GIẢI CƠN KHÁT TÌNH THƯƠNG VÀ CÔNG LÍ CỦA THIÊN CHÚA
“Này, ta sắp làm một việc mới!” Is 43:19
Tác giả: Linh mục Josh Johnson[1]
Biên dịch: Nhóm dịch thuật Gioan XXIII
Từ: media.wordonfire.org[2]
WGPMT (04.7.2021) – Khi rẽ vào xa lộ 429 ở Nam Louisiana, bạn sẽ nhanh chóng thấy không gian thay đổi khi đi vào thị trấn đầm lầy St. Amant. Một ngôi nhà thờ lớn bằng gỗ, ở ngay lối vào là một nghĩa trang có tuổi đời hàng thế kỉ và cây cầu trông ọp ẹp sẽ đưa bạn đến trước Nhà thờ Công giáo Đức Mẹ Mân Côi, nơi từ năm 1905, nhiều thế hệ môn đệ đã cùng nhau đến thờ phượng vào dịp Thánh Lễ, cầu nguyện, học hỏi, hội họp và phục vụ người nghèo.
Vào tháng 8 năm 2016, cộng đoàn Thánh Amant là chủ đề trên các tiêu đề của cả nước khi thảm họa lũ lụt tàn phá cộng đoàn nông thôn này. Mười ba mạng người đã mất tích và hàng ngàn người (85% giáo dân) phải di dời vì nhà cửa bị phá hủy.
Một năm sau trận lụt được coi là “Trận đại hồng thủy năm 2016”, tôi đã được sai đến giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi. Khi giáo dân bắt đầu trở lại nhà của họ, tôi nhận ra rằng Chúa đang mời gọi tôi đến gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện và chúc lành cho nhà họ.
Gặp gỡ hết gia đình này đến gia đình khác, tôi liên tục cảm nhận hai chủ đề đi đôi nhau: lòng biết ơn và mong muốn đáp lại. Các khoản đóng góp đã đổ về từ khắp nơi trên đất nước. Những người nổi tiếng như Beyoncé, Ellen DeGeneres, Lady Gaga và Taylor Swift đã quyên góp đáng kể để xây dựng lại vùng này. Nhiều giáo dân chia sẻ với tôi rằng họ mong muốn đền đáp lại cho cộng đồng bởi vì họ đã nhận được rất nhiều.
Ngay sau trận lụt, phòng ăn của giáo xứ, nằm ở phía sau khuôn viên, vẫn sử dụng được. Trong khi vẫn có ích cho cộng đoàn sau thảm họa, lúc cuộc sống giáo xứ xem ra trở lại bình thường, nhóm chúng tôi quyết định chuyển phòng ăn đến phía trước khuôn viên, nơi đó nó phản ánh tốt hơn các giá trị Phúc âm và lựa chọn ưu tiên của Giáo Hội dành cho người nghèo, một nguyên tắc chính của Giáo huấn Xã hội Công Giáo.
Nhà xứ cũ, trống không của chúng tôi, liền kề với nhà thờ và đối diện xa lộ 429, đã thu hút sự sáng tạo của tôi. Tôi bắt đầu chia sẻ với nhóm và giáo dân ước muốn chuyển phòng ăn đến địa điểm này. Cái nhìn này đã gợi lên trong giáo dân chúng tôi những suy tư về phúc lành họ đã nhận được cũng như mong muốn chia sẻ với cộng đồng lớn hơn đang cần sự giúp đỡ. Cùng với nhóm, chúng tôi lắng nghe những mơ ước của giáo dân và trình với Chúa Giêsu trong cầu nguyện trước Thánh Thể.
Thông qua ý kiến chung, chúng tôi đã đổi tên tòa nhà cũ thành “Quán cà phê Full of Grace (Đầy ơn sủng): Giải cơn khát Tình thương và Công lí của Thiên Chúa”. Cùng với việc tạo ra không gian cho phòng ăn, chúng tôi thiết kế lại tòa nhà bao gồm một tiệm cà phê, một kho tã lót, một tiệm hớt và cắt tóc miễn phí. Một môn đệ trong nhóm chúng tôi, là chuyên gia Chăm Sóc Sức Khỏe Sinh Sản do Creighton chứng nhận, chia sẻ ước mơ thành lập một phòng khám để làm việc với các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn với chứng vô sinh và để dạy phụ nữ cách lập biểu đồ chu kỳ kinh nguyệt khi thực hiện kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên (NFP). Chúng tôi cũng cung cấp không gian cho các nhóm nhỏ học Kinh thánh, một trung tâm tư vấn, phòng tắm cho người vô gia cư và một tiệm giặt ủi.
