các ngươi không ăn năn sám hối, thì các người cũng sẽ bị chết như vậy”; (Lc 13,31) (3) “Anh em hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần”; (Mt 3,2) (4) “Nếu các ngươi không ăn năn sám hối, thì các người cũng sẽ bị chết như vậy”; (Lc 13,3) và dĩ nhiên, còn phải thực hiện những điều thiện thuộc các mối phúc thật của Nước Trời. (X. Mt 5,1-12a)
Nghĩa là, sứ điệp Fa-ti-ma dẫn đưa con người tới một trọng tâm của Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô: “Anh em hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. (Mt 3,25)
2. Một số kỳ tích hiện ra của Đức Mẹ
Việc Đức Mẹ Ma-ri-a hiện ra là một thị kiến mà một hay nhiều người cho rằng họ đã trông thấy Đức Mẹ với những động thái hay ý hướng nhắm tới họ thông qua lời nói hay cử chỉ. Theo đó, Đức Mẹ đã từng hiện ra tại rất nhiều nơi trên thế giới, và các kỳ tích hiện ra như vậy thường mang tên chính nơi chốn xảy ra, hoặc tên do Đức Mẹ tỏ lộ cho biết, hoặc từ khía cạnh kỳ tích hiện ra được miêu tả. Trong lịch sử hơn 2.000 năm qua, có hàng ngàn sự kiện được xem là kỳ tích Đức Mẹ hiện ra. Dẫu vậy, chỉ có một số không nhiều trường hợp được Giáo hội chính thức công nhận. Còn một số trường hợp khác, tuy không được chính thức công nhận, nhưng tín hữu được Giáo hội cho phép sùng kính và lui tới hành hương.[5]
Khi ban hành “Những chuẩn mực liên quan đến cách thức tiến hành cách phân định sự việc được cho là những cuộc hiện ra hay mặc khải”,[6] Bộ Đạo Lý Đức Tin (Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith), ngày 25 tháng 02 năm 1978, đã công bố tài liệu trên. Trong đó có đoạn: Vị giám mục sở tại…
… có thể bắt đầu một tiến trình do sáng kiến riêng của mình hay nhân vì lời xin của một tín hữu để điều tra các sự kiện liên quan tới một vụ việc hiện ra. Giám mục có thể không xem xét vụ hiện ra nếu muốn, đặc biệt khi nghĩ rằng câu chuyện sẽ không đi đến đâu. Hội đồng giám mục có thể can thiệp nếu giám mục sở tại yêu cầu, hay nếu biến cố trở thành quan trọng trên bình diện quốc gia, hay ít nhất trên bình diện rộng rãi hơn một giáo phận. Cả Tòa thánh cũng có thể can thiệp, nếu có lời xin của chính giám mục sở tại, hay do lời thỉnh cầu của một nhóm tín hữu, hay do sáng kiến của Tòa thánh muốn điều tra vụ việc hiện ra nào.[7]
3. … được Giáo hội chính thức chấp nhận
Một số kỳ tích Đức Mẹ hiện ra sau đây đã được Giáo hội chính thức chấp nhận: (1) Đức bà Canh Giữ (I-ta-li-a, 1490); (2) Đức bà Gu-a-đa-lu-pê (Mê-hi-cô, 1531);[8] (3) Đức bà Laus (Pháp, 1664-1718); (4) Đức bà Cứu Giúp Champion (Hoa Kỳ, 1859); (5) Đức bà Aparecida (Bra-xin, 1717); (6) Đức Nữ vương Các Thánh (I-ta-li-a, 1796); (7) Đức bà Mề Đai Phép Lạ (Pháp, 1830);[9] (8) Đức bà Phép Lạ (Rô-ma, 1842); (9) Đức bà La Salette (Pháp, 1846); (10) Đức bà Làm Phép Lạ (Taggia,1855); (11) Đức bà Lộ-đức (Pháp, 1858);[10] (12) Đức bà Pontmain (Pháp, 1871); (13) Đức bà Gietrzwald (Ba Lan, 1877); (14) Đức bà Knock (Ai-len, 1879); (15) Đức Mẹ Fa-ti-ma (Bồ Đào Nha, 1917);[11] (16) Đức bà Beauraing (Bỉ, 1932-1933); (17) Đức Trinh nữ Người Nghèo (Bỉ, 1933); (18) Đức bà của Mọi Dân Tộc (Hà Lan, 1945-1959); (19) Đức bà Khóc Siracusa (I-ta-li-a, 1953); (20) Đức bà A-ki-ta (Nhật Bản, 1973); (21) Đức bà Ma-ri-a Trinh Nữ và Hòa Giải Mọi Dân Tộc (Vê-nê-giu-ê-la, 1976); (22) Đức bà Ki-bê-hô (Rwanda, 1981); (23) Đức bà Mân Côi của Thánh Ni-cô-la (Ác-hen-ti-na, 1983). Tại tuyệt đại đa số các nơi này, nhà nguyện, nhà thờ, đền thánh, trung tâm hành hương đã kỳ vĩ mọc lên.
