Ngọc Yến – Vatican News
Phúc trình được đệ trình lên Hội đồng Bảo an, cơ quan cao nhất của Liên Hiệp Quốc, vào ngày 01/12, cho biết kết quả điều tra chứng minh rằng các nhóm cực đoan có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo đã tấn công các Kitô hữu, đặc biệt là khi tổ chức này nắm quyền kiểm soát các thành phố của Iraq vào năm 2014.
Nội dung của phúc trình cũng bao gồm các vấn đề khác, như các nhóm cực đoan có liên hệ với Hồi giáo đã buộc các Kitô hữu phải di dời, buộc phải cải sang Hồi giáo, tịch thu nhà cửa và tài sản của họ, phá hủy các nhà thờ và các địa điểm khảo cổ khác.
Liên Hiệp Quốc đã khẳng định hoạt động của các nhóm vũ trang đã giành quyền kiểm soát các khu vực Kitô giáo, nổi bật nhất của Đồng bằng Nineveh, phía bắc Mosul. Các thành phố là Al-Hamdaniya, Karemlesh và Bartella.
Các Kitô hữu của những khu vực này cũng bị buộc phải cải đạo sang Hồi giáo hoặc rời bỏ nhà cửa. Kết quả là, hàng ngàn gia đình đã chạy trốn đến các khu vực phía bắc của Iraq.
Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda thuộc Công giáo Canđê, của Tổng Giáo phận Erbil ở miền Kurdistan, bắc Iraq, nói rằng phúc trình là một bằng chứng xác thực cho những gì Giáo hội đã trải qua. Ngài nói “Từ năm 2014, chúng tôi đã bắt đầu nói công khai vụ thảm sát và các sự kiện. Chúng tôi trình bày cho các phái đoàn quốc tế bằng chứng sống về tội ác của các tổ chức khủng bố.”
Theo Đức Tổng Giám Mục Warda, hệ tư tưởng mà các nhóm này theo đuổi không mới, vì ý tưởng ủng hộ việc thành lập một nhà nước Hồi giáo được điều hành bởi luật Hồi giáo đã có từ trước. Có những học giả và luật gia đã phản đối dự án thành lập một nhà nước Hồi giáo do những hành vi phạm tội của các tổ chức vũ trang.
Ngài nhận xét: “Sự công nhận của quốc tế mang lại sức mạnh, phục hồi phẩm giá của con người và được ghi vào lịch sử, để thảm kịch này không xảy ra nữa và để bồi thường cho các nạn nhân. Chúng tôi mong muốn chính phủ Hoa Kỳ làm việc với chính quyền Iraq để có được những quyền này.”
Giáo hội Công giáo Canđê ở Erbil đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng lớn nhất mà các Kitô hữu phải đối mặt trong nhiều thập kỷ. Từ năm 2015, Giáo hội đã làm việc với Hội Hiệp sĩ Columbo và các tổ chức quốc tế để thành lập ủy ban điều tra các hoạt động tội phạm chống lại hàng trăm ngàn Kitô hữu.
Những nỗ lực không mệt mỏi đã khiến cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Hạ viện Hoa Kỳ thông qua việc nhìn nhận tội các của cuộc chiến chống lại các Kitô hữu ở Iraq. (Acidigital 05/12/2022)