Ngay lối vào quán cà phê treo ba bức tranh Đức Mẹ: Đức Mẹ Guadalupe từ Bắc Mỹ, Đức Mẹ Kibeho từ Châu Phi và Đức Mẹ Mân Côi từ Châu Âu. Có thể thấy rõ chủ đề đa dạng được sắp xếp có chủ đích khắp quán nơi các chân dung các thánh trên các bức tường của các phòng liền kề nhau. Mỗi chân dung vị thánh, được ghép với một câu Kinh thánh, được chọn cho mục đích cụ thể là nối kết những người phục vụ và những người được phục vụ với các đặc sủng và việc tông đồ của vị thánh cụ thể đó. Ví dụ, trong tiệm làm tóc treo bức chân dung nổi bật của Maria Mađalêna với một câu trích Kinh thánh ở kề bên tường: “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng” (Tv 139,14). Trong trung tâm tư vấn treo một bức chân dung Thánh Dymphna, vị thánh bảo trợ bệnh tâm thần và lo âu. Bên cạnh bức chân dung thánh nữ có gắn một câu trích từ Isaia: “Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ – thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục… Sau đó ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành” (Is 58,7-8). Sứ mệnh giáo xứ chúng tôi là đào tạo nên các vị thánh, và tôi muốn mọi người biết rằng việc nên thánh là có thể.
Sau khi hoàn thành việc tu sửa nhà xứ cũ, Đức cha Michael Duca đã làm phép Quán cà phê “Đầy ân sủng” vào Chúa Nhật I Mùa Vọng năm 2018. Quán cà phê “mở cửa hoạt động” vào ngày 2 tháng 1 năm 2019. Kể từ đó, hàng trăm người đã ra vào quán hàng tuần, hoặc để có một bữa ăn nóng vào các tối thứ Ba, ăn trưa vào các ngày thứ Năm hoặc tham dự một trong nhiều nhóm nhỏ học hỏi Kinh thánh diễn ra suốt tuần. Khi nghe về quán cà phê, Cục Thuế, Cơ quan Quản lí Cựu chiến binh, Nhà thuốc Thánh Vincent de Paul, và các chuyên gia Medicare và Medicaid – chỉ nêu tên một số – đã đưa dịch vụ của họ đến với cộng đoàn tại cơ sở chúng tôi. Kể từ đó, các ngày làm việc đã được dành riêng cho các thành viên có nhu cầu gặp được các chuyên gia. Ngoài Thánh lễ, vào mọi ngày thường trong tuần, quán cà phê là “trung tâm” của giáo xứ, có khách và tình nguyện viên ra vào từ sáng đến tối.
Vào năm 2020, giáo xứ chúng tôi, giống như phần còn lại của thế giới, nhận được lệnh đóng cửa vì đại dịch coronavirus toàn cầu. Trong bối cảnh đóng cửa thảm khốc này, nhiều giáo dân của tôi đã mất người thân và công ăn việc làm. Giữa nỗi đau còn tiếp diễn mà người dân chúng ta đang hứng chịu, họ vẫn dấn thân vào sứ mệnh làm cho muôn dân thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô.
Ngay khi chính quyền địa phương bắt đầu kế hoạch mở cửa trở lại giai đoạn 1, nhóm môn đệ chúng tôi ở giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi cùng nhau cầu nguyện và tìm cách phục vụ tốt nhất những người sống tại địa phương chúng tôi.
Một trong những ý tưởng đầu tiên mà chúng tôi nhận ra qua buổi cầu nguyện chung của nhóm là kết nối từng gia đình đã đăng ký trong giáo xứ – tất cả là 2.500 người! Nhân viên được trả lương và một số tín hữu tình nguyện tham gia gọi điện cho các giáo dân phải cách li ở nhà. Chúng tôi cầu nguyện với họ qua điện thoại; lắng nghe câu chuyện, suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của họ; và mời họ tham gia vào các nhóm nhỏ học Kinh thánh trực tuyến qua Zoom. Nhờ tham gia vào các buổi học Kinh Thánh trực tuyến, nhiều người trong cộng đoàn chúng tôi đã trở lại với các bí tích sau nhiều năm xa Giáo Hội.
Chúng tôi cũng chuyển chương trình giáo dục tôn giáo cho thanh thiếu niên trong giáo xứ thành một chương trình đào tạo đức tin trực tuyến cho gia đình nhằm mục đích cho cả gia đình trở thành môn đệ, chứ không chỉ là trẻ em. Nhóm chúng tôi cung cấp các video ngắn trên YouTube tập trung vào các bài đọc của ngày Chúa Nhật sắp tới, bài giáo lí về những phần khác nhau trong Thánh lễ và những câu chuyện về cuộc đời các thánh được bắt nguồn từ việc thờ phượng Thiên Chúa trong Hiến tế Thánh lễ. Chúng tôi cũng trang bị cho các gia đình này các công cụ để cùng nhau cầu nguyện trong suốt tuần và các hoạt động giải trí để học hỏi giáo huấn các Tông đồ.
Thật tuyệt vời khi thấy nhiều thành viên khác nhau trong cộng đoàn cùng nhau giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Đó là công việc của toàn thể giáo xứ, Thân Mình Chúa Kitô. Giáo dân của tôi còn làm nhiều hơn tôi.
