KHỞI ĐẦU NHỎ VỚI ƯỚC MƠ THẬT LỚN!
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (09.11.2023) – Tôi muốn bắt đầu chủ đề này[1] với hai hình ảnh rất nhỏ.
– Con Covid-19: Chúng ta phải dùng kính hiển vi mới có thể thấy được hình hài của nó. Tuy cực nhỏ, nhưng “nó đã có một ước mơ cực lớn” là phá hoại con người! Sức công phá của nó đã quá khủng khiếp.
– Số 0 và số 1: Đây là hai con số rất nhỏ trong dãy số tự nhiên dương. Tuy nhỏ, nhưng chúng vô cùng quan trọng trong thuật toán liên quan đến máy tính. Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy trên máy tính đều là ngôn ngữ lập trình bậc thấp, thường gắn liền với mã nhị phân 0 và 1.
Hai ví dụ vui vui trên đây cho thấy chúng ta đừng xem thường những gì là nhỏ bé. “Nhỏ nhưng có võ” là cụm từ có thể ví von trong chủ đề hôm nay của chúng ta: “Khởi đầu nhỏ với ước mơ thật lớn!”
Có thể vài bạn không đồng ý với tôi về khẳng định này. Không sao! Chúng ta thử cùng nhau làm rõ chủ đề này trong những trang tới đây. Để làm được điều này, tôi muốn khai triển trong mấy lãnh vực sau:
– Hành trình đến tri thức
– Lãnh vực thành công trong kinh doanh
– Đường lối của Thiên Chúa
– Và sau cùng, Giáo hội khuyến khích người trẻ ước mơ.
1. Hành trình tri thức: Ngày con cắp sách đến trường
Chúng ta nhớ lại ngày đầu tiên đi học. Chắc đó là khoảnh khắc cha mẹ hạnh phúc đưa con đến trường. Tuy nhiều em nhỏ khóc nhè đòi về, nhưng cha mẹ đã khởi đầu cho đường học vấn của con với ước mơ mai này con mình sẽ thành công và hạnh phúc. Chúng ta không có ngày tốt nghiệp nếu không có bước khởi đầu này. Cha mẹ chính là người đưa chúng ta vào thế giới tri thức với rất nhiều kiên nhẫn. Có khi phải dụ khị cho con vui bước đến trường. Có lúc cha mẹ phải nghiêm khắc bắt con dùi mài kinh sử. Nhớ lại xem những năm đầu đời, cha mẹ đã vất vả biết bao để giúp chúng ta yêu mến việc học! Đây là lúc chúng ta cảm ơn cha mẹ bởi những bước đầu chập chững bé nhỏ này, nhưng lại vô cùng quan trọng.
Nơi trường học cũng thế. Mỗi ngày chúng ta phải học từng chút một. Lúc đó chắc chúng ta chẳng để ý đến ước mơ làm ông này bà nọ. Tuy nhiên, chính khi ai đó cố gắng học cũng là lúc người ấy muốn đạt được mục đích nào đó. Rồi đến một ngày, chúng ta hiểu được thế nào là ước mơ, cộng với kiến thức mình kín múc được, sẽ tạo nên con người của bạn: một con người trưởng thành. Đây là ơn gọi của chúng ta, bạn có thể đón nhận hoặc từ bỏ ơn gọi này.
Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình. Cậu bé hoặc cô bé ấy được nghe về hai từ: ước mơ (dream). Ôi! Sao khó hiểu quá! Ước mơ có phải là mình nằm ngủ rồi mơ thấy điều ước không? Nếu vậy thì mình không thể nắm bắt được ước mơ. Vả lại đụng vào chủ đề này thì vô vàn khó khăn vì nó liên quan đến tâm lý học, triết học và cả thần kinh học nữa. Là những người thông minh như chúng ta cũng đành bó tay, chứ nói gì một em bé đang muốn hiểu về ước mơ. Khó quá, nên bé ngây ngô, hồn nhiên hỏi: “Ước mơ là gì hả mẹ?” Mẹ nhìn nó mỉm cười, ôm nó vào lòng, xoa đầu nó rồi trả lời: “Ước mơ là mong muốn điều tốt đẹp ở tương lai, từ đó người ta sống đẹp hơn đó con ạ!” Đây là một giải thích rất thú vị dành cho một em nhỏ. Chúng ta cũng hiểu và đồng ý với mẹ của bé. Nhưng để bé có được tương lai tốt đẹp, mẹ của bé phải vất vả nhiều. Chăm sóc cho bé, tập cho bé từng chút một. Tất cả những điều này chúng ta gọi là tình yêu mẫu tử. Ước mơ liên quan đến tình yêu.
