SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM A: ĐỂ LẠI CHIẾC BÌNH CŨ.

  Tin Mừng Thánh Gioan là Tin Mừng duy nhất ghi lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria ở bờ giếng Giacóp. Trong bầu khí phụng vụ của Chúa Nhật tuần 3 Mùa Chay, cuộc gặp gỡ này lại một lần nữa được tái hiện cách thân thuộc: Đức Giêsu đang ngồi nghỉ mệt tại miệng giếng. Xa xa là bóng dáng một người phụ nữ. Bước chân cô mỗi lúc mỗi gần hơn. Trên tay cô là một chiếc bình chứa: chiếc bình cũ, trống rỗng nhưng sâu thẳm bên trong lại chất chứa cả quá khứ cuộc đời cô, những góc khuất của tội lỗi và cả những vết hằn của định kiến, phân biệt về chủng tộc, vùng miền, tôn giáo và giới tính… Chiếc bình trống không mà lòng cô nặng trĩu. Chúa Giêsu đưa mắt nhìn người phụ nữ và Ngài bắt đầu đi vào cuộc gặp gỡ. Có “2 CÁI ĐƯỢC” đã đến với người phụ nữ Samaria khi gặp Chúa:

Cái được thứ nhất: ĐƯỢC biết Đức Giêsu.  Sự hiểu biết này đi từ cái nhìn thuần túy đến cái nhìn đức tin.

Thoạt tiên, Đức Giêsu được biết đến là một trong số những người Do Thái (Ga.4,9), mà người Do Thái thì không giao thiệp với người Samaria. Cái biết này tạo một khoảng cách căn bản giữa bà và Đức Giêsu. Cầm bình chứa trong tay, nhưng dường như bà không muốn chung chia với người đang xin bà chút nước. Cõi lòng bà còn khép kín. Chúa vẫn kiên nhẫn gợi mở để câu chuyện đi xa hơn. Và hai người xa lạ ấy lại có thể trò chuyện với nhau về cơn khát đời mình. Người phụ nữ khao khát thứ nước có thể giúp mình thỏa mãn cơn khát để khỏi phải vất vả gánh nước đường xa. Trái lại, Đức Giêsu qua hành động xin chút nước từ bà lại đang trong cơn khát được trao ban chính mình. Ngài giới thiệu mình là mạch nước Hằng Sống, ai đón nhận Ngài và được Ngài đổ đầy thì sẽ sống muôn đời. Nước ấy chính là Máu Cứu Độ của Ngài, đổ ra cho hết mọi người, không phân biệt màu da, ngôn ngữ, hay tôn giáo. Chính khi chia sẻ về những cơn khát của mỗi người, thì cả Chúa và người phụ nữ đã thu hẹp dần khoảng cách. Cái nhìn không còn dừng lại ở việc “ông là người Do Thái, tôi là người Samaria…”, hay những câu xã giao thông thường. Nội dung cuộc trò chuyện cũng  “chất” hơn. 

Người phụ nữ nói bắt đầu nói về tổ phụ Giacóp, và Đức Giê su bắt đầu nói về chính bà. Chúa đã thẳng thắn nói cho bà biết về tình trạng của chính bà và việc bà đã có năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu không phải chồng mình. Chính điều này giúp bà nhìn ra Đức Giêsu là một tiên tri (Ga 4,18). Chiếc bình chứa vẫn trống không. Cơn khát vẫn còn, nhưng cõi lòng nhẹ tênh vì ít ra có người biết đến mình. Có kinh ngạc đó, nhưng người phụ nữ cảm thấy được an ủi vì dù biết mình như thế, Đức Giê su không hề có thái độ khinh khi hay kết án.

Chính thái độ chấp nhận của Chúa đã đem lại sự tin cậy nhất định cho người phụ nữ, đưa bà đến sự nhận biết cao nhất, đó là tin nhận Đức Giêsu là Đấng Messia, Thiên Chúa cứu độ (Ga 4,25-26). Từ giây phút đó, chiếc bình chứa không còn trên tay nữa. Nó đã không còn quan trọng. Và bà đã đặt nó xuống như trút bỏ quá khứ không mấy tốt đẹp của mình. Bà đi vào thành, loan báo về những gì đang xảy ra cho mình.

