Giáo hội mà giới trẻ đang mong đợi


GIÁO HỘI MÀ GIỚI TRẺ ĐANG MONG ĐỢI

Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

WHĐ (30.10.2021) – Có lẽ nhiều người trong Giáo hội sẽ ngỡ ngàng khi nhận được Christus vivit. Tông huấn bày ra nhiều điều không tốt đẹp mấy trong mục vụ giới trẻ (x. số 37, 38, 40, 41, 65, 66). Có những đoạn chỉ ra sự lỗi phạm và sai trệch của Giáo hội một cách không thương tiếc (x. số 75, 95, 208). Như thể, Giáo hội thất bại với mục vụ giới trẻ (x. số 216). Nhưng thật sự, ta phải nói tìm được một Giáo hội lắng nghe giới trẻ là một chặng đường rất dài. Khi tuyên bố một Thượng Hội đồng Giám mục bàn về những người trẻ trong chặng đường khám phá đức tin và ơn gọi của họ, Đức Phanxicô đã chẳng khiến nhiều người sửng sốt hay sao?

Thực ra mà nói, ngài chỉ tiếp nối cách cụ thể lối đường của Vatican II đã được bộc lộ trong sứ điệp của Công đồng gửi giới trẻ. Thành phần mà Vatican II coi là thân thiết xem ra như bị bỏ quên suốt 50 năm!!! “Chính cho các bạn trẻ một cách đặc biệt mà bây giờ Giáo hội qua Công đồng nhen lên ánh sáng của các bạn, ánh sáng soi sáng tương lai, tương lai của các bạn.”[1]

Theo ngôn ngữ của Đức Gioan Phaolô, Giáo hội xác tín mình có nhiều điều để nói với giới trẻ cũng như giới trẻ có nhiều điều để nói cho Giáo hội. Nhưng dường như vẫn là hai đường ray không gặp nhau.[2] Nay với Thượng Hội đồng Giám mục này, những người trẻ tụ họp quanh Đức Phanxicô để bộc bạch chính mình và để Mẹ Giáo hội có thể ngỏ lời cho những người con sống động nhưng đang gặp nhiều khó khăn, và ngay cả muốn rời xa người mẹ nữa.[3]

Bài viết này như một gợi ý để cùng nhau đem những hướng dẫn của Christus vivit đi vào mục vụ. Một cách sơ lược bài viết này phác họa bức tranh của những người trẻ tại Việt Nam và những mong chờ của họ đối với Giáo hội. Đoạn mở ra một định hướng thần học mang tính mục vụ hơn là một thần học suy lý. Nhờ đó ta có thể thấy cần phải trình bày một Giáo hội nào cho giới trẻ tại Việt nam hôm nay, dựa theo Christus vivit.

 

1. Hiện trạng giới trẻ tại Việt Nam.. 1

2. Thần học vững chắc định hướng mục vụ. 5

      a. Thiên Chúa yêu bạn. 8

      b. Đức Kitô cứu chuộc. 8

      c. Thánh Thần tác thánh. 8

3. Giáo hội giới trẻ cần đến. 9

4. Kết luận

 

1. Hiện trạng giới trẻ tại Việt Nam

Khi nhìn vào giới trẻ, nguy cơ về một khái niệm trừu tượng hiện lên. Vì thế, Đức Phanxicô nhắc nhớ ngay: “Giới trẻ không phải là cái gì đó được phân tích trừu tượng. Thực vậy, ‘giới trẻ’ không hiện hữu: chỉ có những người trẻ, mỗi người với thực tại là cuộc sống của chính mình” (số 71).[4] Bức tranh giới trẻ tổng quát được áp dụng cho mọi nơi quả thật không có. Ngay cả dưới diện nhân khẩu học (demographic), những người trẻ thật khác xa nhau (x. 69). Đúng hơn, những người trẻ có những câu chuyện và lịch sử cuộc đời riêng. Chúng có một bộ mặt và một tên riêng.[5]

Nếu vậy, chúng ta thấy gì nơi những người trẻ tại Việt Nam? Họ đang thao thức và ước mơ gì? Những câu hỏi ấy chắc chắn sẽ phải đặt ra. Nhưng trên hết ta cần xác định thái độ nhìn vào thực tại của chúng ta. Phải chăng với cái nhìn bi quan? Lạc quan? Cả hai đều không đúng.[6] Chỉ có một cái nhìn chân chính thích đáng: nhìn như Đức Giêsu nhìn, nhìn như Chúa Cha nhìn khi tạo dựng người trẻ. Đó là những “đất thánh” mà ta phải cởi bỏ dép để đi vào. (x. số 67)[7] Nói khác đi, Đức Phanxicô đề ra cho toàn Giáo hội hôm nay CÁI NHÌN CHIÊM NIỆM khi đối diện với những người trẻ.

Nghĩa là sao? Rất thường những người trẻ được coi là một vấn đề hơn là nhìn vào huyền nhiệm nhân vị của chúng, theo lối nói của Gabriel Marcel. Rồi cũng rất thường Giáo hội nghĩ mình đã có mọi câu giải đáp sẵn hơn là lắng nghe họ. (x. số 65) Không thể như thế được. Giáo sư Ikechukwu Anthony Kanu, OSA Tansian University, Umunya Anambra State đã đưa ra 4 khuôn mẫu của tuổi trẻ trong Christus vivit.[8] Cần đến một khóe nhìn vượt lên những gì trước mắt. Chẳng hạn, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta nhìn vào trẻ Samuel. Trẻ Samuel có mặt là nhờ một lời cầu nguyện mãnh liệt của bà mẹ Anna. Cậu phụng sự thầy tư tế Hêli già và lòa. Cậu không để cho Lời Chúa qua đi và vì thế trở nên đá tảng góc tường của dân Israel. Rồi cả cậu nhỏ David cũng chẳng hơn gì. Cả gia đình hầu như đã loại cậu ra trong bữa tiệc hy lễ được ngôn sứ Samuel chủ toạ. Cậu phải đi chăn chiên. Chẳng ai giới thiệu cậu cho ngôn sứ Samuel cả, nếu chính ngôn sứ đó không yêu cầu phải kiếm cậu về cho bằng được. Cậu David bị loại bỏ đó lại nên đá tảng góc tường của Israel, cứu Israel khỏi Goliat của dân Philitinh đe dọa; cậu đã trở thành vị vua kiểu mẫu, được sánh ví như vị mục tử chăm sóc đàn chiên. Tuyệt vời hơn hết là chàng thanh niên Giêsu. Ngài đã bị kinh sư và biệt phái loại ra ngoài, bị coi như kẻ bị nguyền rủa và kết án. Giuđa đã thí ngài đi như thí một con chiên bị bán thịt. Thế nhưng, ngài như viên đá bị thợ xây loại bỏ lại nên tảng đá góc tường cho toàn Vương quốc Thiên Chúa. Cái nhìn chiêm niệm cần thiết phải có trong mục vụ giới trẻ là đây: Các thanh thiếu niên của thời đại này, với muôn vàn cái khó ‘ưa’, lại được đặt định là những vị thánh của tương lai, theo kế hoạch của Thiên Chúa. (x. số 104-110) Thiên Chúa muốn họ là những nhân vị độc đáo, có giá trị, chứ không phải là những bản sao nhợt nhạt. Hẳn rằng vẫn có một thực tại đáng buồn mà Carlo Acutis nói lên: “Mọi người được sinh ra là một ngôi vị độc đáo, song nhiều người đã kết tận khi chết như những bản sao” (số 106), thì vẫn không thể sai lầm rằng “Chúa Phục sinh muốn đi bên cạnh mọi người trẻ, lắng nghe những kỳ vọng của họ, ngay cả những kỳ vọng không được thỏa mãn, và những hy vọng của họ, ngay cả những hy vọng bất toàn hay phù du.” (Tài liệu chung cục của Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ). Tác vụ giới trẻ buộc phải khởi đi và được kiện cường với viễn cảnh này.