Ước mơ ấy mỗi ngày một lớn lên, theo chúng ta vào đại học và trường đời. Lúc này có thể nói ước mơ hòa làm một với hoài bão (ambition hoặc yearning) của chúng ta. Vào tuổi trưởng thành, chúng ta phải biết hoài bão hoặc ước mơ của mình. Nếu chưa thấy rõ, đây là lúc chúng ta tiếp tục khám phá. Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Nếu con đánh mất sức sống nội tâm, những giấc mơ, lòng nhiệt thành, niềm hy vọng và lòng quảng đại, Chúa Giêsu sẽ đứng trước mặt con như ngày xưa Người đã làm thế với đứa con đã chết của một bà goá, và với tất cả quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người sẽ thúc giục con: “Này con, Ta bảo con: hãy trỗi dậy!” (Đức Kitô Sống, số 20). Quan trọng là bạn dám ước mơ, rồi với ước mơ ấy bạn mới biết mình đi đâu. Nếu không bạn cũng giống như Alice, một nhân vật trong câu chuyện “Alice lạc vào xứ sở thần tiên”:
Alice: Xin hãy nói cho tôi biết, từ nơi này, tôi sẽ phải đi đường nào?
Cheshire: Điều đó phụ thuộc vào nơi mà cô muốn đi đến.
Alice: Tôi không quan tâm nhiều lắm tới nơi đó.
Cheshire: Vậy thì việc cô đi đường nào cũng đâu có quan trọng!
Khi biết mình làm gì, chúng ta mới biết nên bắt đầu từ đâu?
Ai đọc truyện này con bắt gặp nhiều câu nói hay của chú mèo Cheshire trên đây. Chẳng hạn: “Mọi cuộc phiêu lưu đều đòi hỏi bước chân đầu tiên.”
2. Vài ví dụ trong giới kinh doanh
Thành công không bắt đầu từ khởi điểm lớn lao, nhưng luôn khởi đi từ ước mơ vĩ đại. Ai từng uống cà Phê Trung Nguyên đều biết câu chuyện của bác Đặng Lê Nguyên Vũ về những ngày tháng khởi nghiệp từ những bao cà phê. Bác ấy đã có ước mơ rất lớn từ những hạt cà phê rất nhỏ: Khởi nghiệp kiến quốc. Đằng sau hạt cà phê, ước mơ của bác ấy thì ai cũng biết. Ước mơ ấy đã biến thành những ly cà phê ngon, những công ty lớn mạnh và cả một tập đoàn Trung Nguyên quốc gia và quốc tế. Nhiều lần bác ấy chia sẻ rằng: “Hãy ước mơ lớn nhé, nên dù có thất bại hoặc gặp khó khăn, người ta vẫn có thể vượt qua.” Tôi tạm đưa ra công thức này: Ước mơ + kiên trì = Thành công. Dưới đây là một vài ví dụ để minh chứng cho phương trình này:
Walt Disney (1901–1966) là một trong những tên tuổi lớn trong ngành giải trí, nhưng khi khởi nghiệp, Disney đã phải trải qua nhiều khó khăn. Disney từng bị sa thải tại một cơ quan báo chí vì thiếu sự sáng tạo và ý tưởng. Nhưng sau đó, Disney thành công với nhân vật hoạt hình nổi tiếng Mickey Mouse; và sau đó là công viên giải trí Disneyland.
Steve Jobs (1955-2011) là người sáng lập Apple Inc., đã trải qua nhiều thất bại và khó khăn trong sự nghiệp của mình. Anh bị sa thải khỏi Apple, công ty mà ông ấy đã giúp thành lập, nhưng sau đó trở lại và đưa ra những sản phẩm đột phá như iPhone và iPad.
