1. Tại sao chúng ta sợ chết, phân tích của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16
Nhân tháng các linh hồn, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một phân tích rất sâu sắc của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhân ngày lễ các đẳng linh hồn 2 tháng 11, 2011.
Trong bài huấn dụ tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, ngài đã gợi lên vài tư tưởng liên quan tới cái chết và cuộc sống mai sau. Ngài phân tích những lý do chúng ta sợ chết và nhấn mạnh rằng đối với các tín hữu Kitô cái chết phải được soi sáng bởi sự phục sinh của Chúa Kitô, và ngày lễ kính các đẳng linh hồn phải là dịp để họ canh tân niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu.
Đức Bênêđíctô thứ 16 nói:
Trong thế giới bị tục hóa của chúng ta, đức tin dường như khó lý giải được. Chúng ta đối diện với một chủ nghĩa vô thần “thực tiễn”. Đó là một xu hướng nghĩ và sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu. Tuy nhiên, một khi chúng ta loại bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống của mình, chúng ta bị giản lược lại vì nhân phẩm cao nhất của chúng ta hệ tại nơi việc được tạo thành bởi Thiên Chúa và được mời gọi sống hiệp thông với Ngài.
Trong tư cách là các tín hữu, chúng ta cần trao ra các lý do thật thuyết phục cho đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy những lý do như thế trong chính trật tự và vẻ đẹp của tự nhiên, là điều nói lên Đấng Tạo Hóa của nó; và trong lòng khao khát sự hiện diện đời đời, là điều chỉ tìm được sự thỏa mãn trong Chúa mà thôi; cũng như trong đức tin là điều soi sáng và chuyển hóa cuộc sống chúng ta qua sự kết hiệp hàng ngày với Thiên Chúa.
Ngài nói tiếp rằng:
Cái chết thường là một đề tài cấm kỵ trong xã hội của chúng ta, và người ta thường liên tục cố ý lấy khỏi tâm trí chúng ta ý tưởng về cái chết. Nhưng, cái chết liên quan tới từng người trong chúng ta, liên quan tới con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi chốn. Chính trước mầu nhiệm ấy chúng ta tất cả tìm kiếm một cái gì đó mời gọi chúng ta hy vọng, cả khi một cách vô thức, một dấu hiệu trao ban ủi an cho chúng ta, mở ra mở một chân trời nào đó, cống hiến một tương lai nào đó. Thật ra, con đường của cái chết là một con đường của niềm hy vọng, và bước đi trong các nghĩa trang cũng như đọc những gì viết trên các nấm mồ là bước đi trên một con đường được ghi dấu bởi niềm hy vọng của sự vĩnh cửu. Thế nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy sợ hãi trước cái chết?
Có nhiều câu trả lời: chúng ta sợ hãi trước cái chết, bởi vì chúng ta sợ hãi sự hư vô, sợ hãi cuộc ra đi về một cái gì mà chúng ta không hiểu và không quen hiết. Và khi đó trong chúng ta có ý thức khước từ, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận rằng những gì là xinh đẹp và cao cả đã được thực hiện trong toàn cuộc sống bất thình lình bị xóa bỏ và rơi vào vực thẳm hư không. Nhất là chúng ta cảm thấy rằng tình yêu nhắc tới và đòi hỏi sự vĩnh cửu, và chúng ta không thể chấp nhận rằng nó bị hủy diệt bởi cái chết trong một chốc lát.
Ngày nay bề ngoài, xem ra thế giới đã trở thành lý sự hơn, hay đúng hơn có khuynh hướng phổ biến cho rằng mọi thực tại đều phải được soi sáng dưới các tiêu chuẩn của khoa học thực nghiệm; và kể cả cái chết cũng phải được soi sáng không phải bằng đức tin nhưng từ các hiểu biết thực nghiệm.
