Bình đẳng về quyền giữa người nam và người nữ
Bình đẳng về quyền giữa người nam và người nữ
(Nguyên tác: “Égalité des droits entre hommes et femmes”, trong Conseil Pontifical pour la Famille, Lexique des termes ambigus et controversés sur la famille, la vie et les questions éthiques, Paris, Pierre Téqui, 2005, tr. 317- 321.)
Sự phân biệt về mặt sinh học và giới tính giữa người nam và người nữ thường được viện dẫn để nhấn mạnh sự bất bình đẳng giữa họ với nhau. Người nữ thì thấp kém hơn người nam, không chỉ về mặt thể lý mà còn về mặt phẩm giá. Vì thế, người nữ phải chấp nhận lệ thuộc vào người nam, và không nên cố sức tranh đua với người nam. Chúng ta hiểu lý do những phong trào nữ quyền đã nổi lên để chống lại hình thức phân biệt đối xử sai lạc này. Thực tế, việc phân biệt đối xử này dựa trên sự lẫn lộn lan tràn về bình đẳng và căn tính. Chẳng có gì đòi buộc con người phải đồng nhất mới có thể trở nên bình đẳng. Sự bình đẳng bao hàm cả ý tưởng khác biệt, đặc thù, độc đáo. Các cá thể hiện hữu trong hình thái của một nhân vị. Mọi người đều thông dự cách duy nhất vào sự hiện hữu của Thiên Chúa Tạo Hóa, và nhận được phẩm giá của mình từ sự thông dự vào sự hiện hữu thần linh này. Bởi ý muốn của Đấng Tạo Hóa, con người đã được tạo dựng theo hai giới tính, nam và nữ. Chính điều đó ban cấp cho những con người khác biệt về mặt giới tính một phẩm giá bình đẳng, được làm nổi bật nhờ nhân cách riêng của mỗi người.
1. Thông điệp của ĐGH Gio-an XXIII, Pacem in terris (1963), đã chào đón, như một dấu chỉ lớn lao của thời đại chúng ta, sự tham gia của những người nữ trong đời sống cộng đồng, và đòi hỏi của họ được nhìn nhận và đối xử như là những nhân vị chứ không phải là những “công cụ”, trong đời sống cá nhân cũng như đời sống xã hội (x. PT, số 41, cũng x. số 15).
Sau đó, đặc biệt là thời ĐGH Gio-an Phao-lô II, Huấn quyền lặp lại nhiều lần chủ đề này. Sự nhìn nhận đầy đủ phẩm giá của phụ nữ là đối tượng của một khát vọng sâu xa, được bày tỏ ở những mức độ khác nhau trên khắp thế giới. Cần nắm bắt từ khát vọng này nguồn cảm hứng đầu tiên, được nối kết với những đòi hỏi của Tin Mừng trong mức độ những đòi hỏi này luôn muốn thấm nhập vào toàn thể lịch sử nhân loại ngày càng sống động hơn. Đôi khi khát vọng như vậy được thể hiện bằng những hình thức hung hăng, nhưng không được vì thế mà phủ nhận tính chính đáng của khát vọng. Không nghi ngờ gì nữa, nguồn gốc của những hình thức hung hăng này phát xuất từ gánh nặng lâu đời của đau khổ, tước đoạt và nhục nhã mà các phụ nữ thường đã và còn tiếp tục là nạn nhân. Chính vì thế, việc ý thức về khát vọng được nhìn nhận phẩm giá riêng biệt đã khơi lên những yêu sách bạo lực nơi một số phong trào nữ quyền. Hai yếu tố trí thức và ý thức hệ cũng đã góp phần vào sự phẫn nộ này. Thật vậy, việc khẳng định những quyền của phụ nữ đã vay mượn những khái niệm và ngôn ngữ nơi học thuyết Mác-xít về đấu tranh giai cấp. Vì thế, sự khác biệt giữa người nam và người nữ đã được trình bày như một đối kháng và một cạnh tranh. Hậu quả là sự nghiệp của phụ nữ đã bị đồng hóa với cuộc đấu tranh chống những kẻ áp bức nhằm giải phóng bản thân. Đàn ông là kẻ thống trị, và cần phải có một đối quyền nữ giới chống lại sự thống trị này. Như thế người ta đã sa vào biện chứng buộc phải đảo lộn các vai trò.
