Ðức Hồng Y Hollerich kêu gọi giới chính trị châu Âu phải thể hiện tinh thần liên đới nhiều hơn. Hiện nay, do tình hình đại dịch lây lan, nhiều quốc gia ngăn chặn biên giới và chỉ đưa ra quyết định có lợi cho người dân của mình mà không nghĩ đến các quốc gia khác.
Ðức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg, chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Âu (COMECE) cho biết, theo những gì Ðức Hồng Y nghi nhận được từ các Giáo hội địa phương ở châu Âu, thì nhiều người đang cảm thấy bị bỏ rơi.
Ðức Tổng Luxembourg đã viết một lá thư mục vụ. Trong thư, ngài mời gọi: “Tôi xin mọi người cầu nguyện, các linh mục hãy cử hành thánh lễ mỗi ngày ngay cả khi không có giáo dân tham dự. Chúng ta phải tỏ cho mọi người biết chúng ta đang ở đó, vì mọi người. Chúng ta phải làm cho mọi người hiểu rằng Chúa ở cùng họ, Giáo hội gần gũi với họ”.
Ðức Hồng Y viết tiếp: “Hậu quả của đại dịch đối với Giáo hội châu Âu và trên chính châu Âu là: Các chương trình của Giáo hội không được thực hiện như dự kiến. Chẳng hạn, các lễ kỷ niệm 150 năm của giáo phận. Ðối với châu Âu, tôi thấy nhiều quốc gia đang chặn biên giới và chỉ đưa ra quyết định vì cư dân của họ mà không xem xét các quốc gia khác. Tôi kêu gọi giới chính trị hãy thể hiện tình liên đới sâu sắc, điều phải hiện hữu tại châu Âu. Ngày nay, chúng ta có nguy cơ đóng cửa chính mình khi những điều không may xảy ra. Nhưng là Kitô hữu, chúng ta không nên làm điều đó, chúng ta không được khép kín con tim”.
“Ðể thể hiện tình liên đới này, các chính phủ và Giáo hội phải giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Châu Âu là một cộng đoàn nhưng điều này không được nói chỉ khi mọi thứ đều ổn, khi không có nhu cầu. Tình liên đới phải được thực hiện đặc biệt trong những thời điểm khó khăn, đây là lúc châu Âu phải chứng tỏ mình có một căn tính thực sự: một căn tính châu Âu Kitô giáo”.
Theo Ðức Hồng Y, để gần gũi hơn với mọi người, Giáo hội châu Âu đã tăng cường sự hiện diện của mình trên internet. Phương tiện giao tiếp hiện đại này tỏ cho thấy Giáo hội là sự hiệp thông và, như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói, Chúa Kitô đang hiện diện giữa chúng ta. Internet và mạng xã hội cũng được sử dụng để loan truyền niềm hy vọng của chúng ta
2. Tội thù ghét chống các Kitô hữu gia tăng ở Ấn Ðộ.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban về tự do tôn giáo của Liên các Giáo hội Tin Lành: trong năm 2019 tại Ấn Ðộ có 366 tội thù ghét chống các Kitô hữu. Và chỉ trong hai tháng đầu năm có 40 trường hợp xảy ra.
Nghiên cứu xác nhận bầu khí bất khoan dung ngày càng gia tăng đối với các nhóm tôn giáo thiểu số ở nước này. Tình trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng từ sau khi Luật sửa đổi quốc tịch được phê chuẩn. Luật mới này gây tranh cãi do liên quan đến những người nhập cư Hồi giáo, theo luật mới những người nhập cư này có thể không được công nhận quyền công dân.
Nhận xét về dữ liệu trên trang web Công Giáo Ấn Ðộ, ông Vijayesh Lal, tổng thư ký Hiệp hội Tin Lành Ấn Ðộ chỉ ra rằng đây là những số liệu chắc chắn thấp hơn nhiều so với thực tế, bởi vì nhiều vụ không được báo cáo do sợ hãi hoặc thiếu hiểu biết, và hầu hết các trường hợp thậm chí không kết thúc tại tòa án.
Bạo lực do các nhóm cực đoan Ấn giáo thực hiện, từ tấn công thể lý đến các hình thức làm nhục và đe dọa. Ðỉnh điểm của các vụ án xảy ra bắt đầu từ tháng 11 năm 2019, trong thời gian chuẩn bị lễ Giáng sinh. Và các vụ tấn công giảm vào tháng 4 và tháng 5, trong cuộc tổng tuyển cử mùa xuân 2019, do chính quyền Ấn Ðộ tăng sự hiện diện thực thi pháp luật ở các vùng nông thôn.
