Đi từ chủ đề của Diễn đàn “Lãnh đạo của người dân bản địa về các vấn đề khí hậu: Giải pháp dựa vào cộng đồng để cải thiện khả năng phục hồi và đa dạng sinh học”, Đức Thánh Cha nói đây là cơ hội để ghi nhận vai trò quan trọng của người bản địa, trong việc bảo vệ môi trường, và nhấn mạnh sự khôn ngoan của họ trong việc tìm ra các giải pháp toàn cầu cho những thách đố to lớn mà biến đổi khí hậu đặt ra hàng ngày cho nhân loại.
Theo Đức Thánh Cha, chứng kiến cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường chưa từng có, và nếu chúng ta thực sự muốn chăm sóc ngôi nhà chung và cải thiện hành tinh, thì chúng ta phải thay đổi lối sống, mô hình sản xuất và tiêu dùng. Chúng ta cần phải lắng nghe nhiều hơn nữa người dân bản địa và học từ họ lối sống để hiểu đúng rằng chúng ta không thể tiếp tục tham lam ngấu nghiến tài nguyên thiên nhiên, bởi vì “Đất đã được trao phó cho chúng ta, để rồi như một người mẹ, Đất có thể trao cho mỗi người thứ cần thiết để sống”. Vì vậy, đóng góp của người dân bản địa là rất cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đức Thánh Cha nói: “Hơn bao giờ hết, ngày nay có nhiều người yêu cầu một quá trình tái hoán cải các cấu trúc quyền lực đang điều hành xã hội của nền văn hóa phương Tây, đồng thời chuyển đổi các mối quan hệ lịch sử được đánh dấu bằng chủ nghĩa thực dân, loại trừ và phân biệt đối xử, đưa đến một sự canh tân đối thoại về cách chúng ta đang xây dựng tương lai của hành tinh. Chúng ta rất cần các hành động chung, kết quả của sự hợp tác trung thành và liên tục, bởi vì thách đố môi trường mà chúng ta đang gặp phải và nguồn gốc con người của nó có tác động đến mỗi chúng ta. Vì điều này, tôi yêu cầu các chính phủ công nhận các dân tộc bản địa trên toàn thế giới, với các nền văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống và tâm linh của họ, đồng thời tôn trọng phẩm giá và quyền của họ với nhận thức rằng sự phong phú của đại gia đình nhân loại chúng ta bao gồm chính trong sự đa dạng”.
Ở điểm này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng bỏ qua các cộng đồng nguyên thuỷ trong việc bảo vệ đất đai là một sai lầm nghiêm trọng, chưa nói là một sự bất công lớn. Mặt khác, đánh giá di sản văn hóa và các kỹ thuật tổ tiên của họ sẽ giúp bắt đầu con đường quản lý môi trường tốt hơn. Theo nghĩa này, hoạt động của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế trong việc hỗ trợ các cộng đồng bản địa trong quá trình phát triển tự trị là rất đáng khen, trước hết là nhờ Quỹ hỗ trợ người bản địa, mặc dù những nỗ lực này phải được nhân lên, và cùng với một quyết định kiên quyết và có tầm nhìn rõ ràng, để đạt được một quá trình chuyển đổi công bằng. (CSR_641_2023)