6 CÁCH ĐỂ NGƯỜI CÔNG GIÁO GIỮ TÂM HỒN BÌNH AN

Di etonastenka|Shutterstock

6 CÁCH ĐỂ NGƯỜI CÔNG GIÁO GIỮ TÂM HỒN BÌNH AN

Tác giả: Magnús Sannleikur
Chuyển ngữ: Maria Ngọc Tỷ
Nguồn: aleteia.org (26.7.2021)

   WHĐ (29.7.2021) – Những ý tưởng này có thể truyền cảm hứng cho bạn để sống với sự bình an mà Đức Kitô đã hứa để lại cho những ai theo Người.

Trong những thời khắc khó khăn này, có nhiều người cảm thấy mất phương hướng và bên cạnh đó, họ không thể tìm thấy sự bình an đến từ Đức Kitô. Vậy, 6 ý tưởng sau đây có thể giúp chúng ta khám phá lại “món quà” mà Chúa Giêsu đã trao ban cho nhân loại, trước khi Người lên trời về cùng Cha Người: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14, 27)

1. HÃY TRÁNH XA CƠN LỐC CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Các giác quan của chúng ta thường xuyên bị tấn công bởi những lời nói, âm thanh và hình ảnh. Chúng ta cần phải tách mình ra khỏi cảm giác hỗn loạn ấy, để tìm được sự nghỉ ngơi trong Đức Kitô. Thoát khỏi sự hỗn loạn, cho phép chúng ta tạo ra một bầu khí thinh lặng, mà chính nơi đó lời cầu nguyện được phát sinh.

“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!” (Tv 46, 11). Nghiện điện thoại thông minh, máy tính hay các loại khác như máy tính bảng, tivi…; tức là chúng ta bước vào một thế giới, nơi ngự trị bởi sự ảo tưởng và phi thực tế. Thật vậy, ngay cả khi chúng ta có xu hướng không thừa nhận điều này: chúng ta đã dần trở thành nô lệ cho những công nghệ mà ban đầu chúng được tạo ra để phục vụ con người.

Tất nhiên, không phải mọi thứ trên các phương tiện truyền thông đều xấu, và chúng ta không thể để ngỏ hoàn toàn lĩnh vực này cho những người chối từ hoặc phớt lờ Tin Mừng. Nhưng đừng tự đánh lừa chính mình: Nếu chúng ta dành nhiều thời gian cho các nội dung trực tuyến hơn là dành thời giờ cầu nguyện cùng Chúa; chúng ta cần xem xét lại những sự ưu tiên của mình. Và nào có ai trong chúng ta, thỉnh thoảng không cần cân bằng lại cuộc sống của chính mình?

2. SỐNG PHỤNG VỤ, ĐỪNG TRANH LUẬN KHÔNG NGỪNG

Phụng vụ của Giáo Hội là phương tiện khởi đầu, là nguồn mạch dẫn chúng ta vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta nên thận trọng để không làm hỏng đi phụng vụ bằng việc “chính trị hóa” qua những cuộc tranh luận bất tận. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên phản ứng với những gì mà chúng ta cho là không phù hợp; luôn có nhiều cơ hội cho chúng ta đẩy mạnh phụng vụ để nên xứng hợp hơn với sự cao cả của Thiên Chúa, và thật tiếc nếu chúng ta bỏ lỡ những cơ hội ấy.

Mặc khác, việc tranh cãi về những điều thiêng liêng không phải là không có nguy hiểm. Nếu một số nghi thức hoặc phong tục bị lỗi thì cuối cùng cũng sẽ bị bỏ rơi. Có sự đa dạng hợp pháp trong cách diễn đạt phụng vụ của Giáo Hội, và không phải mọi thực hành phụng vụ được chấp nhận cũng đều làm hài lòng tất cả mọi người. Có lẽ đối với chúng ta, những gì có vẻ là thiếu sót thực sự có một phần giá trị.

Trong mọi trường hợp, một đời sống thánh thiện là bằng chứng tuyệt hảo nhất cho sự biến đổi cách mạnh mẽ của phụng vụ được cử hành đúng đắn. Không thể có sự thánh thiện nếu không có đức ái, và đức ái thì không áp đặt, không nuôi hận thù, và “không đi tìm tư lợi” (1Cor 13, 5).

3. HÃY CHỐNG LẠI TINH THẦN TRANH CHẤP

Đôi khi, chúng ta được mời gọi để đưa ra lời chứng cách điềm tĩnh nhưng thẳng thắn về đức tin của mình, nhưng không phải là ngày nào cũng thế. Nói chung, tốt hơn là bạn nên tránh tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt với những người khác tôn giáo hoặc với những người anh chị em “mỏng giòn” hơn.

