Ba cách để dâng mình cho Chúa

Ba cách để dâng mình cho Chúa

Nicolas Buttet
Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

WGPQN (17.7.2020) / Aleteia (15.7.2020) Những lời của Thánh Phaolô trong sách Phúc âm có nghĩa là gì?

Thánh Phaolô mạnh mẽ thúc dục chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). 


Nhưng ý nghĩa dâng hiến bản thân như một hy lễ thực sự là gì? 

Trong tiếng Do thái từ “hy lễ” là korbán, nó có nghĩa là “tiến lại gần hơn”. Mục đích của hy lễ là đến gần Chúa hơn; đó là một lời mời gọi sống trong sự hiệp thông mãnh liệt với Chúa. Vì vậy, cần phải thực hiện “teshuvá”, nghĩa là hoán cải. “Teshuvá” bao gồm việc đổi mới cách nhìn và suy nghĩ về thực tại “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Điều đó có nghĩa là xem xét cuộc sống và thế giới của chúng ta “từ trên cao” qua cặp mắt xót thương của Thiên Chúa. Dưới đây là ba chiều kích của hành vi dâng hiến. 

Thánh Gioan Tẩy giả de la Salle đã nói: “Hãy hiến dâng chính mình và tất cả những gì thuộc về chúng ta đều dâng cho Chúa, nghĩa là dâng lên Ngài mọi tư tưởng, lời nói và việc làm, tất cả mọi tài sản của chúng ta, dù đó là thiêng liêng hay trần tục, tắt một lời, dâng tất cả những gì chúng ta đang sở hữu trên thế gian này”. 

1. DÂNG HIẾN BẢN THÂN

Phạm vi cuộc sống của chúng ta đã là một “món quà” đến từ Thiên Chúa, chúng ta cần phải xem lại tất cả những gì là tốt đẹp nơi hữu thể và sự hiện hữu của mình: linh hồn, thể xác, tài năng, di sản văn hóa, gia đình của chúng ta…. như thánh Phaolô đã viết: “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cor 4,7). Thực hiện teshuvá nghĩa là nhận biết Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi điều thiện hảo. Và do đó, điều đòi hỏi nơi chúng ta là cần phải thích ứng cuộc sống của mình với Lời Chân Lý của Chúa. 

Dâng hiến bản thân được thực hiện bằng cách tạ ơn và ca ngợi vì những ân huệ mà bạn đã lãnh nhận. Nó được thể hiện qua việc luôn mong muốn phục vụ Thiên Chúa và đồng loại của mình; hoàn toàn đặt mình tuân theo ý Chúa, phù hợp với từng giai đoạn của cuộc đời, để xây dựng Nước Trời; đặt mọi tư tưởng của chúng ta, lời nói và hành động của chúng ta trong sự gắn kết với cuộc sống. 

2. DÂNG CHÚA MỌI TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA 

Dưới đây là một giai thoại về cuộc đời của thánh Jerome. Một ngày kia Chúa hỏi Jerome: “Hôm nay con có gì cho Ta không?”. Thánh nhân trả lời: “Lạy Chúa, con dâng cho Chúa lời cầu nguyện của con” – “Tốt, nhưng còn gì nữa không”, Chúa nói. Và thánh Jerome đã kể ra hàng loạt những kỷ luật bản thân, nào là sự tỉnh thức, tình yêu dành cho những ai đến thăm mình… Rồi Chúa lại hỏi Jerome: “Còn gì nữa không?”. Jerome thưa : “Con không biết có còn gì để dâng Chúa nữa!”. Cuối cùng Chúa nói với thánh nhân : “Có một điều mà con chưa dâng cho Ta đó là tội lỗi của con!”. 

3. DÂNG CHÚA NỖI KHỔ CỦA CHÚNG TA 

Và sau cùng, có những điều chúng ta phải “chịu đựng” : đó là những thử thách lớn lao của cuộc sống, cũng như những điều nhỏ nhặt thường ngày làm chúng ta khó chịu. Chúng ta dâng lên Chúa những khoảnh khắc đau khổ này để “lồng chúng vào bên trong lòng trắc ẩn vô biên của Chúa Kitô”, để những khổ đau “trở thành một phần trong kho tàng thương xót mà con người đang cần” để sống yêu thương, để lãnh nhận và rao truyền ơn cứu rỗi (Benedict XVI). 

Mẹ Têrêsa đã cầu nguyện: 

Lạy Cha nhân từ, xin giúp chúng con, 
để chúng con biết chấp nhận mọi điều Cha ban cho chúng con, 
và biết cho đi mọi thứ mà Cha đòi hỏi chúng con với một nụ cười thật to. 

Nụ cười bên trong – và bên ngoài – là dấu chỉ của việc dâng hiến một cách tự do trong mọi hoàn cảnh. Nụ cười đó chống lại mọi nỗi buồn vì đã từ bỏ, hay giận giữ sau những lời phàn nàn của chúng ta. 

 

Nguồn: gpquinhon.org