Vatican News
Đức Hồng Y Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã đệ trình những câu hỏi trên trong bối cảnh ngày càng có nhiều người chọn cách hỏa táng những người thân yêu đã qua đời của mình và sau đó rải tro vào thiên nhiên. Các câu hỏi cũng được thúc đẩy bởi ước muốn là “các lý do kinh tế” được đề nghị với chi phí thấp hơn của việc rải tro “không phải là lý do chính”; và với mong muốn đưa ra những chỉ dẫn “về nơi để tro cốt một khi tro hết thời hạn được bảo quản”, với mục đích không chỉ đáp ứng yêu cầu của các thành viên trong gia đình, mà “quan trọng hơn, theo lời loan báo của Kitô giáo về sự sống lại của thân xác và sự tôn trọng dành cho chúng”.
Câu hỏi thứ nhất: “Xét vì giáo luật cấm rải tro của người quá cố, liệu có thể chuẩn bị một nơi thánh thiêng được xác định và cố định lâu dài để thu chung lại và bảo quản tro của những người quá cố đã được rửa tội, với dữ liệu cá nhân cơ bản của từng người để tên của họ không bị quên lãng, tương tự như những hòm giữ hài cốt, nơi hài cốt đã trở thành khoáng vật của những người quá cố được đặt và bảo quản không?”.
Câu hỏi thứ hai là liệu “Một gia đình có được phép giữ một phần tro cốt của một thành viên trong gia đình ở một nơi có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời của người đã khuất không?”.
Trong một tài liệu được ký bởi Đức Hồng Y Tổng trưởng Victor Fernandez, được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào ngày 9/12, Bộ Giáo lý Đức tin đã trả lời có thể cho hai câu hỏi trên.
Trước hết, Bộ nhắc rằng theo Huấn thị Ad resurgendum cum Christo – Sống lại với Đức Kitô – được ban hành năm 2016 (n. 5), “tro cốt phải được lưu giữ ở một nơi linh thiêng, ví dụ như nghĩa trang (đất thánh), hoặc ở một khu vực dành riêng cho mục đích này, với điều kiện là nơi này được giáo quyền chỉ định”. Những lý do cho sự lựa chọn này được đưa ra, đó là nhu cầu bảo đảm rằng “người quá cố không bị loại trừ khỏi lời cầu nguyện và sự tưởng nhớ của gia đình họ và của cộng đồng Kitô giáo”, và để tránh việc “các tín hữu đã qua đời bị lãng quên hoặc hài cốt của họ được tôn trọng”, cũng như ngăn ngừa “những thực hành không phù hợp hoặc mê tín”.
Bộ Giáo lý Đức tin cũng nhắc lại rằng “đức tin cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ được sống lại với cùng một thân xác, thứ là vật chất”, ngay cả khi “vật chất đó sẽ được biến đổi, giải thoát khỏi những giới hạn của thế giới này”. Theo nghĩa này, sự sống lại sẽ diễn ra trong xác thịt này mà chúng ta đang sống”. Nhưng sự biến đổi này “không ngụ ý sự phục hồi của các hạt vật chất giống hệt nhau đã từng hình thành nên cơ thể con người”. Vì vậy, “thân xác của người được sống lại “không nhất thiết được tạo thành từ những yếu tố giống như trước khi chết. Vì đây không phải là việc hồi sinh đơn giản một xác chết, nên việc sống lại có thể diễn ra ngay cả khi cơ thể đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc phân tán. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao trong nhiều bình đựng tro cốt, tro cốt của người quá cố được để cùng nhau mà không được đặt riêng biệt”.
Tiếp đến Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh rằng “tro của người quá cố đến từ những hài cốt vật chất vốn là một phần của cuộc hành trình lịch sử mà con người trải qua, đến mức Giáo hội phải đặc biệt quan tâm và tôn sùng thánh tích của các Thánh. Sự chú ý và tưởng nhớ này cũng khiến chúng ta có thái độ tôn kính thiêng liêng” đối với tro cốt của người đã khuất, và “chúng ta lưu giữ ở một nơi thánh thiêng thích hợp cho việc cầu nguyện”.
Sau đó, để trả lời câu hỏi của Đức Hồng Y Zuppi, Bộ Giáo lý Đức tin trả lời rằng “một nơi thánh thiêng được xác định và cố định có thể được dành cho việc thu chung lại và bảo quản tro cốt của những người đã được rửa tội đã qua đời, với chi tiết về danh tính của mỗi người để tên của họ không bị quên mất”. Do đó, Giáo hội chấp nhận việc có thể đặt tro vào một nơi chung, giống như các hòm hài cốt, trong khi vẫn lưu giữ ký ức về mỗi cá nhân đã khuất.
Để trả lời câu hỏi thứ hai, Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố: “Thẩm quyền Giáo hội, phù hợp với các quy luật dân sự hiện hành, có thể xem xét và đánh giá yêu cầu của một gia đình về việc lưu giữ một cách thích hợp một phần tro cốt của người thân của họ ở một nơi có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời của người quá cố, với điều kiện là mọi kiểu hiểu lầm mang tính phiếm thần, tôn giáo tự nhiên hoặc chủ nghĩa hư vô đều bị loại trừ và cũng miễn là tro của người quá cố được lưu giữ ở một nơi linh thiêng”.
Trả lời câu hỏi của Vatican Media, Bộ Giáo lý Đức tin giải thích rằng sự can thiệp và đánh giá của cơ quan giáo quyền không chỉ mang tính giáo luật mà còn mang tính chất mục vụ, để giúp gia đình phân định những lựa chọn cần thực hiện, đồng thời xem xét mọi khả năng.
Vì một số luật dân sự cấm chia tro của người quá cố, Bộ Giáo lý Đức tin giải thích rằng câu hỏi thứ hai nảy sinh từ cuộc đối thoại giữa các Giám mục từ một số quốc gia khác nhau. Câu trả lời của Bộ đã xem xét khả năng này từ quan điểm thần học hơn là quan điểm dân sự, như sau đó đã được giải thích rõ trong câu trả lời.