Lịch sử còn ghi, ngay tại Rô-ma, Đức Mẹ Ma-ri-a cũng đã từng hiện ra rất sớm (352) với Đức Giáo hoàng Li-bê-ri-ô và nhà quyền quý Giô-van-ni. Chẳng vậy mà, một ngôi nhà thờ vĩ đại – Vương cung Thánh Đường Đức Bà Cả, cũng được gọi là Đền thờ Đức Bà Xuống Tuyết, Đền thờ Máng Cỏ – đã được xây dựng.[12]
Theo đó, các nhà nguyện, nhà thờ, đền thánh, trung tâm hành hương… rất nổi tiếng ở những nơi nói trên đã, hằng năm, thu hút hàng triệu tín hữu cũng như du khách hành hương đến kính viếng nguyện cầu.[13] Thậm chí, ngay như tại Tre Fontane (Rô-ma, 1947) – tuy không được Giáo hội chính thức công nhận về việc Đức Mẹ có đã thực sự hiện ra với Bruno Cornacchiola và ba người con của ông hay không – thì một ngôi nhà nguyện nhỏ cũng đã được xây dựng vào năm 1956.[14]
4. Tại Fa-ti-ma
Vào năm 1917, Fa-ti-ma (Bồ Đào Nha) là một làng quê,[15] một giáo xứ nhà quê với khoảng 2.500 giáo dân sống rải rác trong các thôn xóm (ngày nay, Fa-ti-ma đã trở nên phố thị sầm uất, là linh địa thuộc Ourém, Santarém).[16]
Đang khi Thế chiến Thứ Nhất (1914) nổ ra, hủy diệt, làm chết rất nhiều sinh mạng,[17] thì trong làng quê Fa-ti-ma có gia đình Santos (con gái là Lu-xi-a) và gia đình người em họ là Marto (con trai là Phan-xi-cô, con gái là Gia-xin-ta), được Đức Mẹ hiện ra, nói với các em là “hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình…”.
Cả hai gia đình Santos và Marto lúc bấy giờ đều cư ngụ trong thôn Aljustrel.[18]
Thế rồi, như để chuẩn bị cho ba trẻ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta sẽ trở nên những sứ giả của Mẹ Thiên Chúa thì vào “quãng thời gian cả năm trước ngày 13-5-1917”, thiên thần đã hiện ra với ba trẻ “ít là ba lần”.[19] Có lần, vị thiên thần quì bên cạnh ba trẻ và bảo chúng lặp lại ba lần lời cầu nguyện sau:
Lạy Ba Ngôi Rất Thánh là Cha, Con và Thánh Thần, con dâng cho Chúa Mình, Máu châu báu, Linh hồn và Thiên Tính Chúa Giê-su hiện diện trong các nhà Tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những xúc phạm, phạm thánh và thờ ơ hằng xúc phạm đến Chúa Giê-su. Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giê-su và của Trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Ma-ri-a, ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải.[20]
Còn nhớ, mỗi khi thuật lại với cha mẹ về việc trên, cả ba đều bị la rầy khiển trách, bị người lớn cho là đặt chuyện hoang tưởng, không thật.[21]
Mà thật ra, mãi sau này vẫn có những người tỏ ý hoài nghi: hoặc toàn bộ kỳ tích,[22] hoặc một phần về những sự kiện liên quan, vì theo những vị này, ngoài thông tin thuật lại từ Lu-xi-a thì dường như “không hề có nguồn tin nào khác xác nhận” như thế![23] Thật ra, Đức Mẹ còn hiện ra với Lu-xi-a trong các năm 1925 và 1929. Theo đó, cuộc phỏng vấn diễn ra tại Pontevedra có lẽ là cuộc điều tra rắc rối nhất mà Lu-xi-a đã phải trải qua.[24] Đã vậy, các chỉ trích từ những người vô thần (hoặc những người theo chủ nghĩa duy lý) thậm chí còn dữ dội và có vẻ còn phổ biến hơn nhiều.[25] Ngay cả hiện tượng “mặt trời nhảy múa”, theo Jacques Vallée và Gilles Pinon, chẳng qua chỉ là sự xuất hiện của các “vật thể bay không xác định” (unidentified flying object) (UFO)![26]
Tuy nhiên, về phía Giáo phận Leiria-Fatima, sự thật trong kỳ tích Đức Mẹ hiện ra ở Fa-ti-ma với ba em nhỏ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta là khả tín, là hoàn toàn thật.[27] Đức cha José Alves Correia da Silva, giám mục giáo phận nói trên – sau nhiều năm tháng cầu nguyện và tìm hiểu, qua thư mục vụ ngày 13-10-1930 là: “Tầm nhìn của các trẻ em ở Cova da Iria xứng đáng với niềm tin”[28] – đã chính thức công nhận sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở Fa-ti-ma với ba em nhỏ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta.[29]
Sau này, Lu-xi-a đã viết hồi ký về những sự kiện Đức Mẹ hiện ra trong bốn văn bản:[30] một bản vào năm 1935,[31] một vào năm 1937,[32] một vào năm 1941,[33] và một đầu năm 1942.[34] Các đức giáo hoàng như: Pi-ô XII, Phao-lô VI và Gio-an Phao-lô II, đã đích thân tới Fa-ti-ma – nơi Đức Mẹ Ma-ri-a đã từng hiện ra – để cử hành thánh lễ và dâng loài người cho Đức Mẹ.
