Con đường Tân Dự Tòng là một phong trào do ông Kiko Arguello và bà Carmela Hernandez, qua đời vào năm 2016 khởi xướng tại Madrid Tây Ban Nha năm 1964 nhắm giúp các tín hữu sống lại ơn gọi đã nhận lãnh khi lãnh nhận phép rửa tội. Hiện nay, Phong trào có 21.700 cộng đoàn với 1 triệu 500 ngàn thành viên tại các giáo xứ và giáo phận thuộc 135 nước trên thế giới. Phong trào cũng có 120 chủng viện cùng mang tên “Redemptoris Mater- Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, nhắm đào tạo các linh mục hoạt động theo Con đường này. Hàng ngàn gia đình thuộc Con đường này đang dấn thân truyền giáo tại các nước.
Vào năm 2012, dịp công bố sắc lệnh của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, nhìn nhận cách thức cử hành các buổi lễ trong Chỉ nam Huấn giáo của các cộng đoàn của Con đường Tân Dự Tòng, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã ghi nhận rằng, các thành viên Con đường tân dự tòng thường hiện diện tại những vùng tuy đã nhận biết Chúa Kitô, nhưng rồi tại đó người ta trở nên dửng dưng với đức tin: trào lưu tục hóa làm lu mờ ý thức về Thiên Chúa và các giá trị Kitô. Tại đây, sự dấn thân và chứng tá của các thành viên giống như men làm dậy lên cả đấu bột, trong sự kiên nhẫn, tôn trọng thời gian, và với cảm thức về Giáo hội. Giáo hội nhìn nhận trong Con đường này một hồng ân đặc biệt mà Chúa Thánh Linh ban cho thời đại chúng ta, và việc qui chế cũng như chỉ nam huấn giáo được phê chuẩn là một dấu hiệu.
Một phụ nữ can đảm trước sự thật và công lý
Phát biểu tại buổi thảo luận về tiến trình phong chân phước cho bà Carmen, Đức Hồng Y Carlos Osoro Sierra, Tổng Giám Mục của Madrid, Tây Ban Nha đã nói về mối liên hệ của bà Carmen với thánh Gioan Phaolô II, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Bà Carmen là một phụ nữ được ơn đặc sủng, yêu mến Chúa Kitô sâu sắc và say mê đến nỗi đôi khi không đúng về khía cạnh chính trị”. Ngài mô tả bà là một phụ nữ can đảm đối với sự thật và công lý và những lời của bà đôi khi cứng rắn bắt nguồn từ sự xác tín rằng chỉ có sự thật mới giải thoát con người và chỉ có Chúa Giêsu Kitô là sự thật.
Đức Hồng Y nhắc lại lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho đến tận cùng thế giới của bà, cũng như tầm quan trọng và phẩm giá mà bà đã dành cho nữ giới. Bà là người đã nhấn mạnh vẻ đẹp của cung lòng người mẹ, nơi tất cả mọi người hình thành, điều kỳ diệu của sự sống được sinh ra từ phụ nữ.
52 năm loan báo Tin Mừng
Thỉnh nguyện viên của án phong chân phước cấp giáo phận Carlos Metola thay mặt ông Kiko, đồng khởi xướng Phong trào và cha Mario Pezzi và Ascension Romero, và các tổ chức “Gia đình Nazareth” của Madrid và Roma đọc những gì Hồ sơ (Supplex libellus) mô tả về vị khởi xướng Phong trào Con đường Tân Dự tòng: Suốt 52 năm, bà Carmen Hernández đã cống hiến tất cả sức lực để phục vụ không ngừng công cuộc loan báo Tin Mừng và trở thành một khí cụ, như một “tôi tớ vô dụng” của Chúa Kitô trong việc canh tân Giáo hội.
Ông Carlos Metola nhận xét rằng, Con đường Tân Dự tòng là hoa trái của Công đồng II như chính thánh Phaolô VI đã chỉ ra. Ông cũng đọc lại cuộc đời của vị khởi xướng Phong trào: Carmen Hernández Barrera sinh tại Ólvega thuộc tỉnh Soria của Tây Ban Nha, ngày 24/11/1930, trong một gia đình Công giáo với chín người con.
Từ nhỏ, Carmen đã có ước muốn trở thành nữ tu và nhà truyền giáo. Lớn lên trong khi theo học ở Madrid, Carmen bước vào đời sống tu và chuẩn bị sứ vụ với các nữ tu của dòng Các Nữ Thừa sai của Chúa Kitô Giêsu.
Sau đó, Carmen đi London học tiếng Anh theo gợi ý của mọi người để chuẩn bị đến Ấn Độ truyền giáo. Với thời gian, các bề trên do dự trong quyết định tuyên khấn trọn đời của Carmen. Trong 8 tháng, tại một cộng đoàn ở Barcelona, Carmen kiên trì chờ đợi, sống rất khiêm nhường và cảm thấy được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng nhưng phân vân về vị trí của mình trong Giáo hội.
Chính tại Barcelona, Carmen đã gặp linh mục phụ trách phụng vụ Pedro Farnés, và cha đã truyền lại cho bà sự canh tân phụng vụ, vốn chỉ mới bắt đầu vào thời điểm đó, với việc tái khám phá Đêm Vọng Phục Sinh. Như thế, bà học được rằng tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Thánh Thể là tham gia một cách hiện sinh, chết và sống lại với Chúa Kitô.
