Ngày Quốc tế Gia đình được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 5. Ngày này tạo cơ hội để nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến gia đình và nâng cao kiến thức về các quá trình kinh tế, xã hội và nhân khẩu học ảnh hưởng đến gia đình.
Chủ đề năm nay: “Gia đình và Đô thị hóa” nhằm thu hút sự chú ý đến tầm quan trọng của các chính sách đô thị bền vững, thân thiện với gia đình.
Theo Liên Hiệp Quốc, đô thị hóa bền vững liên quan đến việc đạt được một số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) bao gồm xóa đói giảm nghèo, sức khỏe tốt và hạnh phúc, làm cho các thành phố và các khu định cư của con người trở nên an toàn, bền vững, hoà nhập và giảm sự bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia.
Liên hợp quốc cho biết các Mục tiêu Phát triển Bền vững “phụ thuộc vào việc đô thị hóa được quản lý tốt như thế nào, hầu mang lại lợi ích cho các gia đình và nâng cao hạnh phúc của tất cả các thế hệ sống ở các thành phố.”
Các học giả chia sẻ những suy tư về vấn đề di cư gia đình
Trước Ngày Quốc tế Gia đình 2022, các chuyên gia từ Liên minh Chiến lược các trường Đại học Nghiên cứu Công giáo (SACRU) đã chia sẻ những đóng về tác động của việc di cư lên các gia đình, trong một tài liệu, dựa theo Năm Gia đình và Tông huấn Niềm vui của tình yêu – Amoris Laetitia – do Đức Giáo hoàng Phanxicô công bố và sứ mạng hợp tác toàn cầu của SACRU vì lợi ích chung.
Gia đình, chiến tranh ở Ucraina
Bà Theresa Betancourt, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Trẻ em và Nghịch cảnh tại Boston chỉ ra rằng: 4,3 triệu trẻ em được UNICEF ước tính là những người phải di tản trong nước hoặc phải chạy trốn qua biên giới tị nạn vì chiến tranh ở Ucraina. Bà cũng lưu ý rằng những điều tương tự cũng xảy ra đối với trẻ em ở các khu vực xung đột khác bao gồm Afghanistan, Syria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, và những nơi khác.
Bà Betancourt nhấn mạnh vai trò của gia đình và người chăm sóc trong việc “giúp trẻ em tồn tại và phát triển bất chấp tổn thương và tổn thất do xung đột vũ trang”, bà lưu ý rằng “các tương quan gắn bó, cùng với cơ hội để lớn lên nhờ sự chăm sóc yêu thương lành mạnh, vai trò và sự hỗ trợ của gia đình là những yếu tố bảo vệ chính yếu để những trẻ em bị ảnh hưởng do chiến tranh có thể phát triển lâu dài”.
Bà Betancourt cũng nhấn mạnh rằng chúng ta phải đầu tư vào các chương trình ngăn ngừa dựa trên nền tảng gia đình cũng như các chương trình giáo dục và cơ hội việc làm để giúp các gia đình thích nghi với cuộc sống ở một đất nước và nền văn hóa mới, đồng thời giúp các gia đình đang vật lộn với sự di dời và mất mát có thể vươn lên.
Gia đình và sự bền vững
Từ Chile, bà Maria Olaya Grau và Nicolle Alamo thuộc Đại học Công giáo Giáo hoàng Chile lưu ý rằng nhiều gia đình di cư “đối mặt với sự bấp bênh tột độ trong việc tìm kiếm cuộc sống tốt hơn và an toàn hơn”.
Từ Ý, Ông Camillo Regalia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nghiên cứu Gia đình, và Laura Zanfrini, Giáo sư ngành Khoa học-Kỷ luật về Xã hội học, khi tìm hiểu các cấp độ tâm lý và xã hội học của việc di cư trong gia đình đã lưu ý rằng cấu trúc gia đình thay đổi do hậu quả chính của việc di cư, điều này khiến các thành viên trong gia đình cần phải trao đổi lại về vai trò của mình và tìm ra những cách thức phù hợp mới để duy trì các mối tương quan trong gia đình.
Từ Nhật Bản, bà Keiko Hirao, thuộc Đại học Sophia, khám phá vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội về tính bền vững. Bà nhấn mạnh rằng xã hội không thể bền vững trừ khi dân số được tái tạo và gia đình là tổ chức duy nhất thực hiện được điều này.
Bà Hirao chỉ ra tỷ lệ sinh đang giảm ở Nhật Bản và những dự báo bi quan về tương lai của nhiều thành phố do tình trạng suy giảm dân số. Bà nói, điều này là do các thành phố mất đi phụ nữ trong độ tuổi sinh con do tỉ lệ sinh thấp hoặc do phụ nữ di cư đến các thành phố lớn hơn để học hành hoặc tìm cơ hội việc làm.
Bà khuyến nghị bình đẳng giới và giải quyết vấn đề hóc búa về công việc và gia đình như một cách để đối phó với tình hình này và nhấn mạnh rằng: chúng tôi “đã xem lại sự hạ thấp giá trị mang tính hệ thống của Trái tim Vô hình, vốn cung cấp một lực lượng lao động cho thị trường trong tương lai.”