Harland Sanders (1890-1980), người sáng lập KFC (Kentucky Fried Chicken). Ông từng bị từ chối hơn 1.000 lần khi cố gắng bán ý tưởng của mình cho các nhà hàng trước khi KFC trở nên nổi tiếng.
Có lẽ không cần liệt kê thêm ví dụ, bởi chúng ta đã biết quy luật này: Khởi đầu bao giờ cũng khó. Thành công chỉ đến với những ai vừa ước mơ lại vừa kiên trì theo đuổi với sự sáng tạo và đam mê. Điều này cũng tương tự như Amazon, Jeff Bezos bắt đầu đế chế của mình từ việc bán sách. Nhưng người đàn ông giàu bậc nhất thế giới đã có một giấc mơ lớn và ngày nay, Amazon là một công ty trị giá hàng tỷ đô la.
Với những chia sẻ trên đây, chúng ta tạm thấy 2 nguyên tắc tương đối quan trọng: Đam mê, hoặc ước mơ + kiên trì = thành công
Tạm chia tay với câu chuyện kinh doanh, vì tôi hoặc chúng ta không học làm giàu ở đây. Nhưng từ kinh nghiệm thực tế này vốn các bạn đang theo đuổi, những giá trị trong kinh doanh có liên hệ rất lớn trong Kinh Thánh. Cụ thể, Thiên Chúa muốn chúng ta thành công và muốn trao cho mỗi người ước mơ lớn.
3. Đường lối của Thiên Chúa
Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi Thiên Chúa cũng khởi đầu thật nhỏ với ước mơ rất lớn. Ngài khởi đầu chương trình cứu độ với một người: Abraham, sau đó là một dân tương đối nhỏ: Do Thái. Dĩ nhiên ước mơ cứu độ của Thiên Chúa là vĩ đại. Với quyền năng của mình, tại sao Thiên Chúa không phán một lời để thực hiện ước mơ? Không! Thiên Chúa không lạm quyền; hoặc nói đúng hơn, Thiên Chúa muốn tôn trọng tự do của chúng ta: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý kiến của con, nhưng để cứu độ con, Người cần sự cộng tác của con.” (Thánh Augustinô).
Thiên Chúa phiêu lưu đến nỗi khởi đầu bằng việc đặt niềm tin vào một con người! Chúng ta thử tưởng tượng nếu Abraham chối từ lời mời gọi của Chúa để rời quê hương mà thiết lập một dân riêng thì sẽ ra sao? Về sau cũng vậy. Nếu Đức Maria chối từ mang thai Chúa Giêsu, công trình cứu độ sẽ diễn ra như thế nào? Thực tế là hai con người này đã cộng tác hoàn toàn với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tuyển chọn cho mình “một dân nhỏ bé nhất giữa muôn dân”. Từ dân tộc nhỏ bé này, chúng ta thấy đã hình thành một lịch sử cứu độ. Trước là dân Do Thái, sau là cho tất cả mọi dân, mọi người.
Để hiểu sâu hơn ý nghĩa thần học, chúng ta phân tích 2 ví dụ từ Kinh Thánh: 1 từ Cựu Ước, 1 đến từ Tân Ước:
a. Vùng Bê-lem bé nhỏ sẽ có một vị Cứu Tinh
Ai cũng biết Hài Nhi Giêsu sinh tại Belem. Nếu mở Tin mừng Mt 2,1-12, chúng ta đọc thấy những lời của các vị thượng tế trả lời cho Hêrôde:
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israen dân Ta sẽ ra đời”. Họ đã trích dẫn lời tiên tri của ông Mikha trong cựu ước. Mi-kha sống vào thời của vua Giơ-khít-kia-gia năm 716-687 TCN. Tên ông có nghĩa là “ai bằng Đức Chúa”. Cũng như các ngôn sứ, ông kêu gọi dân ăn năn sám hối. Ngoài ra ông khơi gợi niềm hy vọng và ước mơ trong dân chúng. Tuy xã hội đang thối nát, nhưng Mi-kha nổi lên như một người nói thẳng, nói thật, dám đối mặt với những bất công xã hội và đấu tranh cho quyền sống của con người. Trong đó, ông viết: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các chi tộc Giu-đa; từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.” (Mk 5,1).
