Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin và các Bí Tích

rong bối cảnh duy tục của xã hội ngày nay, nhiều người Công Giáo, tuy được rửa tội từ hồi tấm bé, nhưng lớn lên không còn nghĩ gì tới Đạo, ngoại trừ xuân thu nhị kỳ vào dịp Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, đi nhà thờ, tham dự Thánh lễ, chịu lễ mà không hề xưng tội. Thậm chí xin lãnh nhận bí tích hôn phối hay xin rửa tội cho con nhưng không hiểu biết chi về các bí tích cũng như ý hướng của Giáo Hội trong các bí tích này. Đó là lý do Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã có công nghiên cứu vấn đề và soi sáng khía cạnh tế nhị và cấp bách này, và cho công bố Văn Kiện “Tính Hỗ Tương giữa Đức Tin và Các Bí Tích”. Nhận thấy tính thời sự của bản văn, chúng tôi xin phóng chuyển tài liệu sang Việt Ngữ:

ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ: TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH

TRONG NHIỆM CỤC BÍ TÍCH

Ghi Chú Sơ Khởi

Trong ngũ niên thứ chín của mình, một ngũ niên được ngoại lệ kéo dài thêm 1 năm do việc cử hành 50 năm sáng lập, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã có thể đào sâu việc mình nghiên cứu mối tương quan giữa đức tin Công Giáo và các bí tích. Việc nghiên cứu này đã được điều hướng bởi một tiểu ban chuyên biệt, do Linh mục Gabino Uribarri Bilbao, Dòng Tên, đứng đầu và bao gồm các thành viên sau đây: Đức Ông Lajos Dolhai, Cha Peter Dubovský, Dòng Tên, Đức Ông Krzysztof Góźdź, Cha Thomas Kollamparampil, C.M.I., Giáo Sư Marianne Schlosser, Linh mục Oswaldo Martínez Mendoza, Linh mục Karl-Heinz Menke, Linh mục Terwase Henry Akaabiam, và Cha Thomas G. Weinandy, O.F.M. Cap. Các cuộc thảo luận về đề tài đang bàn mà dựa vào đó tài liệu này đã được soạn thảo, đã diễn ra cả trong các buổi họp khác nhau của Tiểu Ban lẫn trong các buổi họp toàn thể của cả Ủy Ban, giữa các năm 2014-2019. Tài liệu này, tựa là Tính Hỗ Tương giữa Đức Tin và Các Bí Tích trong Nhiệm Cục Bí Tích, đã được đặc biệt chấp thuận bởi đa số thành viên của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế trong Phiên Họp Toàn Thể năm 2019 bằng cuộc bỏ phiếu viết. Tài liệu sau đó đã được đệ trình để được chấp thuận bởi vị Chủ Tịch của nó, là Đức Hồng Y Luis F. Ladaria, Dòng Tên, Bộ Trưởng Giáo lý Đức tin; vị này, sau khi nhận được ý kiến thuận lợi của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 19 tháng 12 năm 2019, đã cho phép công bố.

1. ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH: TÍNH LIÊN HỆ VÀ TÍNH THỜI SỰ

1.1. Đề nghị cứu rỗi của Thiên Chúa dựa vào mối tương quan qua lại giữa Đức tin và các Bí tích

