Lopolo – Shutterstock
CÁCH KHÍCH LỆ CON CÁI MÀ KHÔNG QUÁ NUÔNG CHIỀU CÁI TÔI CỦA CHÚNG
Tác giả: Christine Ponsard
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org (ngày 14/12/2020)
WHĐ (16.12.2020) – Trong nỗ lực khuyến khích trẻ em, làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo chúng học được sự khiêm tốn thực sự?
Ngay từ những tháng đầu đời, trẻ mới biết đi cần cảm nhận được sự tin tưởng của cha mẹ. Niềm vui và niềm tự hào khi cha mẹ chào đón sự tiến bộ nhỏ nhất – cho dù đó là cầm thìa hay bước đi những bước đầu tiên – là những chất kích thích mạnh mẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn sâu sắc và mời gọi trẻ tiến xa hơn nữa. Điều này cho phép trẻ phát triển. Chúng sẽ không ngừng hướng về cha mẹ vì sự tin tưởng thúc đẩy chúng kiên trì nỗ lực, điều đó khiến chúng muốn trở thành người trưởng thành và khi đến thời điểm, điều đó sẽ cho phép chúng tự mình dấn thân vào cuộc sống. Nhưng chúng ta không được quên rằng khuyến khích đúng đắn phải là khuyến khích trung thực.
Mặc dù việc tập trung vào các khiếm khuyết của trẻ một cách nghiêm khắc là không tốt, nhưng cũng không phải là một ý kiến hay nếu giữ cho trẻ có ấn tượng sai lầm rằng chúng biết mọi thứ và có thể làm mọi thứ. Có lẽ lúc đầu điều này sẽ tạo cho đứa trẻ sự tự tin, nhưng sớm hay muộn, chúng sẽ nhận ra điều đó không đúng đắn và chắc chắn chúng sẽ tự vấn bản thân và tra vấn những người khác.
Thiên Chúa giao cho trẻ em những ân huệ khiến chúng trở nên độc nhất vô nhị; trong đó là những giá trị riêng có của chúng! Chính những tài năng này phải được nâng đỡ và đơm hoa kết trái. Một đứa trẻ là một mầu nhiệm mà Thiên Chúa tiết lộ từng chút một cho cha mẹ. Để thực sự thúc đẩy một đứa trẻ, bạn phải đưa ra những yêu cầu. Mục đích của sự khuyến khích không phải để làm hài lòng đứa trẻ hoặc làm vui lòng cha mẹ. Mục đích là để giúp đứa trẻ trưởng thành. Và để làm được điều này, đứa trẻ cần sự tin tưởng của cha mẹ để thể hiện mà không cần dùng đến những lời tâng bốc đơn thuần.
Biết cách điều chỉnh các yêu cầu của bạn
Khuyến khích không bao gồm việc liệt kê các tài năng của trẻ. Khuyến khích có nghĩa là đặt nền tảng cho phép trẻ cống hiến những điều tốt nhất của bản thân. Điều đó có nghĩa là sử dụng quyền hành của con người, nhưng đừng bao giờ quên rằng đức tính chính yếu của người có quyền là yêu thương những người được giao cho mình chăm sóc; không phải để áp đặt tầm nhìn của riêng mình, nhưng để phục vụ cho sự phát triển và trưởng thành của con cái họ.
Cần phải điều chỉnh cẩn thận các yêu cầu của bạn và quyết định tập trung các yêu cầu đó vào nơi nào. Nếu đặt tiêu chuẩn quá cao, hoặc cố gắng chiến đấu trên tất cả các mặt trận cùng một lúc thì người ta có nguy cơ nản lòng! Không nên đòi hỏi ở trẻ quá nhiều nhưng hãy yêu cầu vừa đủ để trẻ có thể phát huy hết khả năng của mình trong mọi lĩnh vực. Điều này hàm ý tôn trọng sâu sắc con người của chúng, đừng cố gắng làm cho trẻ phải trở nên phù hợp với ước mơ của bạn về một đứa trẻ lý tưởng. Tuy nhiên, chúng ta không nên hài lòng khi chúng chỉ tỏ ra ít cố gắng; chúng ta không nên bào chữa cho trẻ quá dễ dàng. Chúng ta nên chấp nhận rủi ro khi thấy chúng mắc sai lầm, vấp ngã và thất bại. Chúng ta phải chống lại sự cám dỗ hành động thay cho chúng hoặc đảm nhận thay cho chúng những trách nhiệm tương ứng với chúng.
Thiên Chúa luôn khích lệ chúng ta, Ngài không bao giờ nịnh hót chúng ta. Ngài yêu chúng ta quá nhiều đến độ không để mặc chúng ta sống một cuộc đời vô vị trong yên tĩnh tầm thường. Trong lòng thương xót của Ngài, Ngài bày tỏ cho chúng ta vẻ đẹp của chúng ta, nhưng Ngài cũng cho chúng ta thấy tội lỗi của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa mang tính đòi hỏi khắt khe. Ngài không bao giờ mất kiên nhẫn khi chúng ta gục ngã, khi chúng ta miễn cưỡng, khi chúng ta từ chối, nhưng Ngài không hài lòng với những biện pháp nửa vời. Không mệt mỏi, Ngài mời gọi chúng ta yêu thương nhiều hơn.