Ngày 29/1/2021, các thành viên Quốc hội Bồ Đào Nha đã bỏ phiếu thông qua dự luật hợp pháp hóa an tử, với kết quả 136 phiếu thuận, 78 phiếu chống và 4 phiếu trắng và dự luật đã được trình lên Tổng thống.
Sau đó, ngày 18/2/2021, Tổng thống đã quyết định yêu cầu tòa án hiến pháp đánh giá lại xem dự luật có phù hợp với hiến pháp quốc gia không. Ông nêu lên lo ngại rằng dự luật không phù hợp với hiến pháp, vốn mô tả sự sống con người là “bất khả xâm phạm.” Và Toà án hiến pháp cũng đã bác bỏ dự luật. Ngày 15/3/2021 Tổng thống đã phủ quyết dự luật lần thứ nhất.
Phủ quyết lần thứ hai
Trong lần thứ hai này, Tổng thống de Sousa đã từ chối ký dự luật và nói rằng từ ngữ diễn đạt trong dự luật không chính xác và tạm hoãn dự luật cho đến khi một quốc hội và chính phủ mới được chọn vào đầu năm tới.
Hôm thứ Hai 29/11/2021, trang web của Phủ Tổng thống Bồ Đào Nha cho biết Tổng thống trả lại dự luật đã sửa cho quốc hội và cho rằng cần phải nói rõ thêm về “những gì có vẻ mâu thuẫn” liên quan đến các nguyên nhân biện minh cho việc sử dụng cái chết với sự hỗ trợ y tế.
Trong khi dự luật ban đầu yêu cầu “bệnh hiểm nghèo gây tử vong” là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện an tử, phiên bản mới đề cập đến “bệnh nan y” hoặc “bệnh nặng” trong một số công thức của nó. Theo ý kiến của Tổng thống De Sousa, việc không còn coi bệnh nhân cần phải mắc “bệnh hiểm nghèo gây tử vong” có nghĩa là “một sự thay đổi đáng kể trong việc cân nhắc các giá trị của sự sống và quyền tự quyết định trong bối cảnh xã hội Bồ Đào Nha”.
Các đảng trung tả ở Bồ Đào Nha đã tài trợ cho dự luật an tử, như họ đã từng làm với luật cho phép phá thai vào năm 2007, và hôn nhân đồng tính vào năm 2010, ở quốc gia đa số là Công giáo. (Crux 30/11/2021)