CHÚA HẰNG THƯƠNG XÓT” (Lc 1, 50)


Lễ Phục Sinh có một ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với các Kitô Hữu, cho nên Hội Thánh dành cả một tuần lễ, Tuần Bát Nhật để long trọng tưởng niệm biến cố Đức Kitô vinh thắng sự chết mở đường cho nhân loại tiến vào sự sống viên mãn. Kể từ Năm Thánh 2000, Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh đã không chỉ đơn thuần được coi là ngày kết thúc Tuần Bát Nhật Mừng Chúa Phục Sinh nữa, nhưng thêm vào đó, ngày Chúa Nhật thứ II Mùa Phục Sinh chính thức mang tên Ngày Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Phải có lý do chính đáng nào đó mới khiến cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn ngày này để truyền cho cả Giáo Hội long trọng tuyên dương lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Cho dù những lý do đó là gì, thì cũng không khó để chúng ta nhận ra rằng đây là một chọn lựa thích hợp vì chưng tất cả các bài đọc Tin Mừng trong suốt Tuần Bát Nhật Phục Sinh đều chứa đựng những chi tiết sống động giúp chúng ta hiểu được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta vĩ đại đến mức nào. Trong những ngày mừng lễ Phục Sinh tại gia, nếu chúng ta chăm chú lắng nghe và để cho Lời Chúa trong các Thánh Lễ hằng ngày đụng chạm đến lòng mình thì chúng ta sẽ phải thốt lên rằng: “Hồn tôi ơi hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
(x. Tv 117, 1). Tình thương của Chúa trải dài “từ đời nọ đến đời kia” (x. Lc 1, 50) cho nên ngay lúc này đây, giữa thử thách của dịch bệnh, tình thương ấy cũng không hề giảm suy. Trái lại tình Chúa dành cho con cái Người vẫn cứ tuôn tràn như sóng đại dương ngày đêm vỗ về tưới mát cho biết bao tâm hồn nguội lạnh thờ ơ vì tội lỗi và khổ đau.

Lòng Thương Xót Bền Bỉ Thủy Chung

Thứ Hai trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, chúng ta được nghe đoạn đầu chương 20 Tin Mừng theo Thánh Gioan. “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến… Ông Phêrô và môn đệ kia liền chạy ra mộ… Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (x. Ga 20, 1-7). Ngôi mộ trống không phải là bằng chứng khẳng định Đức Giêsu đã sống lại nhưng những tấm khăn liệm thì có. Vì chẳng có ai đi cướp xác mà lại còn thời gian tháo gỡ tấm khăn liệm dài hơn 4 mét tẩm đầy dược liệu và sau đó cẩn thận xếp nó lại cho gọn ghẽ mà để sang một bên. Hai vị Tông Đồ Trưởng, sau khi chứng kiến cảnh tượng lạ lùng ấy, đã tin vào lời Kinh Thánh: “Đức Kitô phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20, 9). Trước đó khi còn ở với các ông, Đức Kitô đã nhiều lần tiên báo về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người (x. Mc 8, 31; Mc 9, 30; Mc 10, 32). Lúc đó, các ông chưa hiểu nhưng nay thì các ông đã hiểu: “Thiên Chúa đã hứa thì Người sẽ không bao giờ nuốt lời” (x. Cv 13, 32-33).

Chính sự phục sinh của Đức Giêsu là lời chứng hùng hồn nhất cho một tình thương sắt son chung thủy mà Thiên Chúa luôn dành cho nhân loại chúng ta. Không ai có quyền bắt Thiên Chúa phải hứa điều gì và cũng không ai có thể bắt Thiên Chúa bảo đảm lời Người đã hứa. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi tình nguyện ký kết giao ước với con người. Chưa hết, khi giao ước ấy bị con người phá bỏ, Thiên Chúa lại thiết lập một giao ước mới. Trong giao ước mới này, Thiên Chúa đã không ngần ngại giao nộp cả đến Con Một của Người. Thật vậy, tác giả sách Hipri đã nhấn mạnh: “Đức Kitô đã lấy máu mình mà lập ra giao ước mới” (x. Hr 9, 15-27). Các dải khăn liệm sót lại trong ngôi mộ trống cũng là lời chứng tỏ tường cho tình yêu hiến mạng. Các dấu vết của cuộc khổ nạn chắc chắn còn in dấu trên những tấm khăn liệm. Khi hiện ra với các Tông Đồ trong căn phòng đóng kín, chính Đức Kitô Phục Sinh cũng đã cho các ông, nhất là cho Tôma, người đã thách đố Chúa, xem dấu đinh và vết đòng trên thân thể Người. Đức Kitô Phục Sinh đã tỏ bày cho chúng ta tất cả những dấu vết ấy để mặc khải cho chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Người Con ấy mà chúng ta được sống” (x. 1 Ga 4, 9). Tình yêu của thiên Chúa là tình yêu cứu chuộc. Tình yêu ấy trước sau như một, bền bỉ cùng năm tháng. Trước, trong và ngay cả sau cái chết của Con Một Chúa, tình yêu của Đấng Tạo Hóa dành cho loài thụ tạo chúng ta không hề nhạt phai.

“Alleluia! Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa, vì việc Người làm quả thật lớn lao, giao ước đã lập ra muôn đời Chúa nhớ mãi. Người đem lại cho dân ơn giải thoát và thiết lập giao ước đến muôn đời” (x. TV 111, 1-2;5;9).

Lòng Thương Xót Nhẫn Nại Khoan Dung

Sau hàng tháng trời cách ly, phong tỏa, có thể nói điều nhân loại đang cần lúc này chính là sự nhẫn nại. Trong bất cứ cuộc chờ đợi nào, thì kiên nhẫn vẫn là yếu tố tiên quyết khiến cho việc chờ đợi thành công hay thất bại, nhẹ nhàng hay nặng nề. Có nhiều người trước đây khi dịch Covid mới xảy ra họ sốt sắng cầu nguyện. Khi con số tử vong leo thang họ vẫn trung thành cầu nguyện nhưng gần đây khi thấy nạn dịch kéo dài họ bắt đầu mất kiên nhẫn và nghi ngờ hiệu ích của việc cầu nguyện. Lúc này, khi nhân loại bắt đầu nghi ngờ lòng thương xót của Chúa thì cũng là lúc chúng ta cần quay về với Tin Mừng, về với Lời Chúa để củng cố đức tin và xin ơn kiên trì nhẫn nại. Điều nghịch lý là khi chúng ta tìm về với những trang Sách Thánh, chúng ta không những tìm thấy câu trả lời cho đòi hỏi kiên nhẫn của bản thân, mà ngược lại chúng ta còn khám phá ra cả một tấm lòng khoan dung nhẫn nại mà Thiên Chúa vẫn không ngớt trao ban cho nhân loại hôm nay.

 “Ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau… Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người… Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: ‘Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?’ Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” (x. Lc 24, 13-16; 25-27)

Điệu bộ và lời nói của hai người lữ khách Emmau cho thấy họ đang tuyệt vọng, giờ chỉ còn biết trở về quê nhà và tìm lại với nghề nghiệp trước đây của họ. Giữa lúc hoang mang tuyệt vọng như vậy, Chúa không bỏ rơi các ông. Người đồng hành với họ, hỏi thăm họ. Quan trọng nhất, Người đã dành cả buổi trời để giảng dạy, cắt nghĩa lại cho họ những điều Người đã từng rao giảng trong suốt 3 năm trời trước đó. Tình thương của Đấng Phục Sinh là tình thương của người thầy dành cho đám học trò chậm hiểu, chậm tin. Đức Kitô sống lại không phải để ngự cõi mây xanh an nhàn hưởng phước nhưng là để dẫn đầu nhân loại lên đường hành hương tiến về cõi phúc thật. Nếu trước đây Đức Giêsu đã từng kiên nhẫn với các môn đệ thế nào thì nay trong thân xác phục sinh, Chúa vẫn tiếp tục đồng hành với các ông bằng cả một trời kiên nhẫn như thế.[1]  

Trong câu chuyện này, tác giả Luca đã khéo léo sử dụng 2 động từ tương tự nhau nhưng lại rất khác nhau về mặt ý nghĩa: thấy và nhận ra. “Quả thế, tác giả muốn cho chúng ta hiểu rằng sau khi Chúa Giêsu phục sinh, không ai có thể được nhìn thấy Người bằng con mắt thể xác nữa: Người đã vượt qua thế gian này mà về với Cha Người, và thế giới mới này vượt quá tầm mức của giác quan chúng ta. Nhưng chính nhờ cái nhìn mới mẻ này, chính nhờ ánh sáng đức tin này mà chúng ta nhận ra Người hiện diện và hành động trong chúng ta và quanh chúng ta. [Dân] Kitô giáo vẫn được mời gọi nhận ra Người trong đức tin.”[2] Chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể lý giải được mầu nhiệm thập giá. Phải có lòng tin chúng ta mới hiểu ra rằng không ai có thể tiến vào được Nước Thiên Chúa nếu không kinh qua cái chết.

Do đó, khi tuyên dương lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta đang tuyên xưng sự nhẫn nại vô biên của Người và tự nhắc nhở chính mình cũng cần nhẫn nại. Thật hữu ích khi lúc này đây chúng ta nhắc lại lời khuyên của Thánh Phêrô Tông Đồ: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” cho anh em (x. 1 Pr 1, 6-8).

Lòng Thương Xót Tận Tụy Chu Đáo

Đức Kitô Phục Sinh, Dung Mạo trung thực của Thiên Chúa đầy lòng xót thương, không chỉ đồng hành với chúng ta như một người Thầy kiên nhẫn trong lúc chúng ta bị bủa vây bởi nghi nan, tuyệt vọng, mà còn như một người Cha tận tụy chăm sóc cho những nhu cầu tối thiểu nhất. Tại biển hồ Tibêria, ông Simôn Phêrô cùng với một vài môn đệ khác vất vả đánh cá suốt đêm nhưng không bắt được gì. “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: ‘Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.’ Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá… Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa… Đức Giêsu bảo các ông: ‘Anh em đến mà ăn!’ … Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết” (x. Ga 21, 4;6;9;12-13).

Trình thuật này chứa đựng cảm xúc nhiều hơn là thông tin vì nó “đầy ắp sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh, mới sáng sớm đã có mặt trên bờ hồ.”[3] Người hỏi cho có chứ thực chất Người thừa biết các ông đang cần gì. Các ông vừa mệt, vừa đói, vừa chán nản vì thất bại. Chúa không những tế nhị hiến kế giúp các ông gỡ lại sự thất bại, mà còn tận tình lo lắng lương thực cho các ông. Đấng đã tự nhận mình là “Bánh Hằng Sống” (x. Ga 6, 35) lẽ nào nhắm mắt làm ngơ trước cơn đói khát của những kẻ mà Người hằng thương mến như con. Lên bờ các ông thấy sẵn than hồng, cá nướng và bánh nướng. Trong tình huống này, đối với Phêrô và các môn đệ hiện diện, nhu cầu thể xác được đáp ứng một thì nhu cầu tinh thần của các ông đã được Chúa bồi bổ gấp trăm gấp vạn lần rồi. Với tình thương tận tụy chu đáo như thế, Phêrô, đại diện cho các đồ đệ thân tín nhưng đã có lần trót bội nghĩa vong ân, sẵn sàng đón nhận cơ hội mới và quyết tâm làm lại từ đầu. “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?’ Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.’ Đức Giêsu nói với ông: ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy’” (x. Ga 21, 15)   

Cuộc đối thoại này hé lộ cho chúng ta biết làm một Kitô hữu có nghĩa là như thế nào. “Mỗi ngày, Chúa Giêsu hỏi chúng ta có yêu mến Người một cách đặc biệt và “trên hết mọi sự” hay không: ‘Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?’ Cũng như ông Phêrô, chúng ta trả lời ‘có’, mặc dù chúng ta đầy những yếu đuối; và Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta đi theo Người vì tình yêu (c.22), và cùng với Người gánh vác dân Thiên Chúa” bằng tình yêu hy sinh.[4]

Nói đến đây, chúng ta hãy dành ít phút mặc niệm để tạ ơn Chúa vì những mục tử chân chính mà Chúa đã gửi đến để săn sóc và hướng dẫn đoàn chiên của Chúa. Các linh mục tu sĩ những người không quản hiểm nguy dấn thân phục vụ các bệnh nhân Coronavirus và thân nhân của họ. Các ngài chính là những tấm gương phản chiếu lòng Cha thương xót dành cho nhân loại khổ đau chúng ta.

Để kết

Không phải chỉ trong Tuần Bát Nhật hay Mùa Phục Sinh chúng ta mới long trọng tưởng niệm mầu nhiệm Con Chúa sống lại vì mỗi khi chúng ta hiệp dâng Thánh lễ là lúc chúng ta “tuyên xưng Chúa đã chết đi, tuyên xưng Người đã sống lại và mong đợi Người lại đến.” Tương tự vậy, không phải chỉ có ngày Chúa Nhật thứ II trong mùa Phục Sinh mới là ngày để Giáo Hội cao rao Lòng Thương Xót của Chúa. Đúng ra, mỗi người chúng ta nên biến từng giây phút của đời mình thành giai điệu tri ân lòng thương xót Chúa và hăng hái loan truyền những kỳ công Chúa đã làm cho chúng ta: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (x. Cv 4, 20). “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 117, 1).

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 18/04/2020.