Giới trẻ tại Việt Nam có nhiều điều tốt đẹp như Hội đồng Giám mục Việt Nam 2019 nhận định: “Giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.” (HĐGMVN 2019, số 3).[9] Khắp nơi những người trẻ Việt Nam thật năng động; điều đó lộ hiện một nỗi thao thức sâu xa tìm đến chân thiện mỹ. Nó cho thấy Thần khí đang tiếp tục nơi họ. Chúng ta không thể không chân nhận các bạn trẻ Kitô hữu tại Việt Nam đóng góp phần lớn trong giảng dạy giáo lý, huynh trưởng giúp sinh hoạt các thiếu nhi, những nhóm thiện nguyện.[10] Không thiếu những người trẻ thiện nguyện tham gia vào những hoạt động thật ý nghĩa: mùa hè xanh, nhóm lo cho trẻ hè phố.

Chắc chắn rồi, bức tranh trên không toàn mỹ. Nhiều người trẻ cũng đang sa lầy. Đúng lắm. Chính vì thế mà những người trẻ, với bộ mặt và lịch sử đang bị sự dữ vấy bẩn, mới cần đến Giáo hội, cần đến Giáo hội mục vụ, bởi lẽ vì chúng mà Giáo hội được sinh ra, nếu ta có thể nói như thế. Và đây là bức tranh được các Giám mục Việt Nam vẽ ra:

“Người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. […] Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng. Giới trẻ tại Việt Nam đang ở trong vòng xoáy của khủng hoảng (HĐGMVN 2019, số 3).[11]

Rõ ràng, những mảnh đời không tương lai bao quanh ta. “Bạo lực huỷ diệt nhiều cuộc đời người trẻ” (số 72).

Bạn sẽ nói với tôi: bức tranh ở trên áp dụng cho mọi nơi mà! Xem ra nhận xét này thật đúng. Tuy nhiên, chính ở đây mà tôi muốn nhắc nhớ: Đừng quên rằng những người trẻ mà GH tại Việt nam đang đối diện chính là những người đã từng và đang sống trong văn hoá xã hội chủ nghĩa thời kinh tế mở rộng, kinh tế toàn cầu, với một não trạng vô thần thực tiễn, hay rõ hơn là não trạng dửng dưng tôn giáo. Họ là những người trẻ được giáo dục từ lúc sinh ra trong bầu khí vô thần xã hội chủ nghĩa. Nhiều người đang đi vào một phong thái sống: có Thiên Chúa hay không có Ngài cũng vậy thôi. Tất cả mọi sự với chủ trương miễn sao cá nhân tôi không bị bắt, không trách nhiệm là tốt rồi. Các hình thức của cuộc đời trưởng giả được tán tụng nơi những người rất nghèo túng. Vì sĩ diện, những người nghèo khổ tìm cách che giấu vẻ nghèo khổ của mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Mặc cảm tự ti có thể đội lốt giấu những hình thức khác nhau của lạc giới. Dù nghèo, nhưng nhiều người trẻ vẫn tuôn vào những khẩu hiệu rất hấp dẫn vì hiệu quả thật gần trước mắt chúng: mềm mại, êm ái, dịu dàng… Hoặc với một dáng vẻ anh hùng: tăng sức mạnh, trở thành số 1[12] Ngay cả những người trẻ dấn thân vào chủng viện hay dòng tu cũng không miễn nhiễm với những thứ này. Kinh nghiệm đào tạo của các dòng tu và chủng viện đang đối diện nhiều với những người trẻ có các động cơ không trong sáng và vững chắc. Rõ ràng, tiến trình giáo dục đức tin, một giáo dục nhắm đến sự hoán cải cõi lòng, hẳn nhiên trở nên dài hơn và khó khăn hơn. Sự hấp thụ kiến thức đức tin nơi những người trẻ Việt Nam hôm nay phức tạp và lâu dài hơn nhiều. Và như thế, mọi sự mà trước kia ta nghĩ là ổn thì không còn được giả định là thế nữa.

Tuy nhiên ẩn sau đó là cả một đại dương băn khoăn mênh mông. Họ thao thức sự nghiệp, vun trồng ước mơ mà thoạt nhìn xem ra không tưởng.[13] Những người trẻ Việt Nam nuôi một ý chí quật cường dù phải trả giá thật đắt. Họ mong mỏi được hướng dẫn để đi tới cùng cuộc đời mình. Chính khát vọng này khiến họ phê phán các nhà giáo dục. Họ làm chứng điều Augustinô vẫn đúng: tâm hồn tôi chỉ được an nghỉ khi gặp được Thiên Chúa mà thôi. (x. số 138; cũng xem số 17) “Bằng nhiều cách, những người trẻ ngày nay đang nói với chúng ta: “chúng tôi muốn thấy Đức Giêsu ” (Ga 12,21). Vậy, họ tỏ lộ một thứ ‘bất an lành mạnh’[14] vốn đặc trưng hóa cõi lòng của mọi con người: “Sự bất an của việc tìm kiếm thiêng liêng, sự bất an của việc gặp gỡ Thiên Chúa, sự bất an của tình yêu”. (Francis, Mass for the Beginning of the General Chapter of the Order of Saint Augustine, 28 August 2013).[15] Thật vậy, chính những người trẻ thú nhận rất chân thành:

