Dẫn nhập
Ai cũng thích mới: “Không ngon cũng thể là sốt, không tốt cũng thể là mới”. Gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô mong ước: “Tôi cố gắng tìm một Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, có khả năng tạo ra sự thay đổi[1]tốt đẹp. Tôi thích hơn đó là một Hồng y, một người có uy tín và có khả năng chọn thư ký, một người có thể nói “tôi muốn làm việc với người này”[2]. Thật ứng với nền văn hóa Á đông, gốc nông nghiệp: “Chọn người hiền đức, dùng người tài năng”. Giai đoạn hiệp hành “Thỉnh ý”, hỏi ý kiến, từ 24.04 đến 30.06.2022. Theo Kinh thánh, mọi sự được đổi mới: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự cho tới khi Thánh Thần tái tạo một “Trời mới đất mới”[3], vì “Giáo hội luôn mang khuôn mặt chóng qua đời này”[4]. Quả thực: “Rượu mới phải đổ vào bầu da mới, mới giữ được cả hai; vải mới vá áo cũ, làm rách áo”. Sau đây tôi xin chia sẻ ít điều mục vụ: “Hiệp hành-Thỉnh ý: nứt bầu và rách áo”.
Nội dung
Công đồng Vatican II là Công đồng đổi mới. Theo Công đồng, đổi mới là trở về nguồn. Cùng với Chúa Thánh Thần, đưa ra những giải pháp tốt hơn. Tạo nên ngọn gió canh tân, nguồn sống mới. Hầu đáp ứng yêu cầu mới. Trong những văn kiện đã công bố, Công đồng tạo được một đặc điểm độc đáo là nỗ lực xác định rõ một số khía cạnh của kho tàng chân lý. Ở đây, tôi chỉ nêu lên một vài nét điển hình, có liên quan tới sự nghiệp đổi mới. Khởi đi từ định nghĩa, Công đồng định nghĩa về con người, về Giáo hội và về thế giới. Trong giới hạn thời gian, tôi xin chia sẻ ít điều về “Con người”. Trước hết, theo Kinh thánh, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, con người có phẩm giá rất thiêng liêng nhưng bị tội lỗi làm tổn thương; có cùng đích cao siêu nhưng phải vượt qua nhiều ngăn trở để nỗ lực xây dựng văn hóa và văn minh tốt đẹp. Mục vụ trước đây, nhấn mạnh tới “Ân sủng”; thì nay, Công đồng Vat. II, nhấn mạnh tới “Cả…Cả”: “Ân sủng và thực tại”; “Hội thánh và khoa học”. Như thế, “Con người” là “Cả hồn cả xác”, cả thể chất cả tinh thần cả tâm linh. Con người được cấu tạo duy nhất với xác và hồn. Thân xác là phần bản thể của thực tại duy nhất là con người. Con người không gồm có hai phần: xác và hồn, nhưng con người là “xác hồn”. Chúng ta còn có thể nói con người là thân xác này: bởi vì nếu chưa có hồn thì cũng chưa phải là thân xác này, mà chỉ là một đống vật chất chưa thành thể[5]. Công đồng đề cập đến mọi khía cạnh con người[6]. Và không ai có thể quả quyết rằng đạo Công Giáo là vô ích. Vì nhận thấy rằng: Giáo hội, khi tự ý thức về mình nhiều nhất thì cũng chính là lúc càng nhận ra rằng: “Giáo Hội chỉ vì con người mà có”. Và Giáo hội một phần nào đó, đã tự xưng là tôi tớ, nữ tỳ của loài người: “Chỉ xin được phục vụ”. Tiếp đến, theo nhân sinh quan Á đông, con người và vũ trụ là một thể thống nhất. Vũ trụ làm sao thì con người như vậy. Con người tự nhiên: lấy lòng, bụng làm biểu tượng của lý trí và tình yêu: “Nghĩ bụng; suy bụng ta ra bụng người; bụng bảo dạ; ghi lòng tạc dạ; phải lòng nhau; cơm vào dạ như vạ vào thân”. Rồi con người xã hội, theo mô hình “Thiên, Địa, vạn vật, nhất thể”. Con người, trời, đất là một thể thống nhất. Lấy nhận thức về vũ trụ để hiểu con người. Vì thế, muốn biết con người cần biết vũ trụ. Ngày nay, xu hướng giáo dục, muốn mời gọi nhân loại, hãy nhận biết chính mình. Hầu có thể nhận biết thiên nhiên và trái đất, với qui luật “cân bằng”. Có thể quả quyết rằng: “Chúng ta phải biết vũ trụ nếu muốn biết con người. Và phải biết con người nếu muốn biết Thiên Chúa”[7].
