Trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, ông Miklos Gosztonyi, một nhà phân tích chính trị và chuyên gia nhân đạo có kinh nghiệm nhiều năm ở Nam Sudan, giải thích rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha trong quốc gia này rất quan trọng và hy vọng cuộc viếng thăm sẽ thúc đẩy một số thay đổi tích cực.
Theo ông, để hiểu đất nước này, cần phải xem xét hai thực tế. Trước hết, sau khi được độc lập vào năm 1956, Nam Sudan lại rơi vào nội chiến kéo dài 22 năm chống chính quyền trung ương ở Khartoum. Năm 2011 khi được độc lập, chính quyền đã áp đặt sử dụng tiếng Ả Rập và Hồi giáo lên người dân. Trong bối cảnh này “Kitô giáo là một lực lượng, hoặc chất keo giữ tất các các nhóm ở phía nam lại với nhau để chống lại chính quyền phía bắc”. Vì vậy theo ông Gosztonyi, Kitô giáo có một vị trí quan trọng ở Nam Sudan, và cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha không chỉ quan trọng đối với cộng đoàn Công giáo nhưng cho mọi Kitô hữu nói chung. Ông lưu ý, cuộc viếng thăm phải huỷ bỏ vào tháng 7 năm ngoái đã làm cho người dân rất buồn, họ thực sự mong đợi những giây phút vui mừng và đời sống tâm linh được lớn lên.
Khía cạnh thứ hai cần phải được xem xét, theo ông Gosztonyi, là từ khi được độc lập, mọi thứ ở Nam Sudan không diễn ra như mong đợi của mọi người. Cuộc nội chiến từ tháng 12/2013, và bất chấp thoả thuận hoà bình vào tháng 9/2018, cuộc xung đột ngày càng trở nên tàn bạo, khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ảnh hưởng đến một phần ba dân số. Nhà phân tích chính trị nói: “Tôi có thể nói rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ đem lại một luồng khí, và niềm vui cho dân chúng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây sẽ là một khoảnh khắc có tầm quan trọng lịch sử”.
Về khía cạnh quốc tế, ông Gosztonyi cho rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ làm cho cộng đồng quốc tế chú ý đến đất nước hơn. Thực tế, từ khi cuộc nội chiến bùng nổ vào năm 2013, Nam Sudan ngày càng bị quốc tế lãng quên, mặc dù các nhà tài trợ vẫn tiếp tục trợ giúp nhân đạo. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Đức Thánh Cha có thể làm được nhiều điều để buộc các nhà lãnh đạo phải thay đổi hướng đi và làm việc vì công ích. Đây sẽ là một cơ hội “để mang lại sự thay đổi, phát triển kinh tế, tôn trọng nhân quyền và đặt những công dân tốt vào trung tâm của đời sống chính trị của đất nước”. Cụ thể, theo chuyên gia nhân đạo, ở đất nước mà chính phủ không quan tâm đến các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, thì Đức Thánh Cha, một người được thế giới kính trọng, sẽ là cơ hội duy nhất để nói với chính phủ cách mạnh mẽ cần phải bắt đầu quan tâm đến người dân.