“Thế giới trong đó chúng con sống thật phức tạp. Nó bày ra những thách đố quan trọng. Thật khó để mà sống một cách chân chính; đó là lý do tại sao chúng con sợ hãi, lúng túng, thất vọng và cần được yêu mến. […] Bởi vì chúng con không cảm nhận được xã hội yêu thương, nên chúng con trú ẩn đằng sau những mặt nạ và đào thoát khỏi giao tiếp với con người. Chúng con không muốn quý vị nghĩ rằng chúng con không quan tâm chi đến xã hội quanh mình; nhưng trong xã hội trôi chảy, và đôi khi phi nhân, dấn thân cách vô vị lợi vào điều người khác cần quả thật khó.” (Lá thư của những người trẻ gửi cho các Salêdiêng trong Tổng Tu Nghị 28)

Giữa biết bao trào lưu, những người trẻ nhìn Giáo hội như xa lạ, như kẻ phán đoán và kết án (x. số 81). “Chúng con cảm nhận không thoải mái và thường không hiểu Giáo hội nói gì và làm gì về những vấn đề giới tính, phụ nữ, sự khác biệt phái tính” (Lá thư của những người trẻ gửi cho các Salêdiêng trong Tổng Tu Nghị 28). Rất nhiều khi, “một số đông người trẻ, vì đủ loại lý do, không xin Giáo hội gì cả bởi vì họ không thấy nó là quan trọng cho đời mình. Trái lại một số xin để mặc họ, khi họ thấy sự hiện diện của Giáo hội là một sự khó chịu, thậm chí một sự gây tức bực.” (Tài liệu chung cục của Synod về giới trẻ, số 53)

Cám dỗ tự mình giải phóng chính mình xem ra hấp dẫn cho người trẻ. Tuy nhiên, đó là một ảo tưởng. Kẻ lún xuống đầm lầy chẳng thể tự mình ngoi lên: “Khi chúng ta sống tách khỏi người khác, chống lại dục vọng, cạm bẫy và cám dỗ của ma quỷ, và sự ích kỷ của thế gian quả là cực kỳ khó khăn. Vì bị tấn công bởi muôn ngàn dụ dỗ, chúng ta có thể nên quá cô lập, mất cảm thức về thực tại và sự trong sáng nội tâm, và dễ dàng chịu thua […] Quả thế, sự cô lập làm hao mòn sức mạnh chúng ta và phơi trần chúng ta cho những sự xấu nhất của thời đại chúng ta” (số 110) hơn là làm cho chúng ta mạnh mẽ. Nhiều người trẻ đang “rủ” nhau “cùng cô đơn” trên các trang mạng. Và nhiều người đã tự kết thúc đời mình.

Bức tranh hiện sinh đó đang thách đố Giáo hội-Mẹ. Những người trẻ của thế giới không phải là thành phần bên lề của Giáo hội, là cái ruột dư của Giáo hội. Không. Đó là những người con nhỏ của Giáo hội. Vậy, nếu GH đúng là mẹ, đúng là chuyên viên về con người trong Đức Kitô, thì Giáo hội không thể dửng dưng. Giáo hội phải thấy trách nhiệm để tìm cách trao cho họ CON ĐƯỜNG giải phóng:

“Nếu các con còn trẻ trong năm tháng, song cảm thấy yếu đuối, mệt nhọc hay thất vọng, hãy xin Đức Giêsu canh tân các con. Với ngài, hy vọng không bao giờ thất bại. Các con hãy làm như thế nếu cảm thấy bị các nết xấu, thói quen xấu, ích kỷ hay những giải trí không lành mạnh. Đức Giêsu, tràn ngập sự sống, muốn giúp các con làm cho cuộc đời mình đáng giá.” (số 109)

Giáo hội thật sự là mẹ, hoàn toàn sống cho con cái của mình khi trao cho những người trẻ TẶNG PHẨM HÀNG ĐẦU, chứ không phải trao ban chính mình: ĐỨC Giêsu KITÔ.

2. Thần học vững chắc định hướng mục vụ

Đặt mình bị thách đố bởi bức tranh hỗn độn của những người trẻ, Giáo hội không ở yên trong tháp ngà tri thức của mình, như trước nữa. Suy tư thần học trong Giáo hội phải dẫn lối Giáo hội đi vào thế giới một cách mới mẻ. Đúng vậy, trước khó khăn của thế kỷ XX,[16] Vatican II đã khai mào một định hướng suy tư thần học gắn chặt với tác vụ mục vụ.[17] Với Gaudium et Spes, TC không mạc khải chính mình cho con người để làm mãn nguyện tâm trí suy lý của họ. Đức Giêsu cũng chẳng thiết lập GH như một cơ chế dành cho những bậc khôn ngoan của thế gian. Nhưng GH thật sự là vì con người, gắn bó với con người trong những vui buồn, đau khổ, đấu tranh và hy vọng của họ.[18] Christus vivit dứt khoát làm cho định hướng này nên vững chắc.[19] Nơi đây không trình bày một Đức Giêsu suy lý cho bằng một Đức Giêsu trẻ trung, hằng sống và ngài đang nói cho những người trẻ hôm nay. “Nơi Đức Giêsu, tất cả những người trẻ có thể nhìn thấy chính mình.” (số 30) Chính Giêsu luôn tươi trẻ dạy Giáo hội con đường mục vụ rất trẻ trung và sống động: “Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống.” (số 1)

Theo ánh sáng này, Tông huấn và cả Thượng Hội đồng Giám mục về người trẻ chọn phương pháp luận gồm ba bước: nhận biết – giải thích – chọn lựa; Phương pháp này đã được sử dụng trong tài liệu chuẩn bị, tài liệu làm việc và được sử dụng các phong phú trong Christus vivit. Phương pháp này có thể nói là biến tấu của phương pháp thần học từ Châu Mỹ Latinh: xem – xét – làm. Xét cho cùng, đấy là cách mà Gaudium et Spes đã thực hiện để tìm được ý định của Thiên Chúa qua các dấu chỉ thời đại. Một Giáo hội cam kết mô phỏng mình theo khuôn mẫu mầu nhiệm nhập thể sẽ biết trân trọng những tặng phẩm, sự tốt lành Thiên Chúa hằng ngày làm nên giữa những con người bé nhỏ. Như thế, phương pháp này đòi hỏi GH phải sống sự dễ dạy lưỡng diện: dễ dạy đối với Thánh Thần và dễ dạy đối với hiện trạng của những con người mà Giáo hội được sai đến, bởi vì GH-mẹ đến từ Thiên Chúa để phục vụ con người (x. số 283-284)