5. Lu-xi-a kể lại…
Vâng lời Đức cha José Alves Correia da Silva,[35] Lu-xi-a đã trung thành kể lại – với những chi tiết còn nhớ được – các lần Đức Mẹ hiện ra tại Fa-ti-ma:
Trọng kính Đức cha,
… Chúa đã đoái nhìn đến phận thấp hèn nữ tì Chúa, nên từ đây các dân tộc sẽ ca khen các công trình của Chúa Từ Bi!
Hình như Chúa nhân từ đã đặc biệt ban cho con ơn sớm biết dùng trí khôn, ngay từ lúc còn bé tí teo. Con nhớ là đã ý thức được các hành động của mình, khi còn được mẹ ẵm trên tay. Con cũng nhớ là mình được ru ngủ bằng nhiều bài ca điệu hát khác nhau. Vì là em út của năm chị gái và một anh trai, nên các anh chị con thường tranh nhau phần được bồng bế và chăm sóc con. Cứ mỗi lần như thế, mẹ con lại ẵm lấy con. Nếu mẹ con bận việc thì mẹ giao con cho ba con coi sóc. Thế là ba con bồng con, âu yếm hôn nựng con và vuốt ve con thật trìu mến.
Điều đầu tiên con học được là kinh “Kính Mừng Maria”, vì mẹ con thường có thói quen bồng con trên tay khi mẹ con dạy giáo lý cho chị Carolina, lớn hơn con năm tuổi. Hai chị khác thì lớn tuổi hơn, và vì con là một con vẹt thường lặp lại mọi sự, nên mẹ con thích cho hai chị con mang con theo, bất cứ nơi nào hai chị đi. Hồi ấy, các chị con được coi là “đầu não của giới trẻ trong vùng”. Không một lễ lạc, một buổi ca vũ nào mà không có sự hiện diện của các chị con. Vào các dịp lễ lớn, luôn luôn có mục khiêu vũ. Đến mùa hái ô-liu, gần như ngày nào cũng có nhảy múa. Mẹ và các chị con thường được mời tham dự mọi lễ cưới trong làng. Cứ mỗi lần như thế, các chị con lại mặc áo và trang điểm cho con thật đẹp… trông như một con búp-bê!
Chiều Chúa nhật, trọn giới trẻ trong làng tụ họp nơi sân nhà con, mùa hè thì dưới bóng mát của ba cây vả um tùm, mùa đông thì trong mái hiên nhà. Các bạn trẻ ở lại đó suốt buổi chiều, chơi đùa và chuyện trò với các chị con. Vào dịp lễ Phục Sinh, thì cuộc rút thăm trúng kẹo cũng diễn ra nơi sân nhà con. Con thường được trúng kẹo nhiều hơn hết, vì nhiều người “giả vờ” dành phần trúng cho con, hầu làm vui lòng con.
Phần mẹ con, thì vào các buổi chiều Chúa nhật đó, mẹ con thường ngồi nơi cửa nhà bếp trông ra sân, như thế mẹ con có thể theo dõi tất cả những gì xảy ra bên ngoài. Khi thì mẹ con đọc sách, khi thì mẹ con trò chuyện với các dì các cô hoặc các bà hàng xóm đến nói chuyện với mẹ con. Mẹ con luôn giữ dáng điệu nghiêm trang thường ngày. Mọi người đều biết những gì mẹ con nói giống như lời Kinh thánh và phải vâng lời mẹ tức khắc. Con chưa từng thấy một người nào dám nói lời khiếm nhã trước mặt mẹ con. Hồi ấy có tiếng đồn là chỉ mình mẹ con đáng giá hơn tất cả các đứa con gái mẹ gọp lại.
Con nhớ rõ nhiều lần nghe mẹ con nói: “Mẹ không hiểu sao có nhiều người thích ngồi lê đôi mách nơi nhà người khác! Phần mẹ, không gì quý bằng ngồi nhà đọc sách. Có không biết bao nhiêu điều tốt lành trong sách. Cuộc đời các thánh, thật là điều tuyệt đẹp!”
Chính trong bầu khí tràn đầy tình thương và trìu mến ấy mà con lớn lên cho đến năm sáu tuổi. Và để nói hết sự thật, thì cuộc đời bắt đầu vui tươi chào đón con. Nhất là, lòng yêu thích khiêu vũ đâm rễ sâu trong con tim bé nhỏ của con. Và con xin thú nhận với đức cha rằng, nếu Thiên Chúa Nhân Lành không ghé mắt từ bi trông coi con, hẳn là ma quỷ đã lôi kéo được con đi vào con đường hư mất trầm luân đời đời rồi!
Mẹ con thường có thói quen dạy giáo lý cho con cái, mùa hè vào những giờ nóng bức, mùa đông vào ban tối, sau bữa ăn, ngồi trước lò sưởi, trong lúc chúng con nướng và ăn hạt dẻ.