Anh chị thân mến, lễ Các Thánh và lễ Tưởng niệm mọi tín hữu đã qua đời nói với chúng ta rằng chỉ có những ai thừa nhận một niềm hy vọng lớn lao trong cái chết, mới có thể sống một cuộc sống bắt đầu bằng sự hy vọng. Nếu chúng ta chỉ giản lược con người vào chiều kích hàng ngang, vào điều chúng ta có thể trực giác được một cách cảm nghiệm, thì chính cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa của nó. Con người cần sự vĩnh cửu, và mỗi một niềm hy vọng khác đối với nó đều qúa ngắn ngủi, đều qúa hạn hẹp… Chỉ có thể giải thích được con người, nếu có một Tình Yêu vượt ngoài mọi sự cô đơn, kể cả sự cô đơn của cái chết, trong một sự toàn vẹn vượt ngoài không gian và thời gian. Con người chỉ có thể giải thích được và tìm thấy ý nghĩa sâu thẳm của nó, nếu có Thiên Chúa. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã ra khỏi sự xa cách của Người để đến gần chúng ta; Người đã bước vào cuộc sống chúng ta và nói với chúng ta rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin nơi Ta cả khi chết cũng sẽ sống; ai sống và tin nơi Ta sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25-26).
Chúng ta hãy nghĩ tới cảnh trên Núi Sọ và nghe lại các lời Chúa Giêsu, từ trên Thập Giá, nói với người tội phạm bị đóng đanh bên phải Người: “Tôi bảo thật anh: hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Chúng ta hãy nghĩ tới các môn đệ trên đường về làng Emmaus, sau khi đi một đoạn đường dài với Chúa Giêsu phục sinh, họ nhận ra Người và mau mắn trở về Giêrusalem để loan báo sự Phục Sinh của Chúa (x. Lc 24,13-35). Trong tâm trí họ vang vọng rõ ràng lời của Thầy: “Các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ; nếu không Thầy đã không bao giờ nói với các con: “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,1-2).
Thiên Chúa đã thực sự tỏ hiện ra và có thể đạt tới được; Người đã yêu thương thế gian “đến độ ban Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và trong cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu của Thập Giá, bằng cách dìm mình trong vực thẳm của sự chết, Người đã thắng cái chết và sống lại Người cũng đã mở cho chúng ta cánh cửa của sự vĩnh cửu. Chúa Kitô nâng đỡ chúng ta vượt qua đêm đen của cái chết mà chính Người đã đi qua; Người là Mục Tử, và chúng ta có thể tin cậy nơi sự dẫn dắt của Người mà không sợ hãi, bởi vì Người biết rõ đường đi, cả khi có phải qua tăm tối.
Mỗi Chúa Nhật khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tái khẳng định chân lý này. Và khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, một lần nữa chúng ta được mời gọi can đảm mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, còn hơn thế nữa chúng ta được mời gọi sống với niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô. Và chính niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu trao ban cho kitô hữu sự can đảm yêu thương trái đất này một cách mạnh mẽ hơn nữa, và làm việc để xây dựng một tương lai, và trao ban cho trái đất một niềm hy vọng chắc chắn, đích thật.
2. Cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Cha Thánh Piô thành Pietrelcina và một linh hồn từ luyện ngục
Philip Kosloski của tờ Aleteia có một bài viết nhan đề “When Padre Pio was visited by a soul from purgatory” nghĩa là “Khi Cha Thánh Piô được một linh hồn từ luyện ngục thăm viếng”. Câu chuyện thật là đánh động vì nó nhắc nhở chúng ta những lời cầu nguyện và thánh lễ thật hữu ích dường nào để cứu các linh hồn trong luyện ngục. Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Như Ý.
Cha Pio Năm Dấu Thánh nổi tiếng với nhiều kinh nghiệm huyền bí trong khi cầu nguyện. Ngài thường xuyên được nhìn thấu qua bức màn thiên đàng khi vẫn còn đang tại thế. Một thí dụ tiêu biểu cho các kinh nghiệm này liên quan đến một cuộc gặp gỡ bất ngờ với một linh hồn từ luyện ngục.
Một ngày nọ khi đang cầu nguyện một mình, Cha Pio mở mắt ra và thấy một ông già đang đứng trước mặt ngài. Cha Pio không chút sợ hãi nhưng rất ngạc nhiên trước sự hiện diện của một người khác trong phòng và ngài giải thích trong chứng từ của mình như sau: “Tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào ông ta có thể bước vào nhà thờ vào lúc này vì tất cả các cửa đều bị khóa lại.”