Nếu vậy, Giáo hội không phải là trung tâm hay cốt lõi của nền thần học Kitô giáo. Giáo hội chỉ là người tôi tớ-mẹ. Cội nguồn, trung tâm của Giáo hội là một NGÔI VỊ. “Là một Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là cuộc gặp gỡ một biến cố, một ngôi vị, vốn ban cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát” (CV, §129; 156; cf. Deus Caritas Est, §1). Thần học Kitô giáo đâu phải là triết học Hy lạp về học thuyết của ông Giêsu. Chính vì thế, Tông huấn không ngừng vang lên: Đức Giêsu hằng sống. “Chính những lời đầu tiên mà tôi muốn nói cho mọi người Kitô hữu trẻ là đây: Đức Kitô hằng sống và ngài muốn các con sống động!” Định hướng quy về Đức Kitô hoàn toàn chi phối tông huấn. Hãy cho phép tôi trích dẫn một số đoạn văn rải rác khắp các chương:

Chương 1: với tựa đề Lời Chúa có gì để nói về những người trẻ. “Nếu các con mất đi sức sinh động bên trong, những giấc mơ, nhiệt tình, lạc quan và sự quảng đại của mình, Đức Giêsu đứng trước các con như Ngài trước kia đã đứng trước đứa con đã chết của bà góa.” (số 20).

Chương 2: Đức Giêsu mãi mãi trẻ trung. “Đức Giêsu không dạy những người trẻ các con từ xa hay từ bên ngoài, song từ chính trong tuổi trẻ của các con, tuổi trẻ mà Ngài chia sẻ với các con. (số 31)

Chương 3: Các con là cái “hiện nay” của Thiên Chúa. “Đức Giêsu làm cho các người trẻ cảm nhận Ngài hiện diện giữa những thập giá này mà những người đang gánh vác; Ngài cống hiến cho họ tình bạn, sự an ủi và sự đồng hành thuyên chữa của ngài.” (83)

Chương 4: Một sứ điệp vĩ đại cho tất cả những người trẻ. “Hãy giữ mắt các con gắn chặt vào đôi tay vươn ra của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy để cho chính các con được cứu độ mãi mãi” (số 123); hay, “Đức Kitô hằng sống! chúng ta cần nhắc nhớ chính mình về điều này, bởi vì chúng ta có nguy cơ coi Đức Giêsu Kitô đơn giản là một khuôn mẫu tốt lành từ quá khứ xa xôi, như một kỷ niệm, như một ai đó cứu độ chúng ta cả hai ngàn năm trước.” (số 124)

Chương 5: Những lối đường của tuổi trẻ. “Bất kể các con sống kinh nghiệm của những năm tuổi trẻ này nhiều đến mấy, các con sẽ không bao giờ biết được ý nghĩa sâu xa nhất và sung mãn nhất trừ phi các con gặp gỡ mỗi ngày người bạn tốt nhất của các con, người bạn đó là Đức Giêsu.” (số 150).

Chương 6: Người trẻ có gốc rễ. “chúng ta phải gặp gỡ văn hoá chúng ta với sự thực tế và tình yêu và làm đầy nó bằng Tin mừng. Ngày nay chúng ta được sai để công bố Tin mừng của Đức Giêsu cho một thời đại mới.” (số 199).

Chương 7: Tác vụ Giới trẻ. “tác vụ giới trẻ phải luôn bao gồm những cơ hội để canh tân và đào sâu kinh nghiệm cá nhân chúng ta về tình yêu Thiên Chúa và Đức Kitô đang sống.” (số 214).

Chương 8: Ơn gọi. “Điều đầu tiên ta cần phân định và khám phá là đây: Đức Giêsu muốn là bạn với mọi người trẻ” (số 250). Chỗ khác: “Đức Giêsu đang bước đi giữa chúng ta, như Ngài đã làm tại Galilêa. Ngài rảo qua phố phường chúng ta và Ngài lặng lẽ dừng lại và nhìn vào mắt chúng ta. Tiếng Ngài gọi thật hấp dẫn và say đắm.” (số 277).

Chương 9: Phân định. “Chúa nói với chúng ta muôn nghìn cách, khi làm việc qua tha nhân và vào mọi giây phút. Nhưng đơn giản chúng ta không thể làm mà không có sự thinh lặng của cầu nguyện lâu dài, vốn làm cho chúng ta có thể tri nhận tốt hơn ngôn ngữ của Thiên Chúa, để giải thích ý nghĩa thật sự của những gợi hứng mà chúng ta tin chúng ta đã nhận được, để làm dịu những âu lo chúng ta và để xem toàn cuộc đời chúng ta trong ánh sáng của Ngài.” (số 283). Chỗ khác, “Để phân định ơn gọi cá nhân chúng ta, chúng ta phải ý thức rằng nó là một tiếng gọi đến từ một người vốn là Giêsu.” (số 287)

Số cuối cùng như kết luận với những lời này: “Hãy tiếp tục chạy, “được khuôn mặt Đức Kitô lôi cuốn, Đấng chúng ta yêu mến rất nhiều, Đấng chúng ta thờ lạy trong Thánh Thể và thừa nhận trong xác thịt của những anh chị em đau khổ của chúng ta.” (số 299)

Qua những trích dẫn này – tôi chỉ nêu lên một vài đoạn văn thôi – minh chứng rõ ràng mọi hoạt động mục vụ của Giáo hội cho giới trẻ phải quy về Đức Kitô, như nguồn mạch và cùng đích. Giáo hội trao Đức Giêsu cho con người, theo cách thức của vị Mục Tử Nhân Lành; đấy là mục vụ vậy.