Với ý định giản lược các quan hệ nam-nữ vào trong các mối tương quan thống trị, bề trên-bề dưới, người ta tự buộc mình phải phủ nhận những nét phong phú đặc thù của nữ tính. Điển hình cho vấn đề này là ý kiến của Simone de Beauvoir, theo đó “nữ tính không phải là bản chất cũng chẳng phải là tự nhiên”, nhưng là một thực tại văn hóa và lịch sử, có thể được biến đổi cách triệt để. Tuy nhiên, Simone de Beauvoir thêm rằng, một “hoàn cảnh” như thế đã được “tạo ra từ một số dữ kiện sinh lý”. Chúng ta có thể tự hỏi phải chăng cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của nam giới, được hiểu như thế, suy cho cùng lại chẳng che đậy sự chối bỏ và sự thù hằn nữ tính của riêng mình, một loại nhị nguyên vô thức, một loại chối từ chính thân xác mình.
Lược đồ đấu tranh có nguồn gốc Mác-xít thường được liên kết với một dữ kiện ý thức hệ khác: khái niệm duy tự do cá nhân. Phụ nữ đòi hỏi “những quyền giới tính và sinh sản” của mình, hiểu như là những quyền của cá nhân gắn liền với sự tự lập của riêng mình.
Về những vấn đề này, Kinh Thánh mang đến cho chúng ta những ánh sáng quý giá. Thế nên trước tiên chúng ta cần tra cứu Kinh Thánh.
2. Lý trí tự nhiên đã có thể nhận ra ý nghĩa của phẩm giá phụ nữ. Lý trí tự nhiên lại được củng cố thêm nhờ Lời Chúa, nguồn mặc khải sự toàn vẹn và những hệ luận của phẩm giá phụ nữ. Chúng ta trích một vài bản văn quan trọng trong Kinh Thánh. Trước hết là hai trình thuật về sáng tạo (St 1,27; 2,21-24). “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Khi Thiên Chúa nhìn công trình của Người, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31).
Theo hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa con người là một nhân vị, là “thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ…” (GS, 24), như Công đồng Va-ti-ca-nô II giải thích. Người nam cũng như người nữ đều là những nhân vị: trong phẩm giá này, họ bình đẳng với nhau. Nguyên lý này soi sáng mọi cách đặt vấn đề. Bản văn thêm vào lời giải thích rõ ràng có tầm quan trọng trên hết: ngay từ ban đầu, Thiên Chúa ‘“sáng tạo con người có nam có nữ”. Sự phân biệt giới tính là một dữ kiện tích cực, “quả là rất tốt đẹp”.
Trình thuật thứ hai giải thích đặc tính của sự phân biệt giới tính vừa nêu: khi người nam thấy người nữ xuất hiện trước mặt mình, người nam thốt lên một tiếng kêu đầy ngưỡng vọng. Nơi người nữ, người nam nhận biết rằng xã hội của họ tạo nên mô hình hiệp thông đầu tiên: “Người đàn ông […] gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Công đồng giải thích hai bản văn cốt yếu này: “ Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc [.]. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính [.]” (GS, 12). Và Công đồng thêm: “họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình” (GS, 24). Như thế, theo ý định sáng tạo của Thiên Chúa, người nam và người nữ là những nhân vị, và với danh phận đầu tiên và nền tảng này, họ sở hữu một phẩm giá bình đẳng. Sự phân biệt giới tính, nghĩa là sự khác biệt giữa họ, là phù hợp với ý định của Thiên Chúa và là điều rất tốt đẹp. Thiên Chúa muốn sự khác biệt giới tính và hướng sự khác biệt này đến mối hiệp thông với nhau, đến sự tự hiến cho nhau. Ý nghĩa của khác biệt chính là bổ túc.
Bình đẳng, khác biệt trong bổ túc: đó là những yếu tố cấu thành nguồn gốc của tính dục con người.
3. Kinh Thánh còn soi sáng cho chúng ta một chiều kích khác của vấn đề: chiều kích lịch sử. Bởi tội lỗi, con người đã hội nhập vào bản thân mình một sự xáo trộn trầm trọng. Những hậu quả của sự xáo trộn này lại đè nặng lên con người. Những hậu quả này có giá trị như là sự trừng phạt. Đối với người nữ, đó là sự đau đớn khi sinh nở và sự tùng phục đầy khó khăn đối với người nam: “ Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16b). Tuy nhiên, sự trừng phạt không phải là lời cuối cùng; sự trừng phạt được đồng hành bởi lời hứa cứu độ.