1. [Khởi từ Thánh Kinh]. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:34). Giữa đám đông chen lấn Người (Mc 5:24; 31), người đàn bà băng huyết đụng vào Chúa Giêsu một cách đầy tin tưởng và được chữa lành, như một biểu tượng cho ơn cứu rỗi được Chúa Giêsu đem đến cho nhân loại (1). Trường hợp người đàn bà băng huyết cho thấy đức tin phát khởi ra sao từ “cuộc gặp gỡ một biến cố, một Con Người, và cuộc gặp gỡ này đã đem lại cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát” (2). Đức tin được định vị trong phạm vi các tương quan bản thân. Nhiều người bệnh cố gắng chạm vào Chúa Giêsu (xem Mc 3:10; 6:56), vì “có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6:19). Tuy nhiên, ở Nadarét, Người không làm nhiều phép lạ “vì họ thiếu lòng tin” (Mt 13:58); Người cũng không thỏa mãn lòng tò mò của Hêrốt (Lc 23:8). Nhân tính của Chúa Giêsu Kitô là máng hữu hiệu chuyển ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tính hữu hiệu này không có đặc tính tự động; nó đòi một tiếp xúc thỏa đáng với nó: khiêm nhường, khẩn nài, cởi mở với ơn phúc (3). Tất cả các thái độ này dẫn tới đức tin, như các phương thế thích đáng để tiếp nhận đề nghị cứu rỗi. “Đức tin, trước nhất, là việc con người đích thân gắn bó với Thiên Chúa” (4) vốn tự mặc khải trong Chúa Giêsu Kitô. Các bí tích của Giáo Hội kéo dài trong thời gian các việc làm của Chúa Kitô lúc còn trên dương thế. Trong chúng có sự thể hiện năng lực chữa lành vốn phát xuất từ nhiệm thể Chúa Kitô, tức Giáo Hội, để chữa lành vết thương tội lỗi và ban sự sống mới trong Chúa Kitô.

2. [Và từ Thánh Truyền]. Trong nhiệm cục cứu rỗi của Ba Ngôi có sự đan xen phong phú giữa đức tin và các bí tích: Tuy nhiên, đức tin và bí tích rửa tội là hai phương thức cứu rỗi vốn cố hữu trong nhau và không thể tách rời nhau, vì đức tin thực sự được hoàn thiện nhờ bí tích rửa tội, và, về phần nó, bí tích rửa tội được xây dựng qua đức tin, và cả hai đều đạt được sự viên mãn của chúng nhờ cùng các thánh danh. Vì như chúng ta tin vào Chúa Cha, vào Chúa Con và vào Chúa Thánh Thần thế nào, thì chúng ta cũng được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như vậy. Và chắc chắn việc tuyên xưng đức tin đi trước, một việc dẫn chúng ta vào ơn cứu rỗi, nhưng phép rửa tiến theo sau, để niêm ấn sự đồng ý của chúng ta [5].

Mối tương quan bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện nhờ đức tin và các bí tích. Giữa đức tin và các bí tích có một sự sắp xếp và lưu chuyển hỗ tương, tóm một lời: có một sự hỗ tương yếu tính. Tuy nhiên, như Thánh Basilêô chứng thực trong bản văn trên đây, việc tuyên xưng đức tin đi trước việc cử hành bí tích, trong khi việc cử hành bí tích bảo đảm, niêm ấn, củng cố và làm phong phú đức tin. Tuy nhiên, ngày nay, trong thực hành mục vụ, sự tương tác này thường bị mờ nhạt đi hoặc thậm chí bị làm ngơ.

1.2. Khủng hoảng hiện thời về tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích

a) Đức tin và các bí tích: Một tính hỗ tương trong khủng hoảng

3. [Phát hiện]. Vào năm 1977, Ủy ban Thần học Quốc tế, khi đề cập đến bí tích hôn nhân, đã cảnh báo về sự hiện hữu của những người “đã chịu phép rửa nhưng không còn tin nữa”, xin được lãnh nhận bí tích hôn phối. Sự kiện này, theo Ủy Ban, đặt ra “nhiều câu hỏi mới” rất sâu xa [6]. Kể từ đó, thực tại này không ngừng phát triển và tạo ra sự khó chịu trong việc cử hành các bí tích. Hơn nữa, vấn đề không chỉ giới hạn trong bí tích hôn phối, mà còn bao trùm toàn bộ nhiệm cục bí tích. Đặc biệt, trong các bí tích khai tâm Kitô giáo, nơi, do chính bản chất của nó, tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích cần được niêm ấn, mối lo lắng và sự không thoải mái thường được phát hiện.