“Anh hãy nhắc nhở lại những điều đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy tha thiết khuyên người ta đừng cãi chữ: chuyện không có ích lợi gì, chỉ làm cho người nghe phải diệt vong.” (2 Tm 2, 14)

Thay vào đó, chúng ta hãy làm chứng nhân cho thập giá Đức Kitô được thể hiện bằng hành động của chúng ta, sao cho có sức thuyết phục với những người cần phải xác tín.

Sự kiềm chế càng trở nên cần thiết khi xảy ra những cuộc tranh cãi liên quan đến giáo lý hoặc thể chế của Giáo Hội. Những vấn đề ấy thường khó giải quyết và không có sẵn câu trả lời. Việc giải quyết chúng chỉ khơi dậy lên sự tức giận không cần thiết.

Khi bắt đầu một cuộc thảo luận, chúng ta hãy tránh những kiểu luận điệu không hay và hãy khuyến khích một cuộc đối thoại lành mạnh xoay quanh “… những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.” (Pl 4, 8)

4. ĐÁNH GIÁ ĐÚNG VAI TRÒ CỦA CHÍNH TRỊ

Như những công dân khác, chúng ta phải chu toàn nghĩa vụ công dân của mình và với tư cách là người Kitô hữu, thật tốt khi chúng ta rao giảng thông điệp của Đức Kitô đến toàn thể cộng đồng.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng đừng chính trị hóa mọi sự. Luôn có thời gian và địa điểm cho chính trị, cũng như mọi thứ khác.

Hãy nhớ rằng không có phong trào chính trị hay ý thức hệ nào nói lên đức tin của chúng ta. Tóm lại, “Đừng tin tưởng nơi hàng quyền thế, nơi người phàm chẳng cứu nổi ai.” (Tv 146, 3), nhưng chúng ta hãy nhớ rằng: “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3, 20).

5. ĐỪNG ĐỂ ANH CHỊ EM CHÚNG TA VẤP NGÃ VÌ NHỮNG SỰ GÂY CHIA RẼ

Cái chết và ơn cứu rỗi của Đức Giêsu trên thập giá bị người đời cho là “sự ô nhục” (1 Cr 1, 23; Gl 5, 11). Việc công bố về Đấng Cứu Thế bị đóng đinh là chướng ngại đối với nhiều người.

Con đường đến với Đức Kitô thật không hề dễ dàng. Do đó, chúng ta hãy cố gắng đừng làm xáo trộn con đường của anh chị em mình bằng những từ ngữ gây chia rẽ, đặc biệt là khi họ quan tâm đến những vấn đề không là nền tảng quan trọng cho sự cứu rỗi.

“Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã.” (Rm 14, 13).

Tất nhiên, đôi khi chúng ta cần phải nói lên những điều chính trực, thẳng thắn. Nhưng đã biết bao lần chúng ta làm tổn thương Đức Kitô và người thân cận khi viện cớ là nói thẳng, nói thật?

Không phải tất cả sự thật khi nói ra đều tốt, đặc biệt là khi những lời đó có thể làm tổn thương đến anh chị em chúng ta. Thường thì việc giữ im lặng sẽ tốt hơn và sẽ ít làm giảm đi giá trị của Tin Mừng, so với việc đưa ra những nhận xét thái quá không cần thiết.

6. DÀNH NGÀY CHÚA NHẬT CHO CHÚA, KHÔNG PHẢI CHO THẾ GIAN

Các ngày Chúa Nhật là cơ hội để chúng tạm dừng mọi thứ và để kín múc nguồn ánh sáng của Thiên Chúa và sau đó chiếu tỏa ra thế giới. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua cơ hội này, chúng ta thường thích chơi thể thao, chạy các việc vặt hoặc không làm gì cả.

Tất nhiên, việc đáp ứng một số nhu cầu trong đời sống hằng ngày là chính đáng, nhưng sẽ rất tốt nếu bạn tách riêng ngày Chúa Nhật ra, tận dụng nó để thực hiện các việc thúc đẩy sự suy gẫm và ca ngợi Chúa. Điều này sẽ giúp chúng ta bổ sung lại nguồn năng lượng và để ta cảm nếm được sự sống vĩnh cửu.

Có lý do đằng sau điều răn “giữ ngày Chúa Nhật”. Suy cho cùng, chúng ta là những thụ tạo được nhập thể vào thời gian. Nếu chúng ta không cho Thiên Chúa thời gian để gặp gỡ chúng ta và ở với chúng ta, chúng ta sẽ không có sự mật thiết với Ngài.

 

Chúng ta hãy cố gắng làm cho ngày Chúa Nhật trở thành một ngày dành riêng để tạ ơn Thiên Chúa và ca tụng danh Ngài là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, Ngài là Đấng Toàn Năng! (Thánh Vịnh 91, 4).