Áp dụng
Đánh giá về một con người hết sức phức tạp, cần trân trọng, dè dặt và tế nhị. Cần biết đủ các dữ kiện không gian, thời gian và di truyền. Thân-tâm hài hòa. Con người vừa tâm linh vừa khoa học. Con người toàn diện: cả thể chất, cả tinh thần cả tâm linh; và có liên đới trách nhiệm với toàn thể nhân loại và vũ trụ vạn vật. Tập trung thỉnh ý về con người, theo mô hình Chúa Giêsu: “Mạnh mẽ, khôn ngoan và tròn đầy tình yêu”. Về thể chất, theo phương châm: “Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”. Giáo hội muốn nghe, các bậc cha mẹ và Hội đồng Mục vụ giáo xứ, chúng ta đã làm gì để thăng tiến thể chất, từ giai đoạn thai nhi cho tới khi khuất bóng? Đã có chọn lựa cho mình, cho con cái và cháu chắt, cùng Dân Chúa, một môn thể dục thể thao, mang tính chiến lược lâu dài? Không gian chung quanh thánh đường, giáo xứ có lên kế hoạch làm mô hình, để động viên mọi người, mọi gia đình về mục tiêu thăng tiến thể chất? Các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ của Pháp, đua xe đạp lần thứ 21. Có 73 tham dự viên. Trong số đó có Jean-Charles Dazy, phó tế vĩnh viễn và là một trong những nhà tổ chức cuộc đua, đa số là linh mục, nhưng còn có Đức cha Benoît Rivière, Giám mục giáo phận Autun, các phó tế, chủng sinh và sáu nữ tu. Năm nay, sự hiện diện của các mục sư Tin Lành Phục Lâm và Phúc Âm sẽ mang lại cho sự kiện một màu sắc đại kết. Sẽ cạnh tranh với nhau, nhưng vẫn cầu nguyện chung với nhau. Các tham dự viên sẽ gặp nhau trong thánh lễ ở nhà thờ chánh tòa vào ngày 3/5/2022. Và các linh mục và nam nữ tu sĩ được mời gọi tập luyện cho giải vô địch năm 2023, ở tu viện Saint-Martin de Ligugé, thuộc giáo phận Poitiers, Vienne. Caritas giáo xứ cùng với Caritas giáo phận, và quốc gia liên kết với “Bộ phục vụ Bác ái” của Tòa thánh, lên kế hoặc nhỏ, nhẹ, đẹp, để tổ chức khám bệnh định kỳ cho Dân Chúa, và sau đó, nếu cần, giới thiệu tới các bệnh viện chuyên khoa “Đông y và Tây y” để chữa bệnh ngay lúc khởi đầu phát bệnh, đừng để tới giai đoạn cuối?
Về tinh thần, áp dụng nguyên tắc: “Thân tâm hài hòa”, Ban văn hóa giáo dục trong cơ chế mục vụ giáo xứ, nhận thức về nhân tài, có kế hoạch tôn trọng trí thức nhân tài, cấp học bồng khuyến khích các học sinh giỏi, nghèo. Tổ chức giao lưu toàn diện: Thể thao; văn hóa; tâm linh với các giáo xứ, giáo hạt và liên giáo phận? Liên kết, mở “Đại học Nông Dân”, đào tạo kỹ sư nông nghiệp, phục vụ và làm chủ nông thôn. Biến nông thôn thành thành thị, theo hướng chuyển đổi công nghệ số. Tổ chức các cuộc tham quan, du lịch theo quí, hàng năm để nâng cao tinh thần, theo phương châm giáo dục: “Thắt chặt tình liên đới trách nhiệm và yêu thương phục vụ, nâng cao sự hiểu biết khôn ngoan”?
Về tâm linh, nếu có điều kiện, nên dành một phòng, tái hiện “Phòng tiệc ly” trở thành phòng đào luyện tâm linh. Có áp dụng “Tâm linh-Khoa học” với phương thức “Cầu nguyện-Cảm nghiệm”, như tôi đã có dịp trình bày. Cá nhân hay cả gia đình vào phòng này, ngồi thinh lặng trước Thánh Thể thiêng liêng, mỗi tuần một giờ, với mục đích dần dần chuyển đổi phương thức đào luyện đức tin truyền thống, cộng đồng trở thành đức tin cá vị, bản thân, sống động và xác tín?
Kết luận
Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thỉnh ý. Hoa trái của Thánh Thần là sự “Cân Bằng”. Con người có khuynh hướng cực đoan. Chỉ thấy và chỉ hướng về một cực. Nơi nào quan điểm nhân loại cho là có sự đối lháng, nơi đó Thiên Chúa đang hướng tới sự kiến tạo hài hòa. Sự cân bằng là một thành tựu đến từ Chúa Thánh Thần với sự cộng tác của con người thuận thành thiện chí. Luật cân bằng là luật quan trọng nhất trong các qui luật của cuộc sống. Nó là nền tảng của các qui luật khác. Luật này chi phối tất cà mọi sự vật và hiện tượng trên trái đất, thiên nhiên và con người. Ví dụ, cân bằng giữa cũ và mới, như gốc mai cổ thụ, nhưng có hương vị của một mùa xuân mới. Sự hòa hợp giữa cũ và mới là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Ngài đang tạo nên sự cân bằng giữa: “Thể chất, tinh thần và tâm linh” khởi đi đầu tiên là con người. Biết mình, biết con người, sẽ biết thiên nhiên và vạn vật: “Trật tự lạ lùng”!./.
Truyền thông TGP/SG, tháng 5, 2022
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min