Bê-lem so với Giêrusalem chỉ bằng hạt cát. Đó là một làng quê bé nhỏ cách Giêrusalem khoảng 9 km về phía Nam. Đây là quê hương của vua Đa-vít (1Sm 16,1-13). Ngoài ra, Bethlehem có nghĩa là nhà bánh mì (House of Bread). Chúa Giêsu là bánh hằng sống cũng liên hệ trong ý nghĩa này (Ga 6,35). Ép-ra-tha là tên cũ của Bêlem có nghĩa là “kết quả” hay “dồi dào”. Như vậy, Hài Nhi Giêsu đã sinh ra trong ngôi nhà hoa trái, bánh mì dồi dào.
Vài ý nghĩa trên, chúng ta thấy Thiên Chúa không chọn cho Con Một của mình chốn lộng lẫy kiêu sa, hoặc những nơi vĩ đại phồn hoa đô thị. Ngược lại, Ngài khởi đầu ước mơ gửi Con Một đến với nhân loại bằng việc chọn một nơi bé nhỏ. Nhỏ đến nỗi chẳng ai để ý. Vậy mà Mi-kha đã nhìn ra đó là một nơi quan trọng, vì từ Bê-lem đã xuất hiện một Đấng Cứu Thế. Hôm nay ai cũng biết Đức Giêsu là Thiên Chúa. Rất nhiều người tin vào Ngài. Khi tìm về lịch sử, Bê-lem đã trở nên nổi tiếng. Đây là một mầu nhiệm.
Hai bài học rút ra:
Ước mơ không phụ thuộc vào nơi chốn. Dù bạn xuất thân ở đâu đi nữa, ước mơ cho mọi người là như nhau. Để ý xem bạn sinh ở đâu, nơi đó là quê hương, là nguồn cội của bạn. Mảnh đất ấy đã ươm mầm ước mơ của bạn. Quê hương là chùm khế ngọt có thể được hiểu theo nghĩa chúng ta đang bàn ở đây. Xin đừng đánh mất nguồn cội của chính mình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần nhắc với người trẻ chúng ta: “Đừng để cho mình bị mất gốc. Các con hãy chăm sóc cho gốc rễ của mình, sức mạnh từ gốc rễ, sẽ giúp các con lớn lên, phát triển và sinh hoa kết quả” (Tông Huấn Đức Kitô Sống, số185).
Thiên Chúa là nguồn mạch tốt nhất của tuổi trẻ. Vì bất cứ ai tin cậy vào Chúa “giống như một cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi” (Gr 17,8). Trong khi “thanh niên thì mệt mỏi nhọc nhằn” (Is 40,30), những người đặt niềm tin vào Chúa “được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” (Is 40,31).
b. Dụ ngôn hạt cải
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu vài lần dùng những điều rất nhỏ để giải thích về mầu nhiệm rất lớn: Nước Trời. Chẳng hạn, chúng ta nhớ đến dụ ngôn Men Trong Bột và dụ ngôn Hạt Cải (Mt 13,31-35). “Cả hai dụ ngôn này đều mang tính tiên tri, và chủ yếu nhằm mục đích cho thấy rằng, ngay từ những khởi đầu rất nhỏ, Phúc âm của Chúa Kitô sẽ lan tỏa đến tất cả các quốc gia trên thế giới và làm cho họ tràn ngập sự công bình và thánh thiện đích thực”[2]. Chúng ta thử phân tích dụ ngôn thứ hai để thấy được hạt cải là một khởi đầu nhỏ với ước mơ lớn lên từng ngày. Mở ngoặt nơi đây, thực ra ở Việt Nam mình cũng có nhiều loại hạt rất nhỏ nhưng mọc lên cây rất lớn.
Nước Trời giống như hạt cải, ban đầu cũng rất nhỏ nhưng chứa trong đó hạt mầm để vươn lên thành cây. Đặc thù của nhiều loại hạt là có thể để được lâu trong điều kiện tốt, nhưng vẫn có thể mọc thành cây. Sức sống của các loại hạt là vô cùng lớn. Bạn thử tưởng tưởng hạt cải được gieo trong vườn. Dù ngày hay đêm, trong lòng đất ẩm với điều kiện tốt, hạt mầm ấy tự nhiên nảy mầm, vươn nên thành cây non. Và sau một thời gian Tin mừng mô tả: “Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt 13,31-32).
