Người Công Giáo Có Được Phép Tham Dự Việc “Bẻ Bánh” Của Anh Em Tin Lành Không?
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Hỏi: một số giáo phái Tin Lành có nghi thức “hiệp thông” (communion) như uống rượu nho và bể bánh. Các mục sư chủ trì cũng đọc lời truyền phép giống các linh mục Công Giáo. Như vậy có Chúa Giêsu hiện diện trong bánh và rượu nho không và người Công Giáo có thể “rước lễ” với anh em Tin Lành không?
Trả lời:
Trong số các Giáo Hội hoặc Cộng Đoàn Giáo Hội không hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, chỉ có các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) là gần gũi với Giáo Hội Công Giáo về đức tin, bí tích, Kinh Thánh và Phụng vụ, vì có chung nguồn gốc Tông Đồ (Apostolic succession). Ngoài các Giáo Hội này ra, tất cả các Cộng Đoàn Giáo hội khác như Anh Giáo (Anglican Communion) và các Giáo phái Tin Lành đều không có nguồn gốc Tông Đồ nói trên, và do đó rất khác biệt với Công Giáo về nhiều mặt, đặc biệt là về bí tích và phụng vụ. Nói rõ hơn, đa số giáo phái Tin Lành chỉ có bí tích Rửa tội. Vì thế ai đã được rửa tội bằng nước với công thức Chúa Ba Ngôi trong các giáo phái này, thì khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, không buộc phải rửa tội lại mà chỉ cần tuyên xưng đức tin Công Giáo mà thôi.
Riêng về Bí Tích Thánh Thể (Eucharist) thì chỉ Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương có mà thôi. Sở dĩ thế, vì Giáo Hội Công Giáo cũng như anh em Chinh Thống đều tin rằng Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể và Truyền Chức Thánh trong bữa Tiệc ly khi Người “cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, tạ ơn rồi bẻ ra và nói: anh em cầm lấy mà ăn vì đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em…. Cũng thế, vào cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới…“ (1 Cor 11:24-25; Lc 22: 19-20; Mc 14: 22-23; Mt 26: 26-28)
Trên đây là bằng chứng và nền tảng Kinh Thánh của bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã lập ra trong bữa ăn sau hết với Nhóm 12 để cho “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống muôn đời và Ta sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết“ (Ga 6:54)
Sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng lập luôn bí tích Truyền Chức Thánh khi Người nói với các Tông Đồ hiện diện: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22: 19; 1 Co r 11:24). Như vậy, Chúa Giêsu đã truyền Chức Linh Mục trước hết cho các Tông Đồ để các ông được tham dự vào Chức Năng Tư Tế của Chúa là “Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” (Dt 5:10). Như thế có nghĩa là Chức Linh Mục được lập ra vì bí tích Thánh Thể, vì nếu không có chức linh mục thì không có Thánh Thể, không có Chúa Giêsu thực sự hiện diện cách bí tích trong hai hình bánh và rượu nho. Mặt khác, cũng nhờ có bi tích Truyền Chức Thánh, mà các Thừa tác viên con người được tham dự trọn vẹn (Giám mục) hay một phần (Linh mục) vào Chức Linh Mục đời đời của Chúa Giêsu, Thầy Cả Thượng Phẩm đã một lần dâng Hy Tế đền tội thay cho cả nhân loại trên thập giá năm xưa.
Cho đến nay, Hy Tế này vẫn được diễn lại cách trọn vẹn cùng với Bữa tiệc ly mỗi lần Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) được Giáo Hội cử hành ở khắp mọi nơi trên bàn thờ. Nói khác đi, mỗi khi Giám mục hay Linh mục cử hành Thánh lễ Tạ Ơn, thì Chúa Kitô lại hiện diện cách bí tích để mở lại Bữa Tiệc ly và diễn lại Hy Tế thập giá để xin ơn cứu độ cho chúng ta và ban chính Mình Người làm của ăn và của uống hằng sống cho chúng ta ngày nay như Chúa đã ban lần đầu tiên cho 12 Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly xưa kia.
Đó là tất cả ý nghĩa và tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể và Chức linh mục thừa tác (ministerial priesthood) trong Giáo Hội Công Giáo và Chinh Thống Giáo.
