ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN TỪ NHỮNG GÓC NHÌN KHÁC NHAU
WHĐ (12.11.2021) – Đối thoại giả thiết lắng nghe; nếu không, đối thoại chỉ là độc thoại trá hình. Cần lắng nghe với cái trí không định kiến và cái tâm cởi mở, lắng nghe ở chiều sâu của cảm nghiệm chứ không chỉ dừng ở bề mặt của ngôn từ.
Vì thế, khi bàn về đối thoại liên tôn, cùng với những thông tin, sự kiện, suy nghĩ từ góc nhìn của người công giáo, cũng cần và cũng nên lắng nghe những suy nghĩ và kinh nghiệm về đối thoại liên tôn từ góc nhìn của những anh chị em thuộc các tôn giáo khác, cụ thể là của Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Tây Tạng. Ngoài ra, những suy tưởng và cảm nghiệm của Thomas Merton trong lãnh vực này cũng mong được giới thiệu, vì tầm ảnh hưởng của ông trong đời sống tâm linh của rất nhiều người, và vì ông vẫn được coi là nhịp cầu giữa linh đạo phương Tây và linh đạo phương Đông.
Tất cả đều được trích dịch từ cuốn The Gethsemani Encounter, The Continuum Publishing Company, 1997, do Donald W. Mitchell & James Wiseman, O.S.B. thực hiện.
Giới thiệu và chuyển dịch
1. ĐỐI THOẠI VÀ HIỆP NHẤT TỪ VIỄN TƯỢNG PHẬT GIÁO (Hòa thượng Havanpola Ratanasara)
2. HÀI HÒA TÔN GIÁO VÀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN (Đức Dalai Lama)
3. THOMAS MERTON, NGƯỜI CỦA ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN (James Conner, O.C.S.O.)
* * * * *
ĐỐI THOẠI VÀ HIỆP NHẤT TỪ VIỄN TƯỢNG PHẬT GIÁO (Hòa thượng Havanpola Ratanasara)
Trong tác phẩm Bước qua ngưỡng cửa hi vọng, Đức Gioan Phaolô II đưa ra những nhận định tôi hoàn toàn đồng ý trong tư cách là một Phật tử: “Điều liên kết chúng ta lớn hơn nhiều so với những gì ngăn cách chúng ta… Cần phải rũ bỏ những thói quen cũ kỹ, khuôn mẫu. Và trên hết mọi sự, cần nhìn nhận “sự hiệp nhất vốn đã có rồi”. Lịch sử đối thoại liên tôn trong hơn ba thập niên qua cung cấp cho chúng ta những bằng chứng đầy khích lệ, khẳng định nhận xét của Đức giáo hoàng về “sự hiệp nhất vốn đã có rồi”. Tuy nhiên, cuộc đối thoại liên tôn chính thức không hoàn toàn phát xuất từ hư không. Cuộc đối thoại ấy đã xuất hiện từng bước nhằm đáp ứng nhu cầu và khát vọng của cộng đồng nhân loại rộng lớn hơn, trong đó những người thực hành tôn giáo cũng là thành viên. “Sự hiệp nhất vốn đã có” mà Đức giáo hoàng nói đến là chính sự sống của cộng đồng nhân loại. Đàng khác, sự hiệp nhất có trước này phải được nhìn nhận và phải có những bước đi tích cực để thực hiện sự hiệp nhất đó trong xã hội. Do đó, thật đáng khích lệ khi cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Phật giáo đã được bắt đầu từ 30 năm nay và vẫn tiếp tục phát triển.
Lược sử về đối thoại liên tôn
Ở đây tôi chỉ nói đến kinh nghiệm tại Los Angeles vì là nơi tôi quen thuộc nhất. Hầu như ngay từ đầu, cuộc đối thoại đã bao gồm Phật giáo, An giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo. Los Angeles thực sự là một cộng đồng mang tính toàn cầu, cho nên cung cấp một môi trường lý tưởng cho cuộc đối thoại trên. Mọi truyền thống Phật giáo, với ngôn ngữ và tập quán riêng, đều có mặt trong cuộc đối thoại này.
Tuy nhiên cuộc đối thoại chính thức đòi hỏi phải có người làm chất xúc tác và chính Giáo hội công giáo đã đóng vai trò đó. Ngay từ năm 1964, trong thông điệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam Suam, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại liên tôn, một lập trường sau này được khai triển rõ hơn trong Nostra Aetate, là sắc lệnh khuyến khích đối thoại liên tôn và đưa ra sự thay đổi nền tảng trong cách nhìn của Giáo hội về các tôn giáo khác. Ngay lập tức, cộng đồng Công giáo ở Los Angeles đã làm theo những chỉ dẫn của sắc lệnh Nostra Aetate. Năm 1969, Tổng giáo phận Los Angeles, cùng với các vị đại diện cộng đồng Do Thái giáo, thành lập Hội Đồng Liên Tôn Nam California (ICSC). Năm 1971, các cộng đồng Phật giáo tham gia, và hội đồng này trở thành tâm điểm cho cuộc đối thoại liên tôn ở Los Angeles. Năm 1974, Tổng giáo phận hình thành Uy Ban Đối Thoại Đại Kết và Liên Tôn (CEIA) để phối hợp và đẩy mạnh mối quan hệ với các tôn giáo khác. Công việc của những tổ chức này vẫn đang tiếp tục, bảo trợ cho những cuộc đối thoại chính thức, đồng thời không kém quan trọng là những cuộc gặp gỡ không chính thức giữa những tổ chức tôn giáo tham gia vào Hội đồng. Những hoạt động này đã thúc đẩy đáng kể sự hiểu biết lẫn nhau và làm giảm bớt những xung đột giữa các cộng đồng tôn giáo trong khu vực.
