TẬN CÙNG CỦA NỖI ĐAU

                Dẫu không ở hay đến vùng rốn lũ nhưng qua hình ảnh của người này người kia hay của bạn bè, ít nhiều tôi cũng cảm được nỗi đau của người đồng loại.

                Hình ảnh 2 con gà con “níu” được đôi dép để “quá cảnh” chờ ai đến cứu thật dễ thương và làm chạnh lòng người. Kèm theo đó là những chiếc xuồng đưa thực phẩm đến với những nơi nghèo không thể ra chợ được mà dù có muốn ra cũng chả ra được vì còn đường đâu để mà ra. Chưa hết, hình ảnh những ngôi nhà thờ bị nước lụt đến hàng ghế cũng đã làm nhói lòng người.

                Có lẽ cũng chả cần phải lắm lời để nói về cái nghèo, cái khổ của những người dân ở đây. Đơn giản lắm vì cái nghèo, cái khổ cứ như ôm chầm cuộc đời của họ. Những ngày đi hành hương Mẹ La Vang đã tận mắt chứng kiến những con người bán lưng cho trời bán mặt cho đất giữa khí trời rét buốt. Cơn lũ này cũng chỉ như là giọt nước tràn ly cho nhưng người nghèo mà thôi.

                Nước mình nghèo, dân mình khổ đã đành. Nhưng, có lẽ điều đau hơn nữa không chỉ là lũ mà là lòng người.

                Người ta quá cao ngạo để dựng lên một cái ban nghe hoành tráng : Ủy Ban phòng chống lụt bão !

                Dòng chữ đó như nói rằng những con người đó quá cao ngạo với Trời và kèm theo đó là ác với người.

                Mưa lũ là chuyện của Trời nhưng chính con người đã góp phần tăng thêm đau khổ cho đồng loại khi người ta vui vẻ … phá rừng. Những biệt phủ bao quanh nhà từ cái cổng cho đến cái ghế ngồi toàn bằng gỗ quý ! Thử hỏi ở đâu ra những thứ quý giá đó ! Xin thưa cứ hỏi những người có trách nhiệm. Chắc chắn những người có trách nhiệm về rừng sẽ có câu trả lời chứ không ai nào khác.

                Phá và phá ! Lẽ ra trồng và bảo vệ ! Tiếc thay ngôn từ và hành động nó lại cách quãng xa vời vợi.

                Nhìn những con người nghèo khổ chìm trong biển nước lại ngậm ngùi chua xót khi nhìn những cổng chào có giá tỷ này tỷ nọ. Kèm theo đó là tượng đài ngàn tỷ và phần mộ nào đó cũng ngàn tỷ !

                Dĩ nhiên chả phải mình tôi thấy, mình tôi biết. Có nhiều người can đảm đã lên tiếng và phải thiệt thân với nỗi yêu thương da diết tổ quốc thân thương của mình. Tôi cũng cùng cảm thức với những người đồng loại khi nhìn thấy nỗi đau của đồng loại thôi.

                Nhớ đến những vụ án vô ý làm thất thoát ngàn ngàn tỷ và nhớ đến bà con nghèo đang oằn mình trong rốn lũ lòng tôi tự nhủ những người làm thất thoát đó nghĩ chi ? Họ còn có lương tâm hay cảm thức người khi phá hoại đến như thế không ?

                Lại nhớ đến những phần học bổng ! Nhiều người và nhiều người chắt chiu để góp phần mình để lo cho những tài năng tương lai thì lại có quá nhiều người quăng tiền ra cửa sổ với những bộ sách in ra không dùng được. Lại đốt tỷ này đến tỷ khác mà không chút mảy may chua xót với người đồng loại.

                Nhìn cảnh đời và cảnh người, ai ai cũng thấy người nghèo cách đặc biệt ở vùng lũ đang ở tận cùng của nỗi đau. Nỗi đau này xem chừng ra kêu trời trời cũng không thấu vì nỗi đau này bị nhiều người bưng bít.

                Lại những đêm khó ngủ khi nhìn đến những người đồng loại phải sống trong cảnh khổ nhiều ngày nữa. Lại nghĩ vu vơ rằng không biết quà cho những người nghèo có đến tận tay họ hay không hay bị bẽ cò giữa xuồng nước.

                Nguyện ước có nhiều người hảo tâm hướng về vùng lũ và mở lòng ra để chung chia chút gì đó như xoa dịu bớt phần nào nỗi đau họ đang gánh chịu. Thương và thương lắm khi mình cũng như nhiều người khác nữa đang chịu cảnh tận cùng của nỗi đau.

Người Giồng Trôm