CHUYẾN TÔNG DU THỨ 34 CỦA ĐỨC THÁNH CHA: GIỚI THIỆU ĐẤT NƯỚC VÀ GIÁO HỘI SLOVAKIA

CHUYẾN TÔNG DU THỨ 34 CỦA ĐỨC THÁNH CHA: GIỚI THIỆU ĐẤT NƯỚC VÀ GIÁO HỘI SLOVAKIA

Tổng quan

Cộng hòa Slovakia, với dân số hơn 5.4 triệu người, là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại Đông Âu với dân số trên 5 triệu người và diện tích khoảng 49,000 km2. Slovakia giáp biên giới với Cộng hoà Tiệp và Áo ở phía tây, Ba Lan ở phía bắc, Ukraine ở phía đông và Hung Gia Lợi ở phía nam. Thủ đô và thành phố lớn nhất của Slovakia là Bratislava, và thành phố lớn thứ hai là Košice.

Người Slav đến lãnh thổ của Slovakia ngày nay vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6. Vào thế kỷ thứ 7, họ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra Đế chế Samo. Vào thế kỷ thứ 9, họ thành lập Công quốc Nitra, sau đó bị Công quốc Moravia chinh phục để thành lập Đại Moravia. Vào thế kỷ thứ 10, sau khi Đại Moravia tan rã, lãnh thổ này được hợp nhất vào Công quốc Hung Gia Lợi. Vào năm 1241 và 1242, sau cuộc xâm lược của người Mông Cổ vào châu Âu, phần lớn lãnh thổ đã bị phá hủy. Khu vực này được phục hồi phần lớn nhờ Béla IV của Hung Gia Lợi, người cũng đã định cư người Đức, khiến họ trở thành một nhóm dân tộc quan trọng trong khu vực, đặc biệt là ở khu vực ngày nay thuộc miền trung và miền đông Slovakia.

Slovakia là một quốc gia phát triển với nền kinh tế tiên tiến có thu nhập cao, xếp hạng rất cao trong Chỉ số Phát triển Nhân văn. Quốc gia này cũng có các chỉ số cao về quyền tự do dân sự, tự do báo chí, tự do internet, quản trị dân chủ và hòa bình.

Slovakia là một quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu và NATO từ năm 2004. Là một thành viên của Liên hiệp quốc (từ năm 1993), ngày 10 tháng 10 năm 2005, Slovakia được bầu làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với nhiệm kỳ hai năm từ 2006 đến 2007. Slovakia cũng là một thành viên của WTO, OECD, OSCE, và các tổ chức quốc tế khác.

Lịch sử cận đại

Giáo Hội Công Giáo ở Slovakia đã có một vị trí đặc biệt trong xã hội từ hơn 1100 năm qua.

Sau khi chế độ quân chủ Áo-Hung tan rã và các nhà nước mới ra đời vào năm 1918, một số thay đổi đã xảy ra liên quan đến địa giới các giáo phận. Tình trạng này được củng cố vào năm 1920, thông qua việc bổ nhiệm các tân giám mục mới với các ứng viên được chọn từ các linh mục Slovakia. Năm 1927, Tòa thánh và Tiệp Khắc đã ký hiệp ước được gọi là “Modus Vivendi”. Hiệp ước này quy định biên giới của tất cả các giáo phận và bãi bỏ việc quản lý cưỡng bức của nhà nước đối với các tài sản của Giáo hội.

Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai cuối cùng cũng kết thúc, mang lại sự giải phóng cho nhiều quốc gia. Đáng tiếc, Slovakia lại tiếp tục phải đau khổ. Chiến tranh kết thúc kéo theo một số khó khăn mới. Năm 1948, người Slovak trở thành nạn nhân của cộng sản. Các cuộc tấn công rầm rộ nhắm vào Giáo Hội Công Giáo, hàng giáo phẩm và cá nhân các tín hữu ở Slovakia. Tình hình bất lợi này tiếp tục cho đến năm 1989 – ngoại trừ một giai đoạn ngắn từ năm 1968 đến 1969. Giáo hội đã bị tước đoạt nghiêm trọng các thể chế quan trọng nhất của mình. Một số giám mục đã bị bỏ tù và những người còn lại bị cô lập, và bị hạn chế tiếp cận với thế giới. Hơn 300 linh mục triều đã bị cấm thi hành công việc mục vụ của các ngài, nhiều vị đã bị quản chế tại gia hoặc bị đưa đến các trại tập trung và các nhà tù. Năm 1950, Slovakia có 16 dòng nam với 1,019 linh mục, tu sĩ sinh hoạt trong 96 tu viện; và 24 dòng nữ với 4,253 nữ tu điều hành 168 tu viện. Tuy nhiên, mọi hoạt động của các vị đều bị bọn cầm quyền cộng sản cấm đoán: các nam nữ tu sĩ bị đưa đến các trại tập trung và các dòng tu bị cấm nhận tập sinh. Trong thời kỳ bách hại kinh hoàng này một số giám mục, linh mục và giáo dân đã làm chứng cho đức tin một cách anh hùng đến độ tử đạo.