Tìm cách làm sáng tỏ bí ẩn này, Cha Pio hỏi người đàn ông “Bạn là ai? Bạn muốn gì?”
Người đàn ông trả lời Cha Pio: “Tôi là Pietro Di Mauro, con trai của Nicola, biệt danh là Precoco. Tôi đã chết trong căn nhà này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, tại phòng số 4, khi đó nơi đây vẫn còn là một viện tế bần. Một đêm nọ, khi đang ở trên giường, tôi ngủ thiếp đi với một điếu xì gà đang hút dở. Điếu xì gà làm cháy nệm và tôi chết vì nghẹt thở và bị đốt cháy. Tôi vẫn còn trong luyện ngục. Tôi cần một thánh lễ để được giải thoát. Chúa cho phép tôi đến và nhờ Cha giúp đỡ tôi.”
Pio an ủi linh hồn tội nghiệp này “Hãy yên tâm tôi bắt đầu cầu nguyện cho ông ngay, và ngày mai tôi sẽ cử hành thánh lễ cầu sự giải thoát của bạn.”
Người đàn ông biến đi và ngày hôm sau Cha Pio đã thực hiện một số công việc điều tra và phát hiện ra tính chân thực của câu chuyện. Sổ bộ của tòa thị chính Rotondo ghi nhận có người đàn ông cùng tên chết vào ngày đó năm 1908 vì biến cố cháy nhà như đã kể. Mọi thứ đã được xác nhận và Cha Pio đã cử hành nhiều Thánh lễ cho linh hồn của người quá cố.
Đây không phải là sự xuất hiện duy nhất của một linh hồn từ luyện ngục yêu cầu Cha Pio cầu nguyện cho. Cha Pio cho biết: “Số linh hồn những người đã chết đến tu viện này xin cầu nguyện cũng đông như linh hồn những người còn sống đến đây xin cầu nguyện cho sự giải thoát khỏi các đam mê và tính hư nết xấu.”
Nhiều lần các linh hồn xin ngài cử hành một Thánh lễ cầu cho họ. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của một Thánh lễ và cho chúng ta thấy cách thức những lời cầu nguyện và Thánh lễ có thể giúp giảm bớt thời gian một người phải trải qua trong luyện ngục trước khi được hưởng vinh quang thiên đàng.
3. Sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.
Truyền thống cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước:
Sách Macabêô quyển thứ hai ghi lại như sau:
“Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).
Giáo Hội từ những thế kỷ đầu, cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.
Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.”
Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma.
Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.
Vì thế, Giáo Hội dùng cả tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đẳng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11. Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.
Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng; lên Thiên Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Ngục.
Khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài. Thiên Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ vì công trạng và sự mong ước khi họ còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, các Thiên Thần, và các Thánh.
Khi còn sống những ai đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa, những ai biết tỏ tường điều tốt xấu nhưng vẫn phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân để chọn điều xấu thì hỏa ngục là nơi dành cho họ.
Sách Giáo Lý Công Giáo định nghĩa Luyện Ngục là nơi dành cho “những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).
Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải cậy nhờ hoàn toàn vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.
Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn. Chẳng hạn, Kinh Nguyện Thánh Thể ghi rằng: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.”
Cha Piô năm dấu thánh kể câu chuyện sau cho thấy sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.
Một buổi tối lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện bỗng tôi trông thấy một thầy trẻ tuổi đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối. Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến lại gần và nói:
– Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!
Nhưng một giọng nói – không phải của thầy Leone – trả lời:
– Con không phải thầy Leone!
Tôi hỏi lại:
– Vậy thầy là ai?
Tiếng nói trả lời:
– Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này mà cho đến nay con vẫn còn bị hình phạt trong Lửa Luyện Hình. Nhưng giờ đây Thiên Chúa Từ Nhân, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.
Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi Lửa Luyện Tội khi nhanh nhẹn hứa rằng: “Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa Luyện Tội cho đến sáng mai lúc dâng Thánh Lễ”. Nào ngờ Linh Hồn này thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”. Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi. Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái tim tôi. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên tai. Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh Hồn đi thẳng về Trời, trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa cho tới sáng mai!