Thực ra cây cải không phải là một loại cây quá lớn so với những cây cổ thụ ở Việt Nam. Tuy nhiên vì là dụ ngôn, nên ta hiểu “trở thành cây lớn” ở đây có nghĩa gì? Ở đây Đức Giêsu vì Nước Trời như một cây lớn đến nỗi chim trời có thể làm tổ, cư ngụ an toàn. Hơn nữa, Đức Giêsu rất nhớ Kinh Thánh Cựu ước với hình ảnh cái cây mà tiên tri Ê-dê-ki-en mô tả: “Đức Chúa sẽ trồng một cái cây trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.” (Ed 17,22-24). Đó là vương quốc hùng mạnh, và nói lên sự phát triển của Nước Trời.
Ước mơ của chúng ta cũng thế. Càng được ấp ủ, ước mơ càng lớn dần. Dù trong giai đoạn nào, chúng ta cũng phải bắt đầu thực hiện. Căn bản là dám mơ, nhưng quan trọng hơn là phải dám bắt đầu. Khởi đầu bao giờ cũng khó. Tiếc là chúng ta không phải là hạt cải, nghĩa là tự nhiên chúng ta có thể vươn đến thành cây tốt tươi. Thay vào đó, chúng ta phải quyết tâm để từng bước xây dựng cuộc đời mình. Nếu yêu thích triết học, các bạn có thể đi vào lãnh địa của sự quyết tâm vốn rất gần với ý chí mà văn hóa phương Đông luôn nhấn mạnh. Chữ chí (志) tuy nhắc đến lý trí, nhưng trong đó có chữ tâm. Nét nghĩa này thường xuất hiện trong các cụm từ như: chí hướng (志向: ý chí quyết theo đuổi một việc gì, hướng về một ngả nào đó); chí sĩ (志士: người có lý tưởng, chí hướng cao xa); lập chí (立志: thụ lập chí hướng, quyết tâm)[3]. Như vậy, ý chí hoặc quyết tâm cho bạn theo đuổi một điều gì đó bền vững dài lâu. Khi bàn về chữ chí của Khổng Tử, Phan Bội Châu trưng dẫn ví dụ một người đi đường. Người ấy xác định phương hướng đi, có ước muốn đi và quyết đi đến cùng. Phan Bội Châu kết luận: “Cái lòng muốn đi và cái lòng quyết định muốn đi, đó tức là chí”. Trái với chí, người ta thường hay nói về những kẻ nhụt chí. Khi gặp khó khăn gian khổ, người nhụt chí dễ dàng nản lòng thoái lui. Có khi, họ bỏ cuộc từ đầu; có khi rút lui giữa chừng. Nói chung, họ thiếu quyết tâm và lòng kiên trì để về tới đích[4]. Trong khi đó, Giáo hội không chỉ hiểu ý chí là quyết tâm đạt được mục đích với tinh thần trách nhiệm, nhưng còn là khả năng giúp con người hướng thiện, hướng về Thiên Chúa. (GLTHCG 1749).
Đừng quên, ước mơ cho bạn năng lượng để nuôi quyết tâm hoặc ý chí. Nếu hết năng lượng này, nghĩa là bạn đã ngừng hy vọng và từ bỏ ước mơ. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất nhiều lần nhắn với người trẻ hãy mơ, thậm chí là ước mơ thật lớn: đừng từ bỏ ước mơ và hãy hy vọng về một tương lai tươi sáng. “Hãy dám ước mơ, hoặc hãy cùng ước mơ”[5]. Nếu có ước mơ, chúng ta sẽ tự tin để vượt qua khó khăn khủng hoảng. Đức Giáo Hoàng tuy nhắn với người trẻ về ước mơ và hy vọng, nhưng ngài luôn đặt người trẻ trong hiện tại; nghĩa là chúng ta phải bắt đầu từ lúc này.