Qua những sáng kiến của cả Hội Đồng Liên Tôn cũng như Uy Ban Đối Thoại, những cuộc trao đổi rất ý nghĩa với cộng đồng Phật giáo đã được tiến hành. Sự kiện nổi bật trong tiến trình này là chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II tại Los Angeles năm 1987. Rồi đến năm 1989, cuộc đối thoại giữa Công giáo và Phật giáo bắt đầu, đánh dấu mối quan hệ chính thức giữa Công giáo và Phật giáo.
Tôi cho rằng điều có ý nghĩa nhất là cuộc đối thoại chính thức này đã xác nhận những gì đã diễn ra trong 20 năm qua, dù chưa chính thức. Những gặp gỡ không chính thức này vẫn tiếp tục cùng với những cuộc đối thoại chính thức. Điều đó có nghĩa là việc đối thoại giữa các tôn giáo không chỉ là điều phải làm do lệnh từ trên xuống, nhưng thực sự là sự thể hiện tình huynh đệ và sự tôn trọng lẫn nhau. Như một tài liệu của Hội Đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn đã viết: “Đối thoại không phát sinh từ chủ nghĩa cơ hội tính toán chiến thuật ở từng thời điểm, nhưng từ những lý do mà kinh nghiệm và suy tư, kể cả những khó khăn, đã cho thấy”.
Cũng thật đáng khích lệ là cuộc đối thoại liên tôn ở tầm vóc quốc tế. Năm 1979, Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội lần đầu tiên cho xuất bản Guidelines on Dialogue with People of Living Faiths and Ideologies. Trong phần phụ lục của ấn bản lần thứ tư, tôi đếm được 75 cuộc gặp gỡ quốc tế đã được tổ chức từ năm 1969 đến 1989. Năm 1995, Hội Đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn đã tổ chức hội nghị Phật giáo và Kitô giáo tại Đài Loan. Trong hội nghị đó, có 10 học giả Kitô giáo và 10 học giả Phật giáo, 4 thành viên của Hội Đồng Tòa Thánh, rất nhiều các tu sĩ nam nữ Phật giáo cũng như các giám mục công giáo tại Đài Loan. Các học giả tham dự đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Sri Lanka, Thái Lan, Italia và Hoa Kỳ. Đối với tôi, một hội nghị quốc tế ở cấp cao như thế là bằng chứng về sự phát triển đối thoại giữa các tôn giáo.
Để tiếp tục đối thoại
Có lẽ lỗi lầm duy nhất mà chúng ta có thể phạm phải ngày nay là tự cho phép mình lạc quan thái quá. Đúng là qua nẻo đường đối thoại, chúng ta đã làm được nhiều điều, nhưng vẫn còn đó những chướng ngại đáng kể về lâu về dài. Trở ngại trước hết và lâu dài nhất cho đối thoại là quan niệm của một số người trong những tôn giáo khác nhau, cho rằng nhờ tham gia vào cuộc đối thoại, họ có thể thỏa hiệp niềm tin của mình. Đây chính là mối quan tâm tôi muốn bàn đến cách riêng.
Đức Gioan Phaolô II đưa ra một nhận định khác mà bất cứ Phật tử nào cũng phải đồng ý với ngài, nhận định làm nên nguyên tắc quan trọng để việc đối thoại có thể tiến triển: “…có nền tảng cho đối thoại và sự tăng trưởng hiệp nhất, sự tăng trưởng này có được cùng với việc chúng ta có thể vượt qua những chia rẽ, những chia rẽ mà phần lớn phát sinh từ ý tưởng cho rằng người ta có thể độc quyền chân lý”. Đối với một Phật tử, niềm tin của họ không ngăn cản việc đối thoại với các tôn giáo khác vì Phật giáo không phải là một hệ thống tín điều, cũng không phải là một học thuyết về “cứu độ” như người ta thường hiểu trong các tôn giáo hữu thần. Đức Phật cổ võ các đồ đệ đừng chấp nhận bất cứ điều gì dựa trên niềm tin mù quáng, kể cả lời của ngài. Tốt hơn, họ phải tự mình lắng nghe và khảo sát giáo huấn để chính họ xác tín vào chân lý.
Một lần kia, khi Đức Phật đến thăm ngôi làng, dân địa phương – gọi là Kalamas – tìm đến xin ý kiến của ngài. Thời đó, các bậc thầy và các nhà khổ tu thỉnh thoảng đến thăm làng. Họ không ngần ngại loan báo những lý thuyết triết học và tôn giáo của họ cũng như phi bác học thuyết của những người khác. Đức Phật đã khuyên dân chúng như sau: “Hỡi các Kalamas, các bạn nên nghi ngờ, hoài nghi… Đừng để mình bị dẫn dắt bởi những tường trình hay những truyền thống hoặc nghe nói lại. Đừng để mình bị dẫn dắt bởi uy thế của những bản văn tôn giáo, hoặc những lập luận hoặc dáng vẻ bên ngoài; cũng như những ý kiến chuyên môn hay ý nghĩ rằng ‘Nhà khổ tu này là bậc thầy của chúng ta’. Tốt hơn, khi chính các bạn biết những điều này là sai, không hoàn toàn đúng, những điều được các nhà khôn ngoan chuẩn nhận nhưng khi đem ra thực hiện lại dẫn đến tai hại, thì các bạn hãy bỏ đi. Và khi chính các bạn biết điều gì đó là đúng, là tốt, được những người khôn ngoan chuẩn nhận và khi đem ra thực hiện, nó đem đến ích lợi và hạnh phúc, thì các bạn hãy giữ lấy”.
Điều mà giáo huấn của Đức Phật ban tặng là: giáo huấn của ngài là sự trợ giúp chúng ta có thể sử dụng cho đến khi ta có thể tự mình bước đi trên con đường giải thoát và giác ngộ. Đức Phật so sánh giáo thuyết của ngài như con thuyền người ta dùng để vượt biển hồ, và khi đã sang được bờ bên kia thì bỏ lại đằng sau. Thật là phi lý nếu đã lên bờ mà còn tiếp tục “chèo” thuyền! Bám chặt vào học thuyết vì chính nó thì cũng phi lý như thế, dù đó là học thuyết tôn giáo hay chính trị hay ý thức hệ. Do đó, Phật tử không cần phải sợ “mất” đức tin của mình khi tiếp xúc với đức tin của những anh chị em khác.
