Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây.
Dưới đây là bản dịch toàn văn phần 1 sang Việt Ngữ.
Bài tĩnh tâm thứ nhất Mùa Vọng của cha Raniero Cantalamessa, OFMCap
Em thật có phúc, vì đã tin!
Mỗi năm phụng vụ dẫn chúng ta đến lễ Giáng sinh với ba người hướng dẫn: tiên tri Isaia, Thánh Gioan Tiền Hô và Đức Maria, như thế, chúng ta có một tiên tri, một người loan báo, và một người mẹ. Vị đầu tiên tuyên bố Đấng Cứu Thế từ xa, vị thứ hai chỉ cho chúng ta thấy Người có mặt trên thế giới, và vị thứ ba mang Người trong cung lòng mình. Mùa Vọng này tôi nghĩ chúng ta sẽ giao phó hoàn toàn cho Mẹ của Chúa Giêsu. Không ai tốt hơn Mẹ có thể chuẩn bị cho chúng ta chào đón sự ra đời của Đấng Cứu Chuộc chúng ta.
Mẹ không cử hành Mùa Vọng, Mẹ sống Mùa Vọng trong xương trong thịt mình. Giống như mọi bà mẹ sinh con, Mẹ biết ý nghĩa của việc chờ đợi ai đó và có thể giúp chúng ta tiến đến lễ Giáng Sinh với một đức tin trông mong. Chúng ta sẽ chiêm ngưỡng Mẹ Thiên Chúa trong ba thời điểm mà Kinh Thánh trình bày Mẹ ở trung tâm của các sự kiện: Truyền tin, Thăm viếng và Giáng sinh.
“Nầy, tôi là nữ tỳ của Chúa”
Chúng ta bắt đầu với biến cố Truyền tin. Khi Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, người chị họ này chào đón Đức Maria với niềm vui dạt dào và khen ngợi Mẹ vì đức tin của Mẹ “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45). Điều kỳ diệu đã xảy ra ở Nagiarét sau lời chào của thiên thần là Đức Maria đã “tin” và vì thế Mẹ đã trở thành “Mẹ của Chúa.” Chúng ta không có chút nghi ngờ rằng từ ‘tin’ ở đây đề cập đến câu trả lời của Đức Maria với thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1:38).
Trong vài từ đơn giản này, hành động đức tin lớn nhất và quyết định nhất trong lịch sử đã diễn ra. Câu trả lời của Đức Maria tiêu biểu cho “đỉnh cao của tất cả các hành vi tôn giáo trước mặt Thiên Chúa, bởi vì nó thể hiện, đến mức cao nhất, cả thái độ sẵn sàng thụ động lẫn thái độ sẵn sàng chủ động, khoảng trống sâu nhất đi kèm với sự sung mãn nhất.” [1] Origen nói rằng như thể Đức Maria đã nói với Thiên Chúa, ‘Này tôi là tấm bảng để được viết trên đó: Xin Người Viết cứ viết bất cứ điều gì Ngài muốn, xin Thiên Chúa mọi loài làm cứ làm cho tôi như Ngài mong muốn’ [ 2]. Ông đã so sánh Đức Maria với một tấm bảng bằng sáp được dùng trong thời của ông. Ngày nay, chúng ta có thể nói rằng Đức Maria dâng mình cho Chúa như một tờ giấy trắng mà Chúa có thể viết bất cứ điều gì Ngài muốn.
Trong một khoảnh khắc, sẽ tồn tại trong mọi thời và còn mãi cho đến muôn đời, lời của Đức Maria là lời của loài người và tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ là tiếng Amen của mọi tạo vật để trả lời ‘xin vâng’ với Thiên Chúa (K. Rahner). Như thể Chúa một lần nữa thách thức sự tự do của tạo vật thông qua Mẹ, cho nó cơ hội được cứu chuộc. Đây là ý nghĩa sâu sắc của sự đối ứng Evà – Maria, rất có ý nghĩa đối với các Giáo phụ của Giáo hội và tất cả các truyền thống. “Điều mà bà Evà đã trói buộc vì sự không tin của mình, thì Đức Maria đã cởi trói qua đức tin của mình.” [3]
Từ lời nói của bà Êlisabét “Em thật có phúc, vì đã tin” chúng ta lưu ý rằng trước đó Phúc Âm nói rằng việc Đức Mẹ mang thai Chúa không chỉ có ý nghĩa vật lý nhưng, hơn thế nữa, điều này còn có một ý nghĩa thiêng liêng, dựa trên đức tin. Đây là những gì Thánh Augustinô đã dựa vào khi ngài nói: “Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa với niềm tin mà Mẹ đã cưu mang trong lòng…. Khi được thiên thần truyền tin, Mẹ, tràn đầy niềm tin (fide plena), đã thụ thai Chúa Kitô trong tâm hồn mình trước khi Mẹ thụ thai Chúa trong cung lòng Mẹ, vì thế, Mẹ đáp lại: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.’ Sự viên mãn trong đức tin về phía Đức Maria tương ứng với sự viên mãn của ân sủng về phía Thiên Chúa, fide plena tương ứng với gratia plena.