Đón tiếp và khuyến khích mỗi thành viên trong cộng đồng tham gia vào nhóm Cà phê “Đầy ân sủng”, tham gia các chương trình giáo dục tôn giáo, hoặc hỗ trợ các nhu cầu đa phương tiện là sứ mệnh từ lúc khởi đầu. Tôi muốn khuyến khích những người lãnh đạo trong giáo xứ chúng tôi mở cửa và mời mọi thành viên ở địa phương ngồi vào bàn với chúng tôi. Chúng tôi cần gặp những người trong hoàn cảnh của họ, mời họ đi dạo và cầu nguyện với chúng tôi. Để có được hoa trái thiêng liêng, trước hết chúng tôi cần lắng nghe nhau để hiểu được những gì mà mỗi người môn đệ cần dâng hiến. Tôi thấy có nhiều sự hoán cải bởi vì mọi người cảm thấy mình được chào đón, sẵn sàng ngồi xuống và trở thành một phần nhóm chúng tôi. Chúng tôi mời những người đến phòng ăn để cầu nguyện hay đi ra ngoài uống cà phê hoặc ăn trưa với chúng tôi. Tôi đã từng chứng kiến một người đến ăn một bữa và rồi trở lại vào tuần sau để phục vụ người khác. Đây là một món quà lớn!
Quán cà phê đáp ứng một nhu cầu cho cộng đoàn mà nhiều người Công Giáo nhận thấy là còn thấy còn thiếu trong đời sống đức tin của họ. Chúng tôi đều khát khao tình bằng hữu. Chúng tôi hay thấy bản thân không hài lòng về chuyện này. Thay vào đó, chúng tôi nghiệm thấy hiện tượng và khao khát phổ quát được nối kết và hợp đoàn, mà không phải lúc nào cũng như dễ dàng tìm thấy trong gia đình, nhà thờ hay nơi làm việc.
Hội Thánh Công Giáo thỉnh thoảng phải đấu tranh để tạo ra chỗ cho cộng đoàn. Quán cà phê và các nhóm nhỏ học Kinh thánh là những đáp ứng cụ thể cho niềm khao khát ấy. Tất cả chúng tôi cần sự trong sáng và khích lệ trong tương quan của mình với Thiên Chúa. Vì những công việc này, các mối quan hệ được thiết lập – vừa với Chúa Giêsu trong các bí tích vừa giữa các Chi Thể trong Thân Mình Chúa Kitô nơi tình bằng hữu.
Ngoài công việc ở quán cà phê, chúng tôi bắt đầu phát trực tiếp Thánh lễ hàng ngày và hàng tuần qua trang Facebook Ascension Press. Nhờ một số thính giả quốc tế, chúng tôi nhận thấy các khoản quyên góp gia tăng, cho phép chúng tôi cải tạo lại một số cơ sở vật chất hiện có thành nhà Chầu Thánh Thể và trung tâm tĩnh tâm.
Vào tháng 12 năm 2020, giáo xứ đã làm phép và khánh thành nhà Chầu Thánh Thể mới bên cạnh Quán cà phê “Đầy ân sủng”. Nhà Chầu Thánh Thể là nơi chúng tôi tiếp tục thực công việc Chúa đã gọi chúng tôi làm là đào tạo các vị thánh trong cộng đoàn chúng tôi.
Tháng Giêng năm 2021, Trung Tâm Tĩnh Tâm Đức Mẹ Mân Côi mở cửa, mời các vị khách dành thời gian tĩnh tâm trong thinh lặng để tìm sự canh tân trong Chúa Kitô. Các khóa tĩnh tâm cá nhân, được hướng dẫn riêng phục vụ nhu cầu tâm linh cho từng người thông qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp hàng ngày với một vị linh hướng, qua Thánh lễ hàng ngày trong nhà thờ gỗ cổ kính và qua thời gian dành riêng để Chầu Thánh Thể trong nhà chầu. Những người tĩnh tâm được khuyến khích kết thúc thời gian cuối ở Quán Cà phê “Đầy ân sủng” phục vụ những người nghèo trong cộng đoàn cùng với các tình nguyện viên địa phương.
Khi sức chứa quán cà phê “Đầy ân sủng” mở rộng và khả năng sáng tạo của các nhân viên và nhóm mục vụ tiếp tục được phân định, sẽ còn cần sự hỗ trợ tinh thần để tiếp tục xây dựng nước Thiên Chúa trong cộng đoàn Thánh Amant. Tôi hi vọng và xin cho có nhiều môn đệ Chúa Giêsu Kitô từ khắp nơi trên thế giới chuyển cầu cho chúng tôi qua cầu nguyện và ăn chay. Tôi ước ao các giáo xứ khác thấy được các hoa trái siêu nhiên phát sinh từ nỗ lực của cộng đoàn này, rồi tạo ra các việc mục vụ tương tự, hầu mọi các thành viên trong cộng đoàn cảm thấy có giá trị và thuộc về một nơi họ có thể chia sẻ những ân sủng và tài năng Chúa ban.
Tôi thực sự tin rằng nếu chúng tôi có thể làm công việc này nhằm xây dựng nước Chúa, thì bất cứ ai cũng có thể làm được!
Nguồn: giaophanmytho.net