Thứ hai, ĐƯỢC Đức Giêsu biến đổi. Mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời người phụ nữ Samaria trước đây với những người chồng, và những mối quan hệ chung quanh bà chắc chắc sẽ có nhiều niềm vui, tiếng cười, cũng không thiếu những lời dèm pha, hay bị vây bủa bởi vô vàn khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Bà vẫn là một người phụ nữ bình thường hay nhiều khi còn rất tầm thường trong con mắt chứa đầy ánh nhìn định kiến của xã hội. Thế nhưng hôm nay khi gặp Chúa bà đã hoàn toàn trở nên một con người khác. Bà lớn lên trong sự nhận thức về chính mình. Được đối xử khác, sẽ sống khác. Quả đúng như vậy. Những gì chúng ta có thể thấy nơi cuộc đời người phụ nữ này là một lời chứng xác thực. Bà nhận ra mình được Đức Giêsu đón nhận, được yêu thương, cảm thông, và nhất là được chính Đấng Messia là Đức Kitô mặc khải về Ngài. Chính kinh nghiệm với Đức Giêsu đã biến đổi bà trở nên môn đệ đích thực của Chúa: đến xem – ở lại –kinh nghiệm- loan báo cho người khác. Đó là tiến trình đào tạo nên người môn đệ theo Tin Mừng Thánh Gioan. Người phụ nữ này đều đã trải qua những điều đó nhờ niềm tin được Đức Giêsu củng cố qua cuộc tiếp xúc ngắn ngủi nhưng sâu sắc. Kết quả, bà đã trở nên môn đệ nhiệt thành, nhân chứng sống động cho những người dân làng Samaria tin theo Đức Giêsu.

Tóm lại, cuộc đời người phụ nữ Samaria đã được biến đổi nhờ sự gặp gỡ trực tiếp với Chúa Giêsu. Càng được Chúa tỏ cho biết, bà càng lớn lên trong tình yêu và trong niềm tin về Ngài. Còn chúng ta? Chúng ta gặp Chúa mỗi ngày trong Thánh Lễ, nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và Giao Hòa. Vậy chúng ta có đang được biến đổi? Chúng ta đang khao khát gì, hay chúng ta đang chứa đựng điều gì trong chiếc bình  chứa tâm hồn mình?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, mỗi ngày không gặp được Chúa, chúng con như người phụ nữ Samaria: khép kín ôm chặt chiếc bình chứa cũ của những quá khứ tội lỗi cùng sự tự ti và nỗi cô đơn không được đón nhận và chấp nhận. Xin Chúa mở lòng chúng con, và đổ đầy tình yêu, sự bao dung của Chúa để con biết mình luôn được yêu thương. Có yêu thương, chúng con sẽ sống tích cực và năng động hơn nhiều.

Xin Chúa tỏ mình ra cho chúng con, để chúng con có thể nhận biết Chúa nhiều hơn mỗi ngày. Điều này rất quan trọng, vì nhờ đó, chúng con có thể yêu mến Chúa trong khả năng nhỏ bé của mình.

Lạy Chúa, như người phụ nữ Samaria, Chúa biết rõ chúng con. Cả những lỗi công khai và thầm kín. Cám ơn Chúa đã đưa chúng con ra khỏi bóng tối của tội lỗi và dẫn đưa đến nguồn ánh sáng chân lý và sự thật.

Và lạy Chúa, như người phụ nữ Samaria can đảm bỏ lại chiếc bình chứa, một vật dụng quen thuộc vốn dĩ được xem là rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, xin cho chúng con cũng can đảm bỏ lại những quyến luyến của lối sống lầm lạc khô khan vì từ nay, chúng con đã được trao tặng điều cao quý hơn thế, đó là nguồn nước Hằng Sống, là chính Ngài. Amen.

Quỳnh Thoạ