Vì gần đến ngày cha sở định cho các trẻ em trong xứ được Rước Lễ Trọng Thể lần đầu, mẹ con bèn nghĩ rằng: con gái út mình vừa biết rõ giáo lý vừa tròn sáu tuổi, hẳn là con nhỏ cũng có thể rước lễ lần đầu với chị nó. Vì nghĩ vậy nên mẹ con cho con đi theo chị Carolina, đến dự các buổi giáo lý cha sở dạy để chuẩn bị rước lễ lần đầu. Con sung sướng đi học giáo lý, với niềm hy vọng tràn trề: sớm được rước Chúa vào lòng lần đầu tiên. Cha sở dạy giáo lý, ngồi nơi chiếc ghế đặt trên bục. Cha gọi con đến bên cạnh cha, và khi một trẻ nào đó không biết trả lời câu hỏi, cha sở liền bảo con trả lời thay, hầu làm cho đứa trẻ kia phải xấu hổ….
Hôm trước ngày Rước Lễ Vỡ Lòng, cha sở triệu tập tất cả các trẻ đến nhà thờ, vào ban sáng, để quyết định xem trẻ nào có thể rước lễ lần đầu. Nói sao cho hết nỗi buồn lớn lao của con, khi cha sở gọi con đến gần, vừa vuốt ve con vừa cho con biết là con phải đợi đến năm bảy tuổi mới được rước lễ! Con liền bật khóc và giống như thể đang đứng bên mẹ con, con liền gục đầu trên hai đầu gối cha sở và khóc nức nở. Còn đang khóc như vậy, thì một linh mục được cha sở mời đến giúp giải tội, bước vào. Đó là Cha Francisco Rodri-guez da Cruz (1859-1948). Cha Cruz liền hỏi tại sao con khóc. Và khi được cha sở cho biết lý do, cha Cruz liền dẫn con ra phòng thánh, ở đó, cha khảo hạch con về giáo lý và về mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể. Xong, Cha Cruz dẫn con đến cạnh cha sở và nói: “Cha Péna, cha hãy để cho trẻ này được rước lễ. Cô bé biết rõ hơn những trẻ khác điều mà cô bé làm”. Cha sở không chấp thuận nên nói: “Nhưng con nhỏ mới có sáu tuổi!” Cha Cruz trả lời: “Không sao hết! Nếu cha đồng ý thì tôi sẽ lãnh trách nhiệm”. Nghe vậy, cha sở liền nói với con: “Vậy con hãy đi nói với mẹ con là cha sở cho phép con được rước lễ lần đầu ngày mai”.
Niềm vui của con không thể nào tả hết. Con ra về, vừa vỗ tay reo mừng vừa chạy suốt quãng đường về nhà. Con hớn hở báo cho mẹ con biết tin vui. Tức khắc, mẹ con giúp con dọn mình xưng tội vào ban chiều. Trên đường đến nhà thờ, con thưa với mẹ là con muốn xưng tội với vị linh mục đến từ bên ngoài. Cha Cruz giải tội nơi phòng thánh, ngồi trên một chiếc ghế. Mẹ con liền quỳ gần cửa, nơi bàn thờ lớn, với các bà mẹ khác, đợi đến lượt con mình vào xưng tội. Nơi bàn thờ chính, trước Mình Thánh Chúa, mẹ con dặn dò con lần cuối cùng. Khi đến phiên mình, con liền quỳ gối dưới chân vị linh mục là người đại diện Thiên Chúa Nhân Lành, để khẩn cầu ơn tha thứ cho các tội lỗi của con. Khi con xưng tội xong, con thấy ai cũng cười hết. Mẹ con gọi con và nói: “Con không biết là khi xưng tội phải nói thầm, vì đó là điều bí mật sao? Ai cũng nghe con thú tội hết. Chỉ có phần sau cùng, con nói điều gì đó, nhưng không một ai nghe được”.
Trên đường về nhà, mẹ con muốn dò biết điều mà mẹ con gọi là ”bí mật toà cáo giải”. Nhưng mẹ con chỉ nhận được câu trả lời bằng cái im lặng tuyệt đối của con.
Giờ đây con xin vén mở điều bí mật của lần xưng tội đầu tiên đó. Vị linh mục tốt lành, sau khi nghe con nói, liền khuyên con vài lời: “Con à, linh hồn con là đền thờ Chúa Thánh Thần. Con hãy gìn giữ linh hồn luôn trong sạch, hầu Chúa Thánh Thần có thể tiếp tục hoạt động chí thánh của Ngài”. Khi nghe những lời này, con cảm thấy nảy sinh lòng kính trọng sâu xa đối với bên trong linh hồn con và con hỏi cha giải tội xem con phải làm gì. Cha liền trả lời: “Con hãy đến quỳ gối dưới chân tượng Đức Bà đằng kia kìa. Rồi với trọn lòng tin tưởng, con hãy xin Mẹ chăm sóc con tim con, xin Mẹ chuẩn bị lòng con xứng đáng rước Con Dấu Ái Mẹ vào ngày mai và xin Đức Bà gìn giữ lòng con cho một mình Chúa Giê-su mà thôi”.
