Kinh truyền tin 17/09: Hãy luôn tha thứ

Trưa Chúa Nhật ngày 17/09, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với các tín hữu hiện diện tại quãng trường thánh Phê-rô. Ngài đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXIV Thường Niên.
 

Hôm nay Tin Mừng nói với chúng ta về sự tha thứ (x. Mt 18,21-35). Môn đệ Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ?” (c. 21)

Số bảy, trong Kinh thánh, là con số biểu thị sự trọn vẹn, và do đó ông Phêrô rất hào phóng khi đưa ra những giả định trong câu hỏi của mình. Nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn và trả lời: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (c. 22). Thực ra Chúa Giê-su nói với ông Phêrô rằng khi tha thứ thì đừng tính toán, rằng đáng ra hãy tha thứ tất cả và mãi mãi! Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta thế nào, thì những người được ủy thác năng quyền trao ban ơn tha thứ của Thiên Chúa cũng được kêu gọi như vậy: hãy luôn tha thứ.

Tôi đã nói điều này rất nhiều lần với các linh mục và các Cha giải tội: hãy luôn tha thứ theo gương của Thiên Chúa.

Sau đó, Chúa Giêsu minh họa thực tế này bằng một dụ ngôn vẫn liên quan đến các con số. Một vị vua sau khi nghe lời cầu khẩn tha thiết đã tha món nợ 10.000 nén: đó là một trị giá được phóng đại, lớn vô kể, ước chừng từ 200 đến 500 tấn bạc! Đó là món nợ không thể trả được, dù phải làm việc cả đời: thế nhưng người chủ đó, hình ảnh của Chúa Cha trên trời, đã tha thứ cho con nợ chỉ vì “lòng thương xót” thuần túy (c. 27). Tuy nhiên, người đầy tớ đã được tha nợ này lại không tỏ lòng thương xót đối với người bạn mắc nợ mình 100 quan tiền. Đây cũng là một số tiền khá lớn, tương đương xấp xỉ ba tháng lương – như thể muốn được tha thứ cũng cần phải trả giá!, nhưng món nợ này chẳng đáng là bao so với món nợ trước, khoản nợ mà chúng ta đã được Thiên Chúa tha bổng.

Thông điệp của Chúa Giêsu rất rõ ràng: Thiên Chúa tha thứ vô ngần vô hạn, vượt quá mọi mức độ. Ngài là như vậy, Ngài hành động vì tình yêu và sự nhưng không. Chúng ta không thể trả ơn Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta tha thứ cho anh chị em của mình, chúng ta bắt chước Thiên Chúa. Vì vậy, tha thứ không phải là một việc tốt có thể làm hoặc không làm: đó là điều kiện cơ bản đối với những người được gọi là Kitô hữu. Thực vậy, mỗi người chúng ta đều là người được “tha thứ”, dù là nam hay nữ. Anh chị em đừng quên nhé! Thiên Chúa đã hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta và không cách nào chúng ta có thể đền bù được lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót mà Ngài không bao giờ rút khỏi trái tim Ngài. Tuy nhiên, bằng cách đáp lại tình yêu nhưng không của Ngài, nghĩa là bằng việc tha thứ cho nhau, chúng ta có thể làm chứng cho Thiên Chúa bằng cách gieo mầm sự sống mới xung quanh chúng ta. Thực ra, ngoài sự tha thứ thì không có hy vọng nào cả; không có tha thứ thì không có hòa bình. Sự tha thứ là dưỡng khí thanh lọc bầu không khí bị ô nhiễm bởi hận thù, là liều thuốc giải độc chữa lành chất độc oán hận, là cách xoa dịu cơn giận và chữa lành nhiều căn bệnh trầm kha đang làm ô nhiễm xã hội.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có tin rằng tôi đã nhận được từ Thiên Chúa hồng ân tha thứ vô ngần không? Tôi có cảm thấy vui mừng khi biết rằng Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho tôi khi tôi sa ngã, ngay cả khi người khác không thể tha thứ cho tôi, ngay cả khi tôi thậm chí không thể tha thứ cho chính mình? Tôi tin rằng Chúa tha thứ. Và rồi: tôi có biết cách tha thứ cho những người đã làm tổn thương tôi không? Về vấn đề này, tôi muốn đề nghị với anh chị em một bài tập nhỏ: giờ đây mỗi người chúng ta hãy cố gắng nghĩ đến một người đã làm tổn thương mình và cầu xin Chúa ban sức mạnh để tha thứ cho họ. Và chúng ta hãy tha thứ cho người ấy vì tình yêu của Thiên Chúa: tha thứ sẽ mang lại điều thiện hảo cho chúng ta, sẽ khôi phục lại sự bình an trong tâm hồn chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và tha thứ cho nhau.

Sau khi đọc kinh truyền tin, Đức Thánh Cha thông báo về chuyến đi Marseille của Ngài vào thứ Sáu tới, và khuyến khích mọi người hiệp ý cầu nguyện cho tình huynh đệ nhân loại. Ngài cũng gửi lời chào đến cư dân tại Marseille, cũng như các nhóm khách hành hương đến Roma từ khắp nơi trên thế giới, cách riêng là những người đến từ Ucraina và các bạn trẻ. Rồi Đức Thánh Cha chúc lành cho mọi người.