GÓC SUY TƯ: NHẬT KÝ TU SĨ THIỆN NGUYỆN: “HÃY ĐẾN MÀ XEM”


NHẬT KÝ TU SĨ THIỆN NGUYỆN:
“HÃY ĐẾN MÀ XEM”

Hoàn Phạm, Dòng Thừa Sai Việt Nam (MSV)
Lễ Kính thánh Batôlômêô, 24/08/2021
Bệnh Viện Ung Bướu 2, Thủ Đức

  WHĐ (24.8.2021) – Theo triết học thì một trong ba khởi nguồn cho việc suy tư chính là sự tò mò. Con người là một hữu thể mở ra đến vô tận, luôn luôn muốn khám phá, muốn hiểu biết và không bao giờ thỏa mãn. Tôi cũng không ngoại lệ, trong mọi vấn đề đều luôn thắc mắc, luôn tò mò và ít thỏa mãn. Nhưng tôi cũng như đa số con người lại dễ rơi vào những khẳng định theo định kiến, theo những kinh nghiệm mà mình quan sát, mình biết qua người khác hay sách vở, hay theo ý kiến của đám đông mà không có cơ sở chính xác, không có lý chứng… và tôi dừng lại coi đó là chân lý kiểu như Nathanaen khẳng định với Philipphê “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” (x. Gioan 1, 45 – 51).

Tôi đến với bệnh viện ung bướu 2, nơi những bệnh nhân được coi là nặng nhất và nguy hiểm nhất do Covid gây nên. Khởi đầu cũng có một chút tò mò, có một chút hoang hoải do những hiểu biết tôi có trước khi vào đây. Trong tâm trí tôi cũng như đa số mọi người thì nơi bệnh viện dã chiến thì có gì hay ho đâu: đó là nơi chẳng ai muốn vào, nơi mà ai cũng muốn ra khỏi nhanh nhất khi có cơ hội, dù đó là những bệnh nhân hay là đội ngũ nhân viên; nơi đó đầy đau thương và nước mắt… nói chung, trước khi vào nơi thiện nguyện, trong đầu tôi dường như là một bức tranh u ám được thêu dệt nên bởi những gam màu đen tối và chết chóc…

Nhưng rồi sau khi biết Tòa Tổng giám mục Sài Gòn mời gọi “hãy đến mà xem”. Tôi có lưỡng lự, có suy tính và cũng có lúc không muốn ra đi vì mang trong mình những suy nghĩ hiểm nguy, rồi cũng nghĩ theo kiểu “biết rồi nói mãi”… Nhưng sau 4 ngày quan sát, cộng tác và làm việc tôi đã thấy rất nhiều gam màu khác nhau trong bức tranh của bệnh tật.

Dù nguy hiểm, đau khổ, tang thương và khó nhọc là có thật, nhưng nơi đây cũng có nhiều câu chuyện đẹp. Khi tôi giúp cho Bà Hoài, bà đưa cho tôi một tờ giấy với dòng chữ nguệch ngoạc của anh con trai yêu quý, một chữ viết vội với số điện thoại trên tay. Tôi cầm tờ giấy đọc mà thấy đây quả là một người con tuyệt vời. Anh ấy viết cho mẹ “Mẹ yên tâm chữa trị đừng lo điều gì hết, ngoài này đã có con lo hết cho mẹ” và phía dưới là số điện thoại với lời nhắn “cứ gọi cho con mẹ nhé”. Khi tôi giúp bà gọi cho anh, nghe hai mẹ con nói chuyện với nhau tôi rất ấm lòng và xúc động. Bà và anh đã cho tôi biết tình mẫu tử thật tuyệt vời và tôi đã nghẹn lòng khi nghĩ đến cha mẹ tôi! Tôi cũng gặp một bệnh nhân là người cha của 3 người con, anh nói cố gắng ăn uống và chỉ mong bình an để về với vợ và 3 con đang chờ đợi ở nhà, anh kể cho tôi trong ánh mắt tự hào về các con của anh. Tôi lại ức nghẹn và nuốt nước mắt vào trong khi nhớ đến những vần thơ:

“Những đứa con ném tình yêu mẹ cha vào vô cảm
Mải mê theo chút vui thú tầm thường
Quên đường về nhà, quên góc sân rêu
Quên đời mẹ cha gừng cay muối mặn
Cho con xa nhà trọ học
Giữa thị thành mong mỏi một ước mơ
Nấc gục vào đêm khi yêu tin chẳng đến bến bờ”.[1]

 