Trong nhà thờ có mấy tượng Đức Mẹ. Nhưng vì các chị con có nhiệm vụ chăm sóc bàn thờ Đức Mẹ Mân Côi, nên con có thói quen cầu nguyện trước bức tượng này. Do đó, chính lần này, lại một lần nữa, con đến quỳ cầu nguyện trước Đức Mẹ Mân Côi, để khẩn cầu Mẹ, với trọn lòng tha thiết, xin Mẹ gìn giữ con tim bé nhỏ con cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Chính vì lặp đi lặp lại nhiều lần lời cầu xin khiêm tốn này, với đôi mắt đăm đăm nhìn bức tượng, mà con có cảm tưởng là tượng Đức Mẹ mỉm cười nhìn con với cử điệu tràn đầy nhân ái và tỏ dấu cho con biết là Đức Mẹ nhậm lời con nài van. Lòng con tràn ngập niềm hạnh phúc đến độ con chỉ mấp máy được một lời.
Trọn buổi tối hôm đó, các chị con làm việc gấp rút để may cho con chiếc áo rước lễ trắng tinh với vòng hoa đội đầu. Phần con, vì quá vui mừng nên không thể nào chợp mắt được. Con thấy như thời gian đứng lại. Con không ngừng thức dậy và đến bên các chị con đang làm việc để hỏi xem trời sáng chưa và khi nào thì các chị thử áo, thử vòng hoa cho con, v.v.
Sau cùng thì buổi sáng của ngày hồng phúc ấy cũng đến, nhưng 9 giờ sáng vẫn như còn trù trừ chưa muốn đến! Chị Maria dẫn con vào nhà bếp – lúc đó con đã mặc chiếc áo trắng tinh – để con xin lỗi cha mẹ con, hôn tay các ngài và xin các ngài chúc lành cho con. Khi nghi thức chấm dứt, mẹ con nhắn nhủ vài lời sau cùng. Mẹ con nói với con điều mà mẹ con ước ao cho con xin cùng Chúa, một khi Chúa ngự vào lòng con, và rời con với câu nói: “Nhưng nhất là, con hãy xin Chúa cho con trở thành một vị thánh!” Lời này như ghi khắc vào lòng con, đến độ, đó là những lời đầu tiên con thưa cùng Chúa, ngay khi con vừa rước Chúa ngự vào lòng. Mãi cho đến ngày hôm nay, con vẫn như còn nghe vang vọng tiếng mẹ con lặp lại với con lời nói này….
Con lên đường đến nhà thờ với các chị con và để áo trắng tinh của con khỏi bị dơ bẩn vì dính bụi đường, anh con liền bồng con trên tay. Ngay khi vừa đến nhà thờ, con liền chạy đến bên bức tượng Đức bà Mân Côi và lặp lại lời cầu nguyện con đã xin với Đức Mẹ chiều hôm qua. Con quỳ yên đó chiêm ngắm nụ cười của Đức Mẹ vào ngày hôm trước, mãi cho đến lúc các chị con đến tìm con dẫn tới chỗ dành cho con, nơi hàng ngũ các trẻ em rước lễ lần đầu.
Có rất nhiều trẻ em rước lễ vỡ lòng ngày hôm đó. Chúng con xếp thành bốn hàng, từ cuối nhà thờ lên mãi tận gần cung thánh. Hai
hàng trẻ nam và hai hàng trẻ nữ. Vì con là trẻ nhỏ bé nhất, nên con được xếp gần các thiên thần, trên bậc cấp của bàn rước lễ.
Thánh lễ trọng thể bắt đầu và càng gần tới lúc rước lễ, tim con càng đập mạnh hơn, trong niềm trông đợi một Thiên Chúa Chí Cao, sắp từ Trời ngự xuống kết hiệp với linh hồn bé nhỏ khốn cùng của con. Cha sở đi giữa hai hàng trẻ em để trao Mình Thánh, Bánh các Thiên Thần. Con được hồng phúc rước lễ trước tiên. Khi vị linh mục bước xuống các bậc cấp bàn thờ, con có cảm tưởng là tim con sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Nhưng, ngay khi cha sở đặt trên môi con Bánh Thánh, con cảm nhận tức khắc niềm thanh thản và an bình sâu xa. Sự hiện diện của Thiên Chúa Chí Nhân trở thành rõ ràng đối với con, y như thể con nghe và trông thấy được Ngài bằng chính các giác quan của thân xác con. Con liền thân thưa với Chúa lời khẩn cầu của con: “Lạy Chúa, xin làm cho con trở thành một vị thánh! Xin gìn giữ tim con luôn trong sạch, chỉ yêu mến duy nhất một mình Chúa mà thôi!”[36]
6. Đức Mẹ Fa-ti-ma
Danh xưng Đức Mẹ Fa-ti-ma là một trong số rất nhiều tước hiệu được kính dâng lên Mẹ Ma-ri-a.[37] Tước hiệu này phát xuất từ việc Đức Mẹ hiện ra sáu lần với ba trẻ làng Fa-ti-ma (Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta) trong khoảng thời gian từ ngày 13-5 tới ngày 13- 10-1917.[38] Trước đó khoảng một năm, Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta cũng đã được thiên thần hiện ra ba lần, giúp chuẩn bị để trở nên những sứ giả của Mẹ Thiên Chúa (messengers of the Mother of God).[39]
Thế rồi, tước hiệu Đức bà Mân Côi cũng được sử dụng để chỉ người phụ nữ là Thánh Ma-ri-a, Mẹ Fa-ti-ma, Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra tại Fa-ti-ma.[40]
a. Hiện ra lần đầu tiên[41]
Trưa ngày 13-5-1917, có một bà mặc áo trắng toát (Đức Mẹ Ma-ri-a) hiện ra với ba em bé chăn cừu là Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta. Đức Mẹ nói với các em là hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, kêu gọi “dâng mình cho Thiên Chúa để chấp nhận mọi đau khổ Ngài gửi đến, như một việc đền tạ những xúc phạm Ngài phải chịu mà cầu cho tội nhân ăn năn trở lại”.[42] Trước khi biến đi, Đức Mẹ bảo ba trẻ hãy trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng sau.[43]
b. Hiện ra lần thứ hai[44]
Đúng trưa ngày 13-6-1917, ba trẻ lại tới nơi hẹn, cùng đi hôm ấy có khoảng vài chục người tò mò khác. Khi mọi người đang lần chuỗi Mân Côi, Đức Mẹ hiện ra với Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta.[45] Nói đến việc sùng kính Trái tim Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ nhắc Lu-xi-a về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi; tỏ cho Lu-xi-a biết phải sống ở thế gian lâu hơn Phan-xi-cô và Gia-xin-ta là vì “Chúa Giê-su muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”;[46] đồng thời báo trước về cái chết của hai anh em Phan-xi-cô và Gia-xin-ta. Đức Mẹ cũng yêu cầu Lu-xi-a phải học chữ để dễ loan báo lời căn dặn của Mẹ cho người khác.
