BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA THÁNH GIUSE LÀ GÌ?


BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA THÁNH GIUSE LÀ GÌ?

Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng 
Từ: aleteia.org (05.02.2021)

WGPQN (09.02.2021) – Lòng tôn sùng này ghi nhận bảy sự kiện trong cuộc đời của thánh Giuse mà ngài đã chịu đựng trong khó khăn.

Nhiều người công giáo đã quen với bảy sự thương khó của Đức Maria, một lòng sùng kính tôn vinh các biến cố cụ thể đã gây ra những thương đau trong cuộc đời của Mẹ, nhưng ít ai biết về lòng sùng kính tương tự đối với thánh Giuse. 

 

Truyền thống bắt nguồn từ câu chuyện rất phổ biến về hai cha dòng Phanxicô bị mắc kẹt trong một cơn bão, được thuật lại trong cuốn sách Biên niên sử về Thánh Giuse, thế kỷ 19.

Hai linh mục dòng Phanxicô trên con tàu đi dọc bờ biển Flanders, bất chợt một cơn bão khủng khiếp nổi lên đánh chìm con tàu cùng với ba trăm hành khách trên đó. Hai cha đủ bình tĩnh đu bám trên một tấm ván, đong đưa, dìu dặt trên đầu ngọn sóng suốt ba ngày đêm. Trong cơn nguy khốn, tất cả những gì các cha làm là cầu xin Thánh Giuse nâng đỡ trong hoàn cảnh đau thương của mình. 

Thánh Giuse đã hiện ra và đã đưa các cha vào bờ an toàn. Sau đó, thánh nhân khuyên các ngài “mỗi ngày đọc bảy lần Kinh Lạy Cha và Kinh Kính mừng, để tưởng nhớ bảy sự thương khó và bảy sự vui của ngài. Nói xong Thánh Giuse biến mất” 

Dưới đây là bảy sự thương khó của Thánh Giuse, dựa trên các biến cố khác nhau trong Kinh thánh, được ghi lại trong cuốn “Các vinh quang của Giáo hội Công giáo”, thế kỷ 19. 

Thứ nhất, khi phát hiện ra người thiếu nữ đáng kính và là người bạn đời đáng yêu của mình đã thụ thai, và vì ý tưởng phải từ bỏ thiếu nữ ấy theo luật buộc” (Mt 1, 18.19). 

Thứ hai, vì không thể tìm được chỗ trọ trong thành Bêlem cho vị Vua và Hoàng hậu thiên quốc; khi nhìn thấy hài nhi Giêsu nằm run rẩy trên một nhúm rơm trong máng cỏ, giữa hai con vật – nơi trú ẩn khỏi cơn lạnh duy nhất của Ngài, vì không có chỗ nào cho Ngài trọ” (Lc 2,7). 

Thứ ba, khi chứng kiến con Thiên Chúa đau khổ và đổ máu châu báu của mình trong nghi lễ cắt bì đau đớn của Ngài, lúc bấy giờ Chúa mới được tám ngày tuổi” (Lc 2,21). 

Thứ tư, vào ngày lễ thanh tẩy, khi nghe lời tiên tri của ông Simêon rằng, con trẻ là duyên cớ cho những mâu thuẫn và bắt bớ, và một thanh gươm sẽ đâm thâu trái tim của Đức Maria” (Lc 2, 34-35). 

Thứ năm, cuộc trốn chạy sang Ai cập cùng với hài nhi và mẹ của Ngài, trong bóng đêm ngấm lạnh của mùa đông, để thoát khỏi sự ngược đãi của Hêrôđê đối với hài nhi đáng yêu” (Mt 2, 13). 

Thứ sáu, khi trở về từ Aicập, nghe tin Archelaus, còn độc ác hơn, cai trị ở Giuđê trong miền đất của vua cha là Hêrôđê, thánh nhân sợ không dám về đó, và được cảnh báo trong giấc mộng ngài đã lui về Galilê” (Mt 2, 22). 

Thứ bảy, trong chuyến hành hương lên Giêrusalem, không tìm thấy trẻ Giêsu, niềm an ủi duy nhất của mình, giữa những người thân, thánh Giuse đã gặp được trẻ Giêsu, sau ba ngày tìm kiếm trong đau buồn vì mất mát” (Lc 1, 45.46.48).

Nguồn: gpquinhon.org