Bây giờ, để thúc đẩy đối thoại, tôi xin trình bày hai điểm. Trước hết, không nên phóng đại hoặc tạo ra những khác biệt giữa các niềm tin tôn giáo khi nó không có. Ví dụ, trong cuốn Bước qua ngưỡng cửa hi vọng, Đức Gioan Phaolô II mô tả cứu độ luận Phật giáo là “hầu như hoàn toàn tiêu cực” dẫn đến “tình trạng hoàn toàn dửng dưng”[1]. Thế nhưng đây là điều rất xa lạ với quan điểm Phật giáo. Thật thế, chính vì tình yêu thương nhân loại mà Đức Phật đã cống hiến 45 năm cuộc đời để giảng dạy. Ngài cũng không ngần ngại dấn thân vào cái mà ngày nay gọi là “những vấn đề xã hội”. Có lần ngài đã ngăn chặn một cuộc tranh chấp về sở hữu đất đai đến độ có nguy cơ trở thành cuộc xung đột có vũ trang. Và nhiều truyền thống Phật giáo nhấn mạnh lý tưởng bồ tát. Nghĩa là một người dù đã đạt đến tình trạng giải thoát nhưng vẫn nguyện ở lại trong vòng sinh tử (samsara) cho đến khi mọi sinh linh được giác ngộ. Cho nên ít ra là từ quan điểm Phật giáo, khó có thể hình dung một lối sống nào vị tha hơn thế.
Thứ hai, chúng ta phải thẳng thắn khi nói đến những khác biệt cũng như chân thành khi bàn đến những điểm giống nhau. Đôi khi những Phật tử được trọng vọng trong các cộng đồng Phật giáo và lời lẽ của họ được xem là có uy quyền, nhưng lại quên mất nguyên tắc này. Vì nhiệt thành (nhưng lại không đúng đắn) thúc đẩy bầu khí đối thoại, họ trình bày sai lập trường Phật giáo vì muốn cho nó dễ phù hợp hơn với các tôn giáo khác. Nỗ lực giảm bớt những nguyên lý căn bản của nhà Phật như thế lại dẫn đến hậu quả trái nghịch, vì làm cho người khác đưa ra những ý kiến về Phật giáo dựa trên những điều họ đã nghe và họ tin là đúng. Đang khi đó, những ý kiến trên lại bị các Phật tử cho là sai lạc và không trung thực về Phật giáo.
Điều tôi muốn nói ở đây là những quy tắc đúng đắn trong nghiên cứu mà mọi người tham gia đối thoại nên nhìn nhận và trân trọng. Khi những người không phải là Phật tử đưa ra ý kiến về Phật giáo, họ nên nghiên cứu cho kỹ lưỡng trước. Những lời phê bình thiếu chính xác không những gây phản cảm mà còn có thể tạo thái độ coi thường. Cuộc đối thoại chân chính chỉ có được trong bầu khí tôn trọng lẫn nhau trên nền tảng bình đẳng. Đương nhiên cũng phải nói như thế khi Phật tử muốn trình bày về Kitô giáo hay những tôn giáo khác. Đồng thời tất cả chúng ta cần phải tạo một môi trường cởi mở, nơi đó các tham dự viên được tự do trình bày ý tưởng và quan điểm mà không sợ bị loại trừ. Điều có thể xảy ra là một vài cộng đồng tôn giáo chỉ mới tham gia đối thoại, do đó cảm thấy mình như phải “câm lặng” khi người khác đưa ra những phê bình mà mình thấy là không đúng và không công bằng. Đó là lý do tại sao các đại diện các tôn giáo cần ý thức về những nhu cầu đặc biệt của những người khác.
Là Phật tử, chúng tôi không thể nhắm mắt trước cái ác và sự bất công trên thế giới. Cũng như các bạn Kitô hữu, chúng tôi có lập trường rõ ràng. Dĩ nhiên khi chúng ta đồng ý với nhau, thật dễ để có lập trường chung. Đức giáo hoàng hiện tại và những vị tiền nhiệm đã ban hành những thông điệp mạnh mẽ lên án những bách hại tôn giáo và chính trị, cũng như phê phán sự bóc lột trong các hệ thống kinh tế dù là tư bản, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa. Và các Phật tử là những người đầu tiên đồng ý với lập trường trên. Thế nhưng cái khó là khi chúng ta bất đồng với nhau. Và tôi coi đây là chướng ngại lớn thứ hai trong đối thoại liên tôn. Tôi muốn nói đến điều mà ai cũng biết nhưng lại rất dễ quên, đó là : những lời khó nghe, một khi đã nói ra, lại không rút lại được. Nó vẫn ở đâu đó, đầu độc bầu khí đối thoại, và chỉ cần ít giây để nói thôi nhưng những lời lẽ ấy có thể phá đổ những nỗ lực phải mất bao năm mới thực hiện được. Đàng khác chúng ta không thể và sẽ không bao giờ hoàn toàn đồng ý với nhau. Không ai trong chúng ta hi vọng rằng tất cả mọi người sẽ chấp thuận và luôn luôn như thế. Như Đức Phật đã nhắc nhở: “Đã và sẽ không bao giờ có một ai hoàn toàn được ca tụng hoặc hoàn toàn bị nguyền rủa.”
