HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ỦY BAN PHỤNG TỰ
liturgy@cbc-vietnam.org
Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự đã thông báo Chương trình đào tạo phụng vụ theo tinh thần của “Tông thư Desiderio Desideravi về đào tạo phụng vụ cho Dân Thiên Chúa” và theo ủy thác của Hội đồng Giám mục tại Hội nghị Thường niên kỳ I/2023. Chương trình đào tạo phụng vụ của Ủy ban Phụng tự đã phổ biến hướng dẫn về CỬ HÀNH THÁNH LỄ, là tài liệu đã được soạn thảo, thảo luận và đúc kết sau 03 buổi làm việc (các ngày 13/2, 22/5, và 7/8/2023) với quý Cha đặc trách Phụng vụ các giáo phận và các Cha chuyên ngành phụng vụ.
Để hiểu rõ hơn các giá trị và tầm mức quan trọng của các hướng dẫn về phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu bài viết của Cha Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể:
LUẬT PHỤNG VỤ VÀ CÁC CẤP THẨM QUYỀN LIÊN QUAN
I/ LUẬT PHỤNG VỤ
Luật Phụng vụ là những việc cần phải làm cho đúng với việc thờ phượng. Đó là những quy định chính thức do Giáo Hội ấn định cho việc cử hành một nghi lễ phụng vụ và có tính cách huấn lệnh hoặc hướng dẫn vì cử hành phụng vụ không phải là hoạt động riêng tư nhưng là của toàn thể Giáo Hội (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh [PV], số 26).
Thông thường, quy luật của phụng vụ [ở cấp hoàn vũ] được trình bày trong nhiều văn kiện và chi tiết hoá trong nhiều tài liệu phụng vụ của Giáo Hội, chẳng hạn như trong: [i] Sách Phụng vụ do Toà Thánh xuất bản; [ii] Các văn kiện của Đức Giáo hoàng; [iii] Phần lớn quy luật phụng vụ được Bộ có thẩm quyền liên hệ của Tòa Thánh ban hành, chẳng hạn như Sắc lệnh hay Huấn thị của Thánh Bộ Lễ nghi (trước đây) hay Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích (hiện nay) nhằm chấp hành các văn kiện của Giáo hoàng; [iv] Và, Luật Phụng vụ cũng được đề cập trong Bộ Giáo Luật.
Luật Phụng vụ có mục đích rõ ràng là để bảo đảm sự hiện hữu cũng như tính chính thống của phụng vụ, bảo vệ những chân lý và thực tại quan trọng của đức tin theo nguyên tắc lex orandi lex credendi (luật cầu nguyện là luật đức tin) cũng như gìn giữ sự hợp nhất Công Giáo qua sự hiệp thông của hàng giáo phẩm, sự hợp nhất đức tin và hợp nhất trong kỷ luật bí tích. Chính vì lý do này mà chỉ có hàng giáo phẩm trong Giáo hội – vốn có đặc sủng bảo vệ đức tin và sự hợp nhất – là thẩm quyền duy nhất phát xuất bởi Chúa Kitô, nghĩa là được Đức Kitô trao cho trách nhiệm gìn giữ và bảo toàn tính toàn vẹn của thánh lễ và các bí tích trong Giáo hội. Hàng giáo phẩm ở đây là các đấng kế vị các Tông đồ. Chỉ có các ngài mới có thẩm quyền thiết lập và ban hành các quy luật phụng vụ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
II/ THẨM QUYỀN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT PHỤNG VỤ
1/ Công đồng và Đức Giáo hoàng [ĐGH]
Công đồng và Đức Giáo hoàng có quyền tối cao trong Hội Thánh bao gồm cả việc thiết lập luật phụng vụ lẫn điều hành phụng vụ. Công đồng Vaticano II đã trao lại cho Tòa Thánh công việc thực thi các canh tân phụng vụ mà Công đồng đã nêu ra. Tòa Thánh cũng gọi là Tông Tòa quy chiếu đến Đức Giáo hoàng và các thánh bộ của giáo triều Roma, trong phạm vi hoàn vũ, đóng vai trò như là chủ nhân của Phụng vụ: “Việc điều hành Phụng vụ Thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Đức Giám mục” (Bộ Giáo Luật [BGL], số 838§1; PV 22§1). Tòa Thánh có quyền (1) điều hành phụng vụ trong toàn thể Giáo Hội, (2) ấn hành các sách phụng vụ, chuẩn y các bản dịch sách phụng vụ ra tiếng địa phương, và (3) canh chừng để mọi quy luật phụng vụ được cẩn thủ khắp nơi (BGL 838§2).