4. [Các gốc rễ thần – triết học]. Mặc dù sự phân ly giữa đức tin và các bí tích là do các nhân tố khác nhau, nhưng theo các bối cảnh xã hội và văn hóa, một cái nhìn nếu không muốn ở mãi mức độ hời hợt phải tự hỏi về gốc rễ cuối cùng của sự đổ vỡ này. Trước hết, ngoài những thiếu sót có thể có trong việc dạy giáo lý và chủ nghĩa đơn phương văn hóa nào đó chống lại tư duy bí tích, có một nhân tố triết học sâu xa phá hủy luận lý học bí tích. Một luồng tư tưởng mở rộng, bắt đầu từ thời Trung cổ (chủ nghĩa duy danh) và kéo dài đến thời Hiện đại, có đặc điểm ở thuyết nhị nguyên phản siêu hình vốn tách tư duy ra khỏi hiện hữu và tuyệt đối loại bỏ mọi loại tư tưởng biểu tượng (representative thought), như trường hợp ngày nay trong thời hậu hiện đại. Viễn tượng này bác bỏ dấu ấn của Đấng Tạo Hóa trong sáng thế, nghĩa là, tạo thế là một tấm gương (hình ảnh bí tích) phản ảnh tư tưởng của Đấng Tạo Hóa. Theo cách này, thế giới không còn xuất hiện như một thực tại được Thiên Chúa sắp xếp một cách minh nhiên, mà chỉ là một sự hỗn mang các sự kiện, mà con người, với các khái niệm của họ, phải sắp xếp. Bây giờ, nếu các khái niệm của con người không còn là một điều giống như “các bí tích” của Logos Thiên Chúa, mà chỉ là các cấu trúc của con người, thì có một sự phân ly hơn nữa giữa hành vi đức tin bản thân (fides qua) và bất cứ biểu tượng khái niệm chung nào về nội dung của nó (fides quae). Nói tóm lại, và như một khía cạnh dứt khoát, khi năng lực của lý trí để biết sự thật của hiện hữu (siêu hình học) bị bác bỏ, thì việc không thể biết sự thật của Thiên Chúa đã được hàm ngụ [7].

5. Thứ hai, kiến thức khoa học và kỹ thuật, rất có uy tín ngày nay, có xu hướng tự áp đặt mình thành mô hình duy nhất trong mọi lĩnh vực kiến thức và đối với mọi loại đối tượng. Xu hướng triệt để của nó hướng tới sự chắc chắn thuộc loại hình thực nghiệm và duy tự nhiên không những tương phản với kiến thức siêu hình, mà cả với kiến thức có bản chất biểu tượng nữa. Mặc dù kiến thức khoa học nhấn mạnh đến khả năng của lý trí con người, nhưng nó không làm cạn kiệt mọi chiều kích của lý trí hoặc kiến thức, cũng không bao trùm mọi nhu cầu nhận thức muốn có cuộc sống nhân bản trọn vẹn. Tư duy biểu tượng, với sự phong phú và tính mềm dẻo của nó, một mặt, thu thập và khai triển về phương diện suy nghĩ các chiều kích đạo đức và xúc cảm của kinh nghiệm; và, mặt khác, đụng đến và biến đổi cấu trúc tinh thần và nhận thức của chủ thể. Vì lý do này, cùng với mọi truyền thống tôn giáo của nhân loại, việc thông chuyển mặc khải, với nội dung nhận thức đi kèm của nó, được định vị trong phạm vi biểu tượng, không phải trong phạm vi kinh nghiệm và duy tự nhiên. Thực tại bí tích của việc tham gia vào mầu nhiệm ơn thánh chỉ có thể hiểu được trong sự hiệp nhất của chiều kích kép này của kinh nghiệm biểu tượng: nhận thức và thực hiện. Nơi nào mô hình khoa học thống trị, một mô hình vốn mù quáng đối với tư duy biểu tượng, tư tưởng bí tích đều gặp trở ngại [8].

