BÊN LỀ CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI IRAQ

  Trong số các hoạt động của Đức Thánh Cha, thu hút sự chú ý nhiều nhất của 60% trong tổng số 39 triệu dân Iraq, chắc chắn là cuộc viếng thăm và gặp gỡ của Đức Thánh Cha với thủ lãnh của họ là Đại Ayatollah Al-Sistani, 91 tuổi, vào sáng thứ Bảy, 6 tháng 3 năm 2021.
 

Giuse Trần Đức Anh OP – CTV Vatican News

Cho đến nay, diễn tiến cuộc viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha được xem là tốt đẹp, mặc dù trước đó một số dư luận báo chí tỏ ra lo ngại vì những rủi ro có thể xảy ra về mặt an ninh cũng như nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

 Cuộc viếng thăm và gặp gỡ của Đức Thánh Cha với thủ lãnh của họ là Đại Ayatollah Al-Sistani, 91 tuổi, vào sáng thứ Bảy, 6 tháng 3 là sự kiện được người dân Iraq quan tâm nhất.

 Hậu trường cuộc viếng thăm

 Tại sao có cuộc gặp gỡ lịch sử này? Cha Ameer Jaje, dòng Đa Minh, Tổng thư ký Ủy ban Giám Mục Iraq về đối thoại liên tôn, người sáng lập Hội đồng đối thoại liên tôn tại Iraq hồi năm 2012, và cũng là cố vấn của Ủy ban Tòa Thánh liên lạc với Hồi giáo, đã kể lại với báo trực tuyến “alfaomega”, truyền đi ngày 4 tháng 3 vừa qua tại Tây Ban Nha, rằng: “Khi được biết dự thảo chương trình viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Iraq, những người bạn Hồi giáo Shiite gọi tôi và nói không thể không có cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và thủ lãnh của họ là Đại Ayatollah Ali al-Sistani.

 Thân thế Al-Sistani

 Đại Ayatollah Al-Sistani năm nay 91 tuổi; ngài đã nhiều lần lên tiếng bênh vực các nhóm thiểu số tại Iraq. Ví dụ hồi năm 2007, khi xảy ra vụ khủng bố tại Đền thánh của Hồi giáo Shiite ở Samara, ngài đã công bố một giáo pháp (Fatwa) nghiêm cấm việc ám sát những thành phần thiểu số để trả thù. Rồi năm 2014, ngài kêu gọi chiến đấu chống lại cái gọi là nhà nước Hồi giáo IS.

 Vận động để Đức Thánh Cha gặp Đại Ayattollah

 Cha Ameer Jaje nói: “Những người bạn Hồi giáo Shiite xin tôi hãy vận động để cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đại Ayatollah Ali al-Sistani được đưa vào trong chương trình viếng thăm, và kết quả là Tòa Thánh quyết định có cuộc gặp gỡ với Đại Ayatollah tại thành thánh Najaf”.

 Cha Jaje cũng giải thích rằng không có văn kiện chung được ký vào cuối cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Đại Ayatollah al-Sistani, vì ”để chuẩn bị văn kiện như vậy cần nhiều tháng hoặc nhiều năm. Văn kiện Đức Giáo Hoàng đã ký với Đại Imam Al-Tayyeb của Hồi giáo Sunnit ở Abu Dadhi hồi tháng 2 năm 2019 đã bắt đầu được chuẩn bị từ năm 2017 trước đó.”

 Cha Jaje nói: “Tuy không có văn kiện chung, nhưng cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng với Đại Ayatollah cũng là một điều rất quan trọng để thăng tiến đối thoại và chống lại những lời tuyên truyền oán ghét.. Biết đâu sau này sẽ có tuyên ngôn chung giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ lãnh Hồi giáo Shiite”.

