Hoạt động chống lao động trẻ em ở Thái Lan của cha Alessandro Brai

Đến Thái Lan vào năm 2012 cùng với một số nhà thừa sai Dòng Phanxicô khác, cha Alessandro Brai người Ý hiện đang hoạt động trợ giúp những người tị nạn đến từ Myanmar, đặc biệt nỗ lực chống lao động trẻ em ở quốc gia châu Á này.
 

Vatican News

Lúc đầu cha Alessandro Brai và các nhà truyền giáo định cư ở KlongToey, một trong những khu ổ chuột lớn nhất ở thủ đô Thái Lan, để tham gia sứ vụ “Km 48” dọc biên giới giữa Thái Lan và Myanmar.

Cha giải thích, từ khi bắt đầu cuộc nội chiến vào tháng 2/2021, gần hai triệu người Myanmar đã phải chạy trốn khỏi đất nước đến tị nạn ở Thái Lan. Do không có giấy tờ nên họ rất nghèo. Hoàn cảnh cùng cực này đẩy trẻ em phải đi làm trong khi đáng lý ra được đến trường như mọi trẻ em khác.

Trong những gia đình đông con, người mẹ ở nhà chăm sóc con cái, lương của người cha không đủ lo cho gia đình. Trên các đồng ruộng, có nhiều việc cần làm nhưng người Thái Lan không đủ, vì vậy trẻ em Myanmar bị gia đình ép đi làm trên những cánh đồng này.

Trước hiện tượng lao động trẻ em, cha Alessandro Brai khuyến khích các gia đình cho con cái đi học. Nhưng những trẻ em này, những người tị nạn ở Thái Lan, do không có giấy tờ nên không thể hưởng phúc lợi từ giáo dục công. Có một số trung tâm giáo dục do các tổ chức phi chính phủ điều hành cố gắng truyền đạt những kiến thức cơ bản cho các em, tuy nhiên rất hạn chế. Vì thế vào năm 2022, các nhà truyền giáo tìm cách mở trường riêng cho các em.

Khi đã có trường rồi, công việc tiếp theo là thuyết phục các cha mẹ để con em họ đến trường. Cha Brai nói: “Điều chúng tôi cố gắng làm là trò chuyện với các gia đình, mục đích là để biết chúng tôi có thể giúp họ những gì khi họ chấp nhận để con của họ đi học”. Từ đây, một số người cha trong gia đình được giáo xứ hoặc một số gia đình Công giáo Thái Lan thuê làm để họ có một số tiền tương đối đáp ứng nhu cầu cho toàn thể gia đình.

Bên cạnh đó, các nhà truyền giáo còn phải thuyết phục các giáo viên ở lại trường lớp. Vì thực tế do lương thấp, một số giáo viên bỏ nghề đi làm nông có nhiều tiền hơn. Tại trung tâm do cha và các nhà thừa sai khác thành lập, cha trả lương tương xứng cho các giáo viên để họ không phải bỏ các em học sinh.

Một số hiệp hội làm việc để hỗ trợ các trẻ em tị nạn Myanmar nghèo khó này, như hội Enfants du Mékong, gửi tình nguyện viên và quyên góp. Cha Brai nhận và phân phối số viện trợ này cho các em. Cha mua đồ dùng học tập, quần áo và cả thực phẩm. Như các anh em cùng dòng, nhà truyền giáo tận tâm chu toàn nhiệm vụ cung cấp nền giáo dục tốt nhất có thể cho các trẻ em. Cha cũng ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ rộng lớn ở khu vực miền núi phía tây bắc Thái Lan này: “Có hàng ngàn, hàng ngàn người cần giúp đỡ, bởi vì ngày càng có nhiều gia đình tị nạn đến đây”.

Hoạt động tông đồ của cha Alessandro Brai đáp ứng mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong hoạt động bảo vệ trẻ em, để các em không bị lạm dụng, bóc lột. Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 08/01/2025, khi mời gọi mọi người suy tư về tệ nạn lao động trẻ em, Đức Thánh Cha nói: “Ngày nay chúng ta biết cách hướng tầm mắt đến Sao Hỏa hoặc về các thế giới ảo, nhưng chúng ta gặp khó khăn khi nhìn vào đôi mắt của một đứa trẻ bị bỏ rơi bên lề và bị bóc lột và lạm dụng. Thế kỷ trong đó tạo ra trí tuệ nhân tạo và lên kế hoạch cho sự sống ở các hành tinh vẫn chưa đối diện với bệnh dịch tuổi thơ bị sỉ nhục, bị bóc lột và bị thương tổn nặng nề”.

Và ngài nhấn mạnh, là môn Chúa Giêsu Kitô, các Kitô hữu không bao giờ được phép để trẻ em bị bỏ rơi hoặc lạm dụng, bị tước đoạt các quyền lợi hoặc không được yêu thương và bảo vệ. Các Kitô hữu có nhiệm vụ dấn thân ngăn chặn và lên án mạnh mẽ bạo lực hoặc lạm dụng trẻ vị thành niên.

Ngài nhận xét, ở mọi nơi trên trái đất đều có những trẻ em bị bóc lột bởi một nền kinh tế không tôn trọng sự sống; một nền kinh tế mà khi làm như vậy sẽ thiêu hủy kho hy vọng và tình yêu lớn nhất của chúng ta. Nhưng trẻ em có một vị trí đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa và bất cứ ai làm hại trẻ em sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Người.

Theo Liên Hiệp Quốc, 160 triệu trẻ em, tương đương khoảng một trên mười trẻ em trên toàn thế giới, là nạn nhân của hiện tượng bi thảm này.