Suy nghĩ về chướng ngại thứ hai này cũng cho thấy lý do then chốt làm cho đối thoại liên tôn trở thành quan trọng đối với mọi người, kể cả các Phật tử trong thế giới ngày nay. Trong cuốn Guidelines on Dialogue, tác giả ghi nhận rằng: “Thật dễ để thảo luận về các tôn giáo, kể cả các ý thức hệ, như thể chúng hiện diện trong một khung cảnh hoàn toàn yên tĩnh, tách biệt với những chia rẽ, xung đột và khổ đau sâu sắc của nhân loại”. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng tôi và tất cả các Phật tử cũng đồng ý với tác giả khi gợi ý rằng: “Các tôn giáo và ý thức hệ đã thường xuyên góp phần vào sự tan rã của các cộng đoàn và những đau khổ của những người thuộc về các cộng đoàn ấy”. Những khác biệt tôn giáo đã thành lý do ăn sâu và có sức tàn phá nhất. Nếu chúng ta, những đại diện của hai tôn giáo lớn trên thế giới – Công giáo và Phật giáo – có thể cho thế giới thấy là chúng ta hiệp thông với nhau, thì chính họ có thể cũng khám phá ra rằng vậy tại sao mình lại không thể làm như thế. Đây là nhiệm vụ có thật và quyết liệt của đối thoại liên tôn ngày nay. Cho nên, khi ta quy tụ lại đây để bàn luận về đời sống thiêng liêng, đừng quên bối cảnh thế giới ta đang sống. Đó là bối cảnh của chia rẽ và bạo lực. Đó là bối cảnh cần thực hiện sự “hiệp nhất” mà Đức Gioan Phaolô II nói đến.
Trong Bát chánh đạo của nhà Phật có chánh ngữ. Bằng việc thực hành chánh ngữ trong cuộc đối thoại này, chúng ta có thể cống hiến cho thế giới một mẫu gương. Nhiều vấn đề đang ám ảnh chúng ta, thật ra là toàn thế giới: môi sinh, khủng bố quốc tế, nhân quyền, bạo lực, công bằng xã hội, và những điều tương tự. Mọi cộng đồng tôn giáo đều bị chi phối bởi những vấn đề này. Câu hỏi duy nhất là: Chúng ta đáp ứng được gì? Chúng ta có chọn con đường đối thoại dẫn đến một thế giới hiệp nhất và hòa bình hơn không?
Để khích lệ cuộc đối thoại của chúng ta theo hướng đi này, tôi chỉ muốn tập trung vào một trong những vấn đề trên, vấn đề mà các đại diện tôn giáo đều quan tâm, đó là sự bất khoan dung và bách hại tôn giáo. Tình trạng này không những không biến mất mà còn đang trong chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới qua những biến cố gần đây, ngay tại Hoa Kỳ. Ví dụ, vụ đốt cháy một ngôi nhà thờ của các Kitô hữu mới đây. Nhà Trắng đã lên tiếng và cảnh báo tình hình có thể lan rộng. Vào đúng ngày tôi đang chuẩn bị cho bài nói chuyện này, tình cờ liếc qua tờ nhật báo, tôi thấy ngay trên trang nhất một hình ảnh thật đau lòng: vị mục sư người da đen đã 92 tuổi, đứng trước ngôi nhà thờ bị thiêu hủy ở Boligee, Alabama.
Là một Phật tử, tôi hết sức đau lòng khi nhìn thấy những gì xảy ra cho các anh chị em Kitô hữu của mình. Tôi nhớ lại lời Đức Phật: “Bất cứ ai làm hại người vô tội thì chính cái ác sẽ quay lại hủy hoại họ”. Khi nhìn thấy những cảnh tượng như trên, thật khó lòng tha thứ cho kẻ thủ ác dù biết rằng mình phải tha thứ. Đức Phật dạy các tăng nhân rằng: “Cho dù bọn cướp bóc có băm chặt các ngươi thành từng mảnh, nhưng nếu ai trong các ngươi giữ lòng hận thù với họ thì không nên đi theo giáo huấn của ta”.
Là Phật tử, tôi không biết chắc Đức Kitô có chữa lành người bệnh, cho người mù thấy được, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại hay không. Nhưng tôi biết chắc chắn là ngài không làm cho ai phải què quặt, mù lòa hay câm điếc; ngài cũng không bao giờ giết ai. Ít nhất ngài cũng là con người đức độ, tốt lành, giầu thương cảm. Thật vậy, ngài cũng giống như Đức Phật và dạy chúng ta phải sống như thế. Kể cả khi chúng ta (và tôi nói đây không chỉ với tư cách là Phật tử nhưng với tư cách là một con người) tự hỏi liệu mình có thể tha thứ cho những kẻ làm hại mình, đánh đập mình, sỉ nhục mình hoặc đốt nhà thờ của mình…hay không, thì phải nhớ rằng chính Chúa Kitô đã không hề có ý tưởng nào khác hơn đối với những kẻ bắt bớ, đánh đập, kể cả giết chết ngài. Từ thập giá, ngài tha thứ cho họ tất cả. Vậy chúng ta có thể làm ít hơn sao?
Và đây chính là lý do chúng ta phải tiếp tục đối thoại, phải nói với nhau. Không nói với nhau thì vẫn giữ mãi sự giận dữ, oán hờn, rồi theo thời gian biến thành thù nghịch và xung đột. Như Đức Phật nhắc nhở chúng ta: “Những ai cứ nuôi trong lòng những ý tưởng như ‘nó ngược đãi tôi, đánh tôi, nó hạ nhục tôi, nó tước đoạt của tôi’ thì sự thù ghét cứ còn mãi chứ không nguôi ngoai”. Trong một câu nói thường được trích dẫn, Đức Phật dạy rằng “Lấy oán thù đáp trả oán thù thì không bao giờ hết oán thù trong thế giới này; chỉ có tình yêu mới chấm dứt oán thù. Đây là luật vĩnh cửu”. Và Đức Giêsu lại không nói như thế sao: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại anh em”? Trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, chúng ta đọc thấy: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa… hãy lấy sự lành mà chống lại và chiến thắng cái ác”. Câu hỏi đặt ra bây giờ là: “Đâu là những nẻo đường thiêng liêng mà truyền thống của chúng ta – Kitô giáo và Phật giáo – mời gọi chúng ta đi theo để tiếp nối dấu chân thiêng liêng của các vị sáng lập?” Đây là sự minh triết tâm linh mà chúng ta phải cống hiến cho thế giới hôm nay.