Giống như những giai đoạn của hạt cải, dù ở môi trường nào, người trẻ luôn có quyền xây dựng ước mơ, có quyền hy vọng ngay từ ngày hôm nay. “Khi các con đấu tranh để biến ước mơ của mình thành hiện thực, hãy sống trọn vẹn ngày hôm nay, cho đi tất cả và từng giây phút lấp đầy nó bằng tình yêu. Bởi vì thật sự là ngày hôm nay của tuổi trẻ của các con có thể là ngày cuối cùng, và như thế thật đáng giá để sống nó với tất cả ước muốn và tất cả chiều sâu có thể.”[6] Thật thú vị là khi Đức Giáo Hoàng viết cho giới trẻ thế giới, nhưng lại trích lời của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, để nhắn với chúng ta rằng: “Hãy chọn sống giây phút hiện tại bằng cách lấp đầy nó với tình yêu”; và “hãy nắm bắt những cơ hội phát sinh mỗi ngày, để thực hiện những hành động bình thường một cách phi thường.”[7]
4. Hành động trong ước mơ
Tác giả sách “Dám Nghĩ Lớn”, David J. Schwartz nhận định rằng: “Mục tiêu không đơn giản chỉ là có một ước mơ, mà là một ước mơ được đưa vào hiện thực.” Hoặc nói như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Chúng ta có thể bắt đầu thực hiện những ước mơ này từ đâu? Từ những chọn lựa lớn.(…) Do đó, cuộc sống là thời gian để đưa ra những chọn lựa mạnh mẽ, quyết định và vĩnh cửu. Những lựa chọn tầm thường dẫn đến một cuộc sống tầm thường; những lựa chọn tuyệt vời dẫn đến một cuộc sống tuyệt vời.”[8] Trước khi bước vào phần này, chúng ta thử hỏi Chat GPT về chủ đề đang bàn. Chắc các bạn cũng nghe hoặc đã dùng Chat GPT!
Tôi hỏi: Tại sao cần ước mơ lớn nhưng cần bắt đầu với những bước nhỏ?
Chat GPT trả lời:
Đây là một chiến lược quan trọng để đạt được những mục tiêu lớn và thực hiện ước mơ. Dưới đây là một số lý do vì sao điều này quan trọng:
– Điều này giúp bạn xác định hướng đi: Một ước mơ lớn thường rất trừu tượng và khó đạt được nếu bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Bước nhỏ giúp bạn xác định hướng đi cụ thể và bắt đầu hành động.
– Giữ động lực: Những bước nhỏ thường dễ thực hiện hơn và mang lại kết quả nhanh hơn, điều này giúp bạn duy trì động lực. Khi bạn thấy mình đang tiến bộ và đạt được mục tiêu nhỏ, bạn sẽ được động viên và sẵn sàng tiếp tục.
– Học hỏi và phát triển: Bước nhỏ cung cấp cơ hội để học hỏi và phát triển kỹ năng cần thiết. Điều này giúp bạn chuẩn bị cho các thách thức lớn hơn và cải thiện khả năng của mình.
– Giảm áp lực: Khi bạn chia nhỏ ước mơ lớn thành các bước nhỏ, áp lực có thể giảm đi. Thay vì phải đối diện với nhiệm vụ lớn và áp lực lớn, bạn có thể tập trung vào từng bước một và điều này giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
– Tạo thói quen: Bắt đầu với những bước nhỏ có thể giúp bạn phát triển thói quen tích cực. Thói quen này có thể giúp bạn tự động hóa các hành động cần thiết để đạt được ước mơ lớn hơn.
– Kiểm tra lại và điều chỉnh: Bước nhỏ cho phép bạn kiểm tra lại tiến trình và điều chỉnh kế hoạch nếu cần. Nếu gặp khó khăn hoặc thay đổi trong cuộc sống, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh bước tiến của mình.
Tóm lại, bắt đầu với những bước nhỏ giúp bạn xây dựng cơ sở vững chắc để đạt được ước mơ lớn hơn, giữ động lực và duy trì sự tiến bộ liên tục trong cuộc hành trình của mình.
