14 thánh mới
Với lễ tôn phong này, Giáo Hội sẽ có thêm 14 vị hiển thánh,
– Đứng đầu là 11 vị tử đạo, gồm 8 tu sĩ dòng Phanxicô và 3 anh em Massabki, là những giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo Maronite bị sát hại tại Damasco năm 1860, Siria, vì không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo để theo Hồi giáo.
Đó là Cha Emanuele Ruiz López, người Tây Ban nha, và 7 tu sĩ cùng dòng Phanxicô, gồm 6 vị Tây Ban Nha và 1 vị người Áo. Họ sống tại khu khố Bab-Touma, chia sẻ bánh với những người nghèo trong thời buổi khó khăn. Đó là thời kỳ khủng hoảng của Đế quốc Ottoman và dưới sức ép của các cường quốc Âu Châu hồi năm 1842. Quốc vương Hồi giáo Abdul Mejid I bấy giờ chấp nhận đề nghị của Ông hoàng Metternich của Áo chia miền núi Libăng thành hai khu vực: phía bắc dành cho các tín hữu Kitô và phía nam dành cho người Druse Hồi giáo. Nhưng bạo lực bùng nổ ở Beirut năm 1860 tạo nên làn sóng máu đổ khiến cho hàng ngàn tín hữu Kitô bị sát hại.
Trong đêm ngày 9 rạng ngày 10/7/1860, 8 tu sĩ Phanxicô và 3 giáo dân Công Giáo Maronite chạy vào một tu viện với những bức tường kiên cố để lánh nạn. Cha Bề trên Emmanuele Ruiz chuẩn bị tinh thần cho mọi người, mời gọi họ xưng tội và rước lễ, sẵn sàng đón nhận tai ương. Lúc ấy, có kẻ phản bội họ, để cho những kẻ sát nhân lẻn vào tu viện qua một cửa nhỏ và sát hại tất cả 11 người tị nạn.
– Đứng thứ hai trong danh sách là Cha Giuseppe Allamano, người Ý, sáng lập dòng thừa sai Đức Mẹ An Ủi, qua đời năm 1926, hưởng thọ 75 tuổi.
– Sau cùng là 2 vị sáng lập dòng nữ: Mẹ Elena Guerra, người Ý, sáng lập dòng các hiến sĩ Chúa Thánh Linh, và Mẹ Marie-Léonie Paradis người Canada, sáng lập dòng Tiểu Muội Thánh Gia hồi năm 1880.
Cha Giuseppe Allamano
Sau đây là vài nét nổi bật trong cuộc sống và hoạt động của Cha Giuseppe Allamano, “Nhà truyền giáo không vượt trùng dương”, một mẫu gương nổi bật cho các tín hữu, đặc biệt nhân Ngày Thế giới truyền giáo sắp tới. Chính cha đã góp phần thành lập Ngày này trong Giáo Hội.
Thân thế
Sinh tại làng Castelnuovo d’Asti năm 1851, Giuseppe Allamano cùng quê hương với thánh Gioan Bosco. Mồ côi cha năm lên 3 tuổi, Allamano được mẹ và cậu ruột là thánh linh mục Giuseppe Cafasso săn sóc và nuôi dưỡng. Sau khi học tiểu học ở trường làng, Allamano được gửi nội trú 4 năm tại trường của thánh Bosco và đã nhiều lần xưng tội với thánh nhân. Allamano gia nhập chủng viện năm 15 tuổi và thụ phong linh mục năm 22 tuổi. Cha vẫn nuôi ước mộng được đi truyền giáo ở những nước xa xăm, nhưng sức khỏe yếu ớt không cho phép. Allamano được Đức cha Lorenzo Gastaldi, Tổng Giám Mục giáo phận Torino, bổ nhiệm làm phụ tá giám đốc đại chủng viện và sau đó làm linh hướng tại đây. Ngài làm việc rất chăm chỉ và cố gắng học thêm cho đến khi đậu xong tiến sĩ thần học tại thần học viện Torino.
Tháng 9/1880, vào cuối kỳ hè, Đức Tổng Giám Mục đề nghị cha Allamano đảm trách đền thánh Đức Mẹ An Ủi ở thành phố Torino. Đền thánh này bấy giờ đang ở trong tình trạng suy đồi nếu không muốn nói là hoang tàn. Vì vậy mấy linh mục được Đức Tổng Giám Mục ngỏ ý trước cha Allamano đều từ chối không muốn nhận nhiệm sở này. Nhưng đến lượt cha Allamano, cha can đảm nhận lời ngay với một điều kiện là được chọn một linh mục phụ tá. Thế là vào ngày 2/10/1880, cha Allamano âm thầm đến nhận coi sóc đền thánh Đức Mẹ An Ủi và ngày hôm sau, cha Giacôbê Camisassa đến phụ tá với cha.
Cứu vớt các linh hồn
Là người nhiệt thành cầu nguyện, thông minh, hăng say hoạt động, cha Giuseppe Allamano đã tìm cách đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người thời đại của ngài. Cha đề ra nhiều sáng kiến giúp các tín hữu đào sâu lòng kính mến và hiểu biết về Đức Mẹ. Đền thánh Đức Mẹ An Ủi được cha trùng tu và trở thành trung tâm hành hương và đào luyện tinh thần cho các tín hữu. Ngôi nhà trọ gần đền thánh cũng được cha Allamano biến thành Học viện cho các chủng sinh và cha đảm nhận môn thần học luân lý tại đây.