6. Thứ ba, chúng ta vẫn phải nhấn mạnh một sự thay đổi văn hóa quan trọng, riêng của nền văn minh mới về hình ảnh, một điều đang nêu ra vấn đề mới để thần học làm sáng tỏ đức tin bí tích. Mặc dù đúng là thời hiện đại duy lý đã giảm thiểu giá trị nhận thức của biểu tượng, tuy nhiên, thời hậu hiện đại hiện nay vẫn hết sức đề cao sức mạnh biểu hiện của hình ảnh. Do đó, cần phải vượt qua định kiến duy lý (hiện đại) chống lại giá trị nhận thức của những điều biểu tượng, mà không rơi vào tình trạng quá đáng đối nghịch (hậu hiện đại), một điều đang làm giảm hiệu năng của biểu tượng hướng tới sức mạnh cảm xúc của việc biểu tượng, làm mất hết tính cách tham chiếu. Nói cách khác, trí hiểu Kitô giáo phải bảo tồn tính độc đáo của bí tích Kitô giáo khỏi nguy cơ bị làm trống rỗng gấp đôi. Một mặt, có nguy cơ giản lược bí tích biểu tượng xuống hàng dấu hiệu nhận thức đơn thuần, một dấu hiệu chỉ dễ dàng thu thập các ý nghĩa tín lý của đức tin, mà không vận hành được bất cứ sự biến đổi nào (loại bỏ chiều kích biểu hiện của bí tích biểu tượng). Mặt khác, có nguy cơ giản lược bí tích biểu tượng thành gợi ý thẩm mỹ thuần túy được thực hiện nhờ các dàn dựng nghi thức, theo luận lý học tượng trưng đơn thuần nhằm thay thế việc nội tâm gắn bó với thực tại mầu nhiệm được biểu tượng ( dẹp bỏ chiều kích nhận thức).

7. [Hiểu méo mó về đức tin]. Trong các xã hội ngày nay, có những hiện tượng khác khiến người ta khó tin theo đề xuất của đức tin Công Giáo. Thuyết vô thần và việc tương đối hóa giá trị của mọi tôn giáo đang được đẩy mạnh ở nhiều nơi trên hành tinh chúng ta. Chủ nghĩa duy thế tục làm xói mòn đức tin, và gieo rắc sự hoài nghi, thay vì khơi dậy sự hân hoan của niềm tin. Việc xuất hiện mô hình kỹ trị [9] đã lồng vào một luận lý học trái với đức tin, vốn là một mối tương quan bản thân. Sự giảm thiểu cảm xúc đối với đức tin tạo ra một niềm tin chủ quan, một niềm tin vì do chính chủ thể điều chỉnh, nên đã di chuyển khỏi luận lý học khách quan vốn được đánh dấu bởi nội dung của đức tin Kitô giáo. Nền Văn hóa duy khoa học này, như đã nhắc trên đây, có xu hướng phủ nhận khả thể tương quan bản thân với Thiên Chúa và khả năng của Người có thể can thiệp vào cuộc sống và lịch sử bản thân của người ta. Tính khách quan của Kinh Tin Kính và việc quy định các điều kiện cho việc cử hành các bí tích được hiểu, theo sự nhạy cảm văn hóa ngày càng gia tăng, như một sự cưỡng bách tự do được tin theo lương tâm của mình, bằng cách duy trì một quan niệm không đầy đủ về quyền tự do mà người ta dự tính bảo vệ. Từ loại tiền đề này, có một loại niềm tin hoặc cách tin không phù hợp với quan niệm Kitô giáo hoặc có tương quan qua lại với việc thực hành bí tích mà Giáo hội vốn đề xuất.

8. [Các sai sót mục vụ]. Trong thời kỳ hậu Vatican II, cũng đã có một số thái độ phổ biến giữa các tín hữu và mục tử thực sự làm suy yếu tính hỗ tương lành mạnh giữa đức tin và các bí tích. Do đó, phương thức mục vụ trong việc truyền giảng Tin Mừng đôi khi được hiểu như thể nó không bao gồm việc chăm sóc mục vụ bí tích, do đó làm mất đi sự cân bằng giữa Lời Chúa, việc truyền giảng Tin Mừng và các bí tích. Nhiều phương thức khác đã không nắm bắt được điều này: tính ưu việt của đức ái trong đời sống Kitô hữu không ngụ ý phải khinh miệt các bí tích. Một số mục tử đã chỉ tập chú mục vụ của họ vào việc xây dựng cộng đồng, bỏ qua vị trí có tính quyết định của các bí tích dành cho mục đích đó trong nỗ lực này. Ở một số nơi, đã thiếu sự đánh giá thần học và việc đồng hành mục vụ trong lòng đạo bình dân Công Giáo nhằm giúp nó phát triển trong đức tin và do đó đạt được việc khai tâm Kitô giáo đầy đủ và việc tham gia bí tích thường xuyên. Cuối cùng, nhiều người Công Giáo đã nẩy ra ý nghĩ cho rằng bản thể của đức tin hệ ở việc sống Tin Mừng, coi thường nghi thức, coi nó như xa lạ với tâm điểm Tin Mừng và do đó, bỏ qua việc các bí tích thúc đẩy và tăng cường việc sống mãnh liệt chính Tin Mừng. Do đó, phải nhấn mạnh đến nhu cầu cần có sự phối hợp thỏa đáng giữa martyria, leitourgia, diakonia và koinonia (làm chứng, phụng vụ, phục vụ và hiệp thông).

