Đấng Tạo Hoá và những giả thuyết của khoa học

Hai tác giả người pháp Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies đã xuất bản sách “Trước Big Bang” với mục đích đưa ra một cái nhìn tổng quan về “bằng chứng khoa học” sự hiện diện của Thiên Chúa. Dưới đây là bình luận của ông Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập Vatican News về tác phẩm này.
 

Vatican News

Một sự thật đầu tiên không thể nghi ngờ là con người quan tâm về nguồn gốc của vũ trụ và giả thuyết về Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo. Điều này được chứng thực qua sách của Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies xuất bản vào năm 2021, tại Pháp, trở thành sách bán chạy nhất, và điều này cũng được lặp lại khi tới Ý.

Hai tác giả muốn trình bày bằng chứng khoa học về sự hiện diện của Chúa và một thiết kế thông minh về nguồn gốc của vũ trụ, nối tiếp một loạt khám phá gần đây. Đó là những lý thuyết, được chứng thực bằng những tính toán và quan sát, làm lung lay nhiều niềm tin được cho là của những người nhân danh khoa học tuyên bố phủ nhận sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa.

Thực vậy, sách giúp hiểu được sự khôn ngoan của những lời trong hiến chế tín lý Dei Filius của Công đồng Vatican I: “Không thể có sự bất đồng thực sự giữa đức tin và lý trí”. Công đồng đã trả lời cho những người ủng hộ sự không tương hợp giữa chân lý đức tin và tri thức hợp lý được suy luận bởi lý trí tự nhiên, bằng cách tuyên bố, với những từ ngữ vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay, rằng có hai cấp độ kiến thức khác nhau, khác nhau về nguyên tắc và đối tượng, không xung đột nhau. Nhưng Công đồng cũng giải thích rằng có một loại trí thông minh rộng lớn hơn gắn kết mọi thụ tạo với Đấng Tạo Hóa, có khả năng kết hợp những gì trí thông minh của con người, bằng các phương tiện của nó, có thể biết về thực tại thực nghiệm. Đó là ý tưởng về lý trí mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nói đến trong bài phát biểu đáng nhớ trước Quốc hội Đức vào tháng 9/2011: Ngài so sánh lý trí “với những tòa nhà bê tông cốt thép không có cửa sổ, trong đó chúng ta cung cấp cho mình khí hậu và ánh sáng và không còn muốn nhận cả hai thứ đó từ thế giới rộng lớn của Thiên Chúa”.

Việc không có xung đột giữa khoa học và đức tin được chứng thực bởi các nhà khoa học có đức tin, tác giả của những khám phá vĩ đại. Ở đây chỉ cần đề cập đến hai cái tên: đó là một người cùng thời với Darwin, Gregor Mendel, giáo sĩ dòng Augustinô người Moravian, ngày nay được coi là cha đẻ của ngành di truyền học; hoặc của linh mục Georges Edouard Lemaître, được coi là cha đẻ của vũ trụ học hiện đại, là người đầu tiên vào năm 1927 nhận thấy sự giãn nở của vũ trụ, một khám phá nằm ở nguồn gốc của thuyết Big Bang.

Trong cuốn sách của Bolloré và Bonnassies, hai lập luận vũ trụ học được mô tả rộng rãi để ủng hộ sự tồn tại của Chúa. Trước hết, bằng chứng được xác nhận bởi nhiều thử nghiệm khoa học khác nhau, rằng vũ trụ đang giãn nở và nó bắt đầu vào khoảng 13,8 tỷ năm trước. Nếu không thể quan sát được thời điểm ban đầu thì dấu vết của một giai đoạn sau đó đã được kiểm chứng, khi vũ trụ bằng 0,003% tuổi hiện tại. Bằng chứng này làm cho các tác giả cho rằng, vì khoa học đã chứng minh sự khởi đầu của thời gian nên điều này mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa. Cho đến vài thập kỷ trước, các nhà vật lý học thiên thể vẫn có niềm tin chắc chắn hơn nhiều so với ngày nay. Bây giờ các nhà khoa học nói với chúng ta rằng chúng ta chỉ biết 5% vũ trụ. Chỉ 5% số lượng này được tạo thành từ vật chất “thông thường” và có thể nhìn thấy được (các thiên hà, ngôi sao, hành tinh, mặt trăng, khí…). 95% “phần còn lại” chưa biết bao gồm 27% vật chất tối và 68% năng lượng tối. Vật chất tối và năng lượng tối này thực sự là gì, chúng kết hợp như thế nào vào cấu trúc tổng thể của vũ trụ, vẫn chưa được khám phá.

Lập luận thứ hai được đề xuất liên quan đến một bằng chứng khoa học khác, đó là thực tế rằng các quy luật điều chỉnh trong vũ trụ của chúng ta có xu hướng tạo ra các điều kiện cho sự xuất hiện của sự sống. Sự sống trên trái đất thực sự được tạo ra nhờ một loạt các hoàn cảnh chính xác. Tóm lại, vũ trụ được tạo dựng để cho phép chúng ta tồn tại. Sự hài hòa với sự tồn tại của sự sống chính xác đến mức nếu vũ trụ không giống như hiện tại thì chúng ta sẽ không tồn tại.