Khát vọng sâu xa của cha Allamano là mang Tin Mừng đến cho những người chưa biết Chúa. Câu Lời Chúa “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi người” vẫn luôn thôi thúc cha tìm cách đáp lại. Vì vậy cha nghĩ đến việc thành lập một hội dòng thừa sai đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng dự án này như bị tan biến thành mây khói vì năm 1900, cha Allamano bị bệnh sưng phổi và có nước trong phổi. Các bác sĩ đều lắc đầu chê và tin chắc cuộc đời của cha đã đến ngày kết thúc. Nhưng cha Allamano vẫn bình thản. Ngài đến thăm Đức Hồng y Agostino Richelmy, Tổng Giám Mục Torino, cũng là bạn của ngài. Đức Hồng y hỏi:
– Làm sao bây giờ?
– Chúng ta lên thiên đàng. Cha Allamano đáp.
– Nhưng còn dự án thành lập hội dòng thừa sai thì sao? Đức Hồng y lại hỏi.
– Thưa Đức Hồng y, sẽ có người khác lo thay cho con về việc này!
– Không được! Cha không chết đâu! Hội dòng thừa sai phải được thành lập và chính cha là người sáng lập.
Hội dòng thừa sai thành hình
Sự thật đã xảy ra đúng như vậy. Cha Allamano đã được khỏi bệnh lạ lùng sau đó và ngày 29/1/1901, Dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi được chính thức thành lập. 4 thừa sai đầu tiên gồm 2 Linh Mục và 2 giáo dân được gửi tới làm việc truyền giáo tại Kenya ngày 8/5/1902. Tám năm sau đó, năm 1910, theo lời yêu cầu của Thánh Pio 10 Giáo hoàng, cha Allamano thành lập thêm Dòng các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ An ủi. Giáo huấn của cha Allamano xoay quanh nguyên tắc đơn sơ này: “Là người đầu tiên thực hiện… làm điều thiện một cách hoàn hảo… Nên thánh trước rồi trở thành nhà truyền giáo sau. Sự thánh thiện dựa trên lòng kính mến sâu xa đối với Bí tích Thánh thể, và lòng kính mến vững chắc đối với Mẹ Thiên Chúa”.
Cha Allamano tận tụy săn sóc cho các thừa sai nam nữ của ngài qua những tiếp xúc, thư từ, các khóa học hỏi. Cha xác tín rằng cần chú ý tới phẩm chất hơn là số lượng, nên đã cố gắng đào tạo các thừa sai một cách hết sức kỹ lưỡng. Cha cũng nhận định rằng mỗi linh mục, mỗi giáo dân và mỗi giáo hội địa phương phải quan tâm tới nghĩa vụ truyền giáo. Vì vậy, vào năm 1912, cha đã vận động chiến dịch gửi thỉnh nguyện thư xin Đức Giáo Hoàng ban hành văn kiện chính thức về việc cộng tác truyền giáo. Và đây chính là khởi nguồn của việc thành lập “Chúa Nhật truyền giáo”: Năm 1927, Đức Giáo Hoàng Piô 11 đã thành lập Ngày này, được cử hành vào Chúa Nhật thứ ba của tháng 10 hàng năm.
Cha Giuseppe Allamano qua đời một năm trước đó, ngày 16/2/1926. Lời nói cuối cùng trên môi ngài là “Amen” và “Ave Maria”, hai câu nói tóm gọn toàn thể hướng đi của đời ngài là “Tìm kiếm một mình Thiên Chúa và phụng sự thánh ý Chúa” và “làm mọi sự cho Chúa Giêsu, không làm điều gì mà không có Mẹ Maria”.
Thi hài của cha được an táng tại Đền thánh Đức Mẹ An Ủi ở Torino. Tuy cha chưa ra khỏi nước Ý bao giờ và rất ít khi rời khỏi thành Torino, nhưng các con cái nam nữ của cha đã đi cùng thế giới loan truyền Tin Mừng theo tin thần thừa sai của ngài.
Dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi
Ngành nam của Dòng hiện có hơn 910 tu sĩ hoạt động truyền giáo tại 241 nhà trên thế giới. Và ngành nữ có 530 nữ tu hoạt động tại 73 nhà trên thế giới.
Trong số những người con của thánh Allamano, hiện nay có Đức Hồng y Giorgio Marengo, người Ý, 50 tuổi (1974), Phủ doãn tông tòa Ulanbator, chủ chăn của 1.360 tín hữu Công Giáo trên tổng số 3,4 triệu dân cư ở nước Mông Cổ, quốc gia rộng gấp 5 lần Việt Nam, được Đức Thánh Cha Phanxicô đến viếng thăm trong chuyến tông du từ ngày 31/8 đến 4/9 năm ngoái (2023).
Ngành nữ đặc biệt có nữ tu Simona Brambilla, cựu Bề trên Tổng quyền của dòng, là nữ tu đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Bộ các dòng tu vào ngày 7/10 năm ngoái, 2023, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục José Carballo, dòng Phanxicô người Tây Ban Nha.