COVID-19 và TRUYỀN GIÁO

ĐẾN VỚI MUÔN DÂN

COVID-19 và TRUYỀN GIÁO

Khi đại dịch toàn cầu Covid-19 làm ngưng trệ một cách đáng kể sinh hoạt bình thường của đại đa số các quốc gia, tạo ảnh hưởng tiêu cực trên an sinh của phần lớn nhân loại, chúng ta thấy con người thật bé nhỏ, dòn mỏng, và lúc nào cũng có thể trở thành nạn nhân đáng thương của bất kỳ sức mạnh tàn phá nào.

Cùng chung số phận và cùng chia sẻ những vấn đề của con người, Giáo Hội không bao giờ cho phép mình đứng ngoài những khó khăn, vất vả, những băn khoăn, thao thức, những lo âu, khắc khoải, cũng như những cố gắng, phấn đấu của cộng đồng nhân loại. Trái lại, trong mọi hoàn cảnh, đoàn thể “môn đệ của Đức Giêsu” luôn là những  người tích cực dấn thân, sẵn sàng tiên phong đi hàng đầu trong nỗ lực phục vụ và đem lại cho con người sự sống, bình an, và hạnh phúc, vì sứ vụ của Giáo Hội là đồng hành cùng nhân loại và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ Đức Giêsu” (Mt 28,19).

Trong tâm bão của đại dịch Covid-19, hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô lặng lẽ bước đi như người lữ hành khiêm tốn trên đường phố vắng vẻ của Rôma bị phong toả toàn diện, đến quỳ trước bàn thờ, ngước nhìn Thánh Giá và Đức Trinh Nữ Maria nài xin ơn cứu thoát cho toàn thể nhân loại. Ngắm nhìn gương mặt sốt sắng cầu nguyện của ngài, ai cũng thấy Đức Thánh Cha muốn được mang hết nhân loại đang khổ đau, lo lắng, hoảng loạn vì đại dịch trong trái tim mục tử yêu thương, cảm thông, chăm sóc của ngài.

Cùng với Đức Thánh Cha, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân toàn cầu, ngoài kinh nguyện xin ơn cứu thoát và bình an, đều tìm cách đóng góp công sức vào việc cứu nguy, cứu trợ các nạn nhân bị lây nhiễm, và tiếp sức ngăn chặn dịch bệnh lây lan với chính quyền và tất cả những người thiện chí, thiện nguyện. Sự kiện mới nhất trong tuần này, với 12 linh mục Ý, một linh mục Mỹ qua đời vì đại dịch, hai mươi bốn nữ tu Ý cùng một giám mục Pháp, đức cha Emmanuel Delmas, giám mục giáo phận Angers phải nằm viện điều trị, và nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ bị cách ly vì “dương tính” trong khi thi hành sứ vụ và do làm việc trong các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm xá săn sóc bệnh nhân Covid-19 đã làm chứng sự có mặt chia sẻ và hoạt động bác ái cụ thể, sống động của toàn thể dân Chúa bên cạnh mọi người để phục vụ mọi người.

Trong bối cảnh này, người viết xin chia sẻ một vài suy tư về sứ mệnh truyền giáo, như căn tính của Giáo Hội, mà ở bất cứ hoàn cảnh nào, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”, Giáo Hội vẫn trung thành và hăng hái “rao giảng Lời Chúa” (x. 2 Tm 4,2). Nếu không, Giáo Hội không còn là Giáo Hội của Đức Giêsu vì không thực hiện lệnh lên đường truyền giáo là bài sai duy nhất của Đức Giêsu đã trao tận tay các thánh Tông Đồ là những môn đệ trực tiếp của Ngài: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

1. Truyền Giáo là căn tính của người Kitô hữu:

“Căn tính” là cái cho phép một thực thể hiện hữu. Thí dụ: căn tính của con người là linh hồn và thân xác, bởi nếu chỉ có hồn mà không có xác, con người không hiện hữu, nhưng thiên thần có mặt, vì thiên thần là thụ tạo chỉ có linh hồn thiêng liêng, mà không có xác thể vật chất. Trái lại, nếu chỉ có thể xác do các hợp chất làm nên, con người cũng không hiện hữu, nhưng con vật có mặt, vì con vật không có linh hồn, mà chỉ là vật chất.