Chiều hướng mục vụ quy Kitô này, một cách thực tiễn, được xoay quanh chân lý số 1 này: “TIN MỪNG VĨ ĐẠI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ”. Nó như nhắc lại lời của thiên sứ cho mục đồng: “Ta đem cho các ngươi một tin mừng vĩ đại”. Xét cho cùng, lời rao giảng kerygma của Giáo hội sơ khai cách riêng “Đức Giêsu Kitô đã chết, đã sống lại và lại đến” nay được mang một sắc thái mới với ngôn ngữ mới khi tông huấn trình bày Thiên Chúa tình yêu theo tam diện sau đây:

a. Thiên Chúa yêu bạn

“Chính chân lý số một mà tôi muốn nói với từng người các con là đây: ‘Thiên Chúa yêu con.’ Dù các con nghe hay không nghe thấy, không có gì khác cả.” (số 112). Xác quyết này nổi bật ngay cả khi người trẻ trải nghiệm những vỡ mộng về người cha. Người cha mà Freud vẽ lên thật biếm họa. Thiên Chúa hoàn toàn khác, vì “đối với Ngài, các con thật quan trọng vì các con là công trình tay Ngài làm ra.” (số 115) Bằng một ngôn ngữ trẻ trung hiện đại, Ngài viết: “Các con hãy tin vào ký ức của Thiên Chúa: ký ức của Ngài không phải là “ổ cứng” lưu trữ và ‘giữ’ tất cả các dữ liệu. Ký ức của Ngài là trái tim đầy sự xót thương nhân ái, nó vui khi “xóa” khỏi ta mọi dấu vết sự xấu.” (số 115) Thật ấn tượng trong lối so sánh như thế: một ổ cứng vô cảm không thể sánh ví với Đấng có trái tim “khóc” với con cái mình.

b. Đức Kitô cứu chuộc

Tình yêu của Đấng đã chết vì chúng ta không cho phép một ai thất vọng. “Chúng ta có thể làm bất kỳ các điều chống lại Ngài, nhưng Ngài yêu chúng ta và cứu độ chúng ta. Chỉ điều gì được yêu mới có thể được cứu độ. Chỉ điều gì được ôm ấp mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa thì lớn hơn tất cả những vấn đề, mỏng giòn và thói xấu của chúng ta. Nhưng chính qua những điều đó mà Ngài muốn viết câu chuyện tình yêu này.” (số 119). Tình yêu này đảm bảo “các con là vô giá! Các con không phải là món hàng bán buôn!” (số 122).

c. Thánh Thần tác thánh

Ngài lặng lẽ mở tâm hồn chúng ta. “Khi các con nhận Thần khí, ngài kéo các con vào sâu xa hơn trong cõi lòng Đức Kitô hầu các con có thể tăng trưởng trong tình yêu, sự sống và quyền năng của Ngài.” (số 130). Ngài làm cho mọi khát vọng như tình yêu, đam mê mãnh liệt nên tuyệt mức. “Ngài không lấy gì khỏi các con, nhưng trái lại giúp các con tìm thấy mọi sự các con cần, và theo một cách thức tốt nhất có thể.” (số 130) Ngài thật sự làm cho chúng ta “phải lòng” với Thiên Chúa, với Đức Kitô một cách khôn lường.

Tình yêu tam diện này của Thiên Chúa cho thấy Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta còn lạ lùng hơn sáng tạo, và công trình cứu độ chỉ viên mãn khi biến đổi chúng ta thành tạo vật mới trọn vẹn, khi con tim chúng ta được biến đổi, khi ta trở nên thánh thiện.

Vậy ra, Tông huấn đưa chúng ta về lời rao giảng chân thật của các Kitô hữu đầu tiên, của toàn Giáo hội mọi thời đại. Kerygma phải được vang lên mãi trong bất kỳ tác vụ nào của Giáo hội. Chẳng có thần học nào, chẳng có học thuyết nào vững chắc, khôn ngoan và thiết yếu hơn điều này. (x. EG 165). Tất cả đều lệ thuộc vào đây. Mọi việc và hoạt động sẽ mang tính loan báo Tin mừng trừ phi điều này được lộ rõ bằng nhiều cách khác nhau. (x. Evangelii Gaudium, §164). Quả thế,“Lời rao giảng kerygma trình bày Ngôi vị Đức Giêsu Kitô và câu chuyện cứu độ chúng ta một cách trực tiếp và đơn giản. Lời kerygma trình bày Thiên Chúa không như một học thuyết, khái niệm, hay lý thuyết, nhưng như một Ngôi vị”[20]

Nếu vậy, nhất thiết phải thay đổi lối nhìn về mục vụ giới trẻ. Hẳn nhiên, mục vụ giới trẻ không phải là một số những sự kiện tụ họp giới trẻ. Nó cũng chẳng phải là tùy dịp, ngẫu hứng. Phải hơn, tác vụ giới trẻ phải được nhìn xem là một sự nhiệm huấn có hệ thống, từng bước và tiệm tiến, dẫn người trẻ vào trung tâm mầu nhiệm Kitô hữu. “Một khai tâm mang tính nhiệm huấn, điều này cơ bản phải liên hệ đến hai điều: một kinh nghiệm đào luyện tiệm tiến làm cho toàn cộng đoàn can dự vào và canh tân sự trân trọng những dấu chỉ phụng vụ của khai tâm Kitô hữu.” (EG 166). Các giáo phụ đã để lại gia sản này cho Giáo hội sơ khai và phải được tiếp tục mãi, vì đây là lối đường vững chắc đào tạo những Kitô hữu trẻ trưởng thành. Thật thế, “Không có việc loan báo lời rao giảng đầu tiên, chúng ta đào tạo các học sinh sẵn sàng cho cuộc Đố vui Công giáo (Catholic Jeopardy), chứ không phải chuẩn bị cho sự tương giao cá nhân với Đức Giêsu Kitô. Không có lời rao giảng đó, chúng ta đặt chiếc xe trước con ngựa và dạy học thuyết trước khi dẫn người tín hữu tới Ngôi vị Đức Giêsu Kitô.”[21] Nếu thật sự chú tâm tới lời rao giảng đầu tiên này kết quả sẽ rất khác biệt, như lời của Vincent Reilly: “Nếu các giáo xứ bắt đầu khuôn mẫu giáo lý mang tính rao giảng như Jungmann, Hofinger, và Giáo hoàng Phanxicô đề xuất, các cộng đoàn địa phương sẽ chuyển từ làm Giáo hội sang LÀ Giáo hội.”[22]

3. Giáo hội giới trẻ cần đến

Một sự kiện thường xảy ra trong các lớp giáo lý: nhiều giáo lý viên “sợ” vào lớp của những luống tuổi thiếu niên. Nhiều nhận xét tiêu cực: các em không thích học giáo lý, các em xem ra bất cần, và nhiều điều tiêu cực khác nữa. Đấy mới chỉ là một mặt của sự thật thôi. Thật vậy, đằng sau dáng vẻ “bất cần” đó, chúng lại muốn diễn đạt một nỗi niềm khao khát Giáo hội. Đức Gioan Phaolô II trải nghiệm rất rõ điều này: giới trẻ rất cần đến Giáo hội. Chẳng lạ gì mà những ngày Giới trẻ Thế giới do ngài chủ xướng vẫn tồn tại cho đến nay. Không chỉ như vậy. Thái độ đó trở thành một thách đố để Giáo hội biết mình và canh tân chính mình. Những người trẻ nói cho Giáo hội rằng nếu Giáo hội trình bày mình theo kiểu người xa lạ, người du lịch trong thế giới tuổi trẻ, người thẩm phán, người có vẻ đẹp nhân tạo… thì những người trẻ không cần đâu. (x. số 98-100). Đã đến lúc chúng ta tự hỏi: Loại Giáo hội nào mà những người trẻ ngày nay đang cần tới? Đặt ra như thế mới có thể xảy ra nơi chính chúng ta trước hết sự hoán cải mang tính giáo hội.

