Giảm lượng khí thải
Gửi lời chào các tham dự viên và khuyến khích họ nỗ lực thảo luận về cuộc khủng hoảng môi trường, Đức Thánh Cha nói rằng thế giới đang phải đối mặt với hai thách đố về vấn đề biến đổi khí hậu: đó là giảm thiểu rủi ro bằng cách giảm lượng khí thải và hỗ trợ và giúp đỡ mọi người thích ứng với những thay đổi ngày càng nghiêm trọng của khí hậu.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hiện tượng biến đổi khí hậu đã trở thành “một tình trạng khẩn cấp, điều không còn ở bên lề xã hội, nhưng đã chiếm vị trí trung tâm, khi nó xác định lại không chỉ các hệ thống nông nghiệp và công nghiệp mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình nhân loại, đặc biệt là những người nghèo và những người sống ở các vùng kinh tế ngoại vi của thế giới chúng ta.”
Cách tiếp cận từ nhiều chiều kích
Để đối mặt với những thách đố, Đức Thánh Cha kêu gọi một “cách tiếp cận từ nhiều chiều kích”, điều cho phép chúng ta bảo vệ “các cá nhân và hành tinh,” khi được củng cố bởi các giáo huấn của Kinh Thánh. Các giáo huấn này chứng thực rằng “chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta không chỉ là một mục tiêu thực dụng, nhưng là một nghĩa vụ đạo đức.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại “sự hoán cải sinh thái”, nghĩa là, một sự thay đổi não trạng, để có “lòng biết ơn tình yêu của Thiên Chúa và món quà quảng đại là công trình tạo dựng”, nhìn nhận sự hiệp thông với cả các thụ tạo khác trên thế giới và giải quyết vấn đề môi trường “không phải như các cá nhân biệt lập, nhưng trong sự liên đới và cộng đồng.”
Cần các quốc gia nỗ lực
Theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần có những nỗ lực trên diện rộng để “tìm ra các giải pháp cụ thể cho những vấn đề ngày càng nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt”, bắt đầu với vai trò của các quốc gia “kinh tế tiên tiến nhất”, trong việc giảm lượng khí thải và cung cấp hỗ trợ công nghệ và tài chính, “đến những khu vực kém thịnh vượng hơn”, nhưng cũng được tiếp cận với “năng lượng sạch và nước sạch”, cũng như hỗ trợ nông dân và phát triển lối sống lành mạnh.
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến việc mất đi sự đa dạng sinh học và vấn đề an ninh lương thực, hai cuộc khủng hoảng khác liên quan đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu, và nhắc lại rằng Tòa thánh đã tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu.” (ACI Stampa 13/07/2022)