Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ đến những người dân trên quần đảo Tonga, những người trong những ngày gần đây đã bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào của một ngọn núi lửa dưới nước, gây thiệt hại đáng kể về vật chất. Tôi gần gũi trong tinh thần với tất cả những người đang bị đau khổ sầu muộn, và tôi cầu xin Chúa xoa dịu những đau khổ của họ. Tôi mời mọi người cùng tôi cầu nguyện cho những anh chị em này của chúng ta”.
Những thiệt hại
Qua các hình ảnh vệ tinh từ không gian, các nhà khoa học cho rằng vụ nổ núi lửa ở Nam Thái Bình Dương vào ngày 15/1 là vụ phun trào lớn nhất trên thế giới trong ba thập kỷ. Vụ phun trào gây ra sóng thần lan đến tận các bờ biển của Mỹ.
Cho đến nay đã có 3 trường hợp tử vong, và nhiều nhà cửa đã bị sóng thần làm hư hại hoặc phá hủy. Nhiều khu vực của Tonga, nơi sinh sống của 105.000 người, bị bao phủ bởi một lớp tro bụi dày và gần như đang bị mất điện và thông tin liên lạc hoàn toàn. Chính quyền địa phương đã báo cáo rằng một số nguồn nước bị ô nhiễm bởi tro, có thể chứa các kim loại nặng như chất asen và cadmium.
Caritas Australia trợ giúp Tonga
Tổ chức từ thiện Công giáo Caritas Australia đang liên hệ với các đối tác của mình ở Tonga để đánh giá tình hình thực tế. Tổ chức này cho biết, “Tro núi lửa đang cản trở các chuyến bay khẩn cấp vào đất nước và thiệt hại về cơ sở hạ tầng viễn thông khiến việc liên lạc với các cộng đồng bị ảnh hưởng trở nên khó khăn”. “Có những lo ngại rằng tro núi lửa và nước mặn ngập do sóng thần có thể làm ô nhiễm nước uống và đe dọa sức khỏe và sự an toàn của các cộng đồng dễ bị tổn thương.”
Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge của Brisbane đã viết trên mạng xã hội rằng ngài đã thay mặt Hội đồng Giám mục Công giáo Úc gửi thư liên đới cầu nguyện tới Đức Hồng y Soane Patita Paini Mafi của Tonga. Ngài nói rằng các cộng đoàn của Úc cầu nguyện cho Tonga vào ngày 16/1. (CNA 19/1/2022)