Kết luận
Đức Gioan Phaolô II xác tín rằng điều liên kết chúng ta thì lớn hơn nhiều những gì tách biệt chúng ta. Xác tín đó là nền tảng cho việc xây dựng một thế giới hiệp nhất hơn, ở đó mọi niềm tin tôn giáo đều cảm thấy thoải mái như ở nhà mình. Là một Phật tử, tôi tin rằng Phật giáo là tôn giáo “phổ quát” theo nghĩa là Phật giáo quan tâm đến thân phận nền tảng của con người, nhất là vấn đề đau khổ. Đức Phật nói rằng: “Tôi dạy về đau khổ và sự chấm dứt đau khổ”. Theo đó, Phật giáo giống Kitô giáo vì Kitô giáo cũng rất quan tâm đến vấn đề đau khổ. Như Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta: “Thập giá vẫn còn đó bao lâu trái đất còn quay”. Đối với Kitô hữu, nhận xét này đã khiến các nhà thần học đi tìm câu trả lời cho vấn nạn khó khăn nhất: Hiển nhiên là có đau khổ trong thế giới này, vậy làm sao Thiên Chúa lại có thể cho phép nó hiện hữu? Phật tử không phải là không biết và không quan tâm đến câu hỏi này, đến thực tế của cái ác và đau khổ. Nhưng đối với chúng tôi, câu hỏi không phải là làm sao Thiên Chúa lại cho phép có đau khổ, nhưng là chúng ta sẽ làm gì về vấn đề đau khổ?
Trong hướng đi đó, chúng tôi không có ý đề nghị mọi người phải thành Phật tử nhưng đúng hơn là, vì ai cũng quan tâm đến vấn đề nền tảng mà Phật giáo quan tâm, nên mọi người đã là “Phật tử” rồi dù họ chấp nhận hay không tên gọi đó. Mọi truyền thống tâm linh đều có sự khôn ngoan để chia sẻ về những gì chúng ta nên làm. Chẳng hạn tôi ghi nhận ở đây một nhận định của hồng y Arinze, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn. Một trong những cử chỉ thân thương của Giáo hội công giáo là gửi thư cùng với lời chúc mừng lễ Vesakh. Vesakh là ngày các Phật tử tưởng nhớ ngày sinh, sự giác ngộ, và ngày qua đời của Đức Phật. Đúng theo tinh thần của Đấng sáng lập, trong suốt lịch sử của mình, Phật giáo nổi tiếng về sự khoan dung đối với các niềm tin và những giá trị khác. Tuy nhiên Đức hồng y nhắc nhở chúng tôi: như thế mà thôi chưa đủ. Ngài nói: “Xã hội đa nguyên mà chúng ta đang sống còn đòi hỏi nhiều hơn sự khoan dung đơn thuần. Khoan dung thường được hiểu như thích nghi với người khác hay như một quy tắc ứng xử cho lịch sự. Thế nhưng thái độ này không tạo nên bầu khí đúng đắn cho sự sống chung hài hòa thực sự. Tinh thần tôn giáo đòi hỏi chúng ta vượt lên cao nữa. Chúng ta phải “yêu tha nhân như chính mình”. Và Đức Phật khuyến khích chúng ta: “Hãy thắng giận dữ bằng tình yêu; thắng cái ác bằng sự thiện; thắng hà tiện bằng sự cho đi; thắng gian dối bằng chân lý”.
Tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ ai cũng đau khổ và mối quan tâm hàng đầu trong đời sống thiêng liêng của chúng ta là chấm dứt đau khổ cho chính mình và cho thế giới; đó chính điều mà ta gọi là giải thoát. Như Đức Dalai Lama nói: “Tôi không quan tâm đến việc lôi kéo người khác vào Phật giáo nhưng quan tâm đến việc làm thế nào Phật giáo có thể góp phần cho xã hội loài người, theo những lý tưởng của chúng ta”. Với mục đích đó, Phật giáo sẵn sàng đối thoại để nhờ đó chúng ta có thể góp phần vào việc biến đổi nhân loại về mặt tinh thần, vốn là điều hết sức cần thiết trong thế giới hôm nay.
HÀI HÒA TÔN GIÁO VÀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN (Đức Dalai Lama)
Hài hòa tôn giáo
Nhu cầu về linh đạo là điều hiển nhiên. Tôi cho rằng bao lâu còn có con người, bấy lâu người ta vẫn cần đến một thứ linh đạo nào đó. Có thể là không cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng ít nhất là cho hằng triệu con người. Do đó ngày nay đang có mối quan tâm và nhu cầu rất lớn về linh đạo. Đồng thời cũng rõ ràng là nhân danh những truyền thống tôn giáo, ngày càng có nhiều chia rẽ hơn trong nhân loại, trong một số trường hợp còn dẫn đến xung đột và đổ máu. Không chỉ trong quá khứ nhưng cả trong hiện tại, điều đó vẫn xảy ra. Thật là đáng tiếc, rất đáng tiếc! Do đó, một đàng, các truyền thống tôn giáo vẫn có giá trị. Nhưng đàng khác, đôi khi có những chuyện đáng tiếc xảy ra do những truyền thống tôn giáo này. Vậy cần phải duy trì các truyền thống tôn giáo, đồng thời cố gắng giảm thiểu tối đa những xung đột phát sinh từ những hoàn cảnh khác nhau.
Rõ ràng là dù có những quan điểm và triết lý khác nhau, các truyền thống tôn giáo đều có tiềm năng lớn trong việc giúp nhân loại thăng tiến hạnh phúc trong cuộc sống. Điều hiển nhiên là nhân loại thật rộng lớn với biết bao loại người với những trạng thái tinh thần khác nhau, cho nên cũng cần có nhiều truyền thống tôn giáo. Tôn giáo cũng giống như các liều thuốc. Điều quan trọng là chữa lành đau khổ cho con người. Khi cho thuốc, vấn đề không phải là thuốc nào mắc tiền nhưng là thuốc nào có thể chữa lành bệnh nhân. Tương tự như thế, có nhiều tôn giáo khác nhau với những truyền thống và triết lý khác nhau, nhưng mục đích của mỗi tôn giáo đều là chữa lành những khổ đau và bất hạnh của con người. Ở đây cũng thế, vấn đề không phải là tôn giáo nào cao hơn tôn giáo nào, nhưng là tôn giáo nào đem đến phương dược chữa lành cho con người cụ thể.