Tông Tòa (Đức Giáo hoàng – Tòa Thánh) có thẩm quyền ban hành các văn kiện có tính cách lập pháp như (BGL 838): [i] Tông hiến (Constitutio apostolica); [ii] Tự sắc (Motu proprio); và các văn kiện có tính cách giáo huấn như: [i] Thông điệp (Litterae encycliae); [ii] Tông Thư (Littera apostolica); [iii] Tông Huấn (Exhortatio apostolica); Bộ Phụng tự ban hành các “Huấn thị” (Instructio) nhằm hướng dẫn mọi tín hữu tuân thủ văn kiện của Đức Giáo hoàng.
2/ Hội đồng Giám mục [HĐGM] và Giám mục Giáo phận
Hội đồng Giám mục (trong phạm vi một quốc gia hoặc liên quốc gia) hay Đức Giám mục (trong phạm vi một giáo phận) giữ vai trò làm thủ lãnh phụng vụ trên lãnh thổ đó (x. QCSL số 25, 387, 388-393).
i/ Hội đồng Giám mục
“Chiếu theo quyền hạn đắc thượng của luật pháp, việc điều hành phụng vụ, trong các giới hạn đã định, cũng tùy thuộc các loại Hội đồng Giám mục khác nhau, đã được thiết định hợp pháp, có thẩm quyền trong từng địa phương (x. PV 22§2, 36).
Vai trò của Hội đồng Giám mục là:
(1) Soạn thảo các bản phiên dịch bằng tiếng địa phương và cho xuất bản Sách lễ/sách phụng vụ sau khi bản văn đã được Tòa Thánh duyệt y (BGL 838§3; Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma [QCSL], số 389)
(2) Quy định những thích nghi và sau khi đã được Tòa Thánh phê chuẩn đúng cách, sẽ được đưa vào Sách lễ Roma (QCSL 390). Những điều được thích nghi đã được chỉ rõ trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma và trong Nghi thức Thánh lễ, như: Các cử chỉ và điệu bộ bên ngoài của tín hữu (số 24, 43); các cử chỉ tôn kính đối với bàn thờ và Sách Tin Mừng (x. số 273); bản văn các bài hát nhập lễ, chuẩn bị của lễ và hiệp lễ (x. số 48, 74,87); Các bài đọc Thánh Kinh được dùng trong những hoàn cảnh đặc biệt (x. 362); cách thức trao bình an (x. số 82); cách thức rước lễ (x. số 160-161, 284); chất liệu làm bàn thờ và đồ lễ, nhất là các bình thánh, cũng như chất liệu, hình thức và màu các phẩm phục dùng trong phụng vụ (x. số 301, 329, 332, 339, 342, 345-346, 349); những hướng dẫn hoặc Huấn thị có tính cách mục vụ mà HĐGM xét là hữu ích, sau khi được Tòa Thánh phê chuẩn, có thể đưa vào Sách lễ Rôma những chỗ thích hợp (QCSL 390).
(3) Quan tâm đặc biệt đến bản dịch các bản văn Thánh Kinh dùng trong Thánh lễ (QCSL 391). Ân cần thực hiện việc phiên dịch những bản văn khác sao cho ý nghĩa của bản văn gốc tiếng Latinh được diễn đạt đầy đủ và trung thành, trong khi bảo toàn tính cách riêng của mỗi ngôn ngữ (QCSL 392).
(4) Phê chuẩn những giai điệu thích hợp, nhất là cho các bản văn của Nghi thức Thánh lễ, cho các câu đáp và tung hô của cộng đoàn, cho các nghi thức đặc biệt gặp trong năm phụng vụ (QCSL 393).