c. Hiện ra lần thứ ba[47]
Trưa ngày 13-7-1917, trước sự hiện diện khoảng 4.000 người, Đức Mẹ trong trang phục “bà mặc áo trắng” lại hiện ra với Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta. Đức Mẹ vẫn nhắc việc phải đọc kinh Mân Côi mọi ngày, để chiến tranh mau chấm dứt. Đức Mẹ cho thấy hỏa ngục, rồi tỏ cho biết Bí mật Fa-ti-ma.[48] Phần chính của Bí mật Fa-ti-ma là “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trên toàn thế giới”.
d. Hiện ra lần thứ tư[49]
Gần một tháng sau, ngày 10-8-1917, viên chánh tổng nơi đấy đòi ba em nhỏ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta tới để tra hỏi. Đến ngày 13-8-1917 – trong khi ba em nhỏ này bị nhốt vì tội làm rối loạn trật tự công cộng – vẫn có khoảng 18.000 người tới Đồi Cova da Iria để chờ xem sự lạ. Nhưng không có gì đặc biệt diễn ra. Trong thời gian đó, ba em nhỏ vẫn tiếp tục phải trải qua những tra hỏi – lần chất vấn thứ nhất do cha xứ Manuel Marques Ferreira (+ 1945) vào cuối tháng năm 1917 – nhưng những lần chất vấn tra hỏi không thực sự tìm thấy gì là phi pháp.[50]
Khi không còn lý do để bị giam giữ, thì đến ngày 15-8-1917, địa phương thả ba em nhỏ Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta ra về.[51] Đến Chúa nhật 19-8-2017, khi ba em dẫn đàn cừu tới Đồi Cova da Iria, thì Đức Mẹ lại hiện ra, yêu cầu các em nói với mọi người hãy cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi được ơn thống hối. Đức Mẹ kêu gọi “hãy cầu nguyện thật nhiều và hy sinh cho tội nhân; nhiều linh hồn sẽ phải sa hỏa ngục vì không có ai chịu hy sinh cầu nguyện cho họ”.[52]
e. Hiện ra lần thứ năm[53]
Đến ngày 13-9-1917, có khoảng 30.000 người tụ họp tại Đồi Cova da Iria, cầu nguyện cùng với Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta. Với lần hiện ra thứ năm này, Mẹ Ma-ri-a đã cho biết “Thiên Chúa hài lòng về những hy sinh của các con (Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta). Chúa không muốn các con (Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta) mang dây thừng mà ngủ, song chỉ đeo ban ngày thôi”. Cũng trong lần hiện ra này, khi hiện ra, Đức Mẹ cho biết vào tháng sau thì Chúa, Thánh Giu-se… sẽ cùng hiện ra.[54]
f. Hiện ra lần thứ sáu[55]
Đến ngày 13-10-1917, một đám đông khoảng 70.000 người,6 với rất nhiều phóng viên ảnh và các ký giả, tụ tập tại Đồi Cova da Iria. Hầu hết mọi người đều lần chuỗi, đọc kinh cầu nguyện. Lần này, Đức Mẹ cho biết Mẹ là ai và Mẹ muốn gì khi Mẹ hiện ra ở Fa-ti-ma, như Mẹ đã hứa với Lu-xi-a, Phan-xi-cô, Gia-xin-ta vào lần hiện ra thứ nhất và thứ ba. Hôm ấy, mưa như trút nước, nhưng đến giữa trưa, Đức Mẹ đã hiện ra với ba em nhỏ và cho biết mình chính là Đức Nữ trinh Ma-ri-a, là Mẹ Rất Thánh Mân Côi và ngỏ ý muốn xây một nguyện đường tại đây.