Là một tu sĩ Phật giáo, người thực hành Phật pháp, tôi hiểu được tầm quan trọng của sự thích nghi tôn giáo cho phù hợp với tâm trạng của từng người. Ví dụ trong Phật giáo tiểu thừa, có những cách nhìn khác nhau về thực tại. Trong lịch sử Phật giáo cũng thế, có những giải thích khác nhau về vô ngã (anatma). Có cách giải thích của những trường phái như Vaibhashika, Sautrankita, Yogacara và Madhyamika. Cũng thế, ngay trong trường phái Vaibhashika, có đến 18 ngành. Trong Pratimoksha tức là quy luật tu tập, cũng có nhiều khác biệt như thế.
Mỗi cách giải thích của mỗi trường phái đều dựa trên giáo huấn của Đức Phật được ghi lại trong các kinh tạng. Xem ra chỉ có một thầy là Đức Thích Ca Mâu Ni nhưng lại tạo ra nhiều mâu thuẫn nơi các đệ tử. Chắc chắn đây không phải là sự lẫn lộn mâu thuẫn trong giáo huấn của ngài. Chúng tôi tin rằng Đức Thích Ca Mâu Ni là đấng giác ngộ. Do đó phải kết luận rằng ngài cố tình dạy những triết lý khác nhau tùy theo tâm trạng của mỗi đệ tử.
Như thế, đứng từ truyền thống của chúng tôi, có thể thấy được tầm quan trọng của tâm trạng mỗi người trong việc quyết định xem truyền thống tôn giáo nào là tốt nhất cho họ. Đây không phải là vấn đề quyết định xem cách giải thích nào đúng, cách giải thích nào sai, và đi theo cái đúng. Không thể nói như thế. Ngay cả Đức Phật cũng không dạy như vậy. Cho nên đối với một số người, cách tiếp cận hay phương pháp của Kitô giáo có hiệu quả hơn. Đối với những người Hồi giáo, cách tiếp cận của họ lại tốt hơn. Chúng ta không thể nói “Tôn giáo này tốt hơn, tôn giáo kia không tốt”. Tuy nhiên trên bình diện cá nhân, chúng ta có thể nói tôn giáo nào tốt cho chúng ta. Chẳng hạn, Phật giáo là tốt nhất cho tôi. Chắc chắn là thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Phật giáo tốt cho mọi người. Ngay trong Phật giáo, triết lý Madhyamika, và cách riêng là trường phái Prasangika của Madhayamika, tốt nhất cho tôi. Nhưng tôi không thể nói là nó cũng tốt cho tất cả mọi người.
Chính trên nền tảng này xuất hiện điều tối quan trọng là phải trân trọng mọi truyền thống tôn giáo trên thế giới, cách riêng là những truyền thống tôn giáo lớn. Tôi cho rằng có đủ lý do để tôn trọng và trân trọng tất cả những truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới.
Đối thoại liên tôn
Chính trong bối cảnh trên mà tôi gặp Thomas Merton. Sau cuộc gặp gỡ ông, thái độ của tôi đối với Kitô giáo đã thay đổi nhiều. Tôi luôn xem ông như nhịp cầu giữa Phật giáo và Kitô giáo. Cho nên cái chết đột ngột của ông, đối với tôi, là sự mất mát lớn. Bây giờ khi chúng ta tưởng nhớ ông, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải hoàn thành ước nguyện của ông. Tôi cho rằng với cuộc đối thoại hôm nay, chúng ta đang hoàn thành một trong những ước nguyện của ông.
Tôi luôn nói với cử tọa rằng đối thoại liên tôn có thể gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các truyền thống tôn giáo. Hình thức đối thoại thứ nhất là sự gặp gỡ của các học giả mang tính học thuật nhằm làm sáng tỏ những khác biệt và những điểm giống nhau giữa các truyền thống. Hình thức thứ hai là sự gặp gỡ giữa những người thực hành chân chính trong mỗi truyền thống tôn giáo. Đối với tôi, đây là điều rất rất quan trọng. Cụ thể là cuộc gặp gỡ của tôi với Thomas Merton.
Hình thức thứ ba của đối thoại là những cuộc hành hương của các tín đồ thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau. Họ có thể đi chung với nhau thành nhóm để hành hương đến những nơi thánh của những truyền thống tôn giáo khác nhau. Khách hành hương nên cầu nguyện chung với nhau nếu có thể; nếu không, họ có thể tĩnh niệm. Đây là cách thế hiệu quả để hiểu được giá trị và sức mạnh của các truyền thống tôn giáo. Bản thân tôi đã đi hành hương như thế. Là Phật tử, tôi không có mối liên hệ đặc biệt nào với Giêrusalem. Nhưng tôi tin là mọi truyền thống tôn giáo đều có tiềm năng rất lớn, với niềm tin đó, tôi đã đến Giêrusalem như khách hành hương.
Hình thức thứ tư của đối thoại là cuộc gặp gỡ giống như “Ngày cầu nguyện cho hòa bình” ở Assisi năm 1986. Ở đó, các vị lãnh đạo tôn giáo cùng đến và chia sẻ với nhau ít lời. Điều đó cũng rất hữu ích. Trong mắt nhìn của hằng triệu người, cuộc gặp gỡ đó rất hữu ích. Tôi nghĩ cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây cũng có tầm quan trọng tương tự vì tạo nên một bầu khí, nơi đó các vị lãnh đạo tôn giáo có thể thảo luận với nhau những vấn đề then chốt.