Ông Lal nhấn mạnh, đối diện với bạo lực, các Giáo hội Kitô có thể đưa ra một thử thách tuyệt vời về sự hiệp nhất và tình liên đới. Có rất nhiều sáng kiến nhằm mang lại sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần và thậm chí về mặt pháp lý cho các nạn nhân. Ngoài ra, gia tăng các nỗ lực trong việc theo dõi diễn biến các vụ việc
3. Công Giáo Latinh Ukraine chuẩn bị cách ly.
Giáo Hội Công Giáo Latinh tại Cộng hòa Ukraine đang chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa lan lây Coronavirus.
Tính đến ngày 13 tháng 3 năm 2020, chỉ có ba trường hợp Coronavirus tại Ukraine, 1 người chết và 53 người bị tình nghi.
Trong thông cáo chính thức, các giám mục Công Giáo Latinh ở Ukraine mời gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện và suy tư về cuộc sống của mình, đồng thời cũng khẳng định rằng: “Ước gì thời kỳ này là một cuộc xét mình và là cơ hội để thống hối, đặc biệt qua bí tích hòa giải. Các cha giải tội cần giữ các thủ tục an ninh trong khi giải tội.”
Về thánh lễ, để giới hạn nguy cơ lan lây, nhưng đồng thời không phải từ khước tham dự thánh lễ, các giám mục yêu cầu gia tăng số thánh lễ theo nhu cầu để tản bớt số người tham dự mỗi thánh lễ, đổ hết các bình đựng nước thánh ở cửa nhà thờ, duy trì khoảng cách xa nhau và không trao cử chỉ bình an.
Các giám mục mời gọi những người đau yếu hãy tham dự thánh lễ qua truyền hình, đặc biệt Ðài Lời Vĩnh Cửu (EWTN) cùng với đài Radio Maria cùng trực tiếp truyền đi các thánh lễ.
Thông cáo cũng nhấn mạnh rằng: “Một điều tuyệt đối không thể chấp nhận được là một người bị bệnh đến dự lễ, gây nguy hiểm cho những người khác. Những tín hữu ấy có thể lãnh nhận các bí tích tại gia, trong sự tôn trọng các qui luật an ninh và phòng ngừa sự lây nhiễm Virus.”
Các giám mục Ukraine cũng kêu gọi các linh mục dấn thân giúp đỡ các bệnh nhân, noi gương anh hùng của thánh Carlo Boromeo, giám mục thành Milano, qua đời năm 46 tuổi trong khi cứu giúp những người bị dịch tễ, và thánh Luigi Gonzaga Dòng Tên, qua đời tại Roma năm 23 tuổi, trong lúc cứu giúp các bệnh nhân bị dịch.
Sau cùng thông cáo của các giám mục Ukraine kêu gọi các tín hữu đừng hốt hoảng, và hãy tuân hành các chỉ thị của bộ y tế cũng như các cơ quan thẩm quyền khác của chính phủ.
4. Israel tăng cường các biện pháp chống Coronavirus.
Thủ tướng Isael, ông Benjamin Netanyahu, ra lệnh xiết chặt các biện pháp chống dịch Coronavius và kêu gọi quần chúng tại nước này hãy tập một thói quen mới trong cuộc sống hằng ngày.
Tuyên bố với giới báo chí, chiều ngày 14 tháng 3 năm 2020, ông Netanyahu nói: “Chúng ta đang chiến đấu chống một kẻ thù vô hình. Chúng ta có thể chống Virus này, nhưng cần có một lối sống thường nhật mới”.
Cụ thể là thủ tướng Israel tuyên bố tiếp tục đóng cửa các cơ sở giáo dục, dân chúng phải giữ khoảng cách xa nhau ít là hai mét khi giao tiếp với nhau. Các sinh hoạt giải trí và rảnh rỗi bị ngưng, từ Chúa Nhật 15 tháng 3 năm 2020; cấm các cuộc hội họp trong không gian kín có quá mười người tham dự. Các dịch vụ của ngân hàng, cây xăng, siêu thị được tiếp tục bình thường. Các công nhân viên cần cố gắng làm việc tại gia bao nhiêu có thể. Ngoài ra, thủ tướng cũng cho phép theo dõi sự di chuyển của những người bị nhiễm Coronavirus, qua điện thoại di động và các kỹ thuật dữ kiện khác.
Về phương diện tôn giáo, các Giáo hội Kitô, Do thái và Hồi giáo cũng đã hạn chế hoặc hủy bỏ các hoạt động có đông người tham dự.
5. Thông cáo của các Thượng phụ và thủ lãnh Kitô Thánh địa.
Các vị Thượng phụ và thủ lãnh của 12 Cộng đoàn Giáo hội Kitô tại Thánh địa kêu gọi các tín hữu tuân hành các qui luật của chính quyền, nhắm chống sự lan lây của dịch Coronavirus, đồng thời các vị khẩn cầu Thiên Chúa đoái thương thế giới đang đau khổ.