 Phía Hồi giáo Shiite cũng cần Đức Giáo Hoàng

 Cha Ameer Jaje cũng cho biết về bối cảnh của cuộc gặp gỡ: nói đúng ra cả những người Hồi giáo Shiite cũng cần có cuộc gặp gỡ giữa thủ lãnh của họ với Đức Giáo Hoàng để tránh tình trạng Hồi giáo Shiite, chiếm 60% dân số Iraq, và 13% tổng số người Hồi giáo trên thế giới, bị coi là kém quan trọng so với những người Hồi giáo Sunnit. Những người này cũng hiện diện với Đức Giáo Hoàng khi ngài viếng thăm thành Mossul ngày chúa nhật 7 tháng 3. Nhất là các vị lãnh đạo Shiite cũng cần củng cố tầm quan trọng của họ trước những người đồng đạo.

 Theo cha Jaje, “tại Iraq, phần lớn các vị lãnh đạo Hồi giáo Shiite không tin nơi chế độ ở Iran hiện nay, vốn chủ trương gắn liền tôn giáo với nhà cầm quyền chính trị, và thực tế là đàng sau các dân quân Hồi giáo Shiite ở vùng bình nguyên Ninive và các đảng phái chính trị có xu hướng phe phái ở Iraq, đều có bàn tay của Iran. Những nhóm này dùng những ngừơi Hồi giáo Shiite để theo đuổi những lợi lộc chính trị của họ”.

 Hậu quả sự chia rẽ tôn giáo trong chính trị – sau thời Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003,- đã tàn phá đát nước Iraq. Và những cuộc biểu tình của dân chúng từ năm 2019 chống lại chế độ như thế. Theo cha Jaje, phần lớn các vị lãnh đạo tôn giáo ở Iraq chia sẻ quan điểm của Công giáo, theo đó, đất nước Iraq phải tránh quan niệm đa số hoặc thiểu số về tôn giáo, và cần làm sao để tại Iraq tất cả mọi người đều là công dân, được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, và cần phải loại trừ những ý tưởng hoặc thành kiến, ví dụ: các tín hữu Kitô là những người không thanh sạch, gọi là dimmi, hoặc bị coi như những công dân hạng hai.

 Cho đến nay có ít tiến bộ giữa Công giáo và Hồi giáo Shiite

 Cha Jaje nhìn nghận rằng cho đến nay đã có những tiến bộ lớn trong cuộc đối thoại giữa Công giáo và Hồi giáo Sunnit, cụ thể là tương quan giữa Tòa Thánh và Đại Học Hồi giáo Al Azhar ở Ai Cập với việc ký tuyên ngôn chung về tình huynh đệ nhân loại ở Abu Dhabi. Nhưng cho đến nay, cuộc đối thoại với Hồi giáo Shiite không được đẩy mạnh và không có tiến bộ bao nhiêu. Theo cha Jaje, đối thoại với Hồi giáo Shiite dễ hơn so với Hồi giáo Sunnit vì cả những người Hồi giáo Shiite cũng bị gạt ra ngoài lề và nhiều khi bị bách hại trong giới Hồi giáo. Trong bối cảnh đó, Cha Jaje, người sáng lập Hội đồng đối thoại liên tôn ở Iraq hy vọng nhờ sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhờ cuộc gặp gỡ giữa ngài với Đại Ayatollah Ali al-Sistani cũng như cuộc gặp gỡ liên tôn ở cổ thành Ur sẽ thúc đẩy hoạt động của hội đồng đối thoại liên tôn ở Iraq, khích lệ các vị lãnh đạo khác tham gia công trình này.

 Đại dịch giới hạn số tham dự viên

 Sau cùng, cha Jaje cũng lấy làm tiếc vì cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn giữa Đức Giáo Hoàng và những vị đại diện tôn giáo khác bị giới hạn số tham dự viên vì đại dịch, tối đa 150 người, mặc dù cuộc gặp gỡ này cũng quan trọng như các cuộc gặp gỡ liên tôn ở Assisi. Cha nói: “Chúng tôi đã chọn những người rất tích cực trong việc đối thoại. Một số người trình bày chứng từ trong cuộc gặp gỡ và cầu nguyện. Đối với dân chúng, điều rất quan trọng là thấy các vị lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện với nhau”.