Có lẽ các bạn cũng đồng ý phần nào với những lý do trên đây. Giáo Hội cũng thế. Từ góc độ sư phạm hoặc tâm lý, Giáo hội khởi đi từ nhân bản, giúp cho người trẻ biết khơi dậy ước mơ. Ước mơ ấy khởi đi từ ý hướng ngay lành. Thiên Chúa cũng có thể soi sáng để người trẻ có được ước mơ. Nói cách khác, ước mơ nghĩa là hy vọng về một tương lai tươi sáng. Hy vọng có thể nói gần gũi với nhân đức đối thần: Trông Cậy (Hope). Gọi là nhân đức đối thần vì Thiên Chúa ban cho con người hướng về Ngài và được thông dự vào sự sống thần linh. Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến giúp cho các tín hữu có thể hành động như con cái Chúa và hưởng sự sống đời đời. Đó là nền tảng của mọi nhân đức luân lý và là nét đặc trưng của các hành vi luân lý Kitô giáo[9]. Vì ý nghĩa này, chúng ta thấy ước mơ đóng một vai trò quan trọng trong nhân bản cũng như với tư cách là con cái Thiên Chúa. Đức Cậy càng lớn thì càng tốt, ước mơ càng lớn thì càng mừng. Tại sao?
Có lẽ tôi so sánh Đức Cậy với ước mơ quả là khập khiễng. Tuy nhiên, theo Giáo Hội, Đức Cậy còn gọi là lòng trông cậy, bao hàm ý nghĩa trông mong, hy vọng. Hiểu theo nghĩa này, Đức Cậy bao hàm cả ước mơ.
Như thế, mơ ước đâu phải trả tiền, nên cứ ước mơ cho thật lớn. Có thể bạn bật cười khi nghĩ rằng điều ấy không thể hiện sự khiêm nhường. Người Công giáo phải trở nên nhỏ bé, vì Chúa mời gọi như thế. Không! Dường như nhiều bạn trẻ đã hiểu lầm lời khuyên này của Chúa Giêsu. Bạn nghĩ sao khi Đức Giáo Hoàng nhắn chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ vĩ đại. Ngài viết:
“Các bạn trẻ thân mến, chúng ta đừng từ bỏ những ước mơ vĩ đại (great dreams). Chúng ta đừng chỉ làm những gì phải làm. Chúa không muốn chúng ta thu hẹp chân trời của chúng ta hay tiếp tục dừng lại bên lề đường cuộc sống. Người muốn chúng ta mạnh dạn và vui vẻ chạy đua, hướng tới những mục tiêu cao cả. Chúng ta không được tạo dựng để mơ về những kỳ nghỉ hay các cuối tuần, nhưng để thực hiện những ước mơ của Thiên Chúa trên thế giới này. Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng mơ ước để chúng ta có thể ôm choàng lấy vẻ đẹp của cuộc sống.”[10]
Hơn nữa, mới đây ngài còn kêu gọi người trẻ đừng mơ những ước mơ “nhỏ mọn” nhưng hãy“phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn và biến những khát vọng đó thành những hành động cụ thể và ý nghĩa”[11]. Người trẻ là vậy, dám nghĩ, dám làm và dám lên đường thực hiện ước mơ. Nhớ là hãy ước mơ với Thiên Chúa và với Giáo hội.
Thật may mắn vì chúng ta là người Công giáo. Bạn thử tưởng tượng sau bao nhiêu cuộc họp của các giám mục trên thế giới về người trẻ, sau cùng Đức Giáo Hoàng thay mặt cho cả Giáo Hội nhắn với người trẻ với câu đầu tiên.“Đức Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và bằng một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến cho thế giới của chúng ta, và mọi sự Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống.”[12] Đây là lý do để chúng ta có quyền hy vọng và ước mơ. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng không ngừng thúc giục các người trẻ đừng để mình bị cướp mất hy vọng. Với các con, cha nhắc lại: “Đừng để ai coi thường tuổi trẻ của con.” (1 Tm 4,12). Ngay cả khi các con sai lầm, các con luôn luôn có thể đứng lên và bắt đầu lại, vì không ai có quyền đánh cắp hy vọng của các con[13]. Những người trẻ chúng ta tuy có ước mơ và hy vọng, nhưng dễ bị mất khi gặp thách đố và lời ra tiếng vào. Đã đến lúc chúng ta phải đứng vững như kiềng ba chân. Cả Giáo hội và mỗi người hãy nâng đỡ, chăm sóc cho từng ước mơ của mỗi người. Lời động viên, cầu nguyện và cộng tác thì quý hơn là thái độ trù dập những ước mơ của người khác.
