ĐTC Phanxicô: xây dựng hòa bình là công việc chậm rãi và kiên nhẫn

Sáng ngày 10/11, qua thư được ký bởi ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Toà Thánh, Đức Thánh Cha đã gởi sứ điệp đến Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 6. Đức Thánh Cha khuyến khích và hy vọng cuộc họp này – có mục đích tăng cường đối thoại giữa tất cả các nước Châu âu để thúc đẩy hợp tác và đối thoại quốc tế – có thể đóng góp xây dựng một thế giới công bằng, đoàn kết và hòa bình hơn.
 

Vatican News

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đề cập đến bối cảnh đau thương toàn cầu do xung đột và bất công. Trong khi đó, “xây dựng hòa bình là công việc chậm rãi và kiên nhẫn, đòi hỏi can đảm và cam kết cụ thể của tất cả những người có thiện chí, những người đặt hiện tại và tương lai của nhân loại và hành tinh trong trái tim mình. Hòa bình lâu dài được xây dựng hàng ngày, thông qua việc nhìn nhận, tôn trọng và thúc đẩy phẩm giá con người và các quyền cơ bản của con người, trong đó Tòa Thánh đặc biệt nhìn nhận quyền hòa bình của con người, đó là điều kiện cho tất cả con người để thực hiện các quyền khác”.

Nhìn lại 75 năm thông qua tuyên bố quốc tế về nhân quyền, – Đức Thánh Cha nhận xét – đối với hàng triệu người trên khắp Châu âu, khoảng cách giữa cam kết vào ngày 10/12/1948 và thực tế còn rất xa. Nhiều người, trong đó có cả trẻ em, bị tước đi quyền sống và sự toàn vẹn về thể chất và tinh thần. Hơn nữa, vì chiến tranh và xung đột, họ bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất, như quyền nước uống và thực phẩm lành mạnh, quyền tự do tôn giáo, sức khỏe, nhà ở xứng hợp, giáo dục chất lượng, công việc xứng đáng.

Đề cập đến chiến tranh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “chúng ta phải thừa nhận rằng chiến tranh luôn là một ‘thất bại của nhân loại’”. Ngài khẳng định: “Không có cuộc chiến tranh nào chính đáng so với nước mắt của người mẹ khi thấy con mình bị thương hoặc chết; không có chiến tranh nào đáng với mạng sống con người, thánh thiêng, được dựng nên theo hình ảnh của Đấng Tạo hoá; không có chiến tranh nào đáng với sự đầu độc ngôi nhà chung của chúng ta; và không có cuộc chiến tranh nào đáng với sự ép buộc nhiều người phải rời bỏ quê hương”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha quả quyết: “Hòa bình không được xây dựng bằng vũ khí mà qua lắng nghe, đối thoại và hợp tác. Đây là phương tiện duy nhất xứng đáng của con người để giải quyết tranh chấp”. Do đó, Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi suy xét lại việc sản xuất và kinh doanh vũ khí để tìm kiếm hòa bình và mang lại những hoa trái cụ thể của tình huynh đệ. (CSR_4515_2023)