9. [Hậu quả]. Các tác nhân mục vụ thường nhận được lời yêu cầu xin lãnh nhận các bí tích với nhiều nghi ngờ lớn lao về ý định đức tin của những người yêu cầu chúng. Nhiều người khác tin rằng họ có thể sống đức tin của họ một cách trọn vẹn mà không cần thực hành bí tích, điều mà họ cho là tùy ý chọn và có đó một cách tự do. Với những âm sắc khác nhau nhưng phổ biến, ta thấy có một mối nguy hiểm nào đó: hoặc là chủ nghĩa duy nghi thức không có đức tin vì thiếu nội tâm tính hoặc chỉ theo phong tục và truyền thống xã hội; hoặc là nguy cơ của việc tư riêng hóa đức tin, giản lược nó vào không gian bên trong của lương tâm và cảm quan riêng của chính người ta. Trong cả hai trường hợp, tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích đều bị tổn hại.

b) Mục đích của tài liệu

10. [Mục đích của tài liệu]. Chúng ta dự tính làm nổi bật tính hỗ tương thiết yếu giữa đức tin và các bí tích, cho thấy hệ lụy hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục thần thiêng. Theo cách này, chúng ta hy vọng góp phần vào việc khắc phục sự phân cách giữa đức tin và các bí tích ở bất cứ nơi nào nó xảy ra, trong khía cạnh kép của nó: bất kể đó là một đức tin không nhận thức được tính bí tích thiết yếu của nó; hoặc đó là một triết lý thực hành bí tích được thực hiện mà không có đức tin hay cứ nằng nặc nêu ra nhiều nghi vấn nghiêm trọng liên quan đến đức tin và ý định phù hợp với đức tin mà việc thực hành các bí tích vốn đòi hỏi. Trong cả hai trường hợp, việc thực hành và luận lý học bí tích, vốn nằm ở trái tim Giáo hội, phải chịu một tổn thương nghiêm trọng và đáng lo ngại.

11. [Cấu trúc]. Chúng ta lấy làm khởi điểm bản chất bí tích của nhiệm cục thần thiêng [10] trong đó cả đức tin lẫn các bí tích được lồng vào (chương 2). Chúng ta khai triển chi tiết một cách hiểu nhiệm cục như cùng một lúc bao gồm: nhiệm cục thần thiêng đúng nghĩa trong diễn biến Ba Ngôi, Kitô, Thần khí, giáo hội và đối thoại (đức tin) của nó; vị trí trong đó, được hiểu như thế, của đức tin và của các bí tích; và tính hỗ tương hiện hành giữa đức tin và các bí tích bắt nguồn từ đó. Sự hiểu biết này tạo nền tảng thần học nhờ đó vấn đề chuyên biệt của mối tương quan qua lại giữa đức tin và các bí tích được đề cập trong mỗi bí tích sẽ được xử lý sau này. Chương này minh họa điều này: việc cử hành bí tích mà không có đức tin là điều vô nghĩa, bởi vì nó mâu thuẫn với luận lý học bí tích vốn là nền tảng cho nhiệm cục thần thiêng, vốn có tính đối thoại một cách thiết yếu.