Tôi cho rằng ở đây đang diễn ra hai hình thức đối thoại đầu tiên. Hôm qua, các học giả Jeffrey Hopkins và Donald Mitchell đã có bài thuyết trình. Bài thuyết trình của Mitchell về triết lý Kitô giáo thật tuyệt vời! Cả hai bài thuyết trình đều rất hay. Các học giả còn trình bày vấn đề trong tư cách những hành giả, cho nên vượt lên trên mức độ học thuật. Thật là hữu ích.
Rồi hôm nay là những bài thuyết trình về kinh nghiệm tôn giáo, cách riêng là những câu hỏi và trả lời về việc làm sao để đối mặt với sự giận dữ. Tôi thấy phần thảo luận này đúng là một mẫu mực cho sự đối thoại tâm linh. Cả Kitô hữu lẫn Phật tử đều nhận ra rằng giận dữ là cái gì đó mang tính tiêu cực. Cả hai đều chế ngự giận dữ cho dù với những phương pháp khác nhau. Người Kitô hữu tin vào Chúa và với niềm tin đó, họ cố gắng vượt qua giận dữ. Các Phật tử lại có cách thế khác. Nhưng vẫn cùng một mục tiêu. Vì thế tôi cho rằng hình thức trao đổi qua những câu hỏi và trả lời thế này là con đường thích hợp cho việc đối thoại.
Chúng ta không đến đây để quảng cáo tôn giáo của mình, và chắc chắn là không để tranh đua. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên có thứ cạnh tranh xây dựng. Các Phật tử nên thực hành trong đời sống những điều họ tin tưởng; các anh chị em Kitô hữu cũng nên thực hành giáo huấn của đạo mình. Như thế, chúng ta có sự tranh đua. Vì mỗi bên đều muốn trở thành những người thực hành đạo tốt, cho nên không có tai hại gì trong cuộc tranh đua đó, đúng ra là có tính xây dựng. Đàng khác, chỉ nói rằng thực hành của tôi tốt hơn những đạo khác, điều đó chẳng ích lợi gì. Đó là niềm tin, cảm nhận căn bản của tôi về sự gặp gỡ giữa các truyền thống tôn giáo.
THOMAS MERTON, NGƯỜI CỦA ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN (James Conner, O.C.S.O.)
Khi Thomas Merton bắt đầu quan tâm đến Phật giáo thì không chỉ vì quan tâm đến đời sống thần bí. Đúng ra nó bắt nguồn từ mối quan tâm lớn của ông về con người, về nhân vị. Khi bắt đầu theo học ở đại học Columbia và tiếp xúc với tư tưởng của Gilson, Maritain, những suy tưởng và bài viết của ông đã hướng đến nhân vị rồi. Sau này khi bắt đầu nghiên cứu thần bí học, ông lại trở lại chủ đề này để khai thác mối tương quan giữa nhân vị và các ngôi vị thần linh. Trong một lá thư gửi cho John Wu năm 1965, ông viết:
“Ở mọi bước ngoặt của đời sống, chúng ta lại quay về với câu hỏi lớn là câu hỏi về nhân vị xét như vô ngã (void, not-I) chứ không như một cá nhân hay cái tôi thường nghiệm. Ở phương Tây, tôi chưa thấy ai đã nghiên cứu về nhân vị để làm sáng tỏ điều này là: cái là chúng ta nhiều nhất lại là cái là chúng ta ít nhất, và ngược lại. Chính cái vô-ngã mới là nhân vị của chúng ta, chứ không phải cái cá thể tính xem ra cụ thể, rõ ràng, v.v. Chính cái xem như thể không hiện diện, cái không, lại là cái tôi thực sự. Và cái tôi xem như thể là tôi lại chỉ là cái không. Thế nhưng phương Tây đã quá quen đồng hóa ngôi vị với cái cá thể và đồng hóa cái tôi ở chiều sâu với cái tôi thường nghiệm, đến nỗi không còn thấy được sự thật căn bản này. Chính cái vô-ngã mới là cái tôi nơi mỗi người chúng ta”.
Thomas Merton viết những dòng này khi bắt đầu trao đổi thư từ với John Wu, chuẩn bị cho việc nghiên cứu Trang Tử. Khi nghiên cứu thực tại về ngôi vị, Merton khám phá ra rằng ông đang bước vào tâm điểm ơn gọi của mình trong đời sống đan tu và ẩn sĩ. Bởi vì ở đó, ông tìm thấy toàn thể tính của Thiên Chúa, của những người khác và của toàn bộ thực tại. Ông nói:
“Dành ưu tiên cho ngôi vị là tôn trọng giá trị độc nhất và bất khả nhượng của người khác (những ngôi vị khác), cũng như của chính mình, vì nếu sự tôn trọng chỉ tập trung vào một cá nhân mà loại trừ những người khác thì là điều lừa bịp”.
Đây là chìa khóa cho toàn bộ kinh nghiệm về suy niệm mà chúng ta quan tâm trong những ngày này. Suy niệm hay thiền định không phải là công việc cá nhân. Đó là cách thế chúng ta tiếp cận với ngôi vị là chính mình, và khi làm như thế, chúng ta cũng tiếp cận những ngôi vị khác và cả tạo thành.
Thomas Merton là đan sĩ Xitô người Mỹ đầu tiên đã tiếp xúc với tư tưởng phương Đông. Dần dần ông nhận ra điều này là phương Đông có cái gì đó mà chúng ta ở phương Tây đã lãng quên hay xem thường, và chúng ta cần đến điều đó để sống đời sống của đan sĩ Kitô giáo. Trong bài viết chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ở Calcutta, ông nói đến điều mà chúng ta cần nhắc lại ở đây:
“Đây không chỉ là vấn đề nghiên cứu hay thuyết trình, workshop, thảo luận nhóm, kể cả đặt ra cơ cấu mới, với kết quả là thu thập thêm những sự kiện về con người, xã hội, văn hóa, tôn giáo. Tôi nói trong tư cách một tu sĩ phương Tây, quan tâm chủ yếu đến ơn gọi đan tu và sự tận hiến của mình. Tôi không rời tu viện đến đây chỉ như một nhà nghiên cứu hay một tác giả. Tôi đến đây như khách hành hương, không chỉ quan tâm đến việc thu thập thông tin hay những sự kiện về các truyền thống tu tập khác, nhưng là để uống tận nguồn những kinh nghiệm tu tập lâu đời. Tôi không tìm kiếm học hỏi thêm (về lượng) các tôn giáo và đời sống tu tập khác, nhưng để chính tôi được trở nên (về phẩm) một đan sĩ tốt lành hơn và giác ngộ hơn”.
