Xung đột ảnh hưởng nặng nề đến các Kitô hữu ở bang Chin của Myanmar

Theo phúc trình trong tuần qua của một nhóm vận động độc lập chuyên tố cáo các hành vi vi phạm nhân quyền và tội tác chiến tranh, cuộc xung đột đang diễn ra giữa chính quyền quân sự và lực lượng kháng chiến ở Myanmar đã ảnh hưởng nặng nề đến các Kitô hữu và các nơi thờ phượng ở bang Chin, nơi có số Kitô hữu đông nhất ở quốc gia châu Á này.
 

Vatican News

Kể từ khi cuộc đảo chính quân sự lật đổ bà Aung San Suu Kyi vào ngày 02/02/2021, các cuộc không kích thường xuyên xảy ra trên khắp đất nước, nhằm vào các nơi thờ phượng, trường học, làng mạc và bệnh viện.

Dự án “Bằng chứng Myanmar” của Trung tâm Phục hồi Thông tin, có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã xác định và phân tích 10 vụ việc trong đó các nhà thờ bị hư hại – chủ yếu do các cuộc không kích – từ tháng 3 đến tháng 8/2023, đồng thời phát hiện rằng cuộc xung đột xảy ra sau cuộc đảo chính quân sự đang có một tác động lâu dài đến cộng đoàn Kitô giáo ở bang Chin, nơi Kitô hữu chiếm 85% dân số địa phương.

Phúc trình trình bày năm nghiên cứu cho thấy mức độ thiệt hại đối với các nhà thờ ở các thị trấn Thantlang, Falam và Hakha của bang Chin. Nhiều toà nhà bị hư hỏng, nhiều người dân bị thương.

Giám đốc Dự án “Bằng chứng Myanmar” Matt Lawrence nói: “Những nơi thờ phượng này không chỉ được bảo vệ theo luật pháp quốc tế trong thời kỳ xung đột nhưng còn có tầm quan trọng thiêng liêng đối với những người sử dụng”.

Theo Tổ chức Nhân quyền ở bang Chin, kể từ cuộc đảo chính tháng 02/2021, ít nhất 100 địa điểm tôn giáo, trong đó có 55 cơ sở Kitô giáo đã bị phá hủy.

Salai Za Uk Ling, phó giám đốc điều hành của Tổ chức Nhân quyền Chin nói: “Việc phá hủy các nhà thờ Kitô giáo là có chủ ý nhằm gây tổn thương tâm lý cho một cộng đoàn tôn giáo và văn hóa cụ thể. Chúng không chỉ là thiệt hại tài sản”.

Trích dẫn Công ước La Haye về Chiến tranh, các vị lãnh đạo Kitô giáo đã nhiều lần kêu gọi bảo vệ những nơi thờ phượng, các bệnh viện và cơ sở giáo dục.

Về cuộc nội chiến kéo dài này, tại buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật vừa qua, Đức Thánh Cha đã nói: “Từ ba năm nay, tiếng khóc đau thương và tiếng ồn của vũ khí đã lấy chỗ của nụ cười đặc trưng của người dân Myanmar. Vì thế, tôi cùng lên tiếng với một số Giám mục Myanmar, để ‘vũ khí huỷ diệt được biến thành những dụng cụ làm tăng trưởng trong tình người và công lý’. Hòa bình là một con đường và tôi mời gọi tất cả các bên liên can thực hiện các bước đối thoại và cảm thông, để đất nước Myanmar đạt được mục tiêu hòa giải huynh đệ. Hãy để cho đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới hầu bảo đảm nhu cầu thiết yếu của mỗi người”.