Do đó, có những hằng số vật lý cơ bản mà giá trị của chúng cho phép tồn tại vũ trụ và sự sống. Những hằng số này không nhiều và hiện tại không có lý do nào được biết tại sao chúng lại như vậy. Nếu có nhiều vật chất hơn hiện nay, vũ trụ sẽ sụp đổ: vũ trụ đã được làm như vậy rồi, nó sẽ không đạt tới mốc hơn 13 tỷ năm. Nếu có ít vật chất hơn một chút, vũ trụ sẽ giãn nở nhanh hơn và sẽ không có các ngôi sao, vốn là yếu tố cơ bản cho sự sống. Nếu vật chất không tổng hợp thành các ngôi sao thì sự sống không tồn tại.

Đứng trước bằng chứng này, có những người cho rằng ngẫu nhiên là một yếu tố nằm ở nguồn gốc của vũ trụ. Họ đưa ra giả thuyết về sự hiện diện của các vũ trụ vô tận – lý thuyết về đa vũ trụ – mà có thể đã phát triển một cách ngẫu nhiên theo một cách hoàn toàn khác với vũ trụ của chúng ta và mà đối với chúng ta không thể biết được. Một khẳng định có phần “siêu hình”: những vũ trụ vô tận khác này trên thực tế có thể được đưa ra giả thuyết để biện minh cho sự tồn tại nhân quả của chúng ta, nhưng chúng không thể quan sát được và do đó chúng không thể được trải nghiệm. Như chúng ta có thể thấy, giả thuyết – đối với những người có hồng ân đức tin, không phải là giả thuyết mà là sự chắc chắn – rằng Ai đó đã nghĩ đến và là nguồn gốc của trời và đất, rằng Ai đó đã nghĩ đến chúng ta, muốn có chúng ta và yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, không thể được chứng minh một cách “khoa học”, nhưng nó cũng hợp lý không kém các giả thuyết siêu hình không kém khác.

Về vấn đề này, thật thú vị khi đọc Trước Big Bang, sách của giám đốc Khoa Vật lý Lý thuyết tại CERN Gian Francesco Giudice, xuất bản vào tháng 9 năm ngoái. Sách được viết do câu hỏi của một cô bé cùng đi một chuyến tàu với nhà khoa học. Cô bé hỏi ông đang đọc gì và ông trả lời: “Lịch sử của vũ trụ”. Cô bé hỏi tiếp: “Nếu cuốn sách nói về tất cả lịch sử vũ trụ thì có phải nó cũng nói về con không?” Một câu hỏi khiến Giudice ngạc nhiên, không nói nên lời, và trả lời một cách không chắc chắn: “Không, tôi không nghĩ vậy. Nhưng tôi vẫn chưa đọc hết”.

Trong sách này, ông Giudice viết: “Việc khám phá những vận hành sâu xa làm nền tảng cho các hiện tượng vật lý không làm mất đi vẻ đẹp của chúng nhưng còn làm cho chúng ta trải nghiệm cảm xúc khi bất ngờ nhìn thiên nhiên bằng con mắt khác, với cảm giác thấm nhập vào bản chất sâu sắc nhất của nó… Bức chân dung của Big Bang được vẽ bằng sự thổi phồng có cường độ mạnh đến mức khiến chúng ta cảm thấy như đang hiện diện trước cảnh tượng về nguồn gốc của vật chất, dường như mở ra trước mắt chúng ta giống như một sự trưng bày vũ trụ ngoại thường”.

Do đó, cuốn sách này giúp chúng ta hiểu hơn về những bí ẩn sự hình thành vũ trụ. Nhưng cần hết sức thận trọng để tránh dựa vào khoa học và các phương pháp của nó để “chứng minh” sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa. Cần phải luôn nhớ những phát biểu của Thánh Gioan Phaolô II, trong buổi tiếp kiến chung vào tháng 7 năm 1985: “Khi chúng ta nói về những bằng chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa, chúng ta phải nhấn mạnh rằng chúng ta không nói về những bằng chứng khoa học-thực nghiệm. Bằng chứng khoa học, theo nghĩa hiện đại của từ này, chỉ có giá trị đối với những thứ có thể cảm nhận được bằng giác quan, vì chỉ dựa vào những thứ này thì các công cụ điều tra và xác minh mà khoa học sử dụng mới có thể được thực hiện. Muốn có bằng chứng khoa học về Chúa có nghĩa là hạ thấp Chúa xuống ngang hàng với sinh vật trong thế giới của chúng ta, và do đó đã sai lầm về phương pháp luận về Chúa là gì. Khoa học phải thừa nhận những giới hạn và sự bất lực của mình trong việc đạt đến sự hiện hữu của Thiên Chúa: khoa học không thể khẳng định hay phủ nhận sự tồn tại này. Tuy nhiên, không được rút ra kết luận từ điều này rằng các nhà khoa học không có khả năng tìm ra, trong các nghiên cứu khoa học của họ, những lý do xác đáng để thừa nhận sự tồn tại của Thiên Chúa. Nếu khoa học như thế không thể đạt tới Thiên Chúa, thì khoa học gia, người sở hữu một trí thông minh, mà đối tượng không bị giới hạn ở những điều có thể cảm nhận được, có thể khám phá trong thế giới những lý do để khẳng định một hữu thể vượt trội hơn mình. Nhiều khoa học gia đã và đang thực hiện khám phá này”.

Những lời trên giúp chúng ta liên hệ tới sự khẳng định của cha Georges Lemaitre, người Bỉ, người đầu tiên đề xuất lý thuyết vũ trụ Big Bang. Trong một hội nghị, khi được hỏi liệu nguyên tử nguyên thủy có được đồng nhất với Chúa hay không, cha mỉm cười trả lời: “Tôi rất tôn kính Chúa nên không thể đưa ra một giả thuyết khoa học nào về Người”.