Ở đây chúng ta hiểu được khó khăn riêng cho vấn đề làm chúng ta bận tâm. Bởi tội lỗi mình gây ra, con người tự lìa xa bản tính riêng của mình và những mục đích của đời mình, những mục đích vốn được Thiên Chúa muốn. Ngôn ngữ không còn là ngôn ngữ của hiệp thông các nhân vị, nhưng là ngôn ngữ của thống trị tạo ra mối tương quan bất bình đẳng, trong đó những đặc quyền của người bị thống trị không còn được kính trọng. Trong hoàn cảnh này, những khác biệt giới tính mà chúng ta nhận ra trong lịch sử và trong các tập tục xã hội phải chăng là những biểu hiện của sự bổ túc có từ nguyên thuỷ, hay chỉ là những tương quan thống trị do tội lỗi gây ra? Các định kiến có sức nặng của nó, nên việc giải thích sự khác biệt giới tính không luôn dễ dàng.
Với điểm xuất phát này, hai bản văn của Tân Ước mở ra những viễn cảnh giải thoát. Bản văn thứ nhất liên quan đến giáo huấn của Chúa Giê-su về hôn nhân và li dị (Mt 19,1-12; x. Mc 10,1-12). Cơ hội được tạo ra với câu hỏi của những người biệt phái liên quan đến việc rẫy vợ. Chúa Giê-su nhắc cho những người chất vấn Người các trình thuật sáng tạo. “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Họ bắt bẻ Người tại sao luật Mô-sê lại cho phép rẫy vợ. Chúa Giê-su trả lời họ rằng “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu” (Mt 19,8). Lòng chai dạ đá phản ánh điều kiện lịch sử của con người tội lỗi, giúp giải thích sự miễn thứ của Luật cũ. Nhưng dưới chế độ của Luật mới, con người có khả năng tìm gặp lại ý định của thuở ban đầu và sống theo những đòi hỏi của bản tính đích thực của mình. Luật Tin Mừng làm cho những miễn thứ của Luật cũ trở thành vô hiệu. Khi xem xét các hoàn cảnh xã hội và văn hóa, mỗi lần như thế phải đặt câu hỏi: hoàn cảnh này có phù hợp với luật đã có từ thuở ban đầu, hay nảy sinh từ “lòng chai dạ đá”?
Bản văn thứ hai quy chiếu vào những lời của Thánh Phao-lô về cấu trúc của Luật mới mà chúng ta đọc thấy trong Thư gởi tín hữu Ga-lát (3,26-28): “Thật vậy, nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thánh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki- tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô”. Thánh Phao-lô khởi đi từ những phân biệt lịch sử tồn tại như những yếu tố chia rẽ và đối kháng, để làm nổi bật đời sống mới trong Đức Ki-tô. Đời sống mới này dẫn đưa vào mối hiệp nhất, và những phân biệt lịch sử trở thành thứ yếu so với mối hiệp nhất này. Thánh Phao-lô chỉ ghi nhận sự tồn tại của những phân biệt này, chứ không có ý phân tích chúng. Thực vậy, những phân biệt này có bản chất rất khác nhau. “Người Do-thái” và “Người Hy-lạp” phản ánh sự phân biệt cốt yếu trong cấu trúc của Luật cũ. Sự phân biệt giữa người nô lệ và người tự do lại thuộc về điều mà ngày nay chúng ta gọi là cơ cấu tội lỗi. Không chút nghi ngờ, sự phân biệt nam-nữ lại được xem xét theo quy ước xã hội thời bấy giờ. Vì thế qua bản văn của Thánh Phao-lô, chúng ta có được một khẳng định mạnh mẽ về sự bình đẳng.
4. Từ những điều vừa trình bày, chúng ta có thể rút ra vài điểm mấu chốt. Trước hết, mọi người, nam cũng như nữ, đều có một phẩm giá nhân vị bất khả nhượng, và phẩm giá này là nguồn gốc của những quyền không thể bị tước đoạt. Phẩm giá này là nền tảng cho sự bình đẳng giữa người nam và người nữ. Và đó là dữ kiện đầu tiên. Kế đến, sự khác biệt giới tính là sự giàu có của nhân loại. Sự khác biệt này phải được hiểu như sự bổ túc và như ơn gọi hướng đến sự hiệp thông và sự tự hiến. Nhận xét thứ ba dựa trên lịch sử nhân loại, được ghi dấu bởi sự sa ngã nguyên thuỷ và ơn Cứu độ. Nhờ sức mạnh của ân sủng, con người có thể tìm thấy lại con đường nguyên thuỷ theo ý định của Thiên Chúa về hôn nhân.