Ngày 17 tháng 11, 1989, cộng sản đàn áp một cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên. Biểu tình liên tục diễn ra trong 41 ngày sau đó. Các thành phố lần lượt rơi vào tay những người biểu tình. Ngày 29 tháng 12,1989, hệ thống kềm kẹp của cộng sản tan rã, chính quyền về tay nhân dân. Cuộc cách mạng 41 ngày này được gọi là “cuộc cách mạng nhung”.

Tình hình sau cuộc cách mạng đã ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước dân chủ mới được thành lập. Một trong những dấu chỉ tích cực đầu tiên là việc bổ nhiệm các tân giám mục cho tất cả các giáo phận trống tòa không còn bị cản trở nữa. Đồng thời, Đức Cha John Chryzostom Korec – vị “giám mục mặc quần áo lao động” được vinh thăng Hồng Y. Ngài đã bị cản trở thi hành mục vụ và phải chịu đau khổ rất nhiều kể từ khi được tấn phong giám mục vào năm 1951. Việc vinh thăng Hồng Y cho ngài là một dấu hiệu đặc biệt cho thấy sự quan tâm yêu thương của Đức Giáo Hoàng và cũng là sự đánh giá rất cao đối với sự trung thành với Giáo hội và các giá trị Kitô của Đức Cha Korec. Vào cuối thế kỷ 20, Giáo hội ở Slovakia có hai Hồng Y, Đức Hồng Y Jozef Tomko ở Rôma và Đức Hồng Y Ján Chryzostom Korec ở Nitra, bốn Tổng Giám Mục và 16 giám mục, tức là nhiều hơn bao giờ hết trong toàn bộ lịch sử Giáo Hội tại đây.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến thăm Cộng hòa Tiệp Khắc vào ngày 21 và 22 tháng 4 năm 1990, chỉ vài tháng sau khi quốc gia được hoàn toàn giải phóng khỏi ách cộng sản.

Sau khi quyết định tách ra khỏi Tiệp, Hội đồng Giám mục Slovakia được thành lập Ngày 1 tháng Giêng năm 1993. Sau đó, các giám mục Slovakia, dẫn đầu là Đức Hồng Y Korec đại diện của họ, đã yêu cầu Tòa thánh phê chuẩn một Hội đồng Giám mục Slovakia độc lập. Các giám mục đã nhìn thấy sự khác biệt trong các vấn đề mục vụ và cảm thấy rằng Slovakia có những ưu tiên khác so với Cộng hòa Tiệp.

Chính trị


Tổng thống Zuzana Čaputová

Thủ tướng Eduard Heger

Slovakia là một nền cộng hoà dân chủ nghị viện với một hệ thống đa đảng. Cuộc bầu cử gần nhất được tổ chức ngày 17 tháng 6 năm 2006 và hai vòng của cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 3 tháng 4 và 17 tháng 4 năm 2004.

Nguyên thủ quốc gia Slovak là tổng thống, được bầu trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ năm năm. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và là người lãnh đạo chính thức của hành pháp, dù với quyền lực rất hạn chế. Hầu hết quyền hành pháp thuộc thủ tướng, thường là lãnh đạo của đảng thắng cử, nhưng thủ tướng cần hình thành một liên minh đa số trong nghị viện. Thủ tướng được tổng thống chỉ định. Tất cả thành viên khác trong nội các cũng được tổng thống chỉ định theo giới thiệu của thủ tướng.

Tổng thống Slovakia hiện nay là bà Zuzana Čaputová. Bà sinh ngày 21 tháng 6 năm 1973, trong một gia đình lao động nghèo, là một chính trị gia, luật sư và nhà hoạt động môi trường người Slovakia. Bà là Tổng thống Slovakia từ ngày 15 tháng 6 năm 2019. Čaputová là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ tổng thống, và cũng là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử của Slovakia, được bầu ở tuổi 45. Bà Zuzana Čaputová không phải là người Công Giáo. Bà đã ly dị và có 2 đứa con.

Thủ tướng hiện nay của Slovakia là Eduard Heger. Ông sinh ngày 3 tháng 5 năm 1976, đã giữ chức Thủ tướng Slovakia kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2021. Trước đây, ông từng là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nội các trước đó. Heger từng là người vô thần nhưng vào năm 1999, sau cái chết của cha mình, ông cải đạo sang Công Giáo và là một thành viên rất tích cực của tổng giáo phận Bratislava.