Tỏ ý muốn nhân loại “đừng xúc phạm đến Thiên Chúa là Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”, Đức Mẹ mời gọi cầu nguyện, lần chuỗi mỗi ngày, yêu cầu những kẻ có tội hãy mau sám hối và loan báo Thế chiến Thứ Nhất sẽ sớm chấm dứt.[56] Khi Đức Mẹ biến đi thì mưa cũng tạnh, mặt trời xuất hiện trên bầu trời xanh biếc. Đám đông có thể nhìn thẳng vào mặt trời và thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu. Mặt trời dường như xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi.[57]
7. Hiểu về Sứ điệp Fa-ti-ma
Mẹ Fa-ti-ma truyền dạy sứ điệp “Ăn năn đền tội, chuyên cần cầu nguyện, siêng năng lần hạt Mân Côi, và biệt kính Trái tim Mẹ” để mưu cầu bình an cho mỗi tâm hồn, là nền tảng kiến tạo hòa bình thế giới.[58] Theo đó, việc thực hành sứ điệp Fa-ti-ma chắc chắn phải hệ tại việc sống triệt để tinh thần của chính Tin mừng Đức Ki-tô Giê-su, Con của Mẹ. Nghĩa là, như cách thức chính Đức Ki-tô đã từng sử dụng: “Nếu các ngươi không ăn năn sám hối, thì các người cũng sẽ bị chết như vậy”. (Lc 13,3) Bởi muốn được hưởng nền hòa bình đích thực, nhân loại cần phải thực hiện những điều kiện thuộc các mối phúc thật của Nước Trời:[59]
1 Khi ấy, Chúa Giê-su thấy đám đông dân chúng, Người lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng: 3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước trời là của họ. 11 Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”. (Mt 5,1-12a)
Nói khác đi, được Đức Mẹ hiện ra, ban lời nhắn nhủ ở Fa-ti-ma, ba trẻ – chủ yếu là Lu-xi-a,[60] vì Phan-xi-cô và Gia-xin-ta mất sớm[61] – luôn dốc lòng rao truyền sứ điệp Tin mừng theo giáo huấn của Giáo hội: (1) Ăn năn cải thiện cuộc sống;[62] (2) Siêng năng lần Chuỗi Mân Côi (Tin mừng thu gọn);[63] và (3) Tôn sùng Trái tim Vô Nhiễm Nguyện Tội Mẹ Ma-ri-a (“biệt kính” Trái tim Mẹ như Giáo hội dạy).
Nghĩa là, nếu sứ điệp Fa-ti-ma dẫn đưa con người tới trọng tâm của Tin mừng: “Anh em hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần”…, (Mt 3,2) thì cũng có thể nói, khi sống và rao truyền sứ điệp Fa-ti-ma là lúc chúng ta nỗ lực sống và rao truyền các mối phúc thật của Hiến chương Nước Trời.
8. Ba bí mật của Fa-ti-ma
a. Hai Bí mật Đầu Tiên
Bí mật đầu tiên là một thị kiến về hỏa ngục mà Lu-xi-a đã mô tả trong hồi ký thứ ba của mình như sau:
Ðức Bà cho chúng con thấy một biển cả lửa hồng dường như ở dưới mặt đất. Chìm ngập trong lửa này là quỷ dữ và các linh hồn dưới hình thể con người, giống như những cục than hồng trong suốt, đen đủi hoặc xám xịt. Họ nổi lên trong đám cháy, bị các ngọn lửa nâng lên cao, những ngọn lửa này phát ra từ thân mình họ cùng với một đám khói lớn. Họ lại rớt xuống mọi phía, giống như những tia lửa trong một đám cháy lớn, vô trọng lượng hoặc mất thăng bằng, giữa những tiếng la hét và rên rỉ vì đau đớn và tuyệt vọng, làm kinh khiếp chúng con và làm chúng con run lên vì sợ hãi. Các quỷ dữ có thể được phân biệt do các hình thù gây kinh hãi và ghê tởm, giống như những con vật khủng khiếp và chưa bao giờ thấy, tất cả đều đen đủi và trong suốt. Thị kiến này kéo dài một lúc. Làm sao chúng con có thể bày tỏ lòng biết ơn cho xứng với Mẹ yêu dấu trên trời của chúng con, Ðấng đã báo trước cho chúng con trong lần hiện ra thứ nhất khi hứa rằng ngài sẽ đem chúng con về trời. Bằng không, con nghĩ rằng chúng con sẽ chết điếng vì sợ hãi và kinh khiếp”.[64]
Bí mật thứ hai được Lu-xi-a viết trong hồi ký thứ ba của mình:[65]
Sau đó mắt chúng con hướng về Đức bà. Ngài hết sức âu yếm và buồn bã nói với chúng con: Chúng con đã thấy hỏa ngục, nơi mà các linh hồn tội lỗi đáng thương đi vào. Ðể cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới việc sùng kính Trái tim Mẹ Vô Nhiễm.
