Trưa Chúa nhật 6/12/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới trời mưa lạnh nên chỉ có hơn 100 người hiện diện.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ II Mùa vọng Năm B, thuật lại hoạt động của thánh Gioan Tẩy giả làm phép rửa ở sông Giordan kêu gọi dân chúng hoán cải, thống hối. Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hoán cải là gì?
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay Mc (1,1-18) trình bày con người và hoạt động của thánh Gioan Tẩy giả. Thánh nhân chỉ cho những người đồng thời một hành trình đức tin, giống như hành trình mà Mùa vọng đề nghị với chúng ta, chuẩn bị chúng ta đón nhận Chúa trong lễ Giáng sinh. Đây là một con đường hoán cải. Nhưng hoán cải có nghĩa là gì? Trong Kinh thánh, hoán cải trước tiên có nghĩa là đổi hướng đi; và vì thế, nó cũng là sự thay đổi lối suy tư. Trong đời sống luân lý và tâm linh, hoán cải có nghĩa là từ bỏ sự ác và quay về với điều thiện, từ bỏ tội lỗi để yêu mến Thiên Chúa. Đó là điều thánh Gioan Tẩy giả giảng dạy, nơi hoang địa miền Giuđêa, thánh nhân “công bố một phép rửa hoán cải để được tha thứ tội lỗi” (v.4). Lãnh nhận phép rửa là dấu chỉ bên ngoài và hữu hình, nói lên sự hoán cải của những người lắng nghe bài giảng của thánh nhân và quyết định thống hối. Phép rửa ấy được làm với sự dìm mình trong nước, nhưng nó vô ích nếu không có thái độ sẵn sàng thống hối và thay đổi cuộc sống.
Hoán cải đòi từ bỏ tội lỗi và tinh thần thế gian
Hoán cải bao hàm sự đau lòng vì tội lỗi đã phạm, ước muốn từ bỏ tội lỗi, gạt tỏ tội lỗi ra khỏi cuộc sống của mình. Để loại trừ tội lỗi, cũng cần từ bỏ mọi thứ gắn liền với tội lỗi: tinh thần thế tục, quá quí chuộng tiện nghi thoải mái, lạc thú, giàu sang, sung túc. Tấm gương về sự từ bỏ này chúng ta cũng thấy trong Tin mừng hôm nay nơi thánh Gioan Tẩy giả: ngài là một người khổ hạnh, từ bỏ những thừa thãi và tìm kiếm điều thiết yếu. Đó là khía cạnh đầu tiên của hoán cải: từ bỏ tội lỗi và tinh thần trần tục.
Hoán cải đòi tìm kiếm Thiên Chúa
Khía cạnh thứ hai của hoán cải là tìm kiếm Thiên Chúa và Nước của Ngài. Từ bỏ tiện nghi và não trạng trần tục, tự nó không phải là mục đích, nhưng nhắm đạt tới một cái gì cao cả hơn, nghĩa là Nước Thiên Chúa, hiệp thông với Chúa, là tình bạn với Thiên Chúa. Nhưng điều này không phải là dễ dàng, vì có bao nhiêu ràng buộc gắn liền chúng ta với tội lỗi: thiếu bền chí, nản lòng, gian ác, những môi trường độc hại, những gương xấu. Nhiều khi động lực thúc đẩy chúng ta hướng về Chúa mà chúng ta cảm thấy quá yếu ớt và dường như Thiên Chúa hầu như im lặng; chúng ta thấy Chúa có vẻ xa vời và không thực tế với những lời hứa an ủi của Ngài, như hình ảnh một người mục tử ân cần săn sóc, được nói đến trong bài đọc ngôn sứ Isaia (xc. Is, 40,1.11). Lúc ấy, chúng ta bị cám dỗ mà nói rằng không thể thực sự hoán cải, và trái lại, hoán cải rời bỏ trần thế trở về cùng Thiên Chúa, có nguy cơ ở lại trên cát lún trong cuộc sống tầm thường. Bao nhiêu lần chúng ta đã cảm thấy nản chí như thế.
Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Ta có thể làm gì trong những trường hợp như thế? Trước tiên, cần nhớ rằng hoán cải là một ơn thánh cần phải hết lòng cầu xin Thiên Chúa. Chúng ta hoán cải đích thực theo mức độ chúng ta cởi mở đối với vẻ đẹp, sự tốt lành và dịu dàng của Thiên Chúa. Khi ấy, chúng ta sẽ từ bỏ những gì là giả dối và phù du, để tìm đến điều chân thực, đẹp đẽ và tồn tại mãi mãi.”
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Ước gì Đức Trinh Nữ Maria chí thánh, mà ngày 8.12 này chúng ta mừng kính như Đức Mẹ Vô nhiễm, giúp chúng ta luôn từ bỏ tội lỗi và tinh thần thế tục, để cởi mở đối với Thiên Chúa, Lời Ngài, và tình yêu thương tái sinh và cứu độ.”
Chào thăm và mời gọi
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha chào thăm và ca ngợi họ can đảm đến đọc kinh giữa trời mưa này.
Ngài cũng nhắc đến cây thông Giáng sinh cao 28 mét đã được đưa từ Cộng hòa Slovenia đến đây, trong khi hang đá máng cỏ đang được kiến thiết cạnh đó. Đức Thánh cha nhận xét rằng trong những ngày này, tại bao nhiêu gia đình cũng có sự chuẩn bị cho hai biểu tượng Giáng sinh này, niềm vui cho trẻ em và cả người lớn. Nhưng chúng ta đừng dừng lại ở các dấu hiệu, trái lại, hãy đi tới ý nghĩa của các biểu hiệu đó, tức là Chúa Giêsu: tình yêu thương của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải, chúng ta hãy đi tới lòng từ nhân vô biên mà Chúa đã làm cho chiếu tỏa rạng ngời trên trái đất này. Không có đại dịch, không có cuộc khủng hoảng nào có thể dập tắt ánh sáng ấy. Chúng ta hãy để ánh sáng của Chúa đi vào trong tâm hồn chúng ta: hãy giơ tay ra cho người đang cần, và như thế Chúa sẽ tái sinh trong chúng ta và giữa chúng ta.
Sau cùng, theo thói quen, Đức Thánh cha xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.