Cô độc với Chúa
Thoạt nhìn, hành động đức tin của Đức Maria có vẻ rất dễ dàng và thậm chí có thể được coi là điều đương nhiên. Mẹ sắp trở thành mẹ của một vị vua sẽ trị vì mãi mãi trong nhà của Giacóp, Mẹ của Đấng Thiên Sai! Chẳng lẽ đó không phải là giấc mơ của mọi cô gái Do Thái sao? Nhưng đây là một cách suy luận khá nhân văn và trần tục. Đức tin thực sự không bao giờ là một đặc quyền hay vinh dự; nó có nghĩa là chết đi một chút, và điều này đặc biệt đúng với đức tin của Đức Maria tại thời điểm đó.
Trước hết, Thiên Chúa không bao giờ lừa dối và không bao giờ lặng lẽ bó buộc sự đồng ý của con cái mình bằng cách che giấu những hậu quả không cho họ biết những gì sẽ xảy đến. Chúng ta có thể thấy điều này trong mọi lời kêu gọi về phía Thiên Chúa. Ngài cảnh báo tiên tri Giêrêmia: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi” (Jer 1:19), và để cho ông Anania nói với Saolô rằng: “Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta.” (Cv 9:16). Liệu Người có hành động khác đi với riêng một mình Đức Maria trước một sứ vụ như sứ vụ của Mẹ không? Trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần đi kèm với tiếng gọi của Chúa, Mẹ chắc chắn cảm nhận được rằng con đường Mẹ sẽ không có gì khác biệt so với tất cả “những người được chọn” khác. Trong thực tế, không lâu sau đó, ông Simêon sẽ diễn tả linh tính này thành lời, khi ông nói với Mẹ rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn Mẹ.
Nhưng ngay cả trên bình diện người ta thường tình, Đức Maria cũng thấy mình hoàn toàn cô độc. Mẹ giải thích làm sao về những gì đã xảy ra với Mẹ? Ai có thể tin Mẹ khi Mẹ nói rằng hài nhi mà Mẹ mang trong bụng là công việc của Chúa Thánh Thần? Đây là điều chưa từng diễn ra trước đây và sẽ không bao giờ diễn ra lần nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Maria đã nhận thức rõ luật pháp sẽ được áp dụng thế nào nếu các dấu chỉ trinh tiết không được tìm thấy nơi một phụ nữ trẻ khi kết hôn: Mẹ sẽ bị đưa đến cửa nhà cha mình và bị những người đàn ông trong thành phố ném đá đến chết (xem Đnl 22:20 f.).
Ngày nay chúng ta nhanh chóng nói về rủi ro của đức tin, và chúng ta thường muốn nói đến các rủi ro về mặt tri thức, nhưng Đức Maria phải đối mặt với những rủi ro thực sự! Trong cuốn sách về Đức Mẹ, Carlo Carretto đã nói với chúng ta về cách ông hiểu đức tin của Đức Maria [4]. Khi ông sống ở sa mạc, ông đã nghe một số bạn bè người Tuareg nói rằng có một cô gái trẻ ở trong trại đã được hứa hôn với một chàng trai trẻ nhưng cô ta đã không đến sống với anh này vì cô ta còn nhỏ quá. Carretto đã liên kết thực tế này với những gì Thánh Sử Luca nói về Đức Maria. Vì thế, hai năm sau đó, khi trở lại trại này, ông hỏi thăm về cô gái. Carretto nhận thấy có một sự ngượng ngùng nhất định nơi những người đang trò chuyện với mình, và sau đó, một người trong số họ, bí mật gặp ông, ra dấu cho ông thế này: anh ta dùng tay nắm cổ họng của mình trong cử chỉ đặc trưng của người Ả Rập khi họ muốn nói “Cổ họng của cô ta bị siết lại” Người ta đã phát hiện ra rằng cô ấy đã có con trước khi kết hôn, và cái chết của cô là điều cần thiết vì danh dự của gia đình. Rồi ông nghĩ đến Đức Maria, về ánh mắt tàn nhẫn của người dân Nagiarét, về những cái nháy mắt ra hiệu, và ông hiểu sự cô độc của Đức Maria, và ngay tối hôm đó, ông đã chọn Mẹ làm người bạn đồng hành và là vị bảo trợ đức tin.