(5) Quyết định những hình thức âm nhạc, những làn điệu, những nhạc cụ được phép sử dụng trong phụng tự, vì chúng thực sự thích hợp hoặc có thể thích ứng được để dùng vào công việc thánh (QCSL 393).
Không như Đức Giám mục giáo phận vốn có quyền lập pháp về bất cứ vấn đề nào miễn là không đi ngược lại với luật mà cấp trên đã ban ra (BGL 135§2), “Hội Ðồng Giám mục chỉ có thể ra những sắc luật trong những trường hợp mà luật phổ quát đã quy định hoặc một ủy nhiệm đặc biệt của Tòa Thánh đã tự ý ấn định hoặc theo lời thỉnh cầu của chính Hội Ðồng” (BGL 455 §1). Và “để các sắc luật nói ở triệt 1 được hữu hiệu, thì trong phiên họp khoáng đại, cần phải hội đủ ít là hai phần ba số phiếu của các Giám mục có quyền biểu quyết trong Hội Ðồng; và sắc luật chỉ có hiệu lực bó buộc khi được ban hành hợp lệ sau khi đã được Tòa Thánh duyệt y” (BGL 455 §2).
Bản văn Sắc luật của Hội đồng Giám mục có thể mang những tên gọi khác nhau như: tuyên bố, quy chế, hướng dẫn, chính sách. Sau khi đã được bỏ phiếu thông qua bởi 2/3 các thành viên của Hội đồng Giám mục và được phê chuẩn bởi Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích thì bản văn [sắc lệnh] về phụng vụ của Hội đồng Giám mục có giá trị ràng buộc pháp lý đối với tất cả các giáo phận. Cách thức ban hành Sắc luật này do Hội đồng Giám mục quyết định, chẳng hạn bởi một sắc lệnh công bố do chủ tịch Hội đồng Giám mục ký hoặc hoặc bởi việc công bố sắc lệnh như một hành động chính thức của Hội đồng Giám mục. Tuy vậy, nếu Đức Giám mục nào theo lương tâm mình mà không muốn chấp nhận sắc luật này thì có thể xin Tòa Thánh miễn chuẩn cho địa phận mình (x. Bộ Giám mục, Apostolorum Successores, số 29e).
ii/ Giám mục Giáo phận
Giám mục giáo phận cai quản Giáo Hội địa phương đã ủy thác cho ngài với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chiếu theo quy tắc luật định (BGL 391§1). Cùng với Hội đồng Giám mục, xét như là thẩm quyền Giáo Hội địa phương, Đức Giám mục giáo phận có quyền xác định những việc thích nghi (liên quan đến việc cử hành các Bí Tích, Á Bí Tích, rước kiệu, ngôn ngữ phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật) và đưa ra những phương thức thích nghi” (PV 39-40; QCSL 25-26, 387, 388-393).
“Các Giám mục là những người phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa trước tiên, bởi vì các Ngài là những đại tư tế, những người phân phát chính yếu các mầu nhiệm của Thiên Chúa và những người điều hành, cổ võ và bảo toàn tất cả đời sống phụng vụ trong Giáo Hội đã được ủy thác cho các Ngài” (BGL 835§1; Christus Dominus 15).
Trong tư cách là người điều hành và cổ võ phụng vụ, Đức Giám mục sẽ thiết lập các chức vụ và các ủy ban cần thiết để hỗ trợ ngài. Đức Giám mục sẽ sắp đặt và điều chỉnh đời sống phụng vụ trong giáo phận của ngài bằng việc đưa ra các quy định, chính sách và kỷ luật phụng vụ liên quan đến: [i] các thừa tác vụ giáo dân (BGL 230§2,3); [ii] việc giáo dân đặt Mình Thánh Chầu Thánh Thể; [iii] các cuộc rước kiệu; [iv] cử hành phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật khi không có linh mục; [v] cho phép tư tế cử hành hai lễ/ba lễ mỗi ngày khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi (BGL 905§2); [vi] ban các miễn chuẩn đặc biệt (x. BGL 85, 90, 87§1).[1] Ngoài ra, ĐGM có quyền: cho phép giải tội tập thể (Nghi thức Thống Hối 39b), điều hòa kỷ luật đồng tế (x. QCSL 202), ra những quy định về việc phụ giúp linh mục tại bàn thờ (QCSL 107), về việc cho rước lễ dưới hai hình (x. QCSL 283), về việc xây dựng và xếp đặt trong nhà thờ (x. QCSL 291). Nhưng việc trước hết của ngài là nuôi dưỡng tinh thần phụng vụ nơi các linh mục, phó tế và tín hữu (QCSL 387).