Nuốt nước mắt vào trong, tôi lại tiếp tục sang phòng bên cạnh. Tôi lại thấy những người bệnh nhân thật là tuyệt vời và lạc quan. Có một chú nhờ tôi mở cửa số ra, chú nói dù ở trong bốn bức tường nhưng vẫn tập thể dục hằng ngày, ngâm nước nóng 30 phút, cố gắng ăn uống vì để nhanh khỏi bệnh đỡ khổ cho mọi người phục vụ. Nhìn tinh thần của chú, tôi thấy “nghịch cảnh có thể là vấn đề của người này nhưng lại là cơ hội cho người khác”. Chú dạy cho tôi một bài học thật tuyệt vời, và chú cho tôi thấy rằng dù hoàn cảnh thế nào cũng phải vận động, phải cố gắng và phải lạc quan. Và sau khi ăn tối chú đã được chuyển lên khu vực nhẹ hơn và vài ba ngày nữa sẽ được xuất viện. Chính những bệnh nhân như chú làm cho khuôn mặt của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên ở đây bớt căng thắng và tôi thấy những nụ cười nơi họ. Họ cười hiền từ với tình yêu của sự sẻ chia, sự nâng đỡ của mọi người dành cho nhau. Các bác sĩ và nhân viên cũng nói với tôi nếu bệnh nhân có cần gì mà thấy bên ngoài có thì cứ lấy cho họ. Và chính các bệnh nhân cũng dạy tôi bài học về chia sẻ yêu thương. Khi có một bệnh nhân xin sửa không đường, tôi đi ra phía ngoài tìm mãi không thấy nhưng may mắn là có một bệnh nhân phòng khác có, tôi xin chú thì chú bảo cứ lấy mà chia sẻ cho người ta; có gì lấy được cứ lấy; rồi có nhiều bệnh nhân cũng khoe được cho sữa, cho thuốc, cho trái cây bởi những người họ không quen biết.

Tôi cũng thấy nơi đây sự hi sinh tận tụy của các y bác sĩ và nhân viên cũng như đội ngũ thiện nguyện viên. Có những bạn sinh viên nữ, theo quan sát của tôi thì được hơn kém 40 kg. Nhưng bạn làm việc suốt cả ca trực từ việc bưng bê, dọn dẹp… hay tôi cũng nghe những soeur trên cùng chuyến xe kể cho tôi nghe ca trực của soeur chỉ có hai người mà lại là hai soeur nên làm việc không ngừng nghỉ mà không hết việc. Thật sự tôi khâm phục họ, vì số lượng công việc rất nhiều và khá mệt, nhất là trong việc gom rác thải, thay đồ cho bệnh nhân, đổ bô vệ sinh… khi kết thúc ca làm mặt mày tôi dường như đen sầm, cổ họng đắng nghét mà đó là ca trực tôi toàn là thầy. Thế mà các soeur cũng từng đó việc mà bệnh nhân lại nặng nữa thì quả là một sự hi sinh và dấn thân thật sự. Họ dấn thân, hi sinh không phải với sự cau mày nhưng là với những niềm vui.

Tôi còn thấy nơi đây những nụ cười của các thiên thần trong bộ đồ áo trắng. Tôi gặp một số thiện nguyện viên, nhất là quí thầy quý soeur làm việc chung luôn luôn cười cười nói nói với nhau và với các bệnh nhân. Khi bắt đầu vào làm việc, bác sĩ trưởng khu 6B cũng dặn chúng tôi vào đây các bệnh nhân rất cần bóng dáng của các bạn dù chỉ cần đi qua đi lại, hỏi họ một vài câu cũng làm cho họ thấy ấm lòng và yên tâm rồi, vì họ bị cách ly hoàn toàn. Vì thế, tôi luôn cố gắng đi từng phòng hỏi han động viên cười cười nói nói với các bệnh nhân. Hôm qua trong lúc tôi đi vào một buồng bệnh nhân, vừa bước tới cửa bảo mọi người có cơm; một chú đã thốt lên “các thiên thần đã đến”, và trong cuộc điện thoại nói chuyện với người nhà có một bệnh nhân đã khoe là yên tâm lắm vì có các người mặc áo trắng như các thiên thần chăm sóc. Khi nghe chữ thiên thần, tôi lại nhớ đến lời Chúa Giê su nói với Nathanaen: “Các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người” (Ga 1,51). Thật sự lúc này, tôi cảm nghiệm rằng tình yêu thương làm cho cái điều tưởng chừng là chết chóc trở nên có sức sống. Thiên Chúa hiện diện ngay chính giữa cuộc đời bởi sự trao ban yêu thương của con người và qua đó “tôi thấy kho tàng trong giọt mồ hôi. Thấy nụ cười trong từng dòng nước mắt. Thấy Nước Trời trong lòng đất mẹ cằn khô. Thấy sáng tạo, đi lên, tình người. Yêu thương và hiệp nhất. Thấy lớn lao trong từng nhỏ nhặt. Thấy vinh quang trong khổ nhục, ngài ơi”.

Tôi đã thấy, đã cảm nghiệm nhưng tôi biết rằng tôi còn thấy được những điều lớn lao hơn khi biết nhìn trong ánh mắt của người tin với trái tim yêu thương như lời Chúa Giêsu khẳng định với Nathanaen “anh sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1,50). Tôi thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa qua các người bệnh, nhất là những người tu sĩ và giáo dân. Có một soeur đang nằm điều trị tâm sự với tôi: soeur không chán lắm vì có bộ tràng chuỗi bên mình, soeur biết Mẹ và Chúa luôn ở bên soeur. Hay một giáo dân cũng nói với tôi là đọc kinh kính mừng thường xuyên nên yên tâm hơn… Tôi thấy Thiên Chúa vẫn đang hành động ngay chính lúc này và ở đây, như thông tin của bác sĩ phó giám đốc bệnh viện Ung bướu 2 cho biết thì quý cha và quý tu sĩ thiện nguyện làm việc ở đây chưa có ai bị lây nhiễm trong quá trình làm việc. Thiên Chúa vẫn ở bên để bao bọc yêu thương con người, nâng đỡ con người trong những lúc thử thách gian lao nhất. Thiên Chúa sẽ có cách của Ngài vì Ngài có thể vẽ những đường thắng qua những nét cong của cuộc đời.