Sau đó, khi xác nhận không được tuyên khấn trọn đời, những thắc mắc về hiện sinh càng lớn dần nơi Carmen. Tháng 8/1962, Carmen rời khỏi dòng và năm sau, bà quyết định đến Israel để có một cảm nghiệm sâu sắc hơn về những gì bà đang trải qua. Năm 1963, Carmen trở lại Madrid, bà gặp ông Kiko ở Palomeras. Được Đức Mẹ truyền cảm hứng, Kiko đã nghe lời kêu gọi thành lập “các cộng đoàn Kitô hữu như Thánh Gia Nazareth, sống khiêm nhường, đơn sơ và chúc tụng Chúa Kitô”. Từ đó hai người bắt đầu cộng tác trong việc đem Tin Mừng Chúa đến khắp nơi trên thế giới.
Trong hơn 50 năm, bà Carmen đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng và thăm viếng các cộng đoàn, không lương, trải qua những đêm mất ngủ, đau khổ, thất bại, nhưng cũng có những niềm vui và an ủi khi nhìn thấy công trình của Thiên Chúa. Bà Carmen cũng trải qua những giây phút “trống vắng”. Bà thường xuyên theo dõi hoạt động của Đức Giáo Hoàng, nghe Đài phát thanh Vatican, đọc báo Quan sát viên Roma và nhiều sách thần học có trong thư viện của bà.
Yêu thích cầu nguyện
Trong số những điểm được nhấn mạnh trong Hồ sơ cho tiến trình phong chân phước là sự yêu thích cầu nguyện của bà. Bà cầu nguyện hàng giờ với thánh vịnh, yêu mến các Bí tích, thường xuyên đến với Thánh Thể và lãnh nhận bí tích Hoà giải. Bà còn là một học giả vĩ đại, trong thư viện của bà có hơn 4.500 sách.
Với ông Kiko bà có thái độ sửa dạy huynh đệ. Bà là người phụ nữ tự do, có tình thương đặc biệt với “chiên lạc”: bà đã kêu gọi, khuyến khích hàng trăm anh em trong cộng đoàn khi họ gặp khủng hoảng. Bà cũng phải chịu nhiều đau đớn về thể xác vì bệnh tim, đau ở chân do vết loét không lành và đau cạnh sườn do gãy xương sườn. Bà qua đời không nổi loạn nhưng trong bình an. Bà đã sống các nhân đức một cách anh hùng.
Khi bà qua đời, có hơn 1.500 lời cám ơn và bày tỏ lòng quý mến dành cho bà Carmen từ hơn 70 quốc gia trên thế giới gửi về. Đã có 50.000 người đến viếng mộ bà và để lại khoảng 25.000 lời chia buồn, cám ơn và xin ơn.
Tình bạn giữa hai nhà khởi xướng Con đường Tân Dự tòng
Tại buổi gặp gỡ, với niềm vui và tình cảm sâu sắc ông Kiko Argüello thuật lại sứ vụ của ông với bà Carmen. Theo lời ông thì vào năm 1964 bà Carmen gặp ông Kiko trong các cộng đoàn ở Madrid và rất ấn tượng khi thấy sự tha thứ, tình yêu và cộng đoàn Kitô hữu được sinh ra giữa những người nghèo để đáp lại cuộc gặp gỡ với Lời Chúa. Chính sự hiện diện quan phòng của Đức Tổng Giám Mục Casimiro Morcillo của Madrid vào thời điểm đó, đã thuyết phục bà Carmen dứt khoát cộng tác với ông Kiko khi thấy “lời hứa mà Chúa đã hứa với bà ở Israel trở thành sự thật”.
Ông Kiko nhắc lại sứ vụ mà trong 52 năm đã dẫn dắt ông cùng với bà Carmen rao giảng Tin Mừng cho thế giới trong một “công việc không được thực hiện tại bàn giấy”, không nảy sinh từ “các kế hoạch hoặc ý tưởng được định trước” nhưng từ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Do đó, họ đã trở thành “nhân chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong hoạt động truyền giáo” và “về hoạt động của Thiên Chúa trong Giáo hội theo Công đồng Vatican II.”
Một người “không thể chịu nổi”
Ông Kiko nói ông đã phải cố gắng nhiều để chấp nhận Carmen, bà là “một người không thể chịu nổi” cho đến khi ông hiểu rằng thật là một ân sủng khi có một người luôn ở bên cạnh, người luôn nói cho ông biết sự thật.
“Bà Carmen là một phụ nữ tuyệt vời! Một người phụ nữ phi thường đã làm rất nhiều điều tốt đẹp, không chỉ cho anh chị em của Con đường Tân Dự tòng, mà còn cho toàn thể Giáo hội”, ông nhận xét, nhấn mạnh đến lòng nhiệt thành truyền giáo của bà, bà đã sống đức tin một cách anh hùng, tình yêu vô điều kiện dành cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo hội.
Một người luôn nói sự thật
Đối với người đồng sáng lập Con đường Tân Dự tòng, bà Carmen là một thiên tài về tự do và tình yêu dành cho Giáo hội. Bà luôn nói sự thật và nhận thức rõ rằng sứ vụ Chúa trao cho bà là nâng đỡ, bảo vệ và sửa dạy ông vì ích lợi Con đường Tân Dự tòng. Kết quả là ở ngoài Giáo hội bà không được biết đến vì bà không bao giờ tìm kiếm sự nổi bật.
Bà còn là một ngôn sứ và nhà thừa sai đích thực, sống đức tin một cách anh hùng. Một phụ nữ đặc biệt, rất quan trọng cho Giáo hội.
Kết thúc bài suy tư, ông Kiko ước mong Giáo hội điều tra cuộc đời của bà, vốn là một cuộc đời chịu đóng đinh, thinh lặng và đau khổ, như trong “đêm tối”; ông cũng mong các nhân đức của bà được đưa ra ánh sáng, bởi vì nhiều đức tính anh hùng của bà đang bị che khuất.