Căn cứ vào bằng chứng Kinh Thánh Tân Ước thì các Tông Đồ đã chọn những người kế vị và đặt tay truyền chức cho họ để họ tiếp tục Sứ Vụ của các ngài như ta đọc thấy trong Thư Thánh Phaolô gửi cho Ti-mô-thê sau đây:
“Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay tên anh.” (1 Tm 4:14)
Hoặc rõ hơn nữa:
“Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.“ (2 Tm 1:6)
Nếu việc “đặt tay” không phải là dấu chỉ ban “Quyền thánh” (Sacra potestas) thì Thánh Phaolô đã không căn dặn Ti-mô-thê thêm như sau:
“Anh đừng vội đặt tay trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác.” (1 Tm 5:22)
Vì thế, từ đó đến nay, việc đặt tay để cầu xin ơn thánh hiến của Chúa Thánh Thần đã trở thành Nghi Thức chính của các lễ Truyền Chức Thánh (Phó tế, Linh mục và Giám mục) của Giáo Hội Công Giáo. Chỉ có Giám mục được quyền đặt tay để phong chức cho Phó Tế, Linh Mục hay Giám mục khác, vì Giám mục là người kế vị (successors) các Thánh Tông Đồ (x. Sắc lệnh Christus Dominus về nhiệm vụ của các Giám mục, số 8).
Các Giáo Hội không có truyền thống Tông Đồ (Apostolic succession) như Anh Giáo và các Nhánh Tin Lành đều không có bí tích Truyền Chức Thánh (Holy Orders) hữu hiệu (valid) như Công Giáo và Chinh Thống Giáo (x. Sắc lệnh Unitatis Redintegratio về Hiệp Nhất, số 22), nên họ không thể có bí tích Thánh Thể được, vì thừa tác viên của họ không có chức Linh mục hữu hiệu để nhờ đó khi đọc lời truyền phép thì bản thể (substance) của bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô như chúng ta tin thật mỗi khi tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn.
Đây chính là niềm tin của Giáo Hội từ thời các Thánh Tông Đồ cho đến nay.
Anh em Tin Lành không chia sẻ niềm tin này và vi họ không có chức Linh mục hữu hiệu nên việc họ hội họp rồi bẻ bánh và uống rượu chỉ là hình thức tưởng niệm Bữa Ăn của Chúa như được ghi chép trong Kinh Thánh Tân Ước, chứ tuyệt nhiên không phải là việc diễn lại Hy Tế thập giá và Bữa ăn của Chúa như Giáo Hội Công Giáo cử hành trong thánh lễ Tạ Ơn.
Cho nên, nếu người Công Giáo có vì xã giao mà phải tham dự hội họp với anh em Tin Lành, trong một hoàn cảnh nào đó, thì không được tham gia vào nghi thức bẻ bánh và uống rượu này vì đó không phải là Mính và Máu Chúa Kitô như đã giải thích trên đây. Vả lại, nếu tham dự bẻ bánh và uống rượu với họ thì vô tình chúng ta đồng ý với họ là không có sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong hình bánh và rượu nho như Giáo Hội tin mỗi khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn.
Cũng cần nói rõ thêm là các nhà thần học cũng như mục sư Tin Lành đều không tin có sự biến đổi bản thể (transubstantiation) của bánh và rượu nên họ chỉ cử hành việc bẻ bánh và uống rượu để nhắc lại bữa tiệc ly của Chúa Giêsu xưa mà thôi. Và vì họ không có chức linh mục thực sự như đã nói trên, nên khi họ đọc lại lời Chúa nói khi lập Phép Thánh Thể thì bánh và rượu vẫn chỉ là bánh và rượu chứ không trở thành Mình và Máu Chúa Kitô được.
Lại nữa, cũng vì họ không có bí tích Truyền Chức Thánh hữu hiệu, nên khi các mục sư Tin Lành hoặc Linh mục hay Giám mục Anh Giáo, Methodist, Lutheran, trở lại Công Giáo và muốn làm linh mục thì họ phải học lại Chương Trình Thần học Công Giáo trước khi được thụ phong linh mục. Có điều đặc biệt cần nói thêm là các vị này thường đã kết hôn, nghĩa là có gia đình rồi. Nhưng sau khi trở lại Công Giáo và được thụ phong linh mục thì họ được phép tiếp tục sống với vợ con như cũ.
Tóm lại, chỉ Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương có bí tích Thánh Thể và các bí tích khác, đặc biệt là bí tích Truyền chức Thánh mà thôi. Do đó, nếu nơi nào không có nhà thờ và giáo sĩ Công Giáo, mà chỉ có nhà thờ Chính Thống, thì giáo dân được phép tham dự phụng vụ và lãnh nhận các bí tích ở nơi này, mặc dù chưa có sự hiệp thông trọn vẹn (full communion) giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo, vì một số trở ngại chưa vượt qua được cho đến nay.