Thông cáo ngày 14 tháng 3 năm 2020 của các vị lãnh đạo Kitô tại Thánh địa, có đoạn viết: “Ðể đối phó với đại dịch đang đe dọa sức khỏe và sinh mạng, điều thiết yếu là dân chúng và các cộng đoàn chúng ta tuân hành các qui định và chỉ thị của chính quyền địa phương tại các nước chúng ta đang sống.”
“Ðồng thời chúng tôi cũng khẩn cầu Thiên Chúa Toàn Năng nhìn đến tình trạng chúng ta và đoái thương thế giới đang đau khổ. Chúng ta được kêu gọi sống thời điểm này trong niềm tiếp tục tín thác nơi Chúa Cha trên trời của chúng ta, Ðấng chăm sóc mọi thụ tạo của Ngài. Vì thế, thật là tốt nếu chúng ta gia tăng cầu nguyện riêng, ăn chay và làm phúc, cũng như tiến bước trong ánh sáng tình thương của Thiên Chúa”.
Trong số các vị ký tên vào thông cáo, có Ðức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông tòa Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Jerusalem và cha Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, các vị thủ lãnh Chính thống Hy Lạp, Chính thống Armeni, Chính thống Copte, Chính thống Etiopia, Công Giáo Melkite, Công Giáo Maronite, Anh giáo, Tin lành Luther, Công Giáo Siriac, và Công Giáo Armeni.
6. Do đại dịch virus corona, Linh mục cử hành Thánh lễ trong nhà thờ chỉ có hình giáo dân.
Do đại dịch virus corona, Linh mục cử hành Thánh lễ trong nhà thờ chỉ có hình giáo dân.
Thay vì dâng Thánh lễ trong một nhà thờ trống trơn không có giáo dân vì đại dịch virus corona, cha Giuseppe Corbari đã có sáng kiến yêu cầu các giáo dân gửi cho cha hình của họ, và cha đã in ra và đặt trên các băng ghế nhà thờ, ở những chỗ mà họ thường ngồi. Và cha đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật như thế.
Giáo xứ hai thánh Quirico và Giulitta ở Robbiano di Giussano, gần thành phố Milano, miền bắc nước Ý, nơi đang là tâm dịch virus corona ở Ý. Do đại dịch, toàn nước Ý không có Thánh lễ cho giáo dân tham dự và tại giáo xứ này cũng thế. Nhưng Chúa Nhật 15 tháng 03 năm 2020, các băng ghế nhà thờ không trống vắng nhưng ngược lại đầy các gia đình như những Thánh lễ trước đây. Có những người rất già, một mình hay cùng với người bạn đời của mình. Có một thiếu niên với hình cầu vồng, muốn nói lên niềm tin tưởng rằng mọi sự rồi sẽ tốt thôi. Nhà thờ đầy sức sống nhưng lại thật im lặng. c
Cha Giuseppe cử hành Thánh lễ trong sự hiệp thông với các tín hữu, những gương mặt mỉm cười. Các tín hữu ở nhà tham dự Thánh lễ được chiếu trực tiếp trên Facebook.
Khi cha Giuseppe cử hành Thánh lễ, không chỉ giáo dân nhìn thấy cha trên màn ảnh nhưng cả cha cũng nhìn thấy họ. Và đặc biệt cha vui vì họ đã đáp lại lời yêu cầu của cha, chụp hình và gửi cho cha.
Cách thế này có lẽ để giúp cảm thấy bớt cô đơn, có lẽ để đón nhận và đưa ra một dấu hiệu hữu hình của sự gần gũi, trong những ngày này khi sự cô lập vì đại dịch giúp chúng ta khám phá lại các mối quan hệ xã hội, bị buộc phải xa cách.
7. Hội đồng Giám mục Italia dành 10 triệu Euro cho Caritas.
Hôm 12 tháng 3 năm 2020, Hội đồng Giám mục Italia đã quyết định dành 10 triệu Euro để hỗ trợ các hoạt động của tổ chức Caritas tại nước này, trong cuộc chiến chống dịch Coronavirus.
Ngân khoản này, rút từ số tiền thuế, gọi là “8 phần ngàn” các tín hữu Công Giáo đóng cho Giáo hội và số tiền do các ân nhân khác đóng góp, sẽ được dùng để ưu tiên giúp đỡ các gia đình nghèo, những người già lẻ loi, bị thương tổn nhiều trong cuộc khủng hoảng hiện nay vì nạn dịch.
220 Caritas giáo phận tại Italia sẽ quyết định và thi hành về việc trợ giúp cụ thể cho các gia đình túng thiếu: từ việc cung cấp lương thực, cho đến việc nâng đỡ tinh thần cho những người già và bệnh nhân.
Ngoài ra, Caritas Italia cũng tái kêu gọi tất cả mọi người hãy liên đới, hỗ trợ những sáng kiến và can thiệp của các giáo phận, các Caritas địa phương nhắm nâng đỡ những người yếu thế nhất trong tình trạng hiện nay.