Suy Tư Chúa Nhật 29 TNC: Thiên Chúa muốn gặp gỡ con


Ảnh Cây Viết Chì Nhỏ
Tác giả: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

  Nhiều người thường nói với tôi rằng: “Cha ơi, con muốn gặp gỡ Thiên Chúa nhưng sao khó quá.! Thậm chí trong cầu nguyện con cũng chẳng cảm thấy Thiên Chúa hiện diện.” Đây là một kinh nghiệm rất thực tế mà tôi tin ai trong chúng ta cũng cảm thấy. Một mặt chúng ta tin Thiên Chúa luôn yêu thương con người, mặt khác chúng ta thấy Thiên Chúa dường như vắng bóng. Ngài đang ở một nơi rất xa, xa đến nỗi con chẳng thể với tới và cầu xin hoặc phụng thờ.

Bạn rất thân mến,

Thái độ vươn lên để tìm kiếm Thiên Chúa thật quý biết bao! Đó là tâm tình thiêng liêng của một người muốn để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình. Hành trình gặp gỡ này thú vị và đáng giá để mỗi người cần khởi hành. Thái độ này được thể hiện rõ trong Tin Mừng Chúa Nhật 29 thường niên năm C hôm nay. Số là Đức Giêsu kể một dụ ngôn mang màu sắc thậm xưng để truyền tải thông điệp rất rõ ràng: “phải cầu nguyện luôn.” Thậm xưng vì ngay cả ông quan tòa bất xứng, kiêu căng và hách dịch, còn phải chịu thua trước một người phụ nữ kiên nhẫn nài xin ông minh xét cho bà. Ngay cả khi ông chẳng xem Thiên Chúa ra gì, thì ông cũng chịu thua với những quấy rầy của người đàn bà này. Chúng ta cũng gả mũ khen ngợi lòng chịu đựng và niềm hy vọng của người phụ nữ này. Bà nắm được tâm lý của quan tòa nên dám làm phiền ông nhiều lần: “Ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.” (Lc 18,5). Kết quả là bà đã thành công, như lòng ước nguyện.

Đức Giêsu liền chuyển hướng câu chuyện sang lãnh vực thiêng liêng. Nếu ông quan tòa tệ bạc ấy còn lắng nghe lời cầu xin, vậy chẳng lẽ Thiên Chúa tốt lành chẳng lắng nghe tiếng kêu xin của chúng ta sao? Đây là điểm mấu chốt của vấn đề! Nhiều khi chúng ta thiếu kiên nhẫn đợi chờ câu trả lời của Thiên Chúa, nên cho rằng Ngài xa vắng, thậm chí không tồn tại. Trong khi đó, Thiên Chúa luôn biết những ước vọng của mỗi người và sẵn lòng ban những thứ cần thiết cho mỗi người. Lưu ý là không phải chúng ta xin cái gì Thiên Chúa cũng cho, nếu thế Thiên Chúa chẳng còn tự do nữa. Ngài chỉ cho những gì tốt cho chúng ta mà thôi, theo ý Ngài.

 Với lưu ý trên, chúng ta thử hướng đến một chiều khác: Thiên Chúa cũng nài xin con người! Có lẽ ý tưởng này lạ lẫm với nhiều người. Nếu đọc lại từng dòng chữ trong sách Hôsê, chúng ta thấy tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa (Hs 2,16-25), một Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm con người. Hôsê là vị ngôn sứ được Thiên Chúa gọi, sống ở thế kỉ VIII trước công nguyên. Thiên Chúa dùng ngòi bút của Hôsê để nói với dân Ítraen hãy quay về làm hòa với Thiên Chúa. Số là dân Chúa hết lần này đến lần khác bất tuân với Thiên Chúa, phá vỡ giao ước Si-nai. Hôsê ví sự bất trung này như là những lần “ngoại tình” của dân đối với Thiên Chúa. Dẫu cho dân Chúa có xấu xa và tội lỗi, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện với dân, luôn chung thủy với giao ước, luôn dành một tình yêu son sắc cho dân và luôn sẵn sàng tha thứ trước những lầm lạc và bội tín của Ítraen. Dân đã trở về với Chúa, và Chúa đã đón nhận dân. Rồi với thời gian, dân lại xa rời Thiên Chúa, và Chúa lại tiếp tục đợi chờ và mời gọi dân hãy trở về. Vòng tròn này cứ lặp đi lặp lại không chỉ trong lịch sử Cựu Ước, nhưng còn trải dài sang phần Tân Ước và kéo đến thời điểm hiện tại của mỗi người chúng ta.