Vì thế, để là người, để con người hiện hữu, để một “con người  chính danh, đúng nghĩa” có mặt, thực thể ấy phải cùng lúc được tạo nên bởi hồn và xác, được gọi là căn tính của con người, vì thiếu một trong hai, con người không hiện hữu.

Truyền giáo sở dĩ là căn tính của người Kitô hữu, vì khi mang Đức Kitô, người tín hữu không mang “Thiên Chúa làm người” cho riêng mình, nhưng được Đức Giêsu đích thân chọn làm môn đệ để trao phó sứ mệnh mang Thiên Chúa cho mọi người, nên được rửa tội chỉ vì phần rỗi của riêng mình, làm người có đạo chỉ để nắm chắc chiếu khán vào thiên đàng, đi đạo để không bị mất linh hồn, sa hoả ngục thì người Kitô hữu đã không hiểu gì về ơn gọi làm Kitô hữu, sứ vụ của người Kitô hữu, trách nhiệm của người Kitô hữu mà mình đang là, đang mang, đang được Thiên Chúa kỳ vọng, và loài người đặt niềm tin tưởng.

Đàng khác, để cứu toàn thể nhân loại khỏi chết đời đời, Đức Giêsu cần đến các môn đệ, tức người Kitô hữu là những người dấn thân đi theo Ngài, để được Ngài biến đổi  trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài, thuộc trọn về Ngài để được Ngài sai đi làm cho muôn dân biết Ngài, thuộc về Ngài và trở nên “đồng hình đồng dạng với Ngài” như chính người môn đệ được thánh hiến và sai đi. 

Như thế, “con đường Kitô” cũng là ơn gọi, sứ mạng của người Kitô hữu là mang Đức Giêsu và làm cho mọi người thuộc về Đức Giêsu, trở thành môn đệ của Ngài, chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội.

Đó là lý do Giáo Hội không bao giờ bỏ quên việc truyền giáo, coi thường sứ mạng truyền giáo, xếp chương trình truyền giáo xuống hàng thứ yếu bên cạnh những công việc quản trị hành chánh, tổ chức nội bộ. Nhìn vào các thư chung, và công việc của các giáo phận, chúng ta thấy ngay truyền giáo luôn được đặt hàng đầu, ưu tiên số một, bởi đây là sức sống của Giáo Hội, niềm vui của người môn đệ và là vinh danh Thiên Chúa, khi “muôn dân trở thành môn đệ” của Ngài (Mt 28,19).

2. Giáo Hội không ngừng truyền giáo, không sao lãng sứ mạng Tông Đồ trong bất cứ hoàn cảnh, tình thế nào:

Vì Truyền Giáo là căn tính của Giáo Hội, nên không một khoảnh khắc, thời điểm nào, dù là một giây, tâm hồn tông đồ, trái tim môn đệ, cuộc đời người Kitô hữu có thể ngừng nghỉ truyền giáo, có thể đình chỉ việc truyền giáo, có thể xếp lại việc truyền giáo, có thể thay thế truyền giáo bằng một công việc khác. Trái lại, trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống, tâm trạng nào, dưới bất cứ áp lực, ảnh hưởng nào, Giáo Hội vẫn luôn luôn và mãi mãi là Giáo Hội truyền giáo do Lời Hứa bảo đảm của Đức Giêsu, Đấng sáng lập và gìn giữ Giáo Hội: “Thầy ở với anh em mọi ngày đến tận thế” (Mt 8,20).