Một thực hành nhỏ để thấy ước mơ
Trong thinh lặng, tôi bình tâm để thấy mình đang muốn gì, đang làm gì và sẽ làm gì? Ước mơ của tôi là gì cho tới hiện tại? Nó đang trở thành hiện thực hay cứ mông lung? Nếu chưa có ước mơ, cứ đặt câu hỏi này cho mình: “Tôi muốn gì trong cuộc đời này?” Nếu trả lời được, nghĩa là tôi sẽ nhận ra ước mơ của mình. Thường thì ước mơ vào cũng lớn, vì mình chưa đạt được. Nhưng cần khởi đầu và nhớ là với những bước nhỏ để từ từ đạt được điều tôi đang khao khát. Thiên Chúa cùng với bạn thực hiện ước mơ.
Sau cùng, chúng ta lắng nghe lời chia sẻ của Đức Giáo hoàng, thay mặt cho Giáo hội, nhắn với mỗi người trẻ:
“Đúng là các con không thể sống mà không làm việc và đôi khi phải chấp nhận những gì các con tìm thấy, nhưng không bao giờ được từ bỏ ước mơ của mình, không bao giờ được dứt khoát chôn vùi một ơn gọi, không bao giờ được bỏ cuộc. Luôn luôn tìm kiếm, ít ra là một phần hoặc sự không hoàn toàn để sống điều các con đã phân định như một ơn gọi đích thực của mình.” (Đức Kitô Sống, số 172).
Kết thúc
Thiên Chúa ước mơ cùng với chúng ta. Ngài cũng muốn chúng ta cộng tác trong công trình tạo dựng này. Có thể chủ đề này nhiều bạn đã quen. Sẽ là vô ích nếu chúng ta ước mơ mà không dám bắt đầu. Ước gì chút chia sẻ trên đây có thể giúp bạn tự khơi lại ngọn lửa ước mơ. Bạn dám thổi cho ngọn lửa ấy bùng cháy mỗi ngày một lớn hơn. Khi đó, lòng bạn sẽ khao khát vươn đến một đích cao hơn. Ở đây tôi không ủng hộ bạn phải “hô hào”. Nhưng trên hết, ý thức bạn muốn gì, và nếu bạn đã có ước mơ lớn, vậy hãy bắt đầu bằng những bước đi đầu tiên. Nghĩa là xem bạn đang có gì. Cứ dùng những cái có sẵn với khả năng và ước mơ, bạn sẽ đi xa, và sẽ đạt được ước mơ của mình.
Lời nói sau cùng chúng ta hãy kết thúc bằng một lời nguyện:
Lạy Chúa, nhiều lúc con không biết mình đang đi về đâu và đang tìm kiếm điều gì. Xin Chúa ban ơn soi sáng cho con biết việc cần phải làm để giúp ích cho bản thân con và cho người khác. Xin Chúa ban cho con ơn khôn ngoan hiểu biết để lựa chọn và sắp xếp các công việc một cách hợp lý nhằm đủ sức thi hành. Con cũng xin Chúa tăng thêm sức mạnh cho con để con có thể vượt qua những khó khăn trở ngại, quyết tâm bền chí theo đuổi mục tiêu con đặt ra. Amen.
[1] Đây là nội dung bài thuyết trình cho Trường Học Đức Tin dành cho Người Trẻ – YSOF
[3] Bửu Kế, Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên (HCM: NXB Thuận Hóa, 1999), 2398.
[5] Đây là cuốn sách YSOF đã dịch sang tiếng Việt: HÃY CÙNG ƯỚC MƠ – Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại – Đức Giáo Hoàng Phanxicô – YSOF dịch – Phương Nam Book – NXB Thế Giới.
[6] Tông Huấn Đức Kitô Sống, số 148, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964
[7] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 148
[9] Từ Điển Công Giáo, mục từ Nhân Đức Đối Thần
[10] Trích bài giảng của Đức Giáo hoàng trong Thánh lễ kính trọng thể Chúa Ki-tô Vua vũ trụ tại Rô-ma, Chủ nhật ngày 22/11/2020. (toàn văn bài giảng: https://www.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20201122_omelia-passaggiocroce-gmg.html)
[11] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-phanxico-nguoi-tre-dien-dan-luong-thuc-the-gioi-fao.html
[12] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 1, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964
[13] Tông Huấn Đức Kitô Sống số 143