Trong vai trò là người bảo toàn phụng vụ, Đức Giám mục giám sát đời sống phụng vụ, “đề phòng đừng để du nhập những lạm dụng kỷ luật trong Giáo Hội, nhất là về tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các Bí Tích và các Á Bí Tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các Thánh và việc quản lý tài sản” (BGL 392§2; x. Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ [BTCĐ], số 24, 176-180) ). Chẳng hạn, nếu “biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, thì chính ngài hoặc nhờ một giáo sĩ khác xứng hợp, phải thận trọng điều tra, về các sự kiện, hoàn cảnh, cũng như về khả năng quy trách nhiệm của hành vi (BTCĐ 178).
Như vậy, để thi hành nhiệm vụ mục vụ, Đức Giám mục giáo phận có mọi quyền hành thông thường, riêng biệt và trực tiếp, xác định và ban hành những lề luật [phụng vụ] cho giáo phận mình, buộc mọi người phải giữ, trong Giáo Hội đã được ủy thác cho ngài và trong giới hạn thẩm quyền của ngài, ngoại trừ những vụ việc mà pháp luật hoặc sắc luật của Ðức Thánh Cha đã dành lại cho quyền bính tối cao hoặc một quyền bính nào khác trong Giáo Hội (Lumen Gentium 26; BGL 838§4, 381§1; BTCĐ 21), chẳng hạn việc ấn hành các sách phụng vụ và thiết lập các á bí tích mới được Bộ Giáo Luật dành riêng cho Tòa Thánh (BGL 838#2; 1167#1). Tuy nhiên, quyền lập pháp của Đức Giám mục giáo phận không cho phép ngài hành động hay ban hành cách hữu hiệu một luật trái ngược với luật mà cấp trên đã ra (BGL 135§2). Những luật thuộc về cấp trên ở đây được hiểu là những luật lệ/quy chế phát xuất từ Công Đồng, Tòa Thánh, Hội đồng Giám mục, Công Đồng/Công Nghị Tỉnh….
iii/ Ủy ban Phụng tự (UBPT)
UBPT là ủy ban giám mục về phụng vụ, một cơ quan thường trực của Hội đồng Giám mục và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến Phụng vụ.
UBPT hỗ trợ Hội đồng Giám mục đạt được các mục tiêu trong lãnh vực phụng tự, cung cấp cho các giám mục [cả tập thể lẫn cá nhân] các nguồn lực cần thiết để thực thi hiệu quả thừa tác vụ giám mục, cũng như hoàn thành vai trò của các ngài: là thượng tế và thủ lãnh phụng vụ của đoàn dân được trao phó cho các ngài.[2] Đặc biệt UBPT có nhiệm vụ phiên dịch các văn bản phụng vụ và phát triển các hướng dẫn cử hành Thánh lễ cũng như cử hành các bí tích. Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa phương, tức dưới thẩm quyền của Hội đồng Giám mục, UBPT điều hành hoạt động về mục vụ phụng vụ trong phạm vi quyền hạn mình (giám sát việc xuất bản các sách phụng vụ đã được phê duyệt, các phương tiện hỗ trợ tham gia và các sách cầu nguyện hàm chứa chất liệu phụng vụ), cũng như phát huy các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm cần thiết mỗi khi phải đệ trình những việc thích nghi lên Tông Tòa (PV 44).
