Các giám mục Mỹ Latinh trước tình trạng nghèo đói của châu lục hậu Covid

  Mexicô City. Đại hội đồng Giáo hội vùng Mỹ châu Latinh và Caribê diễn ra trong bối cảnh hậu Covid với tình trạng nghèo đói đang ngày càng gia tăng của lục địa Nam Mỹ này. Đây là vấn đề được các giám mục đặc biệt quan tâm trong Đại hội đồng lần này từ 21-28/11.

Tại Mexicô City, nơi diễn ra Đại hội đồng, cha Raúl Martínez Arreortúa cho biết: “nghèo đói ngày càng gia tăng, và điều tôi chưa từng thấy trên đường phố trước đây, là có quá nhiều người buôn bán không chính thức, những người bán đồ ăn thức uống tự chế biến từ xe của họ, bán hàng rong ở các ngã tư hoặc làm những công việc lặt vặt. Đây là dấu hiệu của tình trạng thất nghiệp gia tăng.”

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng Mỹ Latinh một cách nặng nề. Là nơi sinh sống của 8% dân số toàn cầu, khu vực này chiếm 1/3 tổng số ca tử vong do đại dịch gây ra. Bên cạnh đó, nó còn kéo theo những hệ quả về nghèo đói, bất bình đẳng và làm trầm thêm những vấn đề tồn đọng lâu năm khác. Các trường học ở Mỹ Latinh đóng cửa lâu hơn ở bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, với những người nghèo nhất không thể học từ xa qua kết nối internet sơ sài.

Đức TGM Peru Héctor Miguel Cabrejos Vidarte, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (CELAM), cho biết: “Đại dịch chắc chắn đã gây nên nhiều nghèo đói hơn. Có những người không chỉ mất người thân mà còn mất việc làm và phải đóng các hoạt động kinh doanh của họ.”

Cha Mauricio García-Durán, giám đốc điều hành của Cơ quan phục vụ người tị nạn của Dòng Tên Colombia, cho biết, “các cuộc kiểm dịch trong thời kỳ đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến những nhóm di cư bấp bênh.” Cha còn cho biết thêm: “Mất việc làm phi chính thức và khó khăn về nơi ở đã khiến cho những người di cư phải chuyển đến các thành phố nhỏ hơn, nơi kiểm dịch ít nghiêm ngặt hơn nhiều.”

Do đó, Đại hội đồng lần này, Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh ưu tiên giải quyết vấn đề đói nghèo và hậu quả của đại dịch.

Một trong những tài liệu chuẩn bị của Đại hội đồng đã mô tả đại dịch là “dấu hiệu của một sự thay đổi mang tính thời đại”, khiến mọi người xem xét “một sự chuyển đổi lớn trong nền văn hóa của chúng ta theo một lối sống bền vững về mặt sinh thái, xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa.” (CNS 20/11/2021)

Văn Yên, SJ – Vatican News