Đại sứ Mông Cổ: Cuộc viếng thăm của ĐTC thúc đẩy hoà bình trong khu vực

Bà Gerelmaa Davaasuren, Đại sứ Mông Cổ cạnh Toà Thánh bày tỏ lòng biết ơn về chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha, và cho rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ góp phần vào việc duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
 

Vatican News

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, với câu hỏi “Đức Thánh Cha Phanxicô là Giáo hoàng đầu tiên đến Mông Cổ. Cảm xúc của bà thế nào trước cuộc viếng thăm này?”, bà Davaasuren trả lời: “Chuyến thăm lịch sử này có ý nghĩa sâu sắc vì nó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương của chúng tôi với Tòa Thánh và giới thiệu Mông Cổ trên trường quốc tế, thu hút sự chú ý của thế giới đến đất nước và dân tộc chúng tôi. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha biểu hiện một cam kết thúc đẩy hòa bình, đối thoại và hiểu biết giữa các nền văn hóa và đa tôn giáo”.

Đại sứ giải thích Mông Cổ là một quốc gia nơi Phật giáo có nguồn gốc sâu xa và mọi người đã nuôi dưỡng một nền văn hóa chung sống hòa bình giữa các tôn giáo và cộng đồng khác nhau, gồm cả người Công giáo. Theo nghĩa này, Mông Cổ hiện nay đang tiếp tục truyền thống được thiết lập từ hơn 800 năm trước khi các tôn giáo cùng chung sống hòa bình. Bà nói: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha mang đến một cơ hội duy nhất để làm nổi bật các khía cạnh của bối cảnh chính trị xã hội Mông Cổ. Chúng tôi muốn sự chú ý của quốc tế tập trung vào sự đa dạng văn hóa phong phú của chúng tôi và quyền tự do tôn giáo mà người dân chúng tôi có được và Hiến pháp bảo đảm. Cam kết của Mông Cổ đối với sự khoan dung tôn giáo và thực hành hòa bình tôn giáo là một khía cạnh thiết yếu của bản sắc dân tộc và là minh chứng cho các giá trị tiến bộ của chúng tôi”.

Nói về những đóng góp của Giáo hội Công giáo đối với đất nước, Đại sứ khẳng định, các dự án của Giáo hội Công giáo ở Mông Cổ rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương và thiệt thòi về kinh tế. Các dự án phát triển do Giáo hội Công giáo thực hiện có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng cộng đồng và sinh kế bền vững. Những dự án đó không chỉ góp phần giảm tỷ lệ nghèo nhưng còn thúc đẩy hòa nhập xã hội và cơ hội bình đẳng cho tất cả người dân. Sự tập trung của Giáo hội vào giáo dục và phát triển phù hợp với các ưu tiên của chính phủ và chính phủ đánh giá cao sự đóng góp của Giáo hội cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Với câu hỏi cuối cùng liên quan đến kỳ vọng của cuộc viếng thăm, Đại sứ trả lời điều đầu tiên bà tin rằng chuyến thăm sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị và hiểu biết giữa Mông Cổ và Tòa Thánh, dẫn đến việc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm giáo dục, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tiếp đến là thúc đẩy đối thoại liên tôn và vun trồng sự tôn trọng các tín ngưỡng đa dạng. Bà kết luận: “Trên hết, chúng tôi kỳ vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ để lại một di sản sâu sắc và lâu dài về hòa bình, hợp tác và thiện chí. Chúng tôi cũng hy vọng chuyến thăm lịch sử sẽ truyền cảm hứng cho những nỗ lực mới hướng tới phát triển bền vững, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường ở Mông Cổ”.