Nếu thế, chúng ta cũng phải khiêm nhường thú nhận: chúng ta chưa đáp ứng khát vọng của chúng cách thích đáng. Những người trẻ hôm nay đang khao khát một Giáo hội rất khác với những gì chúng ta đang ban cho họ. “Họ xin chúng ta ít là “những người quản trị” (điều hành) hơn nhưng lại là “những mục tử” hơn; để ở giữa họ và có thời gian đồng hành với họ.” hay “họ xin chúng ta thời gian, nhưng chúng ta lại cho họ không gian; họ xin chúng ta những tương giao còn chúng ta cung cấp cho họ những dịch vụ; họ xin chúng ta đời sống huynh đệ, nhưng chúng ta cống hiến cho họ những cơ cấu; họ xin chúng ta tình bạn, chúng ta cung cấp cho họ những hoạt động vì họ.”[23] Điều họ cần đầu tiên nơi Giáo hội xuyên qua các thừa tác viên của mình: LÀ MỘT NGƯỜI MẸ HƠN LÀ MỘT THẦY DẠY VÀ CÀNG ÍT HƠN LÀ THẨM PHÁN. Người trẻ nói với các thừa tác viên Giáo hội rằng điều họ cần không phải là họ nói cho người trẻ phải làm điều gì; họ đang cần những người bạn hướng dẫn khôn ngoan ở giữa họ, trong thế giới của họ bằng sự thân tình. Nếu không được họ chấp nhận vào thế giới tuổi trẻ, các thừa tác viên chẳng làm được gì để thay đổi họ đâu. “Người trẻ cần được tiếp cận qua văn phạm của tình yêu, chứ không phải bằng cách thuyết giảng chiêu dụ. Người trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ của những người sống hiến thân, những người sống với họ và cho họ, và cả những ai, dù còn đầy giới hạn và yếu đuối, cố gắng sống đức tin chân thành.” (số 211).

Thật vậy, người trẻ hôm nay cần đến một Giáo hội- Mẹ biết khóc. Đoạn văn của giáo hoàng trong Christus vivit rất ấn tượng và chạm đến các tác viên thực thi mục vụ giới trẻ như sau:

“Chúng ta đừng trở nên một Hội Thánh vô cảm trước những thảm kịch ấy của những người trẻ là con cái mình. […] vì ai không biết khóc thì không phải là mẹ. Chúng ta muốn khóc để cho xã hội cũng phải trở thành một người mẹ đúng nghĩa hơn, để thay vì sát hại thì xã hội học biết cách sinh thành, trở thành nơi hứa hẹn của sự sống. Chúng ta khóc khi nhớ đến những người trẻ phải bỏ mạng vì nghèo đói và bạo lực, và chúng ta kêu gọi xã hội học cách trở nên một người mẹ biết chăm sóc con mình. Nỗi đau này chẳng nguôi ngoai; nhưng vẫn đi theo chúng ta, vì thực tế không thể che giấu được. Điều tệ hại nhất chúng ta có thể làm là dùng cách mà tinh thần thế gian vẫn làm, tức là ru ngủ người trẻ bằng những thông điệp khác, những mối bận tâm khác, những điều tầm thường khác.” (Số 75)

Giáo hội-thẩm phán sẽ chỉ kết án. Giáo hội – Hoàng vương có trái tim không hề rung động. Giáo hội – Trưởng giả êm ấm trước màn hình và trong chiếc ghế bành êm ái với những cỗ bàn ê hề. Chỉ một Giáo hội – Mẹ mới ở ngoài đó với những đứa con đang đói ước mong có được đậu muồng heo ăn mà ngốn cho đầy bụng song cũng không được. Chỉ một Giáo hội-Mục tử lặn lội tìm cho bằng được con chiên lạc để đưa về ràn chiên duy nhất. Chỉ một Giáo hội – Osin lấm bẩn vì những “ông chủ non nớt” của mình đi lạc. Như thế, nước mắt của một người mẹ không phải là dấu hiệu ủy mị. Trái lại, những giọt nước mắt đó cứu những đứa con. Những giọt nước mắt của bà mẹ không chỉ làm cho thiên đàng hân hoan, nó còn làm cho xã hội thêm nhân bản hơn. Có lẽ điều này rất đúng: thật khốn cho một xã hội mà ngày nào đó không còn những giọt nước mắt của bà mẹ.

Giáo hội – Mẹ không thể không đặt sự an toàn, hạnh phúc của con cái lên trên hết. Người mẹ sẵn sàng lấy thân mình làm bia đỡ đạn cho con cái được sống. Giáo hội đó luôn phải cảnh giác và tuyên chiến với những gì làm biến dạng tâm hồn xót thương của mình. Cám dỗ trau chuốt bản thân, tìm lợi ích cho riêng mình vẫn luôn có đó với Giáo hội. Khi nhìn Giáo hội với con mắt chiêm niệm, Đức Phanxicô không ngừng tuyên chiến với chủ nghĩa giáo sĩ. Nó hủy diệt vẻ đẹp của Giáo hội. Nó đặt quyền lợi, danh giá, thiện ích của mình lên trên hết. Nó đặt vẻ đẹp của Giáo hội vào những cái bề ngoài, chứ không phải ở tận cõi lòng. Theo lời của Ratzinger, nó biến Giáo hội thành quái vật![24]

Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một cám dỗ thường xuyên của các linh mục, các vị coi ‘thừa tác vụ đã lãnh nhận như quyền lực’ để sử dụng, chứ không phải là một sự phục vụ nhưng không và quảng đại mà mình phải cống hiến. Cách nhìn đó dẫn tới chỗ tin rằng mình thuộc về một nhóm nắm giữ mọi lời giải đáp mà chẳng cần lắng nghe hay học hỏi gì thêm nữa, hay chỉ giả vờ lắng nghe mà thôi” (98).