Giáo Hội Công Giáo ở Slovakia

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Trung ương của Tòa thánh được công bố vào tháng Ba năm 2021, có gần 1.345 tỷ người Công Giáo trên thế giới vào năm 2019.

Trong tổng số người Công Giáo trên thế giới, 48.1% sống ở châu Mỹ, 21.2%, ở Âu Châu, 18.7, ở Phi Châu, 11% ở Á Châu và gần 0.8% ở Đại Dương Châu.

Slovakia theo truyền thống là một quốc gia Công Giáo. Các giá trị như gia đình, hôn nhân, con cái, lòng kính trọng đối với Thiên Chúa vẫn còn bám rễ mạnh mẽ trong xã hội. Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội có nhiều tín hữu nhất, mặc dù số lượng tín hữu ngày càng giảm do tình trạng thế tục hóa.

Theo điều tra dân số năm 2011, số người Công Giáo ở Cộng hòa Slovakia là 65.8%, với 62% thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma và 3.8% thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.

Trong tổng dân số 5,397,036 người của Cộng hòa Slovakia, 3,347,277 người thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma và 206,871 người thuộc Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.

Giáo Hội Kitô lớn thứ hai ở Slovakia là Giáo Hội Tin Lành Augsburg, với 316,250 tín hữu chiếm 5.9% dân số.

Ngoài ra còn có Giáo Hội Tin Lành Cải cách hay Tin Lành Calvin với khoảng 100,000 tín hữu chiếm 1.83%, và Giáo Hội Chính thống với khoảng 50,000 tín hữu chiếm 0.91%.

Ngoài ra còn có một cộng đồng Do Thái ở Slovakia với khoảng 4,000 tín hữu, được đại diện bởi Liên minh các Cộng đồng Do Thái Giáo ở Cộng hòa Slovakia.

Tổng cộng có 18 Giáo Hội và các hiệp hội tôn giáo được phép hành động ở Slovakia.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chúa Nhật 12/9/2021

Lúc 15:30, theo giờ địa phương, ngày Chúa Nhật 12 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ đến sân bay quốc tế Bratislava. Tại đây sẽ có nghi thức chào đón chính thức.

Lúc 16:30, Đức Thánh Cha sẽ tham dự cuộc gặp gỡ đại kết tại Toà Sứ thần ở Bratislava

Sinh hoạt cuối cùng là cuộc gặp riêng các tu sĩ dòng tên tại Toà Sứ thần ở Bratislava

Thứ Hai 12/9/2021

Thứ Hai ngày 13 tháng 09, lúc 09:15 sẽ có nghi thức tiếp đón tại Dinh Tổng thống ở Bratislava

Đức Thánh Cha sau đó sẽ gặp gỡ tổng thống tại “Sảnh Vàng” của Dinh Tổng thống ở Bratislava

Lúc 10h, ngài gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại vườn của Dinh Tổng thống ở Bratislava

45 phút sau đó, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ Chính toà Thánh Martino ở Bratislava.

Buổi chiều, lúc 16h, ngài thăm riêng “Trung Tâm Bê-Lem” ở Bratislava

Lúc 16:45, Đức Thánh Cha gặp gỡ cộng đoàn Do Thái tại Quảng trường Rybné námestie ở Bratislava

Lúc 18h, Đức Thánh Cha sẽ gặp chủ tịch quốc hội tại Toà Sứ thần ở Bratislava

Lúc 18:15, Đức Thánh Cha gặp thủ tướng tại Toà Sứ thần ở Bratislava

Sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày Thứ Ba 14 tháng 09

Lúc 08:10 sáng, ngài khởi hành bằng máy bay đến Košice

Lúc 09:00, ngài đến sân bay Košice

Lúc 10:30, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Phụng Vụ Thánh Thể theo nghi thức Byzantine tại Quảng trường thể thao Mestská ở Prešov

Lúc 16:00, Đức Thánh Cha gặp gỡ cộng đoàn Roma tại Khu vực Luník IX ở Košice

Lúc 17:00, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Sân vận động Lokomotiva ở Košice

Lúc 18:30, ngài khởi hành bằng máy bay để quay lại Bratislava. Lúc 19:30, ngài sẽ đến nơi.

Sinh hoạt của Đức Thánh Cha ngày Thứ Tư 15 tháng 09

Lúc 10:00, Thứ Tư ngày 15 tháng 09, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Đền thánh Quốc gia Šaštin.

Lúc 13:30, sẽ có nghi thức chào từ biệt tại sân bay quốc tế Bratislava

Lúc 13:45, ngài khởi hành bằng máy bay về Roma

Lúc 15:30, ngài sẽ về đến sân bay quân sự Ciampino