“Ở với anh em mọi ngày đến tận thế” để không ngày nào của Giáo Hội thoái hoá thành ngày “không thao thức truyền giáo, không nỗ lực truyền giáo”; “ở với anh em mọi ngày đến tận thế” để không ngày nào của Giáo Hội được phép là ngày “rong chơi, thư giãn” mà quên hiệp tâm, hiệp lực truyền giáo; “ở với anh em mọi ngày đến tận thế” để  không ngày nào đoàn dân Chúa trên đường lữ hành có thể ươn lười, buông xuôi, hay hèn nhát gạt bỏ bổn phận truyền giáo ra khỏi hành trình đời sống mình.

Vì thế, cho dù giữa tâm đại dịch Covid-19, hay rơi vào bất cứ phong ba, bão táp nào kinh khủng hơn nữa, Giáo Hội vẫn kiên tâm thi hành sứ vụ truyền giáo, vẫn một lòng trung thành với Ơn Gọi được sai đi, và sứ mạng “làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu”.

3. Giáo Hội truyền giáo dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần:

Giáo Hội không ra đi một mình, người tín hữu không lên đường đơn độc, nhưng đi với nhau, đi với toàn thể Dân Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Giêsu đã hứa ban trước khi Ngài rời bỏ thế gian về với Chúa Cha: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật…” (Ga 14,16-17), “Đấng đó sẽ dậy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). 

Vì thế, trong mọi thay đổi của tình thế, hoàn cảnh, trước mọi thử thách, khó khăn, giữa mọi nguy hiểm, thách đố, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ dạy Giáo Hội phải làm gì, nói gì, hành động cách nào. Và việc quan trọng nhất là đồng hành với Giáo Hội trong công cuộc truyền giáo, ở đó, Chúa Thánh Thần luôn có mặt để hướng dẫn, chỉ bảo, “sửa chữa  mọi sự trong ngoài” cho xứng đáng và đẹp lòng Thiên Chúa.

Vâng, ở vào hoàn cảnh hiện nay, giữa nạn dịch Covid-19, khi việc truyền giáo tưởng như bị ngưng trệ, đình chỉ, nhiều người tín hữu tỏ vẻ lo âu, nghi ngại về công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Có người thất vọng và vẽ ra bức tranh “ngày mai tiêu điều của một Giáo Hội không còn có thể truyền giáo”.

Rơi vào ý nghĩ tiêu cực và thái độ đầu hàng, buông xuôi trên, vì thấy những hoạt động truyền giáo xem ra đang bị đe dọa, gián đoạn, thay đổi, chúng ta nên cẩn trọng, vì cạm bẫy của ma qủy được cài đặt không xa chúng ta bao nhiêu.

Thận trọng để tín nhiệm ở Hội Thánh là Hiền Thê yếu dấu của Đức Giêsu; thận trọng để phân định chính xác: sứ mệnh truyền giáo không thay đổi, nhưng phương thức truyền giáo luôn được thích nghi với hoàn cảnh, thích ứng với đòi hỏi không ngừng biến chuyển, đổi mới của thời đại, tình thế, và con người.

Đồng thời thận trọng để nắm vững điều căn bản : không thể truyền giáo mà không liên tục sáng kiến.

Bởi truyền giáo không là hoạt động riêng lẻ, tách rời, nhưng là hoạt động của toàn Thân Thể mầu nhiệm Đức Giêsu, nên truyền giáo là hoạt động của tình yêu, truyền giáo thể hiện tình yêu, truyền giáo làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu, giới thiệu Đức Giêsu là “Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giàu lòng thương xót”, mà tình yêu luôn đòi sáng kiến, như hai người càng yêu nhau, họ càng có nhiều sáng kiến để tỏ tình và làm vui lòng nhau. Vì thế, sáng kiến trong truyền giáo, sáng kiến để truyền giáo hữu hiệu, sáng kiến để mang lại thành quả tốt đẹp là điều mà bất cứ nhà truyền giáo, hay bất cứ Kitô hữu nào cũng mong đợi, nỗ lực tìm kiếm, và quyết tâm thực hiện.