12. Điều trên sẽ được tiếp theo bởi phạm vi tác động của tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trên một số bí tích bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng của tính hỗ tương này, hoặc trong cách hiểu hoặc trong thực hành chúng, như các bí tích khai tâm Kitô giáo (chương 3). Để làm sáng tỏ về tín lý vai trò chuyên biệt của đức tin đối với tính thành sự và tính hữu hiệu của mỗi bí tích, chúng ta sẽ đưa ra các tiêu chuẩn để làm sáng tỏ đức tin nào cần thiết cho việc cử hành mỗi bí tích khai tâm. Trong bước kế tiếp (chương 4), chúng ta đề cập đến mối tương quan qua lại giữa đức tin và các bí tích trong trường hợp hôn phối. Do bản chất của nó, chúng ta dừng lại lâu ở 1 vấn đề mà tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích không thể làm ngơ: đó là việc phải hiểu rõ xem liệu sự kết hợp hôn nhân giữa “những người đã rửa tội nhưng không tin nữa” có được coi là một bí tích hay không. Đây là một trường hợp đặc thù, trong đó việc kết nối tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục thực sự được thử nghiệm, như chương thứ hai vẫn cho như thế. Nó kết thúc bằng một kết luận ngắn gọn (chương 5), trong đó, ở một bình diện tổng quát hơn, tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích trong nhiệm cục bí tích được nêu lên một lần nữa.

13. [Đặc tính tín lý]. Mục đích của tài liệu này rõ ràng có tính tín lý. Chắc chắn nó dựa trên vấn đề mục vụ, được dị biệt hóa cho từng bí tích được bàn tới. Tuy nhiên, nó không có ý định cung cấp các đường nét mục vụ chuyên biệt hoặc có cơ sở cho từng bí tích. Chúng ta muốn nhấn mạnh tới vị trí nền tảng của đức tin trong việc cử hành mỗi bí tích, mà không bỏ qua sự chính xác tín lý cần phải có đức tin mới có sự thành hiệu. Từ điều này, một số tiêu chuẩn tổng quát cho hành động mục vụ có thể được rút ra, như chúng ta đã làm ở cuối việc bàn tới từng bí tích, nhưng không đi sâu vào các chi tiết, càng ít đi sâu vào khoa giải nghi học, hay bù trừ cho việc biện phân cần thiết mỗi trường hợp đ̣ăc thù.

14. [Lựa chọn]. Chúng ta biết rằng tình thế mục vụ xung quanh các bí tích khác, như xưng tội và xức dầu bệnh nhân, cũng chịu nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Việc tham gia đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể rất thường được tìm kiếm mà không có bất cứ ý thức nào về sự cần thiết phải hòa giải trước với Thiên Chúa và cộng đồng Giáo hội, mà chúng ta vốn bị ngăn cách bởi tội lỗi của chúng ta và chúng ta đã làm hư hại thực tại của nó như là Thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Có sự phân ly giữa sự sống Thánh Thể và thực hành hòa giải từ phía nhiều tín hữu và thậm chí từ phía một số thừa tác viên thụ phong, trong việc thực hành đức tin Kitô giáo của họ, đã làm ngơ tính hợp nhất hài hòa của toàn bộ cơ cấu bí tích của Giáo hội, nơi không thể lựa chọn một cách chủ quan bí tích nào cần “tiêu thụ” và bí ích nào có thể bỏ qua. Phép xức dầu bệnh nhân cũng thường được trải nghiệm như đầy các yếu tố ma thuật, như thể đây là một loại bùa mê để cầu khẩn sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa hoặc của Thần khí Thiên Chúa, chứ không có mối tương quan bản thân nào với Chúa Kitô, Đấng cứu độ người ta, cả thân xác lẫn linh hồn của họ. Các giới hạn về không gian buộc chúng ta phải tập trung vào các bí tích tạo nên việc khai tâm và hôn nhân Kitô giáo, tất cả đều có tầm quan trọng ngoại thường trong việc xây dựng và củng cố Nhiệm Thể Chúa Kitô. Phương cách trong đó các bí tích này được tiếp cận, cũng như những ám chỉ đây đó tới các bí tích còn lại và khuôn khổ thần học nói chung được đưa ra sẽ giúp chúng ta rút ra những hậu quả cho các bí tích mà chúng ta không thể xem xét một cách chuyên khảo.

Kỳ tới: 2. BẢN CHẤT ĐỐI THOẠI CỦA NHIỆM CỤC BÍ TÍCH CỨU RỖI