Ông cũng chỉ cho chúng ta thấy những điều kiện cần thiết cho sự tìm kiếm này, và cũng là những điều kiện cần thiết cho cuộc gặp gỡ của chúng ta:
“Tôi xác tín rằng việc trao đổi này phải được diễn ra với những điều kiện đời sống tu trì đích thực: tĩnh lặng, thanh thản, tôn kính, tĩnh niệm và bình an”.
Và ông còn nói thêm:
“Tôi nghĩ chúng ta đã đạt đến giai đoạn trưởng thành tôn giáo, cho nên một người nào đó có thể hoàn toàn trung tín với Kitô giáo và với cam kết tu trì trong truyền thống Tây phương, đồng thời học hỏi trong chiều sâu những kinh nghiệm tu tập của Phật giáo hay An giáo. Tôi tin rằng một vài người trong chúng ta cần đến điều đó để gia tăng phẩm chất đời sống tu trì của chính mình, đồng thời để giúp cho việc canh tân đời tu trong Giáo Hội Tây phương”.
Merton nói đến ba mức độ trong cuộc đối thoại liên tôn của các tu sĩ: tiền ngôn từ, ngôn từ, hậu ngôn từ:
“Mức độ ‘tiền ngôn từ’ là mức độ chuẩn bị những dự trạng cần thiết cho bất cứ kinh nghiệm tu tập nào… Ở mức độ ‘ngôn từ’, tu sĩ phải mở rộng ra với đời sống và kinh nghiệm mới, sau khi đã sống trọn vẹn truyền thống tu tập của mình và vượt lên trên nó. Điều đó cho phép người tu sĩ gặp gỡ một người thuộc truyền thống khác và có vẻ xa lạ với mình, để có được mảnh đất chung qua sự hiểu biết lẫn nhau nhờ trao đổi bằng ngôn từ. Mức độ ‘hậu ngôn từ’, ít ra là về mặt lý tưởng, sẽ là mức độ mà cả hai đều vượt lên trên ngôn từ và sự hiểu biết riêng, gặp nhau trong tĩnh lặng của cảm nghiệm tối hậu, cảm nghiệm họ không thể có nếu đã không gặp nhau và nói với nhau… Đây là điều tôi muốn gọi là ‘hiệp thông’. Tôi cho rằng đây chính là điều mà chúng ta khao khát từ thẳm sâu hiện hữu của mình, và là điều gì đó không thể hoàn thành chỉ trong cuộc đời này”.
Sự hiệp thông ấy, Merton đã đạt đến trong chuyến đi cuối cùng của ông đến châu Á. Chính vì sự hiệp thông ấy mà ông có được cảm nghiệm ở Palonnaruwa: “Mọi sự đều là hư không (emptiness), mọi sự đều là từ bi (compassion)”. Cũng vì mối hiệp thông ấy mà ông tìm thấy nơi Dalai Lama tinh thần tương tự: “Tôi tin rằng giữa chúng tôi thực sự có một mối dây liên kết thiêng liêng”. Chính “cái tôi” mà là “vô ngã” đã bước vào mối hiệp thông với những người khác và với cả tạo thành, để cuối cùng khám phá ra rằng “cái ngã” đích thực chỉ tìm được nơi Thiên Chúa.
Merton là người đã sống cuộc đời chúng ta đang sống, ngay tại đây trong chính đan viện Ghetsemani này. Ông đã đối diện với cùng những vấn đề và những phiền toái của đời sống như chúng ta trải nghiệm. Nhưng ông chỉ cho chúng ta con đường, qua đó tất cả mọi sự đều có thể đưa đến điểm tĩnh lặng mà ông cảm nghiệm lúc cuối đời. Ông chỉ cho ta thấy rằng “mọi sự là hư không và mọi sự là từ bi”. Chính vì lý do này mà Thomas Merton đã phát biểu tại Calcutta ít lâu trước khi qua đời: “Anh chị em thân mến, chúng ta đã là một rồi. Nhưng chúng ta cứ tưởng mình không phải là một. Và điều mà chúng ta phải tìm lại chính là sự hiệp nhất nguyên thủy của chúng ta”.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 67 (Tháng 9 & 10 năm 2011)
[1] Đức Gioan Phaolô II đưa ra những nhận xét về Phật giáo từ góc độ lý thuyết về giải thoát, chứ không từ góc độ thực hành từ bi bác ái. Theo đó, ngài cho rằng Phật giáo quan niệm “thế giới này là xấu, là nguồn của bất hạnh và khổ đau cho con người”. Do đó, “Cứu độ tiên vàn là giải thoát khỏi cái ác, sự giải thoát đạt được nhờ hoàn toàn ly thoát khỏi thế giới vốn là nguồn của khổ đau”. Quan niệm này đương nhiên khác với quan niệm của Kitô giáo về giải thoát vì đối với Kitô giáo, “tầm nhìn về thế giới như là sự ác “tận căn” là điều không có ý nghĩa, bởi lẽ ở cội nguồn của thế giới này là Đấng Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương các thụ tạo, Đấng Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi hiến ban Con Một của Ngài, để những ai tin vào con của Ngài thì không bị hư mất nhưng được sống muôn đời” (x. Jean Paul II, Entrez dans l’espérance, Plon-Mame, 1994, 141-147).