Vì các phát biểu và hướng dẫn liên quan đến phụng tự do UBPT đưa ra/công bố phải được ủy quyền bởi chính Hội đồng Giám mục phù hợp với các quy chế của Hội đồng Giám mục, do đó, cần lưu ý 2 điều sau đây:
(1) Thứ nhất, tài liệu “Apostolorum Successores” khuyến cáo các Ủy ban của Hội đồng Giám mục (trong đó có UBPT) rằng phải “tránh bất kỳ hành động nào dựa trên cảm thức nhầm lẫn về sự độc lập hoặc tự trị của mình, chẳng hạn như việc xuất bản các hướng dẫn theo sáng kiến riêng trong một lĩnh vực mục vụ cụ thể, hoặc cách xử lý các cơ cấu và ủy ban giáo phận mà bỏ qua vai trò thiết yếu của Giám mục giáo phận tương ứng” (số 32);
(2) Thứ hai, mặc dầu UBPT đã được ủy quyền bởi Hội đồng Giám mục để ban hành một hướng dẫn phụng vụ, nhưng tài liệu/bản văn hướng dẫn này thực ra không có giá trị ràng buộc về phương diện pháp lý, trừ ra bất cứ nội dung nào nằm trong bản văn này được trích dẫn từ những nguồn khác mà vốn mang tính ràng buộc về luật. Tuy thế, bản văn từ UBPT vẫn có một thẩm quyền luân lý (phải tuân giữ) và ảnh hưởng nhất định và có thể phục vụ như là cơ sở cho luật lệ/quy định của giáo phận.[3]
III/ TUÂN GIỮ LUẬT PHỤNG VỤ
Luật Phụng vụ cao trọng và có tính thánh thiêng, thế nên, chúng không được ban hành hay sử dụng một cách tuỳ tiện. Mặt khác, dù không có giọng điệu truyền lệnh, nhưng không vì thế mà Luật Phụng vụ được miễn chước một cách dễ dàng. Trái lại, cần phải tuân thủ gắt gao Luật Phụng vụ như luật tổng quát của Giáo Hội: các luật phổ quát (chẳng hạn như Bộ Giáo Luật và praenotanda của các sách phụng vụ) bó buộc mọi nơi đối với hết mọi người mà luật chi phối (BGL 12§1); Các luật được ban bố cho một lãnh thổ riêng biệt (bởi Hội đồng Giám mục hoặc Đức Giám mục giáo phận) thì bó buộc những người mà luật nhằm đến, nếu họ có cư sở hoặc bán cư sở và hiện đang cư trú tại đó (BGL 12§3). Việc bất tuân luật phụng vụ có thể gây nguy hại cho đức tin và sự hợp nhất trong Giáo Hội, ảnh hưởng đến luân lý (thành sự và hợp pháp của bí tích), sút giảm lòng kính trọng đối với các bí tích và bất ổn cho cử hành Phụng vụ (BGL 846 §1; Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo [GLCG], số 1125).
Vì linh mục và mọi tín hữu khác đều là tôi tớ của phụng vụ cho nên phải tuân thủ luật phụng vụ do thẩm quyền Giáo Hội đề ra, phải tuân giữ trung thành các sách phụng vụ đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn mà không được thay đổi hay thêm bớt gì (x. PV 22; QCSL, số 24; BTCĐ, số 31). Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng một cách cương quyết: “Phụng vụ không bao giờ là một sở hữu riêng tư của ai, kể cả chủ tế và cộng đoàn cử hành các mầu nhiệm đó” vì ngài hằng mong muốn những quy luật phụng vụ phải được tuân giữ một cách trung thành” (Ecclesia de Eucharistia, số 20). Nhờ vậy, sẽ tránh cho các tín hữu khỏi bị ảnh hưởng bởi tính chủ quan quá lớn của người này này người kia, tránh được những hành động tùy tiện và lạm dụng phát xuất từ quan niệm sai lầm về sự tự do cũng như không phá vỡ mối liên quan cần thiết giữa luật cầu nguyện và luật đức tin (x. BTCĐ 7, 10 và 11).