Nó dẫn tới muôn vàn hình thức lạm dụng được gồm tóm: “lạm dụng quyền lực, lạm dụng kinh tế, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục.” (98). Giáo hội như thế, những người trẻ không muốn và thậm chí không muốn thấy.

Những người trẻ khát vọng một Giáo hội -cùng-nhau-tiến-bước. Vatican II đã nói đến Dân Thiên Chúa lữ hành. Công đồng đó cũng nói đến một tính tập đoàn (collegiality) trong cai quản và mục vụ, vốn đã được Giáo hội Đông phương khai triển khái niệm Sobornost. Sau Vatican II, Đức Phaolô VI quyết định canh tân cơ cấu đã có từ thời Giáo hội sơ khai là “Thượng Hội đồng Giám mục” (Synod). Thật ra, nguyên thủy nó nói đến cùng-nhau-đi-tới. Chính Tin mừng Luca cũng dùng hạn từ này trong trình thuật về trẻ Giêsu lên Giêrusalem. (xem số 29) Đức Phanxicô làm cho điều này thành đặc trưng của triều giáo hoàng của ngài. Ngài thúc đẩy Ủy ban Thần học Quốc tế nghiên cứu, suy tư về tính hiệp hành (tính chất cùng-nhau-bước-đi, Synodality) của Giáo hội.[25] Ngài liên tục nhấn mạnh hướng đi này. Giáo hội là cùng nhau đi tới. Chính vì vậy, Giáo hội phải “xuất thần”, “ra khỏi chính mình” để nhận ra sự vĩ đại của Thiên Chúa nơi những người khác. (x. số 164). Để tìm gặp chính mình, Giáo hội buộc phải đi ra khỏi chính mình. Giáo hội không phải chỉ là quá khứ, chỉ là hiện tại hoặc chỉ là tương lai. Đức Phanxicô sử dụng một hình ảnh rất đẹp để cho thấy Giáo hội như sau: “tất cả chúng ta hãy bước lên cùng một chiếc thuyền và cùng nhau tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn, với sức năng động luôn luôn mới của Chúa Thánh Thần.” (số 201). Trong ánh sáng hiệp hành này, Giáo hội nhận ra hai điều: “sự ý thức toàn thể cộng đồng phải tham gia vào công cuộc Phúc âm hoá người trẻ, và nhu cầu cấp bách để người trẻ đảm nhận một vai trò quan trọng hơn nữa trong các chương trình mục vụ.” (số 202). Nói cách khác, “chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo.” (số 203). Đó là một Giáo hội mở rộng cho mọi người tham gia, vì họ có quyền công dân toàn vẹn đến từ phép Thánh Tẩy (x. số 206-208).

Những người trẻ đang cần một Giáo hội hiện diện giữa giới trẻ. Đức Phanxicô không giấu thực trạng này: nhiều khi Giáo hội không có chỗ cho người trẻ. Đức Phanxicô muốn Giáo hội tỏ mình ra là một Giáo hội đón chào, vì rất nhiều người trẻ có một trải nghiệm bị “mồ côi” thật sự: từ gia đình cho đến học đường và cả trong Giáo hội. “Chúng ta cần làm cho tất cả những cơ sở chúng ta được trang bị tốt hơn để đón chào giới trẻ hơn, vì có quá nhiều người trẻ có một cảm thức bị mồ côi” Giáo hội của mục vụ giới trẻ cần phải làm được là đây: được giới trẻ tiếp nhận như người bạn. Thật vậy, Giáo hội già đi khi “bị giam hãm trong quá khứ, kềm hãm hay làm cho Hội Thánh bị tê liệt.” Hoặc Giáo hội “tin rằng mình trẻ trung vì đã chấp nhận tất cả những gì thế giới mời mọc, tin rằng mình đổi mới vì đã quên đi sứ điệp của mình mà bắt chước người khác.” Giáo hội chỉ trẻ trung mãi khi có khả năng không ngừng trở về nguồn hằng ngày: Lời Chúa, Thánh Thể, sức mạnh Thần khí, Đức Giêsu hiện diện. (số 35).

4. Kết luận

Tôi kết luận ở đây bằng cách trích dẫn những lời rất độc đáo của Đức Phanxicô khi sử dụng một thần thoại Hy lạp.

Ulysse, để không bị đắm bởi khúc hát của mỹ nhân ngư vốn hay làm mê hoặc các thủy thủ khiến họ lao thuyền vào ghềnh đá, đã tự trói mình vào cột buồm và buộc những người đồng hành phải bịt kín tai lại. Còn Orpheus thì lại có cách đối phó khác với khúc hát của các nàng tiên cá: chàng tấu lên một giai điệu còn hay hơn có sức mê hoặc các mỹ nhân ngư kia. Đây là nhiệm vụ cao cả của các con, đó là đáp lại những điệp khúc làm tê liệt xã hội của trào lưu tiêu thụ về văn hoá bằng những lựa chọn năng động và quyết liệt, bằng sự tìm tòi, hiểu biết và chia sẻ.” (số 117; cũng xem số 134)

Mọi người trẻ đều phải đi qua biển trần gian nơi đó có Mỹ Nhân Ngư hát bài ca tuổi trẻ mời mọc, hấp dẫn của thú vui. Khắp nơi, những người trẻ luôn được những lời mời mọc của thế gian, của hưởng thụ, của ích kỷ, của khoái lạc. Đó là những phương dược làm tê mê, làm mất sức phấn đấu của tuổi trẻ (x. số 257, 131). Nó là bản năng chết, nó đòi hỏi liên tục lặp lại với số lượng tăng dần và cuối cùng dẫn tới cái chết.[26] Và lúc đó họ ở trong tâm lý sự chết.[27] G. Marcel nói cùng một thực tại ấy nơi những người trẻ đang tự hào với những gì mình sở hữu hơn là biết rõ mình là ai và là gì, tức bình diện huyền nhiệm.

