MỤC SUY NIỆM
Đến lúc nói thẳng
Nếu bạn đánh giá cao cuộc nói chuyện thẳng thắn thì Tin Mừng Gioan trình bày điều đó cách tuyệt vời: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin. Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.” (Ga 6, 63-64)
Đây là một lời khá thẳng thừng của chính Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ của chúng ta. Ngài nói rất thẳng thắn. Vấn đề đối với mỗi người chúng ta chỉ đơn giản là: chúng ta sẽ đáp lại như thế nào đây?
Giống như thời đại của chúng ta, không phải ai nghe những lời của Chúa Giêsu cũng hoàn toàn thoải mái với những gì Ngài đã nói. Nhưng những người này buộc phải trả lời cùng một câu hỏi, mọi linh hồn đang sống cuối cùng cũng buộc phải tự trả lời cho cho chính họ: “Tôi có tin vào lời của Chúa Kitô hay không?”
“Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?’” (Ga 6,66-67) Dù có những trắc trở riêng, nhiều trắc trở trong số đó sẽ tiếp diễn đến cuối cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng Simon Phêrô dường như đã nghĩ đến câu hỏi này và đi đến kết luận của riêng mình. “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6,68-69)
Bạn gần như có thể nghe Phêrô nói, trong thái độ thô lỗ mà ai cũng biết, như sau: “Này, đây không phải là đường dễ dàng để bạn đi theo Chúa đâu, nhưng có một sự thật ở đây, nó là con đường duy nhất hướng đến vĩnh cửu.”
Chúng ta đã có những trải nghiệm về những ngày tháng đó phải không? Những ngày mà chúng ta có thể thấy hơi khó khăn để giữ vững trong cuộc chiến vì đức tin. Có lẽ mọi thứ đã không diễn ra tốt, có khi trong một thời gian dài. Có thể những ngày đó kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng. Hoặc phải chăng chúng ta đã trải qua một trở ngại đáng kể trong kế hoạch của mình, đã cảm thấy mệt mỏi khi thực hành một chế độ cầu nguyện và thờ phượng hàng ngày và dường như chúng ta đã bắt đầu tự hỏi: “Tất cả điều đó có giá trị, có tác động gì không?”
Thật không may, hoặc có khi may mắn thay, chúng ta vẫn bị bỏ lại với câu hỏi dai dẳng đó từ Phêrô, “Này, chúng ta sẽ đi chỗ nào khác nữa?” Sau tất cả, nếu bạn đang muốn mua lấy sự sống vĩnh cửu, Chúa Kitô là người duy nhất đang cho bạn chọn lựa đó.
Tất nhiên, chúng ta có thể cố gắng lấp đầy cảm giác ham muốn hoặc trống rỗng mà chúng ta đang mang bằng những thứ thế tục tạm thời, bất kể nó có thể là gì. Nhưng vào cuối ngày, chúng ta sẽ kết thúc như thánh Augustinô đã làm khi cầu nguyện và đã viết ra như sau, “Lạy Chúa, tâm hồn con sẽ còn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài”
Bạn có cảm nhận được sự khắc khoải ấy, một cảm giác mà cho dù bạn có lấp đầy ngày sống của mình như thế nào, thì bạn dường như không bao giờ chạm được đến những gì thực sự vĩnh cửu? Điều này chẳng lẽ không đúng với nhiều người vẫn chưa có cảm giác an nghỉ đích thực, chưa có sự bình an hoàn toàn, và ước muốn sâu thẳm nhất của họ vẫn chưa được thành toàn hay sao?