Nếu điều Mẹ nói với các con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu và sẽ có hòa bình. Chiến tranh sẽ kết thúc: nhưng nếu dân chúng không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến tranh tồi tệ sẽ xảy ra trong triều đại của Đức Giáo hoàng Pi-ô XI. Khi thấy đêm tối được một thứ ánh sáng chưa từng biết chiếu sáng, chúng con hãy biết rằng đó là dấu chỉ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho các con để biết rằng Ngài sắp trừng phạt thế gian vì những tội ác của thế gian, bằng chiến tranh, đói kém, và những bách hại đối với Hội thánh và đức giáo hoàng. Ðể tránh điều này, Mẹ sẽ xin hiến dâng nước Nga cho Trái tim Mẹ Vô Nhiễm, và hiệp thông đền tạ vào ngày thứ bảy đầu tháng. Nếu lời cầu xin của Mẹ được chấp nhận, nước Nga sẽ hoán cải và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ phổ biến những lầm lạc trên khắp thế giới, gây nên những chiến tranh và bách hại cho Hội thánh. Những kẻ lành sẽ bị giết hại; đức giáo hoàng sẽ đau khổ nhiều; nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt. Cuối cùng, Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ toàn thắng. Đức giáo hoàng sẽ hiến dâng nước Nga cho Mẹ, nước ấy sẽ được hoán cải, và một giai đoạn hòa bình sẽ được ban cho thế giới.[66]
b. Bí mật Thứ Ba
Năm điều đáng lưu ý của Bí mật Thứ Ba ở Fa-ti-ma, theo Philip Kosloski, chính là: (1) “Thống hối, thống hối, thống hối!”; (2) “Chúng ta đã rèn nên Lưỡi gươm Rực Lửa”; (3) “Tương lai không được tạc vào đá”; (4) “Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo hội”; (5) “Đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”.[67] Bí mật thứ ba là thị kiến về cái chết của vị giáo hoàng và các nhân vật khác trong đạo. Đức Giám mục Giáo phận Leiria ghi rằng:
Sau hai phần mà con đã giải thích, phía bên trái của đức bà và cao hơn một ít, chúng con đã thấy một thiên thần cầm một thanh gươm bằng lửa nơi tay trái; gươm lấp lánh và phát ra những tia lửa dường như muốn đốt cháy thế gian; nhưng chúng tắt ngúm khi chạm đến ánh quang chiếu tỏa từ tay phải của đức bà hướng về trần gian: chỉ về trái đất bằng tay phải, thiên thần lớn tiếng thốt lên: “Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội!”. Và chúng con thấy trong một luồng sáng lớn là Thiên Chúa: “một cái gì tương tự như cách người ta xuất hiện trong một tấm gương khi người ta đi ngang qua’ một giám mục bận đồ trắng “chúng con có cảm nhận đó chính là đức giáo hoàng”. Các giám mục, các linh mục, các tu sĩ nam nữ khác leo lên một ngọn núi dốc thẳng, trên đỉnh núi có một thánh giá lớn làm bằng thân cây thô nhám như thể của một cây bần với vỏ cây. Trước khi đến đó, đức giáo hoàng đi qua một thành phố lớn, một nửa bị tàn phá và một nửa rung chuyển, với bước chân nghiêng ngả, buồn khổ vì đau đớn và ưu phiền, ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thân xác ngài gặp trên đường; khi đã lên đỉnh núi, quỳ dưới chân thánh giá lớn, ngài đã bị một nhóm lính giết hại bằng đạn và mũi tên, và cùng một cách thức như thế các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ khác, và các giáo dân thuộc mọi giai cấp và địa vị xã hội khác nhau lần lượt bị giết hại. Bên dưới hai cánh tay của thánh giá có hai thiên thần, mỗi vị cầm trong tay một chiếc bình bằng pha lê, trong đó các ngài hứng máu của các vị tử đạo và với máu đó các ngài rảy trên các linh hồn đang tiến về Chúa.
9. Để kết
Có thể nói, trong cái nhìn đức tin vững vàng và trong sự hiểu biết thiết yếu về Thánh kinh, Thánh truyền cũng như giáo huấn của Giáo hội, chúng ta hãy để cho sứ điệp Fa-ti-ma làm tan chảy sự chai đá của tâm trí chúng ta, giúp chúng ta hướng đến trọng tâm của Tin mừng và nỗ lực thực hiện những giá trị cực quý hôm nay, trong các mối phúc thật của Nước Trời mai sau.
Vì thế, theo bối cảnh thần học đương đại, tước hiệu “Ðức mẹ Ma-ri-a là Mẹ của Lòng Thương Xót” trong cuộc sống của chúng ta có thể được coi là một sự “hiện tại hóa” với ý nghĩa rất cụ thể, thật đầy đủ và vô cùng súc tích. Chẳng vậy mà, mỗi khi có dịp xướng đọc các tước hiệu của Đức Mẹ – trong Kinh Cầu Đức Bà chẳng hạn – chúng ta hãy tận dụng cơ hội thật tốt này để cũng thành tín thưa lên: “Lạy Mẹ Fa-ti-ma… xin cầu cho chúng con”.[68]
Và vì hai em nhỏ Phan-xi-cô và Gia-xin-ta ngày nào đã được Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nâng lên hàng đáng kính ngày 13-5-1989, được phong chân phước ngày 13-5-2000,[69] và được Đức Thánh Cha Phanxicô phong hiển thánh ngày 13-5-2017[70], chúng ta cũng thưa: “Lạy hai Thánh Phan-xi-cô và Gia-xin-ta Làng Fa-ti-ma… xin cầu cho chúng con”.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 101 (tháng 7 & 8 năm 2017)