Đức Maria là người duy nhất đã tin tưởng vào một “tình huống tức thời”, nghĩa là, Mẹ tin trong khi sự kiện đang được diễn ra và trước khi có bất kỳ xác nhận nào bởi sự kiện này hay bởi lịch sử. Mẹ tin trong một trạng huống hoàn toàn đơn lẻ. Chúa Giêsu nói với Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Đức Maria là người đầu tiên không thấy mà tin.
Trong một tình huống có thể nói là một chiến thắng và một sự ngạc nhiên tương tự, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tổ phụ Abraham, người đã được hứa sẽ có một con trai mặc dù ông đã lớn tuổi, “Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính”. (Stk 15: 6). Và giờ đây chúng ta có thể nói chiến thắng của Đức Maria còn vinh quang đến mức nào! Đức Maria có niềm tin vào Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa xem Mẹ là người công chính – đó là hành vi công chính vĩ đại nhất được thực hiện trên trái đất bởi một con người, kế đó là hành vi công chính của Chúa Giêsu, tuy nhiên, Ngài cũng là Thiên Chúa.
Thánh Phaolô nói rằng “ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cor 9: 7), và Đức Maria thốt lên tiếng ‘xin vâng’ đầy hân hoan. Động từ Đức Maria sử dụng để thể hiện sự đồng ý của Mẹ được dịch ra từ văn bản gốc là fiat, hay “xin cứ làm như vậy”, là nói với một tâm trạng mong mỏi (genoito). Nó không thể hiện một sự chấp nhận cam chịu nhưng là một khát vọng sống động. Như thể Mẹ đang nói, tôi cũng vậy, tôi cũng mong muốn với tất cả lòng trí mình những gì Chúa muốn; hãy để ước muốn của Người nhanh chóng được thực hiện. Thật vậy, như thánh Augustinô đã nói, trước khi thụ thai Chúa Kitô trong thân xác mình, Mẹ đã hoài thai trong lòng mình.
Đức Maria đã không sử dụng từ fiat trong tiếng Latinh; Mẹ cũng không sử dụng từ genoito trong tiếng Hy Lạp. Như thế Mẹ đã nói thế nào? Từ nào hoặc thành ngữ nào? Một người Do Thái sẽ nói gì khi muốn nói “xin vâng như thế”? Người ấy sẽ nói “Amen!” Nếu chúng ta cung kính cố gắng quay trở lại cái ipsissima vox, có nghĩa là, chính xác từ ngữ Đức Maria sử dụng – hoặc ít nhất là từ ngữ đã tồn tại ở điểm này trong nguồn Hêbrơ mà Thánh Sử Luca sử dụng – nó thực sự phải là từ “amen”. “Amen” – một từ Hêbrơ mà gốc gác của nó có nghĩa là sự kiên vững, sự tốt lành – được sử dụng trong phụng vụ như một câu trả lời trong đức tin đối với Lời Chúa. Mỗi lần trong bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh, bản phổ thông Vulgate, nơi có từ fiat, thường xuất hiện ở cuối các thánh vịnh nhất định (trong phiên bản Septuagint, genoito, genoito), thì bên tiếng Do Thái gốc, mà Đức Maria biết, là từ amen, amen!
Từ “amen” được dùng để nhìn nhận những gì được nói như là vững chắc, ổn định, hợp lệ, và ràng buộc. Cách dịch chính xác của từ này trong ngữ cảnh một câu trả lời đối với Lời Chúa là: “Chính thế, xin cho được như thế.” Nó chỉ ra cả đức tin lẫn sự vâng phục; nó công nhận rằng những gì Chúa nói là đúng và ta phục tùng điều đó. Đó là nói tiếng xin vâng với Chúa. Đây là cách Chúa Giêsu sử dụng từ ấy: “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11:26). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu là tiếng Amen được nhân cách hóa (xem Kh 3:14), và đó là lý do tại sao chúng ta nhờ Người mà thốt lên tiếng amen để tôn vinh Thiên Chúa (xem 2 Cor 1:20). Như tiếng fiat của Đức Maria đi trước tiếng fiat của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani thế nào, thì tiếng amen của Mẹ cũng đi trước Chúa Con. Đức Maria cũng là một tiếng amen với Chúa được nhân cách hóa.
[1] H. Schurmann, Das Lukasevangelium – Diễn giải Phúc Âm Luca, Freiburg ở Br., 1982, ad loc.
[2] Origen, Commentary on the Gospel of Luke – Bình luận về Tin mừng Luca, Đoạn 18 (GCS 49, trang 227).
[3] Thánh Irenaeus, Against the Heresies – Chống lại các dị giáo, III, 22, 4 (SCh 211, tr. 442).
[4] Xem C. Carretto, Blessed Are You Who Believed – Phúc cho bạn là người tin, London, Burns & Oates, 1982, tr. 3 f.
Nguồn: Vietcatholic New