Bình đẳng trong khác biệt: làm thế nào hòa hợp hai khía cạnh cốt yếu này? Chắc chắn câu trả lời không nằm trong sự rập khuôn máy móc và một thứ nam giới hóa phụ nữ. Đối với phụ nữ, nữ tính được coi là biểu hiện đích thực của “hình ảnh và giống như”, hiểu là giống như Thiên Chúa. Khi chú giải sách Sáng thế chương 1, câu 27, ĐGH Gio-an Phao-lô II đã viết lên điều tuyệt vời này: “Chúng ta nói, tác giả Sách thánh có chủ tâm tuyên bố rằng tự thân người nữ giống với Thiên Chúa không kém gì so với người nam, và người nữ đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa trong những điều đặc thù cho nhân vị của mình với tư cách là người nữ, chứ không chỉ trong những điều người nữ có chung với người nam. Đó là sự bình đẳng trong khác biệt, một sự bình đẳng và khác biệt riêng cho người nữ vốn phải được nhìn nhận trong xã hội dân sự và trong Giáo hội” (Tiếp kiến chung, ngày 22 tháng 6 năm 1994).
5. Nhìn nhận nơi người nữ phẩm giá bình đẳng và quyền bình đẳng mở ra cho họ quyền lợi tương xứng với một trách nhiệm bình đẳng và sự tham gia bình đẳng vào đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị. Nhưng việc thực thi quyền tham gia bình đẳng phải đi đôi với việc nhìn nhận ơn gọi nữ tính đặc thù. Việc thực thi quyền tham gia bình đẳng sẽ không thể nào có được nếu không lưu tâm đến ơn gọi này, bằng cách gây thiệt hại cho tình mẫu tử và gia đình, như vẫn thường xảy ra.
Các Ki-tô hữu có bổn phận đặc biệt phải tố giác những xúc phạm đến phẩm giá của phụ nữ và phải hành động nhằm thăng tiến hữu hiệu việc nhìn nhận phẩm giá của phụ nữ.
Sứ điệp Ki-tô giáo chạm trán với não trạng nhìn mỗi con người không như một nhân vị, nhưng như một sự vật, một đối tượng để buôn bán nhằm trục lợi ích kỷ và vui thú. Phụ nữ là nạn nhân đầu tiên của não trạng này. Phụ nữ chịu đau khổ vì sự khinh miệt, áp bức và bạo lực. Việc khiêu dâm làm ô huế hình ảnh Thiên Chúa. Việc mãi dâm, được tiếp tay rộng rãi trong nhiều lãnh vực của xã hội, là một hình thức nô lệ đặc biệt ghê tởm, vốn khai thác nỗi cùng khốn của thế giới thứ ba và xâm phạm ngay cả các thiếu niên. Chúng ta cũng nghĩ đến những phân biệt đối xử với những thiếu nữ trong lãnh vực giáo dục. Những xã hội công nghệ cũng không tránh khỏi sự kỳ thị trong lãnh vực lao động và tiền lương chẳng hạn, hoặc trong một vài lãnh vực chỉ dành riêng cho phụ nữ. Phải ra sức đấu tranh để thay đổi não trạng vốn nuôi dưỡng những bất bình đẳng và không nhìn nhận phẩm giá nhân vị và sự bình quyền của phụ nữ.
Nhưng tố giác thôi chưa đủ. Trên hết còn phải thăng tiến sự kính trọng toàn vẹn những quyền của phụ nữ, trên bình diện chính trị và pháp lý cũng như trên bình diện não trạng. Trong lãnh vực này, các Ki-tô hữu phải trở nên những người tiên phong. Chúng ta nghĩ đến việc sắp xếp thời gian làm việc, đến việc nhìn nhận đầy đủ công việc nội trợ thường bị coi như thấp kém hơn công việc bên ngoài, đến sự bình đẳng giữa vợ chồng trong quyền lợi của gia đình, đến sự kính trọng và nâng đỡ tình mẫu tử và gia đình, tóm lại đến sự cải tiến những điều kiện lao động, cho phép phụ nữ thực hành ơn gọi đặc thù của mình, trong khung cảnh bình quyền.
6. Thực tế, ở đâu phụ nữ không được nhìn nhận như một nhân vị với quyền bình đẳng, các mối tương quan con người chỉ còn là những mối tương quan bạo lực không thể tránh khỏi. Phụ nữ là nạn nhân đầu tiên của hoàn cảnh này, một hoàn cảnh làm mất luôn cả phẩm giá của người nam. Trong hoàn cảnh đó, không thể có đối thoại và hiệp thông, và nhân tính của người nam cũng như của người nữ đều bị tổn thương.
Hồng y Georges Cottier
Lm. Phao-lô Nguyễn Thành Sang chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 101 tháng 7 & 8 năm 2017
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN