Con đường Tin mừng hội nhập văn hóa tại Á châu: Vạn lý trường thành hay con đường tơ lụa?

CON ĐƯỜNG TIN MỪNG HỘI NHẬP VĂN HÓA TẠI Á CHÂU: VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH HAY CON ĐƯỜNG TƠ LỤA?

Tác giả: Nữ tu Maria Ko Ha Fong
Chuyển ngữ: Anh Vũ

WHĐ (4.10.2020) – Dân tộc Á Châu chúng ta thích suy tư bằng biểu tượng và hình ảnh, không đắm chìm trong phân tích lập luận hay chiêm niệm, chúng ta chọn gợi ý hơn minh chứng, trực giác hơn tranh luận, khôn ngoan hơn khoa học. Trong forma mentis này tôi mở đầu suy nghĩ bằng hình ảnh, đang sẵn đây hoặc được Giáo Hội tại Á Châu khơi hứng.

1. “VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH” HAY “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA”?

Hình ảnh đầu tiên là Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng của Trung Hoa, công trình được xây dựng từ 2000 năm trước với chiều dài hơn 6000 cây số, đây là vật thể duy nhất bàn tay con người làm ra có thể nhìn thấy từ mặt trăng. Thực sự đây là công trình tuyệt vời, biểu trưng cho nét vĩ đại và quyền lực của “Trung Quốc”, làm chứng cho trí thông minh và cương quyết của dân Trung Hoa. Nhưng Vạn Lý Trường Thành, như mọi bức tường khác, vẫn là dấu hiệu của chia rẽ, phân cách, tự mãn, cô lập và tự vệ. Thực sự, công trình được xây để Trung Hoa phòng thủ trước những kẻ xâm lấn từ phương bắc.

Hình ảnh thứ nhì, cách nào đó trái chiều với thứ nhất. Hình ảnh này có tên gọi thi vị: Đường Tơ Lụa. Gần như đồng thời với Vạn Lý Trường Thành, Đường Tơ Lụa lặng lẽ ra đời để nối liền Á Âu, Đông Tây. Khởi đi từ trung tâm Trung Hoa, đường đi đến Roma, trái tim Đế quốc La Mã. Đường không được xây theo lệnh của các đại đế, cũng không là thành phần trong dự án quân sự, nhưng là bước chân của những người thật bình thường: các thương gia, nhà thám hiểm, truyền giáo, thầy tu,… đã hình thành con đường. Đường Tơ Lụa ôm giữ chứng từ mạnh mẽ về sức hấp dẫn hỗ tương giữa Đông với Tây, về ý chí vượt lên từ “chính mình” để đến với người khác, kẻ dị biệt, người bí ẩn. Trên Đường Tơ Lụa, Đông và Tây gặp gỡ ngưỡng phục nhau, qua trao đổi văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, bên này đem cho bên kia những gì tốt nhất, đẹp nhất và tinh ròng nhất, để cả hai quên đi luận điệu mình là “cái rốn vũ trụ”.

Hôm nay, khi phần lớn Vạn Lý Trường Thành vẫn còn đó qua bao thế kỷ, Đường Tơ Lụa đã biến mất từ lâu trong cảnh vật. Nhưng sâu thẳm trong lòng người, chúng ta ai cũng mong hạ bỏ bức tường chia cách và xây lối hiệp thông. Con đường rao giảng Tin Mừng tại Á châu phải mang những tính cách của Đường Tơ Lụa: con đường uốn lượn hình thành từ những bước chân nho nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường, khắc sâu trên đất, để những bước chân khác không thôi dẫm lên, mong manh nhưng dai như lụa, nhỏ bé nhưng vươn xa.

Trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Á châu, người ta đã dựng những bức tường dù không cố ý. Và đã có nhiều điểm nhấn phân biệt đức tin Kitô giáo với các thực tại tôn giáo và văn hóa khác. Căn tính Kitô giáo cũng thường được xây dựng nhiều trên nguyên tắc định tính, nhiều tới mức niềm tin Kitô giáo bị đánh dấu “ngoại thuộc” đối với nhiều dân tộc Á châu. Nhận biết niềm tin Kitô giáo ít thích ứng nhất trên lục địa sùng đạo nhất của hành tinh, Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa đã chất vấn qua bản văn mới đây: “Chẳng phải chính vì vẫn được tiếp nhận tại đó như một tôn giáo ngoại quốc do những người Tây phương giới thiệu, Kitô giáo đã không thích ứng hiệu quả, được suy tưởng và sống trong những nền văn hóa Á châu?” (Towards a pastoral approach to culture, 1990, số 20).

Thượng Hội đồng Giám mục Á châu cũng nhấn mạnh sự thể này: “Khi Giáo Hội được ngưỡng mộ về các dịch vụ tổ chức, hành chánh, giáo dục, y tế, và các công trình phát triển, người dân [những tín hữu thuộc niềm tin khác hoặc những anh chị em vô thần tại Á châu] thường không thấy Giáo Hội là hoàn toàn Á châu, không đơn giản vì các quốc gia phương tây yểm trợ nhiều tài chánh, nhưng cũng vì tính chất tây phương của Giáo Hội trong thần học, kiến trúc, mỹ thuật… Vì thế một số anh chị em ngại ngần khi chấp nhận Kitô giáo do lo sợ đánh mất văn hóa và căn tính dân tộc” (Instrumentum Laboris, số 13).

Cảm nhận phức tạp giữa ngưỡng mộ và sợ hãi, giữa biết ơn và nghi ngại vẫn dai dẳng trong quan hệ Kitô giáo với Á châu. Tính quen biết một phía dành cho phía bên kia dễ vỡ, nông cạn, kén chọn và cũng hay thủ thế với nhau. Có những bức tường tự vệ dựng lên ở cả hai phía, những bức tường thu hẹp đường chân trời, che giấu nỗi bất an và dung dưỡng tính nghi ngờ.

Bằng mọi cách, Tin Mừng hóa không nên ưu ái thái độ dựng tường chắn, rào cản. Đức Kitô đến phá vỡ bức tường cách ngăn (Eph 2, 14) và trở thành con đường hiệp thông (Jn 14, 6). Khi kéo đổ những bức tường Đức Kitô tạo lập nơi chính mình mối hiệp nhất những dị biệt. Người dạy chúng ta, mọi con người, dù thuộc chủng tộc hay văn hóa nào đều hành trình về cùng một điểm tới. “Vượt trên mọi chia cách, Đức Giêsu làm cho mọi người có thể sống với nhau như anh chị em, nhận biết Cha chung trên trời. Nơi Người mối hòa hợp mới đã nảy sinh” (EA 13). Chính Người là đường, là khoảng trống trong tương quan hàng dọc với đấng thánh và hiệp thông hàng ngang với thế giới và các anh chị em.

Con đường là một trong những ẩn dụ được yêu thích nhất trong lối suy tư Á châu và thường gặp trong các tôn giáo hay triết học Đông phương. Trong đạo Hồi, Shariah, “đường” là lối đi ngoại tâm. Ấn giáo nói đến ba Margas, ba con đường cho giải phóng và hối cải. Trong Phật giáo, “đường” là nẻo đi dẫn đến giải thoát hoàn toàn và là Đấng Tối Cao của Niết Bàn, là “Bát Đạo Cao Quí”. Từ “tao” trong đạo Lão chính xác là “đường”. Tại Nhật, Shintaoism là tôn giáo của Shinto, đường của vị thần thánh. Chúng ta không ngạc nhiên, với câu hỏi đặt ra để nghiền gẫm khi chuẩn bị Hội nghị Thượng Hội đồng Giám mục Á châu, nhiều Giáo Hội trả lời phương cách Kitô học thích hợp nhất cho châu Á là giới thiệu Đức Kitô, “con đường” cứu độ và cuộc hòa hợp phổ quát.

Đã rõ, khi nói đến hội nhập văn hóa, Tông huấn Ecclesia in Asia (EA) nhất định từ chối não trạng về bức tường và dứt khoát thừa nhận não trạng về con đường. Tinh thần đối thoại hiệp thông và chia sẻ là món quà từng được nhấn mạnh trong nhiều văn bản Vatican II (Gaudium et Spes, 22, 53; Ad Gentes, 11, 22) và các văn bản hậu Công đồng (Evangelii Nuntiandi 20; Redemptoris Missio 52-54) đã thấm nhuần giáo huấn tông truyền. EA thực sự còn gọi niềm tin vào Đức Giêsu của Giáo Hội là “món quà nhận được và món quà chia đi” (EA 10). Ecclesia in Asia xác định hội nhập văn hóa ngụ ý tiến trình làm phong phú lẫn nhau. “Trong tiến trình gặp gỡ những nền văn hóa khác nhau trên thế giới, Giáo Hội không chỉ chuyển giao những chân lý và giá trị của mình hay đổi mới những nền văn hóa từ bên trong, nhưng Giáo Hội cũng nhận từ nhiều nền văn hóa khác nhau các thành tố tích cực đã sẵn đó nơi các nền văn hóa” (EA 21).

Mô hình hội nhập văn hóa được chọn khá rõ ràng: không nên thực hiện “hội nhập văn hóa đối đầu và đối kháng, nhưng trong tinh thần bổ túc và hòa hợp. Trong khung bổ túc và hòa hợp này, Giáo Hội có thể thông truyền Tin Mừng bằng phương cách trung thực với cả Truyền thống riêng lẫn tâm hồn Á châu” (EA 6). Khó khăn ở đây là đưa tiến trình vào thực hành. “Vấn nạn lớn là Giáo Hội ở Á châu bằng cách nào chia sẻ với các anh chị em Á châu kho tàng của chúng ta gọi là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô như món quà chứa đựng mọi thứ quà tặng” (EA 19).

2. GẦN HAY XA? TÁI KHÁM PHÁ GỐC RỄ Á CHÂU CỦA KITÔ GIÁO

Trong kho tàng khôn ngoan Do Thái của Chassidim có câu chuyện: Benjamin nghe Johannan bỏ đi, anh đến gặp Johannan và khi biết tiềm ý của Johannan, anh hỏi: “Vậy là anh đang xuống miền đó? Anh đi thế xa quá!” Johannan đáp lại: “Xa ai? Xa đâu?”

Xa hay gần là khái niệm tương đối. Người ta đặt tên cho những vùng địa lý khác nhau của phía Đông là “Cận Đông”, “Trung Đông” hay “Viễn Đông” vì coi châu Âu như trung tâm (Eurocentric). Ngay trong Giáo Hội, các quốc gia Á châu từng bị xem như xa xôi với Đức Kitô, xa rời ảnh hưởng đức tin Kitô giáo. Hôm nay chúng ta ý thức hơn về tính địa lý trong văn hóa và tôn giáo. Chúng ta biết rõ hơn trái đất này thực sự tròn, nơi không có những chóp đỉnh kim tự tháp, không có cả ngõ cụt chấm dứt dòng chảy sự sống. Não trạng toàn cầu và cảm nhận về tính Công giáo gia tăng trong Giáo Hội, tất nhiên cũng đi kèm với chủ trương toàn cầu hóa.

Không có “xa” hay “gần” trong cảm nhận tuyệt đối vì không có “trung tâm” của thế giới. Nhưng có một “Trung Tâm”, Trung Tâm này không phải một địa điểm nhưng là một con người. Đó là Đức Giêsu Kitô, qua Người tất cả “xa” thành “gần”. Thánh Phaolô nói với những Kitô hữu không phải gốc Do Thái: “Trước kia anh em là những người ở xa nhưng nay trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2, 13). Chính Đức Kitô là khoảng trống nơi mọi người được đưa về gần Thiên Chúa và gần nhau hơn. EA xác định: “Trong Đức Giêsu Kitô, nhờ quyền năng Chúa Thánh Linh, chúng ta biết Thiên Chúa không xa xôi, không ở trên hay cách biệt với con người, nhưng rất gần, và thực sự Ngài đã hợp nhất mỗi người với cả nhân loại trong mọi tình huống đời sống. Đây là thông điệp Kitô giáo gửi đến thế giới” (EA 12).

Ecclesia in Asia nói rõ về tính trung tâm của Đức Kitô, điểm qui chiếu cho mọi nỗ lực Tin Mừng hóa hay hội nhập văn hóa. “Đóng góp đặc biệt của Giáo Hội với các sắc dân lục địa là rao truyền Đức Giêsu Kitô… Giáo Hội mong muốn trao tặng sức sống mới đã tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô với mọi dân tộc Á châu đang trên đường tìm kiếm sức sống viên mãn… Niềm tin của Giáo Hội nơi Đức Giêsu là món quà Giáo Hội có thể góp với Á châu” (EA 10).

Trên thực tế, nhìn thế nhưng châu Á không xa Đức Kitô. Đây là lục địa Đức Kitô đã chọn ra đời, sống, chết, và phục sinh, là mảnh đất nơi lịch sử của dân được chọn đã diễn tiến. “Thực sự chính tại Á châu Thiên Chúa đã tỏ lộ và hoàn thiện mục đích cứu độ của thuở ban đầu… Trong ‘viên mãn của thời gian’, Thiên Chúa gửi Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, đã nhận lấy xác phàm như một người Á châu!” (EA 1). Châu Á thật ra không xa vì Giáo Hội và đức tin Kitô giáo không xa lạ tại châu Á. “Á châu là nơi chôn nhau cắt rốn của Đức Giêsu và Giáo Hội” (EA 5). “Chính tại Á châu Đức Giêsu thổi hơi Thánh Thần trên các môn đệ và sai anh em đến tận cùng thế giới rao truyền Tin Mừng và tụ họp cộng đồng các tín hữu” (EA 9). Giáo Hội Á châu đang trong tiến trình tái khám phá, ý thức hơn, “gốc rễ Á châu của Kitô giáo” (EA 4).

Ý thức này đong đầy Giáo Hội bằng niềm vui khôn tả, lòng biết ơn và niềm ngưỡng mộ sâu xa đối với trí khôn ngoan Thiên Chúa đã dùng để hoàn thành kế hoạch cứu độ. Trong sắp đặt của Thiên Chúa, không chỉ Chúa Giêsu đã sống trong lục địa này, nhưng toàn bộ mạc khải thánh kinh được hoàn tất nơi các lãnh thổ này, mọi văn bản Sách Thánh được viết trong môi trường và não trạng văn hóa Đông Phương. Như thế những chuyến truyền giáo đầu tiên cũng khởi đi từ Á châu, và công đồng chung đầu tiên, những diễn bày thần học, những trường phái linh đạo, các truyền thông đầu tiên của Giáo Hội bắt nguồn từ đây, nơi châu Á.

Tuy nhiên, trí khôn ngoan Thiên Chúa ước mong sau những giờ khắc đầu tiên, cuộc loan báo Tin Mừng đi về hướng Tây, nơi lời Chúa được rao truyền nhanh chóng (2Th 3, 1), được trợ giúp bằng tính hiệp nhất chính trị và xã hội, cũng như tính đồng bộ trong ngôn ngữ và văn hóa của Đế quốc La Mã. Tin Mừng của Đức Kitô từ phương Đông thấm nhuần vào cấu trúc văn hóa phương Tây còn sâu xa hơn. Rồi từ đó, lan truyền xa hơn đến châu Mỹ và châu Phi. Trong khi tại chính Á châu, hành trình tương tự vẫn chậm chạp và khó khăn. Đa số dân chúng Á châu gặp gỡ Kitô giáo chỉ trong phần sau của thiên niên kỷ thứ hai.

Sứ điệp Tin Mừng đã tạo một chuyến đi khứ hồi lý thú. Đức tin Á châu tiếp nhận từ nhiều thế kỷ trước đã ra đời tại phương Đông, nhưng được làm phong phú do di sản văn hóa phương Tây. Hôm nay, đến lượt Á châu phải góp phần đặc biệt của mình về các suy tư thần học và sự thánh thiện cho đức tin chung của chúng ta và lợi ích mọi dân tộc. Hôm nay cũng đến lượt Á châu gửi các nhà truyền giáo đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trên thế giới. “Đức tin phải được củng cố khi được ban tặng cho người khác!” (Redemptoris Missio 2). Trong hành trình đi về rất lý thú này, không có định nghĩa cứng nhắc về gần xa, đầu cuối hoặc người cho hay kẻ nhận. Nét đẹp trong cuộc hiệp thông của các thánh và sức sống trong sứ vụ Kitô Giáo là đây.

Vào thế kỷ 16, sau hành trình dài và gian khổ, đức tin Kitô giáo đã trở lại cùng Á châu mang theo gánh nặng: nét đơn điệu cứng nhắc, thói phòng thủ của thời chống cải cách, mặc cảm tự tôn của văn hóa Tây phương, niềm khát mong yếu ớt muốn thấu hiểu các tôn giáo và văn hóa cổ xưa của phương Đông, những mối dây ràng buộc với chủ nghĩa thuộc địa… Nhưng chúng ta không thể không thú nhận, đức tin Kitô giáo Á châu tiếp nhận cũng giàu có và đầy hoa trái. Rõ ràng quá khứ có gánh nặng của quá khứ, nhưng quá khứ cũng có tài sản của quá khứ. Khi hoạch định sứ vụ tại Á châu, “Giáo Hội không thể bỏ qua những gì Giáo Hội đã nhận từ cuộc hội nhập văn hóa trong thế giới tư tưởng La-Hy. Chối bỏ di sản này là chối bỏ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn Giáo Hội đi dọc theo con đường thời gian và lịch sử” (Fides et ratio, 72). Cuộc Tân Phúc Âm hóa tại phương Đông nên được xây dựng trên di sản phong phú Giáo Hội đã nhận từ hai thiên niên kỷ đầu tiên tại phương Tây. Giáo Hội Á châu không thể ngoái nhìn lịch sử rồi giận hờn hay tranh cãi, nhưng với lòng biết ơn và tinh thần phê phán lành mạnh, và với trí khôn ngoan của những ai biết nhìn ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa hiện thực nơi những sự kiện nhân bản. Thay vì tìm những hoa quả nhỏ bé từ nỗ lực truyền giáo trong quá khứ, Giáo Hội tại Á châu phải hướng về tương lai với lòng can đảm và hy vọng. Đức Thánh Cha nhận thấy “mùa xuân mới trong đời Kitô hữu” tại Á châu (EA 9) với khởi đầu thiên niên kỷ mới và rõ ràng Á châu sẽ trở nên vùng “đất thu hoạch màu mỡ” (EA 4).

Cuộc tái khám phá cội nguồn Á châu của Kitô giáo dẫn đến ý thức tươi mới về di sản văn hóa và tôn giáo Á Châu. EA nhận biết nét phong phú của những giá trị này và đã liệt kê một số: “lòng yêu mến thinh lặng, trí chiêm niệm, tính giản dị, nét hài hòa, tính từ bỏ, lòng bất bạo động, tinh thần cần cù, kỷ luật, cuộc sống thanh đạm, khát vọng học hỏi và ưu tư minh triết,… tôn trọng sự sống, tính hiếu sinh, tính thân gần với thiên nhiên, lòng hiếu thảo, quý trọng tình yêu gia đình, ý thức cộng đồng, tình đoàn kết, tinh thần khoan dung tôn giáo và cuộc sống chung hòa bình, khả năng thích nghi và tinh thần cởi mở tự nhiên để các dân tộc làm phong phú lẫn nhau giữa số đông các nền văn hóa và tôn giáo” (EA 6). Giáo Hội tích cực nhìn vào những giá trị này và cám ơn Thiên Chúa: “Chúng ta lại ngợi khen Thiên Chúa vì nét phong phú về văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống và tôn giáo tại lục địa lớn lao này. Chúc tụng Thiên Chúa vì người dân Á châu, giàu có trong đa dạng nhưng hợp nhất trong mong ước hòa bình và viên mãn sự sống” (EA 50).

3. ĐỂ ĐÁP ỨNG KHÁT MONG SÂU XA VỀ “NƯỚC HẰNG SỐNG”, CĂN BẢN THẦN HỌC VỀ HỘI NHẬP VĂN HÓA

Tinh thần chia sẻ quà tặng, ý thức về nét phong phú, tình thân gần hữu hiệu của Đức Kitô đẩy Giáo Hội Á châu tới cuộc dấn thân mới về hội nhập văn hóa. Chương IV trong EA đề cập tới hội nhập văn hóa với tựa đề: Loan truyền về Đức Giêsu Cứu Thế: Món Quà Tặng.

Đâu là nền tảng thần học về hội nhập văn hóa? Văn bản hậu thượng hội đồng không thể không giải quyết vấn đề cấp bách và thúc bách này như đã thấy rõ trong thái độ can thiệp của các nghị phụ dự thượng hội đồng. Ý tưởng chính: Á châu là lục địa mở rộng cho siêu việt. Các dân tộc Á châu khát mong những giá trị tinh thần và Thiên Chúa đã đến làm dịu cơn khát bằng món quà quý giá nhất cho nhân loại, đó là Chúa Giêsu Kitô. “Giáo Hội tín phục rằng có cơn khát ‘nước hằng sống’ (Ga 4, 10-15), nằm sâu thẳm nơi các dân tộc, văn hóa và tôn giáo của Á châu, nỗi khát chính Thánh Linh đã tạo nên và chỉ Chúa Giêsu Cứu Thế có thể đáp ứng hoàn toàn” (EA 18). “Dân tộc châu Á cần Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Châu Á khát khao nước hằng sống mà chỉ Đức Giêsu có thể ban” (EA 50).

TỪ QUAN ĐIỂM KITÔ HỌC

Có thể kết luận rằng nền tảng thần học của EA về hội nhập văn hóa chính là mầu nhiệm “về tính duy nhất và phổ quát của ơn Cứu độ”. “Như được diễn tả sáng tỏ về mầu nhiệm tình yêu Cha dành cho mọi người, Đức Giêsu thực sự là duy nhất, và chính xác do tính duy nhất này Đức Kitô mang lấy tầm quan trọng tuyệt đối và phổ quát” (EA 14). Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã một lần được thực hiện, trong không gian thời gian và môi trường văn hóa nhất định đã tác động đến mọi dân tộc, mọi tình huống nhân sinh, mọi lứa tuổi và toàn vũ trụ.

“Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đảm nhận những đặc tính tiêu biểu trong bản chất con người, bao gồm cả sự thể mỗi người thuộc về một dân tộc và một lãnh thổ nhất định” (EA 5), vì thế “không cá nhân nào, không nền văn hóa nào được dửng dưng với lời mời gọi của Đức Giêsu” (EA 14). Hội nhập văn hóa đi theo lý luận của kế hoạch Cứu độ tuyệt vời của Thiên Chúa. Tiến trình hội nhập văn hóa là tiến trình nhập thế của Con Chúa và mầu nhiệm Vượt qua của Người. “Hội Nhập Văn Hóa” là “cuộc Nhập Thể” của Tin Mừng trong môi trường văn hóa nhất định. Theo phương cách đó, sứ điệp này không chỉ gặp được lối diễn bày qua nét phong phú thích hợp của nền văn hóa đang được đặt vấn đề, nhưng cũng trở nên nguyên lý làm sinh động, tạo hiệp nhất và thanh tẩy, chuyển biến, phục hồi nền văn hóa.

Trên nền tảng Kitô học này, các nghị phụ của thượng hội đồng đã đạt tới một xác quyết dứt khoát và sắc bén: hội nhập văn hóa đức tin tại Á châu “liên quan đến việc tái khám phá dạng diện Á châu của Đức Giêsu và tìm ra lối đường cho những nền văn hóa châu Á có thể nắm bắt ý nghĩa ơn cứu độ phổ quát của mầu nhiệm về Đức Giêsu và Giáo Hội Người.” (EA 20), Đồng thời các nghị phụ tín phục rằng “khi chiêm ngắm Đức Giêsu nơi bản tính con người, các sắc dân Á châu thấy câu hỏi sâu xa nhất có giải đáp, niềm hy vọng được đáp ứng, phẩm cách được nâng cao và nỗi thất vọng bị chế ngự” (EA 14).

TỪ QUAN ĐIỂM THÁNH LINH HỌC

Ecclesia in Asia không ngần ngại tuyên bố: “Thánh Linh là tác nhân chính trong cuộc hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo tại Á châu” (EA 21, 17). Chương III trong văn bản hậu thượng hội đồng về Chúa Thánh Linh mang lại một mô tả đẹp về sự hiện diện và tác động Thánh Linh trong sứ vụ của Giáo Hội tại Á châu. “Thánh Linh tác động trên châu Á vào thời các tổ phụ và các tiên tri, và còn tác động mạnh mẽ hơn trong thời Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội sơ khai. Hôm nay Ngài đang hoạt động giữa các Kitô hữu Á châu, củng cố chứng từ về đức tin của họ giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo tại lục địa này. Đúng như cuộc đối thoại tình yêu giữa Thiên Chúa và con người được Chúa Thánh Linh chuẩn bị và được hoàn tất trên mảnh đất Á châu trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Như thế cuộc đối thoại giữa Đấng Cứu độ và các dân tộc trên lục địa này hôm nay tiếp tục trong cũng một quyền năng Thánh Linh đang tác động trong Giáo Hội” (EA 18).

Ecclesia in Asia nhận thức nhiều phương cách, qua đó Chúa Thánh Linh hiện diện nơi cuộc hội nhập văn hóa của Tin Mừng tại Á châu. Ngài dạy Giáo Hội khôn ngoan khi nhận thức, sáng tạo khi tìm kiếm những cách thế hữu hiệu và thích ứng để bước vào đối thoại với các tôn giáo và văn hóa khác nhau, bảo đảm “đối thoại mở ra trong sự thật, với lòng chân thành, khiêm nhường và thái độ trân trọng” (EA 21). Ngài hoạt động nơi tâm lòng con người, tạo khát vọng một cuộc sống hoàn thiện, “hướng dẫn con người trong chân lý và thiện hảo” (EA 15), chuẩn bị con người “cho cuộc đối thoại với Đấng Cứu độ mọi người” và “cho cuộc sống trưởng thành trọn vẹn trong Đức Kitô” (EA 17). Hơn nữa, Thánh Linh đong đầy Giáo Hội với tính năng động và sáng tạo, trang điểm cho Giáo Hội với các ơn phúc và ơn đoàn sủng, cho Giáo Hội rộng mở hơn bao giờ về hướng đa văn hóa, và giúp Giáo Hội phát triển tính Công giáo, hiệp thông và hài hòa chân thực, “Thánh linh quy tụ nên một mọi sắc dân cùng với mọi nền văn hóa, tài nguyên và tài năng khác nhau, làm cho Giáo Hội trở nên dấu chỉ hiệp thông của cả nhân loại dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô” (EA 17).

Hội nhập văn hóa tại Á châu sẽ thành công chỉ khi Giáo Hội tiếp tục chú ý lắng nghe những gì Giáo Hội vẫn nói đến trong nhiều thập niên qua và vẫn đang nói đến hôm nay nơi lục địa rộng lớn này.

TỪ QUAN ĐIỂM GIÁO HỘI HỌC

Là bí tích của Đức Kitô và nhận ủy thác sứ vụ từ Người, Giáo Hội tín phục mình là công cụ cứu độ giữa các dân tộc. Giáo Hội có thể mang lại nước hằng sống cho Á châu đang khát khao. Nhưng đâu là kênh tốt nhất để chuyển nước hằng sống đến nơi phải đến? EA mạnh mẽ xác nhận: “Vấn đề không phải là Giáo Hội có gì thiết yếu cần bày tỏ với anh chị em thời đại hôm nay, nhưng là Giáo Hội có thể trình bày sao cho rõ ràng và thuyết phục điều thiết yếu!” (EA 29).

Ơn cứu độ cần được gợi ý, nước hằng sống cần được chào mời. Giáo Hội, dưới hướng dẫn của Thánh Linh, nên tiếp tục học hỏi nghệ thuật gợi ý, chào mời và hấp dẫn, liên kết với nét lịch lãm và trọng nể, với niềm hiểu biết sâu xa và trong tinh thần đối thoại. “Khi gửi Tin Mừng Cứu Thế cho những ai, Giáo Hội cố gắng hiểu văn hóa của họ, tìm biết tâm trí người nghe, hiểu những giá trị và phong tục, các vấn đề, những khó khăn, niềm hy vọng và ước mơ của họ. Khi Giáo Hội biết và hiểu những lãnh vực văn hóa đa dạng này, Giáo Hội mới có thể trân trọng tặng ban Tin Mừng Cứu độ với thái độ sáng tỏ và quả quyết cho tất cả những ai tự do mong được nghe và đáp trả” (EA 21).

Rõ ràng nỗ lực hội nhập văn hóa là phần chủ yếu trong sứ vụ rao truyền của Giáo Hội, và hôm nay là nhiệm vụ khẩn thiết hàng đầu với Giáo Hội tại Á châu. “Qua hội nhập văn hóa, Giáo Hội, về phía mình, Giáo Hội trở nên dấu chỉ rõ ràng hơn ‘mình là ai’, và cũng trở thành phương cách truyền giáo hữu hiệu hơn” (EA 21). “Các Nghị phụ nhận biết rõ nhu cầu cấp thiết của các Giáo Hội địa phương tại Á châu phải trình bày mầu nhiệm Đức Kitô với dân tộc của mình theo cách thế suy tư và khuôn mẫu văn hóa của họ” (EA 20).

Tự nhiên, nhiệm vụ hội nhập văn hóa “phải liên quan đến toàn thể dân Chúa” (EA 21), nhưng các Giáo Hội địa phương có vai trò đặc biệt và trách nhiệm trực tiếp hơn. Đây là nhiệm vụ trước tiên “nhằm trình bày mầu nhiệm Đức Kitô cho các dân tộc theo mẫu văn hóa và lối suy tư của họ” (EA 20). Giáo Hội địa Phương từng là chủ đề thường được suy tư trong FABC. EA nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp thông và việc cộng tác nơi các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ, cũng như nơi cả hai bên vì “hiệp thông và sứ vụ thường tay trong tay” (EA 24).

Trong giao tiếp năng động với văn hóa địa phương, di sản đức tin bảo đảm tính chân thực của hiệp thông. Cuộc hiệp thông như thế chắc chắn mang tính hợp nhất và phổ quát của Giáo Hội. Cuộc hiệp thông phổ quát cần phục vụ các Giáo Hội Địa Phương để hoàn thành sứ vụ, và khi đến phần mình, Giáo Hội địa phương hội nhập văn hóa có thể làm phong phú các Giáo Hội khác.

4. ĐÁNH ĐỘNG LÒNG NGƯỜI, ỨNG DỤNG MỤC VỤ CỦA HỘI NHẬP VĂN HÓA

Từ nền tảng thần học, EA rút ra chuỗi ứng dụng mục vụ phong phú, đặc biệt áp dụng tại Á châu. Dù những ứng dụng này không vờ như hoàn hảo, cũng không theo hệ thống chặt chẽ, không phức tạp, nhưng mang lại những gợi ý quí giá, nhắm đến cuộc hội nhập văn hóa sâu xa hơn.

Tin Mừng chưa đạt tới cõi tâm của những dân tộc Á châu. Đây là sự thật đau lòng, được nhắc đến nhiều lần trong các phát biểu của các nghị phụ dự Thượng Hội đồng. Bàn đến hội nhập văn hóa trong phụng vụ, các nghị phụ đề nghị phụng vụ của Giáo Hội “phải đạt tới cõi tâm con người và có ý nghĩa với người dân trong Giáo Hội địa phương. Với nhiều giáo dân Công giáo Á châu, phụng vụ chính thức thường được cảm nhận như xa lạ và không đánh động cõi tâm của họ” (Proposition 43).

“Cõi tâm” trong văn hóa Á châu không chỉ giới hạn là những cảm tính, nhưng có ý nghĩa tương tự với “tâm lòng” trong Thánh Kinh: trung tâm của cuộc hiện hữu, từ đó nảy ra suy tư, ý tưởng, tình cảm, quyết định và định hướng cho đời sống một con người. Khi trình bày về Đức Kitô Cứu Thế, EA nói, Người “lên tiếng từ cõi tâm của thân phận người”, để “không cá nhân nào, không quốc gia nào, không nền văn hóa nào lại dửng dưng trước lời kêu gọi của Đức Giêsu” (EA 14). Thánh Linh hoạt động nơi cõi thẳm của lòng người, Ngài “chuẩn bị những tâm lòng của dân tộc Á châu để đạt tới cuộc đời hoàn thiện trong Đức Kitô” (EA 20).

Và Giáo Hội sống hiệp thông, cần nhiều nỗ lực để tạo lập “cuộc đối thoại về sự sống và tâm lòng”, hay sống hiệp thông bên trong Giáo Hội với các phần tử của Giáo Hội, hay là hiệp thông ngoài Giáo Hội với các anh chị em từ các tôn giáo khác hoặc các tín ngưỡng khác. (EA 25, 30). Rao truyền Tin Mừng nên được thực hiện khi “nói lên sự thật trong tình yêu” (Ep 4, 15 trích dẫn trong EA 20). Chỉ khi đó chúng ta mới có thể rao giảng Tin Mừng là công trình của tâm lòng, và do đó nếu hội nhập văn hóa trở thành triệt để và bền vững, sẽ đánh động tâm lòng người dân Á châu.

1/ Hòa hợp với những đặc điểm trong hiệp thông tôn giáo và phương pháp học hỏi tại Á châu, EA đề nghị “khoa sư phạm gợi nhớ ” sử dụng chuyện kể, dụ ngôn và biểu trưng. Ai cũng biết kinh nghiệm thực tế của Á châu không chủ yếu là đường thẳng hay ý niệm, nhưng là đường xoáy ốc và biểu trưng, là những gì thuộc về trực giác, hấp dẫn, gợi mở, thẩm mỹ.

2/ “Phương pháp kể chuyện thuộc hình thái văn hóa Á châu được yêu chuộng. Thực sự, việc rao truyền Đức Giêsu Kitô có thể hữu hiệu nhất qua lối kể chuyện của Người, như Tin Mừng đã kể”. Khái niệm hữu thể học, bản sắc của tư tưởng Tây phương và những gì cần thiết cho kiến thức hệ thống về sứ điệp, “có thể được bổ sung bằng những viễn ảnh có nhiều tương quan hơn, ngay cả về lịch sử sẽ quen thuộc hơn với người Á châu”.

3/ Mọi truyền thống triết học Á châu đều đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm về tương quan trực tiếp với thực tế. Như thế, kinh nghiệm và đời sống đóng vai trò hướng đạo trong hiệp thông niềm tin. Rao truyền về Đức Giêsu Kitô cần thích ứng với độ trưởng thành của người nghe, tình huống cụ thể của họ, và vấn nạn sâu xa nhất trong đời họ. “Tác vụ của chính Đức Kitô rõ ràng cho thấy giá trị của những cuộc tiếp xúc cá nhân, điều đòi hỏi nhà truyền giáo để lòng đến tình huống của người nghe”. Trong viễn ảnh này, các nghị phụ của Thượng Hội đồng nhấn mạnh, cần một nỗ lực nghiêm chỉnh để tìm phương cách loan báo Tin Mừng, phương cách “kêu gọi các dân tộc Á châu biết nhạy cảm”. Thí dụ, các vị đề nghị một danh sách những hình ảnh về Đức Giêsu, những gì còn trung thực với Thánh Kinh và Truyền thống, sẽ dễ dàng mang lại ý nghĩa và giúp người châu Á đạt được những trải nghiệm cá nhân.

4/ Việc giới thiệu Đức Giêsu cần áp dụng khoa sư phạm tiệm tiến, “giới thiệu từng bước rồi hướng đến toàn bộ mầu nhiệm”. “Bước đầu là loan báo Tin Mừng cho người không thuộc Kitô giáo và tiếp theo là rao truyền Đức Giêsu cho các tín hữu sẽ phải chọn phương thức khác”. Ecclesia in Asia đưa ra thí dụ: bước đầu rao truyền, “phần giới thiệu Đức Giêsu Kitô có thể trở thành một đáp ứng cho khát vọng của người dân được diễn tả trong những huyền thoại và văn hóa dân gian của các sắc dân Á châu.

5/ Cần chú tâm đến tầm quan trọng của truyền thông đại chúng thời nay nhằm thông truyền và hội nhập đức tin vào văn hóa. Rõ ràng, sứ vụ Tin Mừng hóa của Giáo Hội chịu ảnh hưởng sâu sắc do đụng độ với nền “văn hóa mới” này, “diễn đàn ngôn luận areopagus thời đại mới”. “Giáo Hội cần khám phá những phương cách hội nhập hoàn toàn truyền thông đại chúng vào kế hoạch và hoạt động mục vụ” (EA 48) cũng như vào tiến trình hội nhập văn hóa.

Ngoài đóng góp những chỉ dẫn mang tính phương pháp, EA định tính những lãnh vực chính yếu trong đoạn 22, là những gì các nỗ lực hội nhập văn hóa nên tập trung và thực hiện.

a. Lãnh vực thần học

Hòa lòng với các nghị phụ, Đức Thánh Cha bày tỏ “niềm khích lệ các nhà thần học trong nhiệm vụ tế nhị nhằm phát triển ngành thần học hội nhập văn hóa, đặc biệt trong lãnh vực Kitô học”. Điều này cần thiết vì đức tin Kitô giáo “không thể bị trói buộc trong giới hạn hiểu biết hay mô tả của một nền văn hóa nhân bản duy nhất nào” (EA 20). Năm 1975, Đức Phaolô VI, trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, đã thách thức các Giáo Hội địa phương “phiên dịch kho báu đức tin thành nhiều diễn bày hợp pháp về bản tuyên xưng đức tin” (EN 6). Trong Thông điệp Fides et Ratio (1998), Đức Gioan Phaolô II tách riêng Ấn Độ thành một vùng đặc biệt giữa các miền đất Đông phương, phong phú trong truyền thống văn hóa và triết học. “Đặc biệt tại Ấn Độ, nhiệm vụ của Kitô hữu hiện nay là rút ra từ di sản phong phú này những yếu tố tương đồng với đức tin, để làm giàu cho tư tưởng Kitô giáo” (FR 72).

Tâm điểm hội nhập văn hóa đức tin là Thánh Kinh. Lời Chúa, trong thực tế, là hạt giống cần hấp thụ chất dinh dưỡng để mọc lên và kết trái từ mảnh đất nơi hạt giống được gieo trồng (Ad Gentes 22). Các nghị phụ nhận biết “lời Chúa có sức mạnh di truyền tác động đến cõi tâm con người”, các ngài nhấn mạnh đặc biệt “tầm quan trọng của Lời Kinh Thánh khi gửi thông điệp cứu độ đến người dân Á châu, nơi Lời được chuyển giao trở nên rất quan trọng để gìn giữ và chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo”.

Hơn nữa, gần như mọi văn bản Thánh Kinh đều được hình thành và viết tại Á châu, đồng thời “lối kể chuyện tìm thấy trong nhiều Sách Thánh có nét tương tự với văn bản tôn giáo điển hình của Á châu”. Hôm nay, Thánh Kinh được dịch sang nhiều ngôn ngữ Á châu. Tuy nhiên, dù có thể xây dựng được bước căn bản, bản dịch vẫn không thể bảo đảm tự bản văn đã hội nhập văn hóa trọn vẹn. Bản dịch phải “kèm theo phần diễn giải. Phần diễn giải sẽ đặt sứ điệp thánh kinh vào tương quan rõ ràng hơn với những lối cảm nhận, suy tư, sống và tự thể hiện mình thích hợp với văn hóa địa phương. Từ diễn dịch, có thể bước sang những bước kế tiếp của hội nhập văn hóa, những bước dẫn đến việc hình thành nền văn hóa Kitô giáo địa phương, rồi vươn đến nhiều lãnh vực đời sống: cầu nguyện, làm việc, giao tiếp, thói quen, luật lệ, mỹ thuật và khoa học, suy tư triết học và thần học” (Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh, Diễn giải Thánh Kinh trong Giáo hội, 1993, IV B).

b. Lãnh vực phụng vụ

Dù ngắn gọn, EA đóng góp một số suy tư giá trị trong lãnh vực này. Trước hết do sức mạnh loan truyền Tin Mừng trong phụng vụ, EA đã đề cập đến cuộc hội nhập văn hóa khẩn thiết. Đây là “những phương cách dứt khoát về Tin Mừng hóa, đặc biệt tại Á châu, nơi tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau say mê thờ phượng, lễ hội tôn giáo và lòng sùng đạo bình dân”. Nhưng điều đó cũng không đơn giản như ai tưởng. Hội nhập văn hóa đích thực đòi hỏi nhiều hơn là chỉ kết hợp những yếu tố văn hóa truyền thống, biểu tượng, nghi lễ qua tiến trình giả tạo, ngoại tại. Hội nhập văn hóa đích thực đến từ niềm tin Kitô giáo được sống trọn vẹn trong môi trường văn hóa và những thực tế cuộc sống của người dân; do đó, hội nhập văn hóa đích thực cần “quan tâm đến những chuyển biển trong ý thức và thái độ do những nền văn hóa tiêu dùng và tục lụy mang lại, loại văn hóa đang đụng chạm tới cảm quan Á châu về việc thờ phượng và cầu nguyện”.

Chủ thể trực tiếp trong tiến trình này là Giáo Hội địa phương, nhưng khi Phụng vụ là di sản và là lối diễn tả chung đức tin của toàn Giáo Hội, Đức Thánh Cha đề nghị mối tương quan thân gần hơn giữa các Hội đồng Giám mục và các cơ quan trực thuộc Tòa thánh (Roman Dicastery) “khi kiếm tìm những phương cách hữu hiệu để nuôi dưỡng các hình thái thích hợp về thờ phượng trong môi trường Á châu”.

c. Lãnh vực đào tạo

Tiếp lời các nghị phụ, EA đưa ra chỉ trích đúng đắn về việc đào tạo giảng viên Tin Mừng tại Á châu: “Trong quá khứ, việc đào tạo theo kiểu mẫu, phương pháp và chương trình nhập cảng từ Tây phương”. Như thế các nỗ lực trong thời gian vừa qua nhằm thích ứng việc đào tạo vào môi trường văn hóa Á châu được xem là “phát triển tích cực”.

Cạnh nền móng vững chắc trong Thánh Kinh, các nghiên cứu thần học và triết học, các chủng sinh, những anh chị em sống đời thánh hiến và mọi giảng viên Tin Mừng cần kiến thức sâu rộng hơn về triết học và truyền thống tôn giáo Á châu. Linh đạo và lối sống của họ phải nhạy cảm trước di sản văn hóa và tôn giáo của dân tộc họ đang sống với và đang phục vụ. Ở điểm cuối này, các nghị phụ chỉ ra mức cần thiết phải có ban giảng huấn chủng viện được hội nhập văn hóa. Các ngài khuyến cáo các giáo sư và nhân viên cần được huấn luyện về nhiệm vụ và cũng khuyến khích họ “dấn thân sâu xa hơn để kiếm tìm cuộc sống toàn vẹn hơn của người Á châu”.

d. Lãnh vực linh đạo

Á châu là lục địa có linh đạo giữ vai trò quan trọng trong định hình đời sống người dân. Có nhiều mô tả khác nhau về đời chiêm niệm và tính thánh thiện tồn tại nơi lục địa này từ thời cổ xưa. Đức Thánh Cha làm chứng cho trải nghiệm cá nhân của ngài trước nhắc nhớ này: “Liên hệ của cha với các đại diện của những truyền thống tinh thần ngoài Kitô giáo, đặc biệt những đại diện Á châu, đã xác định với cha trong quan niệm tương lai truyền giáo tùy thuộc vào tầm vươn xa của chiêm niệm”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh một số đặc điểm của linh đạo Á châu, được các tín hữu thuộc mọi tôn giáo xem như giá trị lớn lao: “cầu nguyện, ăn chay và nhiều thứ khổ hạnh”, “quên mình, từ bỏ, khiêm nhường, đơn giản và thinh lặng” (EA 23). Di sản phong phú này phải được hội nhập vào cuộc dấn thân của họ cho Đức Kitô. Đạt mức đó, Kitô hữu Á châu mới có thể thực sự là dân Á châu và là Kitô hữu đích thực.

5. NỔI LỬA LÊN, HỘI NHẬP VĂN HÓA QUA NHÂN CHỨNG TỪ CUỘC SỐNG

Với hình ảnh rất thuyết phục về “ngọn lửa chỉ có thể thắp lên bằng chính những gì là lửa”, các nghị phụ cho thấy nếu muốn hội nhập văn hóa hữu hiệu, sẽ không đủ thuyết phục nếu chỉ đề cập tới mức khẩn thiết, dựa trên nền tảng thần học vững vàng hay một chiến lược mục vụ chính xác. Thiết yếu nhất là “các anh chị em sẽ làm cho Đấng Cứu độ được biết và yêu mến qua lối sống của anh chị em”. Thực sự, không phải hội nhập văn hóa giải quyết một vấn nạn, khai triển một lý thuyết, nhưng là làm gì đó giúp những con người và cộng đoàn trưởng thành. Cuộc hội nhập văn hóa phải được nhận biết do những người “đang bốc lửa tình yêu Chúa Kitô và hừng hực nhiệt tình làm cho nhiều người biết tới, yêu thương thắm thiết và bước theo chân Người” (EA 23). Chỉ những ai đã tự tổng hợp nguồn cội văn hóa với đức tin Kitô giáo mới có thể thông truyền cho người khác một tầm nhìn hội nhập thực sự của cả nguồn cội và đức tin, và không bị rơi vào thể hỗn tạp, cũng không để bên này mất hút trong bên kia.

Giáo Hội xác tín “con người hôm nay tin chứng nhân hơn tin thầy dạy, tin kinh nghiệm hơn tin lời dạy, tin lối sống và hành động hơn tin lý thuyết”. Đặc biệt trong môi trường Á châu, “người dân bị thuyết phục qua nét thánh thiện của đời sống hơn cuộc tranh luận trí thức” (EA 42). “Người ta luôn sẵn sàng kính trọng và đi theo các tu sĩ đích thực tại Á châu” (EA 23). Nói khác, muốn đem Tin Mừng hội nhập văn hóa, cần những ai thực sự Á châu và đích thực là Kitô hữu, họ yêu thương Chúa Kitô thiết tha và yêu mến đất nước mình, văn hóa và dân tộc mình, họ biết nhìn ra công trình của Thiên Chúa nơi lịch sử nhân loại và khám phá “hạt giống Lời Chúa” ở bất cứ đâu hoặc trong bất cứ hình thể nào họ gặp.

Đây đó EA nhấn mạnh các đặc nét của những con người này, họ có khả năng nổi lên ngọn lửa soi đường cho họ đến với Đức Kitô. Khi nói về các giáo sĩ, văn bản viết: “Người dân Á châu cần biết giáo sĩ không chỉ là những nhân viên thiện nguyện hay nhà điều hành cơ quan từ thiện, nhưng là những ai đặt tâm trí nơi cõi thẳm của Chúa Thánh Linh” (EA 43). Văn bản cũng đề cập tới các dòng tu: “Tất cả những ai ấp ủ đời sống thánh hiến đều được kêu mời làm người lãnh đạo trong cuộc kiếm tìm Thiên Chúa. Cuộc kiếm tìm luôn khuấy động lòng người, đặc biệt cuộc kiếm tìm có thể được nhìn biết nơi nhiều hình thái linh đạo và khổ chế” (EA 44). Nhưng không chỉ giáo sĩ và những ai sống đời thánh hiến, mà cả giáo dân, phụ nữ, giới trẻ, người nghèo, mỗi người trong vị thế riêng cũng có thể rao truyền qua lối sống và những đóng góp vào tiến trình Tin Mừng hội nhập văn hóa nơi môi trường của họ.

Dĩ nhiên chứng từ về đời sống thánh thiện không tách rời sứ vụ “phục vụ và yêu thương”, cũng không chia tay với cuộc dấn thân thăng tiến con người. Văn bản hậu Thượng Hội đồng nhấn mạnh “hoạt động vì công lý, tình thương và lòng nhân ái liên quan hỗ tương với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực, và đúng ra cũng linh đạo này sẽ là nguồn mạch mọi hoạt động loan báo Tin Mừng” (EA 23).

KẾT LUẬN

Khi Giáo Hội tại Á châu đi tìm kiếm cuộc“tái khám phá dạng diện Đức Giêsu” (EA 20), Giáo Hội cũng nên nhấn mạnh khuôn mặt Á châu của các môn đệ Đức Giêsu, những người đang sống trên cùng lục địa nơi Người đã ra đời, đã sống, đã chết và phục sinh.

Đức Thánh Cha viết Tông huấn này như rút ra từ kho báu của Giáo Hội “điều mới và điều cũ” (Mt 13, 52). Trong thực tế, về hội nhập văn hóa, EA không nói gì vang động hay tuyệt đối mới mẻ, đúng hơn, văn bản thiếu nhiều lãnh vực, đặc biệt đối với những ai đang chờ câu trả lời cụ thể và mới mẻ trong lãnh vực cấu trúc hay kỷ luật Giáo Hội. Tuy nhiên, từ những gì chúng ta ghi nhận, đã xuất hiện một nhận thức, một lối thuyết phục và phương cách đọc lịch sử loan báo Tin Mừng mới, một đường lối và một thách thức, một con đường mới để là Giáo Hội, những dấu chỉ mới của niềm hy vọng và một thời đại mới đang đến. Trong đó “vụ mùa đức tin sẽ được gặt hái trên lục địa rộng lớn và trọng yếu này” (EA 1). Điều này quan trọng hơn nhiều những tuyên bố đơn độc hoặc những giải pháp của văn bản.

Khái niệm về “quà tặng” xuất hiện khắp bản văn và được nhấn mạnh. Khái niệm này xây dựng quan điểm mới đầy sáng tạo, qua đó có thể nhìn về toàn bộ tiến trình hội nhập văn hóa. “Đức Giêsu Cứu Thế là món quà tặng cho Á châu” (tựa đề Chương II), “Đức tin của Giáo Hội nơi Đức Giêsu là món quà được nhận và món quà cần được chia, đó là món quà lớn lao nhất Giáo Hội tặng Á châu” (EA 10). “Chỉ khi Dân Chúa nhận ra món quà của họ nơi Đức Kitô, họ mới có thể chia sẻ món quà ấy với anh chị em qua rao truyền và đối thoại” (EA 31).

Từ ý niệm về “quà” đến “trao đổi quà”, có thể nhận thấy hội nhập văn hóa không chỉ được tiếp nhận như tiến trình một chiều nhưng là lối làm phong phú lẫn nhau, lối chia sẻ văn hóa qua lại nơi một đức tin và trong hòa điệu quà tặng. Thái độ này giúp Giáo Hội vươn ra tầm hoàn vũ, Giáo Hội là Công giáo đích thực, hợp nhất trong Đức Kitô nhưng mang tính đa văn hóa và đa sắc tộc.

Tiến trình đem Tin Mừng hội nhập văn hóa cần tỉnh thức về cội nguồn Á châu của Kitô giáo. Đã một lần chấp nhận sự thật đau buồn về “Đức Giêsu thường bị nhìn là người ngoài tại Á châu” (EA 20), Đức Thánh Cha khởi xướng thách thức thay đổi lối nhìn. Ngài mời chúng ta tái khám phá dung diện Á châu của Đức Giêsu và căn tính Á châu của những môn đệ Chúa, những người cũng đang sống nơi lục địa của Người. Muốn tái khám phá dạng diện Á châu của Đức Giêsu, cần vén bức màn phủ lên khuôn mặt Chúa, và một lần quay lại với vẻ tươi mới, nét giản đơn, và trở về với vẻ quyến rũ nguyên thủy của Tin Mừng và làm cho Tin Mừng trực tiếp lên lời với lòng người.

Âm giọng của EA nói chung là tích cực. Một cảm nhận về lòng biết ơn và hy vọng thấm đẫm văn bản. Điều này không có nghĩa Giáo Hội làm ngơ những khó khăn, những chuyện không hề đơn giản về hội nhập văn hóa. Trong Thông điệp Redemptoris Missio Đức Thánh Cha đã nhìn nhận hội nhập văn hóa là “hành trình chậm chạp” (RM 52). Điều đó chính xác ở mọi nơi, nhưng trước hết tại Á châu, với những tình huống rất phức tạp về chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Trong khi tại Tây phương, niềm tin Kitô giáo và văn hóa đã đạt đến một tổng hợp cổ điển nhất định, ở Á châu, tiến trình này mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Nhưng Giáo Hội Á châu vẫn còn trẻ trung, và đang có lợi thế từ những bài học ở Tây phương, nơi đầy thử thách và lầm lạc, đối kháng và căng thẳng, thất bại và tái định hướng nắm vai trò đầy ý nghĩa.

Giáo Hội nơi lục địa rộng lớn Á châu là và sẽ tiếp tục là “đàn chiên nhỏ” một thời gian dài (Lc 12, 32). Dù không là thiểu số đóng kín và nhút nhát, Giáo Hội “sống động trong đức tin, tràn đầy hy vọng và sinh khí, những gì chỉ tình yêu mới có thể mang đến” (EA 50); Giáo Hội sẽ bước tới trong kiên nhẫn, khôn ngoan, can đảm, tự tin và thực tế, không giả vờ hoài bão, nhưng là “dấu chỉ tiên tri” sẽ biến chuyển văn hóa từ bên trong, sẵn sàng nổi lửa lên, và là muối với hương vị tự nhiên, là men đương nhiên làm dậy bột. Lời nhấn mạnh của Đức Thánh Cha về tính thánh thiện và “chứng nhân thầm lặng của đời sống” (EA 23) đặt hội nhập văn hóa lên tầm quan trọng không thể dửng dưng.

Biết mình nhỏ bé, chúng ta thúc nhắc nhau hiệp nhất và sáng tạo. Hãy cùng hy vọng thiên niên kỷ mới sẽ thấy Giáo Hội Á châu rộng mở và gìn giữ “những phương cách mới lạ lùng” (EA 20) qua đó Thánh Linh hoạt động và Đức Kitô hiện diện trên lục địa nhà.

 

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 76 (tháng 5 & 6 năm 2013)