Bởi thế mà thánh Gioan đúc kết một câu thật hay về hoàn cảnh của Thiên Chúa: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1,11). Dù trong hoàn cảnh phũ phàng ấy, Thiên Chúa vẫn không bỏ cuộc. Ngài vẫn làm việc, vẫn kiên nhẫn và làm đủ mọi cách để bước vào được ngôi nhà tâm hồn của mỗi người. Để làm chi thế? Thưa rằng Thiên Chúa muốn con người được sống và sống dồi dào (Ga 10,1-10), Ngài muốn chúng ta được cứu độ, được hạnh phúc. Hơn ai hết, Thiên Chúa hiểu rằng con người chỉ có thể được sống nếu được ở với Thiên Chúa. Vì lý do này mà Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đích thân đến với con người, sinh vào kiếp người và làm bạn với muôn người, kể cả những người tội lỗi và phường bất xứng. Như thế, “Hạnh phúc mà bạn kiếm tìm, hạnh phúc mà bạn có quyền hưởng có một tên, một khuôn mặt: đó là Chúa Giêsu Kitô ở Nadarét.” (Đức Bênêđictô, 18-8-2005).

Thiên Chúa muốn gặp gỡ con người. Ngôn ngữ thần học diễn đạt về cuộc gặp gỡ này như là mặc khải của Thiên Chúa. Mặc khải nghĩa là việc Thiên Chúa, do tình yêu vô biên, đã tự tỏ mình ra cho con người và cho họ biết mầu nhiệm thánh ý của Ngài, để họ được cứu độ, được thông phần vào bản tính Thiên Chúa và trở nên nghĩa tử của Ngài, qua Đức Kitô và trong Thánh Thần”[1]. Như vậy, nhờ sự tỏ mình ra trước của Thiên Chúa mà con người có thể gặp được Ngài. Rồi với biến cố phục sinh, Đức Giêsu không chỉ chiến thắng thần chết, nhưng còn dễ dàng đến gặp gỡ con người hơn, bởi lúc này Đức Giêsu không phụ thuộc vào thời gian và không gian nữa.

Câu cuối của đoạn tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ câu này không thuộc về dụ ngôn ở trên, nhưng mang âm hưởng của ngày tận thế, cánh chung. Ở giới hạn của suy tư Tin Mừng, dường như Chúa muốn tôi tin rằng Thiên Chúa đích thân đi tìm con người. Nếu tin như thế, vấn đề là tôi có mở cửa tâm hồn, có kiên nhẫn và nhất là có để ý sự hiện diện của Thiên Chúa hay không? Chúa vẫn có đó, vẫn đợi vẫn chờ và muốn được ở với con người. Ngài là tình yêu, một tình yêu liên vị và cần mối tương quan. Bởi thế chúng ta hạnh phúc để tin yêu một Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ con người. Như thế, cuộc gặp gỡ phải đến từ hai phía: Thiên Chúa luôn sẵn sàng gặp, còn tôi thì sao, còn bạn thì sao?

Chúng ta kết thúc bài suy tư này với lời nguyện dựa trên ý tưởng của Đức giáo Hoàng Bênêđictô XVI:

Lạy Chúa, chỉ khi chúng con gặp được Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Kitô, chúng con mới hiểu được sự sống là gì. Không có gì đẹp hơn là được nối kết lại, được ngạc nhiên sửng sốt bởi Tin Mừng, bởi Chúa Kitô. Chúa vẫn chờ đợi chúng con, xin giúp chúng con cũng đến được với Chúa. Amen.  

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