Thực sự có một lý do rất đơn giản cho việc này, và nó khởi đi từ câu đầu tiên trong đoạn Kinh thánh đã trích dẫn ở trên: Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. (Ga 6,63)
Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy sự thỏa mãn cho những ước muốn sâu kín nhất của mình qua bất cứ điều gì trên thế giới này. Hoặc, nói một cách khác, chúng ta sẽ không hạnh phúc ngay cả khi chúng ta có mọi thứ mà thế giới này mang lại. Cuối cùng, tất cả những gì tốt nhất mà thế giới này đem lại sẽ vẫn khiến chúng ta khao khát hơn, khao khát về một điều tốt thực sự. Bạn thấy đấy, điều đó có nghĩa là chúng ta có một vận mệnh vĩnh cửu để hoàn thành, tuy nhiên, ước vọng vĩ đại nhất của chúng ta cũng không thể tương xứng hoặc thậm chí không thể nhận thức được điều vĩ đại mà Thiên Chúa dự định thực hiện cho chúng ta.
Lý do đơn giản là vì chúng ta, trong sâu thẳm nhất của mình, là những hữu thể thiêng liêng. Vâng, chúng ta có máu thịt, nhưng vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên chúng ta cũng là những hữu thể thiêng liêng. Và, kết quả là, chúng ta chỉ có thể thực sự hài lòng với những gì chính Chúa ban cho chúng ta, như đã chép: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1Cr 2,9)
Đó là sự thật, chúng ta dành phần lớn cuộc sống của mình để sống và đáp ứng những ham muốn thuần vật chất của mình, và đây là hậu quả của sự sa ngã của Adam và Eva. Nhưng, trong cầu nguyện, chúng ta có cơ hội nuôi dưỡng và đáp ứng những nhu cầu và ước muốn sâu thẳm nhất cho bản tính thiêng liêng của mình, và chúng ta có cơ hội rất thực tế để chạm vào cõi vĩnh hằng.
Không có gì kinh ngạc khi nhiều người sẽ nói: “Nhưng hình như, tôi không nhận được gì từ việc cầu nguyện cả”. Và đối với nhiều người, nhiều lúc điều này có lẽ đúng. Đây là vấn nạn bởi vì chúng ta chưa thích nghi để sống bản tính thiêng liêng của mình. Hay nói chính xác hơn là sống bản tính thiêng liêng bằng cách kết hợp với nguồn mạch thiêng liêng của chúng ta là chính Thiên Chúa, theo cách mà Ngài muốn thông truyền với chúng ta. Chúng ta vẫn muốn trò chuyện với Ngài thông qua các cơ năng tự nhiên, trong khi Ngài đang tìm cách thông truyền với chúng ta ở mức độ sâu hơn.
Đời sống cầu nguyện của chúng ta có lẽ giống như người ăn kiêng và chạy đến bàn cân mỗi giờ để xem việc ăn kiêng của mình đang tiến triển như thế nào. Thật ngạc nhiên là nó không xảy ra theo cách đó. Bạn sẽ thấy rằng, giờ này qua giờ kia, hoặc thậm chí ngày này qua ngày kia, ít có gì xảy ra. Chúng ta cần học cách cam kết trọn đời để cầu nguyện và gắn bó với nó qua những khoảnh khắc tốt hoặc xấu. Chúng ta không thể thấy hoàn cảnh của mình thay đổi theo giờ, nhưng nếu chúng ta cam kết bước đi trong Thần Khí và cầu nguyện suốt cả ngày cho đến hết đời, như Kinh thánh nói: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” (Gl 5,25) Thì sau đó chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đang dần thay đổi, và chính những cảnh huống ấy sẽ ngày càng không còn là mối bận tâm đối với chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng cuộc sống thực sự được tìm thấy bên trong chính mình, trong tinh thần của chúng ta, và không phải trong hoàn cảnh đang mau qua của thế giới này.
“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8,11) Đây không chỉ đơn giản là về cuộc sống sau khi chết, mà là về sự viên mãn của sự sống trong Thánh Thần mà chúng ta có thể có ngày hôm nay.
Trong tuần này, tất cả chúng ta có thể cầu nguyện xin ơn để được điều giản dị là sống trong Thánh Thần. Xin Chúa chúc lành cho bạn.
Tô Mã Linh chuyển ngữ từ integratedcatholiclife.org