Giải đáp phụng vụ: Giới hạn của Thừa tác viên ngoại thường.

Giải đáp phụng vụ: Giới hạn của Thừa tác viên ngoại thường.

Giải đáp phụng vụ: Giới hạn của Thừa tác viên ngoại thường.
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Ở Philippines có thông lệ phổ biến là sử dụng các thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ (EMHC) trong hầu hết các Thánh lễ. Do có đông người rước lễ trong mỗi thánh lễ, Hội Đồng Giám Mục Philippines xem việc này là hợp lý. Bây giờ, có một việc trở nên phổ biến nữa là họ đến nhà tạm lúc mọi người hát “Lạy Chiên Thiên Chúa” (Agnus Dei), lấy các Bình Mình Thánh ra đặt trên bàn thờ, trước khi linh mục đọc “Đây Chiên Thiên Chúa” (Ecce Agnus Dei.) Thưa cha, liệu việc này có là hợp pháp không? Rồi cũng có việc phổ biến nữa là một số linh mục để cho thừa tác viên này tráng chén nữa, được phép chăng. – D. T., Sibulan, Negros Oriental, Philippines.

Đáp: Quy Chế Tổng Quát Lễ Rôma (GIRM) nói như sau về thời điểm các thừa tác viên ngoại thường đến bàn thờ:
“162. Các linh mục hiện diện có thể giúp chủ tế cho rước lễ. Nếu không có linh mục và số người rước lễ quá đông, chủ tế có thể kêu giúp đỡ các thừa tác viên ngoại thường, nghĩa là thầy có chức giúp lễ và những tín hữu khác được đề cử vào việc này. Trong trường hợp cấp bách, chủ tế có thể cử những tín hữu xứng đáng. Các thừa tác viên này không đến bàn thờ trước khi vị tư tế rước lễ và luôn luôn nhận các Bình Mình Thánh để cho tín hữu rước từ tay vị chủ tế” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)
Về điểm này, chúng tôi có thể đưa thêm các chỉ dẫn của Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) năm 2004:
“157. Nếu, thường thường, khi số các thừa tác viên có chức thánh hiện diện trong cử hành là đủ, kể cả cho việc rước lễ, thì không được phép cử các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Trong những trường hợp này, những ai được cử cho một thừa tác vụ như thế, thì không được thi hành tác vụ ấy. Vậy, phải dứt khoát bài trừ thái độ của các linh mục tuy có mặt ở buổi cử hành lại không cho rước lễ, mà để cho giáo dân đảm nhận một chức vụ như vậy.
“158. Quả nhiên, thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ chỉ có thể cho rước lễ trong trường hợp không có linh mục hay phó tế, khi linh mục bị ngăn trở vì bệnh tật, vì lớn tuổi hay vì một lý do khác nghiêm trọng, hay nữa khi số tín hữu đến rước lễ quá đông, có thể kéo dài quá đáng việc cử hành Thánh Lễ. Tuy nhiên, về vấn đề này, người ta coi việc kéo dài vắn gọn buổi cử hành, về mặt thói quen và bối cảnh văn hoá địa phương, là một lý do hoàn toàn chưa đủ.
“159. Không có trường hợp nào thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ được phép uỷ quyền trao Mình Thánh Chúa cho một người nào khác, thí dụ như cho người cha hay người mẹ, người phối ngẫu, hay người con của một bệnh nhân, được rước lễ.
“160. Trong lãnh vực này, Giám Mục giáo phận phải xem xét lại một lần nữa việc thực hành của những năm gần đây, và sửa chữa lại tuỳ theo các trường hợp, hay xác định cách chính xác hơn những quy tắc phải theo. Trong những nơi, vì thật sự cần thiết, việc cử những thừa tác viên ngoại thường như vậy là phổ biến, thì Giám Mục giáo phận phải công bố những quy tắc đặc biệt, do đó, quan tâm đến truyền thống của Hội Thánh, ngài đặt quy chế cho việc thi hành chức vụ này, theo những quy tắc của giáo luật” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)
Trong ánh sáng của các tài liệu này, tôi tin rõ ràng rằng sự thực hành được mô tả trên đây là không hợp pháp. Các thừa tác viên ngoại thường chỉ tiến tới bàn thờ sau khi linh mục rước lễ, và trong thánh lễ, chỉ nhận Bình Mình thánh từ tay linh mục. Nếu cần lấy Mình Thánh từ Nhà tạm (một điều cần thiết phải tránh, nếu có thể), thì chính một phó tế hoặc linh mục mang các Bình Mình thánh này đến bàn thờ, thường là khi mọi người đang hát “Lạy Chiên Thiên Chúa”.
Về việc tráng chén, việc này là ưu tiên dành cho phó tế. Nếu không có phó tế, thì một thầy có tác vụ giúp lễ làm thay cho phó tế. Và cuối cùng, nếu cả hai không có mặt trong thánh lễ, một linh mục thực hiện việc tráng chén.
Trong mọi trường hợp, các thừa tác viên ngoại thường không được tráng chén trong Thánh lễ.
Trong khoảng thời gian ba năm từ 2002 đến 2006, các Giám mục Hoa Kỳ đã tiếp nhận quyền chuẩn việc này. Bức thư chính thức trao quyền ban phép chuẩn nói: “Vì các lý do mục vụ nghiêm trọng, Giám mục giáo phận có thể, khi cần thiết, cho phép các thừa tác viên ngoại thường giúp tráng chén, sau khi đã cho tín hữu rước lể. Năng quyền này được thừa nhận trong thời gian ba năm, như là một điều miễn chước cho Quy Chế Tổng Quát Lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ ba.”
Khi năng quyền chuẩn hết hạn vào tháng 3-2005, Hôi Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã yêu cầu gia hạn, nhưng không có hành động trả lời nào ngay lập tức do sự qua đời của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và cuộc bầu cử Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Cuối cùng, vào năm 2006, Thánh Bộ Phượng Tự đã thông báo cho Chủ tịch của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ biết rằng Đức Giáo Hoàng coi đó là cơ hội để từ chối yêu cầu gia hạn, và Giáo Hội Hoa Kỳ phải quay trở lại với sự thực hành phổ quát.
Trong các trường hợp khác, chẳng hạn như khi cử hành nghi thức rước lễ mà không có linh mục, hoặc đưa Mình Thánh cho người bệnh, thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ có thể lấy Mình Thánh từ Nhà tạm, và tráng chén. Điều này là không thể được trong Thánh lễ, vì thừa tác viên thông thường nhất thiết phải có mặt, và phải thực hiện các chức năng riêng của mình. (Zenit.org 5-11-2019)

Nguyễn Trọng Đa