Thực vậy, hơn lúc nào hết, ngay trong tâm bão của đại dịch, Giáo Hội muốn nhắc nhở tất cả con cái mình đừng quên ơn gọi truyền giáo là căn tính của người Kitô hữu; đừng hiểu lầm: Giáo Hội không còn trung thành, hay giảm thiểu nhiệt tâm, sa sút nhiệt huyết với sứ vụ truyền giáo, nhất là phải tin tưởng tuyệt đối ở Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện cùng Giáo Hội trên hành trình truyền giáo.

Và để tuyệt đối tin tưởng ở Giáo Hội và cùng Giáo Hội lên đường truyền giáo ngay lúc này và ở đây, giữa tâm dịch Covid-19, chúng ta cần xác tín, như thánh tông đồ dân ngoại đã củng cố niềm tin, tinh thần truyền giáo, đốt nóng lòng nhiệt thành truyền giáo của Timôthê, môn đệ ngài và giáo đoàn Corinthô bằng những lời dạy dỗ và kinh nghiệm truyền giáo đầy thuyết phục:

a. Thần Khí ở với chúng ta trên đường truyền giáo, và chúng ta phải dựa vào Ngài:

“Vì Thiên Chúa chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Thiên Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi, để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1,7-8).

b. Chúng ta là những con người bất xứng, nhưng được Thiên Chúa chọn để loan báo Tin Mừng:

“Khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt, không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1, 26-29).

c. Gian truân và hy vọng là lương thực của nhà truyền giáo:

Trên đường truyền giáo, “chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang  nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,8-10).

d. Truyền giáo là rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh:

“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,22-23).

Vâng, trong hoàn cảnh khó khăn, bất lợi, không thuận tiện cho việc truyền giáo, như hiện tình đầy đe dọa của Covid-19, mỗi người Kitô hữu cần hồi tâm để xác tín sứ mệnh truyền giáo được Giáo Hội trao phó, và ý thức: chính trong hoàn cảnh và ở thời buổi các sinh hoạt truyền giáo như bị khựng lại ở cấp giáo phận, giáo xứ, lại là lúc mỗi người Kitô hữu được Giáo Hội trao trách nhiệm quan trọng và nặng nề hơn, được Giáo Hội tín nhiệm, tin tưởng và sai “ra xa, ra sâu hơn”, đến những nơi mà vì hoàn cảnh, cộng đoàn không  cùng đến được, tập thể không thể cùng có mặt, đoàn thể không thể cùng đặt chân,  mà chỉ từng người, riêng lẻ từng cá nhân “Kitô hữu” mới có thể len lỏi hiện diện rao giảng, và làm chứng.

Người Kitô hữu cũng cần phát huy tinh thần Hiệp Thông và Vâng Phục các Đấng Bản Quyền, vì Hiệp Thông và Vâng Phục trong hoàn cảnh khó khăn, thời buổi không thuận tiện cho việc truyền giáo của Giáo Hội chính là thực hiện truyền giáo cách tuyệt vời, hữu hiệu và đẹp lòng Chúa hơn cả. Bên cạnh là đời sống cầu nguyện và thực thi Đức Ái giữa gia đình, thân hữu, làng xóm, xí nghiệp, công ty, cộng đoàn giáo xứ…   

Trong thinh lặng của bầu khí căng thẳng vì đại dịch Covid-19, tôi nghe tiếng Mẹ Giáo Hội nhắc bảo: “Phần con, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của con” (2 Tm 4,5). Và tận đáy sâu tâm hồn nghe xôn xao, rộn ràng niềm vui truyền giáo, hạnh phúc tông đồ, khi mỗi ngày được “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22), để bằng mọi cách cùng Giáo Hội cứu được mọi người.

 

Jorathe Nắng Tím
Nguồn:
tinmungduongpho.blogspot.com