Giáo hội mà những người trẻ mong đợi nhất thiết phải có khả năng trao cho họ một bản nhạc mới đã được CHÀNG THANH NIÊN Giêsu sáng tác cho họ (x. số 30-33). Không chỉ trao cho họ, song Giáo hội còn có khả năng dạy họ thuần thục bài ca đó, một bài ca duy nhất cứu độ họ và đưa họ qua biển trần gian một cách tốt đẹp. Giáo hội – Mẹ chính là Giáo hội mà những người trẻ hôm nay cần (số 34). Như Đức Gioan XXIII nói: ngài đã học được mọi sự cần thiết cho cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa trên đầu gối của mẹ mình. Cũng thế, trong lòng Giáo hội-Mẹ, những người trẻ học được bài ca mới của thanh niên Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu -Trẻ đã sử dụng mọi sự của thế gian này để tạo ra bài ca tuyệt mỹ cho những người trẻ có một tên riêng và lịch sử riêng. Chàng THANH NIÊN Giêsu đã đảm nhận mọi sự của người trẻ ngoại trừ tội lỗi để cùng họ hát vang bài ca mới chúc tụng Cha Ngài. Bài ca đó dựa vào chính những cung nhạc, những nhạc cụ… mà giới trẻ đang có, nhưng với một âm điệu mới: âm điệu Tin mừng, âm điệu Đức Giêsu, âm điệu Ơn gọi và Sứ mệnh (x. số 174, 122) Và bất kỳ người trẻ nào hát bài mới do Đức Giêsu sáng tác được sống động trong Giáo hội-Mẹ, đều trải nghiệm sự mãn nguyện vô bờ bến và mãi mãi. Không chỉ cho riêng họ mà còn cho cả một thế giới họ sống. Quả thế, một Đaminh Savio đã chẳng làm cho bộ mặt giới trẻ nên khác hay sao? Một Carlo Acutis lại không làm cho thế giới internet của những người trẻ nên khác biệt hay sao? Trong Giáo hội-Mẹ, những người trẻ, bất chấp quá khứ của họ ra sao, đều học được chân lý tạo nên hy vọng này: họ không được tạo dựng cho phù phiếm, hời hợt (xem số 126, 128). Họ được dựng nên cho Đức Kitô vì chính Ngài mới làm cho tuổi xuân nên phơi phới. Chính ngài làm cho từng người trẻ trọn vẹn là chính mình trong sự hiệp thông và hiến thân cho người khác. Chính ngài gọi từng người trẻ, sai họ đi đến nơi ngài muốn. Từng người thật sự là một sứ mệnh. Và chính vì lẽ này mà từng người đã sinh ra và đến trong thế giới.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 124 (Tháng 5 & 6 năm 2021)

 

 


[1] Vatican II, sứ điệp gửi giới trẻ, 7 tháng 12, 1965.

[2] X. Vatican II, sứ điệp gửi giới trẻ, 7 tháng 12, 1965; cũng xem, Giám mục Nguyễn Văn Viên, “Nhãn quan Giáo hội về người trẻ trong thế giới hôm nay” trong Tập San Hiệp Thông/Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 118 (tháng 5 & 6 năm 2020); Võ Tá Hoàng, Giáo hội và Giới trẻ trong một thế giới đang đổi thay, http//gpquinhon.org/q/thuong-huan/gioi-tre-va-giao-hoi-trong-mot-the- gioi-dang-doi-thay-2180.html; được truy cập ngày 20/10/2020.

[3] Hannah Brockhaus, “Pope: The Church hears the outrage of young people at scandal” trong Catholic News Agency (CAN), https://www.catholicnewsagency.com/news/39478/pope-the-church-hears-the-outrage-of-young-people-at-scandal; truy cập ngày 14.10, 2020.

[4] Cf. Synod of Bishops XV Ordinary General Assembly, Preparatory Document, Young People, The Faith and Vocational Discernment, chapter 1: Young People in Today’s World; Cf. Special General Chapter XX of the Salesian Society, n. 34 (Rome 1971)

[5] Xem Đức Phanxicô, sứ điệp gửi cho Tổng Tu Nghị 28 của Dòng Salêdiêng Don Bosco.

[6] Như trên.

[7] Cũng xem, Thecla Trần Thị Giồng, Đồng hành với giới trẻ hướng tới sự trưởng

thành…, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dong-hanh-voi-gioi-tre-huong-toi-su-truong-thanh–40354; được truy cập ngày 20/10/2020.

[8] Cf. Ikechukwu Anthony Kanu, “Theological Models of Youth in Christus Vivit”. Tác giả phân tích Christus vivit với bốn mô hình cho giới trẻ: Biblical Model of Youth, Christological Model of Youth, Ecclesiological Model of Youth và Mariological Model of Youth.

[9] Cũng xem thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010, chương 1.

[10] Có lẽ Giáo hội tại VN cần làm một khảo cứu để thấy rõ hơn những người trẻ Công giáo Việt nam đóng góp sinh động thế nào cho việc dạy giáo lý, sinh hoạt thiếu nhi… Khắp nơi, khắp giáo xứ, họ là những người chủ chốt.

[11] Cũng xem Hội đồng Giám mục Việt Nam, thư chung hậu Đại hội dân Chúa 2010

[12] Ibid.

[13] x. Trần Phương, Khát vọng khởi nghiệp, https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khat-vong-khoi-nghiep-post206122.gd; được truy cập ngày 8.10.2020. Cũng xem bài của Thecla Trần Thị Giồng ở trên.

[14] X. Benedictô XVI, Spe Salvi.

[15] Tài liệu chung cục của Synod về giới trẻ, số 50.

[16] Xem GS chương 1

[17] Xem GS 23; RH

[18] Xem Hội đồng Giám mục Việt nam, thư chung 1980.

[19] Xem tài liệu chuẩn bị của Synod về giới trẻ, đức tin và phân định ơn gọi.

[20] Vincent J. Reilly, Preaching Kerygma, https://churchlifejournal.nd.edu/articles/preaching-kerygma/, truy cập ngày 8. 10. 2020.

[21] Như trên.

[22] Như trên.

[23] Lá thư của những bạn trẻ gửi cho các thành viên tham dự Tổng Tu Nghị 28 của Dòng Salêdiêng.

[24] Ratzinger, Introduction to Christianity; bản dịch “Đức Kitô, hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời”

[25] INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION, Synodality in the Life and Mission of the Church, số 3, 6, … https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_en.html; được truy cập ngày 20/10/2020.

[26] Xem Amado Cencini, Giáo Dục, Huấn Luyện Và Đồng Hành – Một Sư Phạm Giúp Một Người Thể Hiện Ơn Gọi Mình, Nhà xuất bản: Nxb Phương Đông, 2018; Cũng xem Đỗ Mạnh Cường, “Sự hình thành động cơ và hành trình khám phá bản thân” trong elib4u.files.wordpress.com, được truy cập ngày 20/10/2020.

[27] Xem Amado Cencini, Giáo Dục, Huấn Luyện Và Đồng Hành – Một Sư Phạm Giúp Một Người Thể Hiện Ơn Gọi Mình.